Nguyễn và các bạn ở đây mỗi người đều đã trải qua ít nhất là một hai chục lần ngày 4 tháng 7 của nước Mỹ. Đó là Ngày Độc Lập, một ngày lễ liên bang để kỷ niệm Tuyên Ngôn Độc Lập được ký năm 1776.
Ngày lễ này thường được đi kèm với những cuộc diễn hành, liên hoan ngoài trời, và nhiều buổi lễ công cộng. Từ năm 1777, pháo hoa đã được đốt để đón mừng ngày lễ. Ngày Ðộc lập được chào đón với những biểu hiện yêu nước. Nhiều nhà chính trị thường đọc diễn văn ca ngợi các di sản và người dân của Hoa Kỳ. Các gia đình thường tổ chức liên hoan ngoài trời, tụ họp với những người bà con ở xa, vì được nghỉ nhiều ngày cuối tuần hơn. Các cuộc diễn hành được diễn ra sáng ngày 4, vào buổi tối thường có pháo hoa ngoạn mục. Trong dịp lễ nhiều gia đình treo cờ Hoa Kỳ ở trước nhà để ăn mừng.
Người Việt chúng ta định cư ở Mỹ tất nhiên ít nhiều cũng đã biết đến Ngày Ðộc Lập của Hoa Kỳ. Sử chép: Ngày 4 tháng 7 năm 1777 là ngày Hoa Kỳ giành độc lập và trở thành một quốc gia. Tính chất thiêng liêng của ngày này được thể hiện qua câu văn trong báo Virginia ra ngày 18/07/1777: “Ngày 4 tháng 7 là ngày vinh quang và đáng nhớ nhất, từ rày về sau sẽ được tổ chức cho toàn nước Mỹ từ năm này đến năm khác cho đến khi nào thời gian không còn nữa. Amen và Amen”. Hai nơi làm lễ lớn nhất là Philadelphia (Pennsylvania) và Boston (Massachusetts). Năm 1777, người dân Philadelphia tưởng nhớ ngày 4 tháng 7: chuông ngân, súng nổ, đèn cầy thắp sáng, pháo đốt . Ngày nay, người dân Philadelphia làm lễ trong Independence Hall, nơi những hoạt cảnh lịch sử đã được dựng lại và bản Tuyên ngôn Ðộc lập được đọc.
Ngược dòng lịch sử xa hơn một chút: Christopher Columbus khám phá ra châu Mỹ vào năm 1492. Nhiều dân thuộc địa đến Mỹ để tìm tự do tín ngưỡng: Espagne, Portugal, Anh, Pháp, Hòa Lan đến thuộc địa xứ này. Dân hành hương (pilgrims) là nhóm dân tị nạn đầu tiên tại Mỹ: nhóm Puritans đến cư ngụ tại Massachusetts, nhóm Quakers đến vùng Pennsylvania và người Công Giáo định cư tại Maryland. Dân thuộc địa Hoà Lan và Pháp thì đến Mỹ để mua bán. Dân Pháp định cư tại Canada, dân Espagne đến Florida, dân Hòa Lan đến New York. Năm 1763 Anh Quốc thắng quân Pháp và chiếm Canada. Lúc bấy giờ, 13 tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ gồm có: Connecticut, New Hampshire, New York, New Jersey, Massachusetts, Pennsylvania, Delaware , Virginia, North Carolina, South Carolina, Georgia, Rhode Island, Maryland.
