Menu Close

Trường cải huấn chó

“Dog Reform School” tọa lạc tại thành phố Hampton ở ngoại vi London, chuyên cải huấn những chú chó hung hăng hay cắn lộn hoặc buồn mõm nổi cáu “đốp” một phát vào mặt vào tay chân người khác. Những chú chó từng hiền lành từ thuở bé, được chủ nâng niu yêu thương nhưng tại sao lại bỗng nhiên trở chứng. Bị stress ư? Chó mà cũng bị căng thẳng thần kinh? Cuộc sống của chúng được nuôi ăn, chơi đùa với chủ sao lại bị khùng bất tử? Cho nên người ta phải đưa chúng đi cải huấn, hồi phục lại tính cách của loài chó khôn.

truong-cai-huan-cho
Các chủ nhân đưa chó vào trung tâm cải huấn chó hỗn ở Hampton – Nguồn: Dogreformschool

Mich phải ra hầu tòa. Lúc người ta dẫn nó đến đây, cái mõm bị bịt lại nhưng đôi mắt nó vẫn lóe lên ánh nhìn hung dữ, sẵn sàng lao vào bất cứ nhân chứng nào đang cố ý dồn lời lẽ quy tội nó trước công đường. Với tội trạng 7 vụ tấn công không lý do với người hàng xóm hoặc người đi đường, 4 tội hủy hoại tài sản gia chủ, người bạn thân thiết của nó, luật sư biện hộ đành chào thua. “Bồi thẩm đoàn” đưa ra án phạt: “Chuyển đến trung tâm cải huấn, giam 6 tháng, chịu sự huấn luyện và giám sát thêm 6 tháng nữa để Mich làm lại cuộc đời, trở thành một con chó khôn ngoan”.

truong-cai-huan-cho4
Ở Anh thả chó chạy rong cắn người, chủ bị phạt tiền, còn chó bị nhốt – Nguồn: Getty Image

Ðích thân Robert Horsfall, giám đốc trung tâm cải huấn tiếp nhận Mich sau khi xem qua bản “thành tích” của tòa án dành cho nó. Horsfall xoa đầu Rene, một chú khuyển lúc nào cũng kè kè theo ông, chẳng khác nào người lính bảo vệ thực thụ. Mich vô đến trại giam, miệng còn gầm ghè, muốn nhào thẳng vào Rene làm dữ. Biệt giam 6 tháng, không được ra ngoài chạy nhảy vui đùa cùng đồng loại. Mich phải ngồi ở đó, gặp chuyên viên tâm lý mỗi ngày hai lần để giúp làm cho tinh thần nó được thư thái. Thỉnh thoảng nó được gặp Rene ghé thăm. Rene từng có những thành tích “côn đồ” hơn nhiều so với con Mich. Cắn vào mặt tổng cộng 11 người, trong đó có một đứa phải nằm viện cả tháng do vết thương mất thịt ở cánh tay quá lớn. Một mình Rene dám tấn công cả đám chó nhà hàng xóm vì dành “gái”. Cuộc quần thảo cắn xé vang động khiến không ai dám tới gần, cảnh sát phải bắn một viên đạn gây mê. Nó bị gia đình chủ từ bỏ, cho hẳn luôn trung tâm cải huấn của Horsfall. Và bây giờ sau một năm được dạy dỗ, con chó hỗn Rene ngày nào trở thành một trong những con chó khôn ngoan nhất trong hàng trăm chú khuyển được gia chủ gởi đến nhờ trung tâm huấn luyện.

Khởi đầu Trung tâm cải huấn chó hỗn, là một trung tâm đặc biệt dành cho chó thuộc Liên đoàn quốc gia bảo vệ chó do một tổ chức phi lợi nhuận thành lập. Sau một phiên tòa xử con chó cái giống Labrador retriever, loài chó chuyên săn lượm con mồi mang về cho một chủ nhân làm nghề săn bắn thú rừng. Con Nina bỗng nhiên trở chứng không đi cắn nhặt xác con vật mang về, lại khoái cắn trẻ con. Nó đã cắn hai đứa trẻ một cách dã man rách mặt, mất cằm. Tòa án Hampton phải mở phiên xử chủ nhân của con Nina thả chó chạy rong, không coi sóc để nó cắn người. Chủ thì bị truy tố phạt tiền, còn chó thì bị tống giam. Trong phiên tòa, ông Bernard Workman, chủ tịch liên đoàn bảo vệ chó đã ra sức bênh vực con Nina và cho rằng không cần phải biệt giam một con chó đáng thương và có trí khôn không thua con người. Ông tìm được Horsfall cựu thanh tra cơ quan Scotland Yard và người chuyên huấn luyện Cảnh khuyển tuần tra khu vực cung điện Buckingham, vừa lúc ấy đang bỏ nghề để thành lập một trung tâm cải huấn chó hỗn dành cho những con chó trở chứng mà chủ nhân của nó đành bó tay.

