Mùa hè năm 2010, cư dân tại Mariehamn, quần đảo Aland, đã khám phá một kho tàng nhỏ dưới biển sâu, Baltic Sea. Quần đảo Aland nằm giữa Phần Lan và Thụy Ðiển, dân số khoảng 11 ngàn người. Ðây là một hòn đảo tự trị của Phần Lan, tên chính thức là “The Aland islands” (Åland theo Thụy Ðiển, Ahvenanmaa theo ngôn ngữ Phần Lan).
Dân cư có nguồn gốc “Nordic”, nay gọi tên là “Alanders”, nhưng di tính khác với các giống dân Bắc Âu trong nhóm “Scandinavians”, nhưng vẫn được xem là “gốc” Thụy Ðiển. Văn hóa phong tục của họ chịu ảnh hưởng nặng nề của Thụy Ðiển và Ðan Mạch, người đảo dùng ngôn ngữ Thụy Ðiển.

Quần đảo Aland gồm 6,500 hòn đảo lớn nhỏ, diện tích chung là 572 dặm vuông. Hòn đảo lớn nhất là Fasta Åland (Main Island of Aland) nơi cư ngụ của 90% dân số. Trong thế kỷ XIII, Aland và Phần Lan (Finland) thuộc về lãnh thổ của Hoàng Gia Thụy Ðiển, King Olav. Ðến năm 1809, Thụy Ðiển mất đất đai, lãnh thổ này vào tay Nga Hoàng. Khi vương triều Nga sụp đổ, the League of Nations (tiền thân của Liên Hiệp Quốc ngày nay) quyết định năm 1921 để Phần Lan giành lại độc lập, Aland thuộc về Phần Lan. các dữ kiện lịch sử trên tạm giải thích tại sao một quần đảo nói tiếng Thụy Ðiển lại thuộc về Phần Lan trên phương diện quốc tế công pháp.
Trở lại với kho rượu quý: Sách vở về hàng hải ghi chép về những con tàu kích thước lớn nhỏ, hải trình, mất tích từ ngày tháng nào… và hậu sinh theo đó mà tìm kiếm. Sử dụng các kỹ thuật, máy móc tân tiến ngày nay như siêu âm, máy quay phim dưới biển sâu…, các chuyên viên tìm thấy các con tàu gặp nạn, Titanic là con tàu nổi tiếng nhất của các chương trình thám hiểm biển sâu này.
Những người thợ lặn làm chuyện mò kim đáy biển đã tìm thấy chiếc tàu đắm năm xửa năm xưa, một trong những chiếc tàu gặp nạn trong danh sách lịch sử của ngành hàng hải. Họ tìm thấy những chai rượu và mang về nhà để nếm thử! Thoạt tiên, những người thợ lặn kia tưởng rằng họ thử nếm nước biển nhưng hương vị từ những chai lọ kia nói lên một điều khác: Ðây là những chai rượu nổi bọt hay chính hiệu Champagne.
Chiếc tàu lâm nạn dài 75 bộ Anh, chìm sâu dưới 160 bộ Anh nước biển mang theo nhiều kiện hàng hóa: Những thùng nho tươi (bây giờ đã héo khô), thảm, hạt cà phê, gia vị bao gồm cả hạt tiêu đen & trắng và hạt ngò, 4 chai bia và 172 chai rượu, 4 chai bể nát, 168 chai còn nguyên và 1 chai được thợ lặn mở ra nếm thử! Sách vở cho biết rằng con tàu này gặp nạn trên đường chở hàng hóa đến cho Nga Hoàng Czar Alexander II tại St Petersburg.
Ðoán biết là rượu quý nhưng tìm ra người chuyên môn để định giá trị những chai rượu kia là một hành trình khá gian nan. Không mấy ai biết đến địa danh đảo Aland và cho là chuyện đùa giỡn, quấy rầy, phá phách làm vui. Những người thợ lặn mang rượu đến tiệm bán rượu chuyên môn, bắt đầu từ địa phương sinh sống qua Thụy Ðiển rồi cuối cùng, Pháp.