Lúc ký kết, Hoa Kỳ gồm 13 thuộc địa dưới quyền cai trị của vua George III (1738-1820, Windsor). Lúc bấy giờ các thuộc địa Anh ở Mỹ phải trả thuế cho mẫu quốc quá cao nhưng lại không có đại biểu trong Quốc Hội Anh (Taxation without Representation), nên nổi dậy đòi quyền tự do và độc lập. Năm 1774 đại biểu của 13 thuộc địa họp lần đầu tiên tại Philadelphia, Pennsylvania. Cuộc họp này gọi là Quốc Hội Lục Ðịa (Continental Congress) và do Tướng George Washington thống lãnh quân đội chống lại Anh Quốc. Sau nhiều nỗ lực thương lượng với Anh quốc không kết quả, tháng 4/1775: Quân đội của vua George tiến về Concord, Massachusetts. Tiếp theo là trận chiến tại Concord, tiếng súng (tại đây) vang vọng đi khắp thế giới, đánh dấu bước đầu cuộc cách mạng Mỹ. Tháng 6/1776: Sự quyết tâm được khởi đầu bởi Richard Henry Lee, Virginia. Nhận thấy rằng những cố gắng của họ vô vọng, một ủy ban được thành lập để soạn thảo bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập công khai. Ðứng đầu là Thomas Jefferson, ủy ban còn có John Adams, Ben Benjamin Franklin, Philip Livingston và Roger Sherman. Ngày 6/7/1776: Pennsylvania Evening Post là tờ báo đầu tiên đăng bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập. Ngày 8/7/1776: Lần đầu tiên bản tuyên ngôn được đọc trước công chúng tại Independence Square của Philadelphia. Cái chuông trong Independence Hall được biết dưới tên “Province Bell” sau này được đổi tên là Liberty Bell. Việc ký Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập bắt đầu ngày 4 tháng 7 nhưng phải đến tháng 8 mới hoàn tất. Và ngày 4 tháng 7 được chấp nhận như ngày kỷ niệm chính thức cho sự độc lập Hoa Kỳ khỏi nước Anh. Ngày 4/7/1777: Lễ Independence Day được cử hành lần đầu tiên. Và bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập trở thành một tài liệu chính trị được ca tụng nhất và thời nào cũng được chép ra. Thomas Jefferson soạn ra bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập là sau ngày được bầu làm Tổng Thống thứ 3 của Hoa Kỳ. Bản Tuyên ngôn Ðộc Lập được xét duyệt bởi John Adams, Benjamin Franklin và Jefferson, rồi được 56 hội viên ký tên và xác nhận Hoa Kỳ không còn là thuộc địa của Anh Quốc nữa.
John Hancock, chủ tịch Second Continental Congress (Ðại hội Lục Ðịa lần II), là người đầu tiên ký bản Tuyên Ngôn. Viết hoa, chữ ký của ông nổi bật trải rộng trên tài liệu này. Cuối cùng có tất cả 56 người ký bản Tuyên Ngôn, chứng tỏ sự anh hùng của họ vì tuyên bố đòi độc lập với Anh Quốc là một hành động phản bội, có thể bị tội tử hình. Họ can đảm hy sinh mọi thứ bởi họ phải bỏ nhà và ẩn náu nơi khác.
Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập là bằng chứng của Cách Mạng Hoa Kỳ, cũng là một bài tuyên bố về lãnh thổ và triết lý, chiếu theo những bài viết của các triết gia John Locke và Jean Jacques Rousseau. Nó khẳng định rằng mọi người đều do Thượng Ðế tạo ra, từ thiên nhiên mà ra, vậy phải có những quyền lợi tự nhiên nào đó, không được xâm phạm quyền tự do của họ. Từ đó, Bản Tuyên Ngôn và Cách Mạng Hoa Kỳ là cảm hứng cho mọi người tìm tự do trên khắp thế giới.
Các bạn thân mến đang đọc tôi hôm nay, Chúng ta cũng là người đã vượt qua cái chết đi tìm tự do và hiện đang có mặt trên đất này. Tất nhiên ít nhiều chúng ta cũng chia sẻ với người dân bản địa về niềm vui lớn lao của Ngày Ðộc Lập Hoa Kỳ. Riêng Nguyễn tôi khi ngày 4 tháng 7 đến cũng được một đôi lần dự những bữa liên hoan ngoài trời với món nướng Barbecue cũng như được xem diễn hành và bắn pháo bông trong đêm lễ hội. Còn nhớ vào dịp 4 tháng 7. 2008, trước Thế Vận Hội Bắc Kinh, Nguyễn cùng gia đình đi nghỉ lễ trên bờ biển Destin. Ðêm ngồi trên balcon uống rượu với món bún chả có sự tham dự của Nhật Hoàng, Ðinh Yên Thảo, Nguyên Nhi, Phạm Chi Lan…, được nhìn pháo bông bay trên mặt biển thật rực rỡ và đẹp mắt. Tuy nhiên, với Ngày Lễ Ðộc Lập Hoa Kỳ, Nguyễn và bạn bè ở đây chỉ là người cưỡi ngựa xem hoa. Chắc phải còn nhiều năm nữa tới thế hệ thứ hai người Việt chúng ta mới thấm nhuần ý nghĩa sâu xa và trọng đại của Ngày Lễ Hội này, hòa mình trọn vẹn vào Cuộc Vui Lớn cùng với niềm tự hào của người dân Mỹ ở khắp nơi.
TN – Tổng hợp