truong-cai-huan-cho3
Chó bất an tâm lý trở nên hung dữ khác thường – Nguồn: UKdogtraining

Thời gian đầu trung tâm cải huấn chó hỗn còn ít nhân viên do điều kiện tài chánh còn eo hẹp. Trại chỉ có 5 người luyện chó, 2 chuyên viên tâm lý điều tra, 2 người phục vụ nấu nướng thức ăn và một số lao công dọn chuồng kiêm nhiệm vụ làm giám thị dành cho những chú cẩu bị cấm túc trong chuồng. Mấy năm đầu trung tâm cải huấn chỉ tiếp nhận được khoảng 80 con chó bất trị. Nhưng nhu cầu ngày càng tăng, danh sách cả hơn hai trăm con chó hỗn tiếp tục chờ đợi để được nhập trại, mặc dầu chi phí không nhỏ mỗi chủ nhân bỏ ra để giáo dục chú khuyển cưng của mình trở lại thành chú chó biết phân biệt phải trái.

Horsfall cho biết: “Về bản chất, chẳng có con chó nào hung dữ. Chúng chỉ trở thành phạm pháp khi bị mắc các chứng thần kinh và việc chỉnh sửa những rối loạn ứng xử không thể mang lại hiệu quả trong một thời gian ngắn vài ba tháng. Cần nhiều thời gian để chú khuyển học cách làm “người” nô bộc khôn lanh, tỉnh táo trong cách nghe chủ giải quyết những trường hợp tìm kiếm giúp người mắc nạn, dũng cảm lao vào lửa cháy, hay lao xuống dòng nước sâu cứu người. Chúng tôi cần tìm ra nguyên nhân khởi thủy thì sẽ tìm ra cách chữa trị. Loài chó thông minh, có tình cảm không thua con người. Nó hiểu được con người kỳ vọng gì ở nó”.

truong-cai-huan-cho2
Chó cắn lộn nhau – Nguồn: UKdogtraning

Tinie, chó săn giống Epagneul, loài to lớn, có thân mình thon dài và chân cao mà cô chủ rất  cưng. Chàng khuyển này cứ thấy ông chồng sau của bà chủ là gầm gừ. Nó gầm gừ một thời gian, càng ngày càng nhiều và cuối cùng hễ thấy ông chủ là nó cắn. Ông chủ không nhịn được cú cắn đành đá thẳng vào đầu chú khuyển. Con chó tỏ vẻ sợ hãi chỉ lườm lườm khi thấy ông chủ sau lần bị “đánh” đau. Nhưng cũng chỉ được vài tuần. Rồi một buổi tối trong phòng ngủ, nó không chịu ra ngoài khi bà chủ gọi. Mặc cho nó ngủ dưới gầm giường, hai vợ chồng ngủ say. Bỗng ông chồng giật mình bị kéo chăn khỏi người, con chó cao to chồm lên cắn ngay cổ lôi ông chủ ra khỏi giường. Bà chủ đành phải gởi nó đến trung tâm cải huấn.

Ban đầu Horsfall cũng chưa tìm ra nguyên nhân, cho đến khi ông tìm hiểu tình cảm của hai vợ chồng chủ khuyển. Thì ra suốt ban ngày, ông chồng đi làm, bà chủ ở nhà dành hết tình cảm cho con chó. Lúc thì nâng niu, lúc dẫn nó đi dạo quanh nhà, cho ăn, vỗ về như một người “tình”. Nhưng buổi tối khi chồng đi làm về, bà chủ dồn hết tình cảm cho ông, bỏ mặc nó ăn uống phía sân sau nhà, có khi không thèm ngó ngàng đến nó. Con chó có máu ghen. Tính khí con Tinie không khác gì một đứa trẻ, nó phát ghen vì lúc được chủ thương lúc lại bị bỏ rơi chỉ vì có mặt ông chồng bà chủ.