Mãi đến tháng Mười Một, thế giới Champagne mới biết về chuyện rượu tìm thấy dưới đáy biển. Các hãng chuyên sản xuất Champagne Veuve Clicquot, Perrier-Jouet… và Jacqueson đều đến đảoAland để tham dự buổi “đổi nút chai” và nếm rượu. Những chiếc lưỡi sành sỏi của thế giới Champagne cho rằng các chai rượu kia đều có hương vị đậm đà của rượu “có tuổi”, xứng đáng để tranh giành ngôi vị với những chai rượu “có tuổi” khác trên thị trường! Thì ra đáy Baltic Sea là một nơi trữ rượu tốt đẹp nhất, luôn luôn ở 40 độ F, không có ánh sáng và đủ áp suất để giữ những nút bấc đóng chai nằm nguyên chỗ!

Hiện nay, chai Champagne cổ nhất của hãng Jacqueson được sản xuất năm 1915. Chai Champagne cổ nhất của hãng Veuve Clicquot sản xuất năm 1904 và chai Champagne cổ nhất có mặt trên thị trường thế giới là của hãng Perrier-Jouet, sản xuất năm 1825.
Với những dữ kiện kể trên, những chai rượu vớt từ biển Baltic có thể sẽ là những chai rượu “già” nhất của thế giới, và còn uống được! Giá thị trường có thể lên đến 70 ngàn Mỹ kim một chai khi đem bán đấu giá.
Các chai rượu không có nhãn bên ngoài nhưng nút chai bằng bấc có dấu hiệu của nhà sản xuất.
Mấy chai từ hãng Juglar, một công ty cất rượu nổi bọt lẫy lừng của Pháp vào thế kỷ XIX. Hãng Juglar không còn sản xuất rượu và bán ra thị trường dưới thương hiệu Juglar nữa; từ năm 1830 công ty này đổi tên thành Jacqueson, có nghĩa là mấy chai rượu này được sản xuất từ những năm 1820 trước khi công ty đổi tên. Ðây cũng là một hãng sản xuất Champagne ngon của Pháp, chỉ buôn bán theo đơn đặt hàng, không xuất cảng rộng rãi như các nhà sản xuất khác.
Mấy chai rượu khác xuất phát từ hãng Veuve Clicquot, mang dấu hiệu sao chổi. Năm 1811 sao chổi xuất hiện tại Champagne, dân địa phương cho rằng sao chổi giúp mùa nho nên mang hình ảnh này vào thương hiệu. Tạm hiểu là mấy chai rượu mang dấu sao chổi của nhà Veuve Clicquot được sản xuất từ năm 1811. Chai rượu mang nút chai có chữ “Werle”, đây là tên ông Edouard Werle, người mua công ty Clicquot từ năm 1830, do đó mấy chai “Werle” là loại Champagne được sản xuất sau năm 1831 tại hãng Veuve Clicquot.
Gốc gác tên tuổi của kho rượu quý kể trên đang được thẩm định ráo riết và bạn đọc cũng có thể đoán ra rằng các hãng sản xuất Champagne đang hăm hở thương lượng để mua lại những chai rượu cổ, phần lớn vì lịch sử và là vật quý hiếm. Người mua đang đứng đợi nhưng người bán, chính phủ địa phương, chưa quyết định. Theo luật pháp,những vật thể mất tích trên 100 năm tìm thấy dưới đáy biển là tài sản của chính phủ địa phương.
Người dân Aland tha hồ bàn tán, người muốn đem rượu ra bán đấu giá và dùng tiền kiếm được vào việc thu dọn môi sinh, biển Baltic đang bị ô nhiễm. Kẻ muốn khui rượu, tạo một lễ hội tại địa phương và đem bán rượu cùng những dịch vụ khác, một hình thức kiếm tiền bán thức ăn, dịch vụ khách sạn, chuyên chở… và lợi nhuận có thể nhiều hơn số tiền ước định qua việc bán đấu giá các chai rượu (khoảng 3 triệu Euro hay 4 triệu Mỹ kim). Ðây cũng là cách quảng cáo hữu hiệu cho tên tuổi của hòn đảo. Người sưu tầm thì chặc lưỡi hít hà, rượu quý như thế đem khui ra uống thì… uổng lắm, nghĩa là của quý hiếm thì chỉ để ngó mà thôi!
Còn những người thợ lặn tìm ra các chai rượu quý kia? Họ chuộng bia hơn là Champagne nên ủng hộ việc quảng cáo cho tên tuổi địa phương và tiền kiếm được tiêu dùng vào công ích chung.
TLL