Menu Close

Lời nói cử chỉ trong giao tiếp hàng ngày (Kỳ 3)

Qua những lần bàn thảo, chúng ta đã thấy cử chỉ lời nói vô cùng quan trọng trong giao tiếp hàng ngày. Nó góp phần làm cho cuộc sống trở nên vui tươi dễ chịu và chứng tỏ bạn là người có văn hóa.

Hôm nay, xin đặc biệt bàn về cách ứng xử của người trẻ đối với người già.

Ai cũng biết trong bất cứ xã hội nào, nhất là trong xã hội Á đông, người già luôn luôn được kính trọng. Do đó khi gặp một người già, bạn phải bỏ nón cúi chào kèm theo câu “Kính chào bác ạ”, “Chào ông, chào bà ạ.” Cũng thế, trong xã hội Âu Mỹ chúng ta đang sống, việc kính trọng người cao tuổi luôn luôn được hoan nghênh. Theo bà Emily Post, thật là thô lỗ khi một người trẻ tuổi không đến chào và bắt tay một bà lớn tuổi đang có mặt trong phòng. Chỉ chào hỏi để tỏ lòng kính trọng thôi chứ không nhất thiết phải trò chuyện dài dòng. Cũng vậy, một người trẻ tuổi đang đứng nói chuyện với bạn, gặp một ông hoặc bà lớn tuổi mà y quen biết bước vào phòng, thì nên đứng tại chỗ cúi đầu chào – như vậy là đủ, đừng chạy tới hỏi thăm bỏ người đang nói chuyện với  mình đứng lẻ loi. Cũng theo cung cách lịch sự vừa kể, một thiếu nữ khi đi ngang qua một bà lớn tuổi nên dừng lại chào và nói “Thưa bà Jones, bà khỏe không ạ?” rồi tiếp tục đi.

giao-tiep-hang-ngay
Bảo Huân

Thí dụ bạn đang ở trong phòng nhiều người, đừng nên lừng lững đi băng qua phòng để nói chuyện riêng với một người nào đó ngoại trừ để chào hỏi một người khách lạ mới đến, để nói một hai câu với người bạn thân hay hỏi về một chuyện quan trọng.

Về cách xưng hô bạn phải luôn tuân theo tuổi tác. Hễ người lớn tuổi hơn bạn, bạn phải gọi bằng anh, chị, chú bác, cô, dì…Nếu độ tuổi chênh lệch không ít, bạn có thể xưng tên. Trong công việc, tùy cấp bậc mà người làm chức vụ thấp hơn có thể gọi cấp trên là anh/chị. Tuyệt đối không nói chuyện nhát gừng, trống không, dù là với đối tượng nào vì điều đó thể hiện sự thiếu lịch sự, thô lỗ của người nói. Không xưng hô quá thân mật so với mối quan hệ.

MH – còn tiếp