Tại trường cải huấn, ban tâm lý đề nghị cách ly con Tinie, người ta ra mặt chăm sóc các con chó khác, đồ chơi của con Tinie bị đem cho các “trại viên” khác. Thoạt đầu nó còn ra mặt hung dữ, lồng lộn vì bị tước quyền chăm sóc nhưng cuối cùng Tinie hiểu ra rằng nó không là gì cao hơn đồng loại. Nó trở nên biết nghe, ngoan và người ta cho nó về nhà. Bây giờ, mỗi tối đi làm về, ông chủ vui chơi cùng nó để nó thấy mình không bị bỏ rơi. Bà chủ đôi khi tham gia nô đùa một chút với Tinie cho ấm tình gia đình. Tinie không còn “ngứa răng” cắn ông chủ vì ghen nữa. Ðây là bài học của chủ lúc nâng niu chiều chuộng, lúc thờ ơ bỏ rơi chẳng đoái hoài quan tâm.

truong-cai-huan-cho1
Tái tạo lại tình huống chó cắn để tìm hiểu nguyên nhân – Nguồn: Ellsworth

Một chuyện khác, con chó Mitzi giống Corgi cứ mỗi lần nghe điện thoại reo là cắn bà chủ của nó. Thời gian đầu chủ nó mua về nuôi không xảy ra hiện tượng căng thẳng thần kinh này. Mitzi có thính giác nhạy bén khác thường mà bà chủ của nó lại có tính tình nóng nảy. Cứ mỗi lần nghe tiếng chuông điện thoại reo là bà tung váy chồm tới giật ống nghe. Hai hình ảnh trái nghịch nhưng lại có sự liên kết giữa tiếng chuông chói tai và áo váy bà chủ tung xòe làm con chó sợ. Nỗi sợ đó lặp đi lặp lại nhiều lần khiến nó bị đè nén thần kinh, một thời gian sau, theo bản năng con chó tự phản ứng bằng cách tấn công bà chủ mỗi lần chuông điện reo vang bà ta nhào tới điện thoại vì nó lại nghĩ bà đang tấn công nó. Tự vệ thôi, chứ không phải là loài chó hỗn. Tại trung tâm cải huấn, Mitzi không cần phải cải huấn gì cả chỉ điều trị tâm lý một thời gian ngắn. Người ta đặt một cái chuông nhỏ vào lỗ mũi Mitzi để nó làm quen với những âm thanh đột ngột khi đi đứng, chạy nhảy. Khi Mitzi được tự do, người ta khuyên chủ của nó di chuyển từ tốn khi nghe chuông điện thoại. Mọi chuyện trở lại bình thường, Mitzi rất ngoan, còn bà chủ phải thay đổi vĩnh viễn thái độ, ứng xử điềm đạm, từ tốn, dịu dàng mỗi khi chuông điện thoại reo vang.

Horsfall cho rằng, trong bất cứ trường hợp nào, dịu dàng là phương cách giải quyết tình huống tốt nhất. Trung tâm chúng tôi, không bao giờ dùng phương pháp trừng phạt thân thể chó dù chỉ một ngón tay. Làm như thế vô ích mà thôi. Người ta có thể buộc một con chó kính trọng hay làm nó tin yêu chỉ bằng giọng nói của mình. Giọng ấm trầm mang nhiều tình cảm; giọng cao, âm thanh the thé dễ làm người nghe chói tai huống hồ chi là con chó. Người chủ cần điều chỉnh cao độ của giọng nói để được mềm mại hơn, gây sự thiện cảm của con vật. Nó sẽ hiểu người chủ muốn gì, yêu cầu gì ở nó.

“Con chó là tấm gương của chủ nó”, Horsfall nhận xét như vậy. Và những ai giao chó hỗn đến cho ông, thì trước tiên chủ nhân của các con chó đó, phải “nhập trại” qua lớp học ngắn để biết tâm lý của con chó mình nuôi. Dạy chó vâng lời không có gì mới, chúng tôi tái tạo hành động, rồi trấn an, làm nó hiểu rằng không có gì phải sợ gây ra phản ứng tâm lý dồn nén, và nó luôn trở thành người bạn bốn chân đáng tin cậy của con người.

NL – Theo Dog Training in UK