Menu Close

Võ Hoàng Nhà văn. kẻ dám sống trước nhân vật

Nhà văn Võ Hoàng, tên thật Võ Hoàng Oanh. Sinh 1952, ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Năm 1974: gia nhập Hải Quân VNCH. 1975-1976: tù cải tạo. 1978: vượt biển, đến Úc. 1979: định cư ở Hoa Kỳ. Đã cộng tác với báo Đại Dân Tộc của Hà Túc Đạo và tạp chí Việt Nam của Vũ Thế Ngọc. Năm 1982 cùng với Tưởng Năng Tiến, Thượng Văn, Lý Khánh Hồng chủ trương tạp chí Nhân Văn ở San Jose.

Võ Hoàng
Võ Hoàng

Năm 1984: Về Thái Lan hoạt động chống chế độ Cộng Sản. Mất ngày 28 tháng Tám 1987, tại rừng núi Nam  Lào, để lại vợ và ba con hiện sống ở San Jose. Võ Hoàng không những là một nhà văn mà còn dám sống cho những lý tưởng của mình. Người giữ mục này đã có lần làm thơ cho Võ Hoàng:

    … lúc đó. đêm nguyệt tận. cuối cùng cho một khúc ca

    ngồi bên đống lửa

    đọc lại những tờ bản thảo

    đâu nắng vàng dưới trời yên bái. và mưa nhã nam

    những đầm bông súng. hồng tay em. hàng thùy dương sóng xa. biển và đất nước

    người du sĩ bật đứt dây đàn

    máu chảy. trên những thành phố…

Hôm nay, tưởng nhớ Võ Hoàng xin trích đăng bài viết đặc sắc của Lê Thị Huệ trên Gió-o.

NGUYỄN & BẠN HỮU

Thuở ấy Võ Hoàng và Tưởng Năng Tiến đang là một đôi văn sáng như sao trên vòm trời văn học hải ngoại. Tập chuyện Măng Ðầu Mùa của Tưởng Năng Tiến và Võ Hoàng là một ngọn hải đăng trong đám những nhà văn trẻ hải ngoại đầu thập niên 1980. Không biết ở đâu ra mà có một đôi bạn văn sáng sủa như vậy. Tự nhiên xuất hiện đôi song ca có một lối viết hết sức thân mật với đời sống. Ðó là cách viết rất văn chương di truyền lớn lên trong nước Việt Nam Cộng Hòa của hai ông Ngô Ðình Diệm và Nguyên Văn Thiệu. Cách viết của những con người yêu văn chương, phơi phới tình người, và rất hào sảng cho văn chương và đời sống những tiếng nói róc rách trong tác phẩm. Cái cõi văn chương rất thoải mái chia sớt tận tình với đời đó không thể nào kiếm thấy ở những con người lớn lên ngoài Miền Bắc áp bức nghẹt cầu nghẹt đường đời Cộng Sản của Bác Hồ Chí Minh và bác Lê Duẩn. Lật những trang chữ của Võ Hoàng và Tưởng Năng Tiến đọc sẽ thấy khác những trang viết của Trần Ðăng Khoa, Nguyên Huy Thiệp. Chữ nghĩa của Tưởng Năng Tiến và Võ Hoàng chân hơn, sáng hơn, tự tin hơn, gần với con người quanh ta hơn. Trong khi chữ nghĩa của Nguyễn Huy Thiệp và Trần Ðăng Khoa mánh hơn, đểu hơn, vẹo hơn, để luồn lèn lớn lên trong một xã hội mà cứ bốn người là có một anh công an dòm ngó. Hai cõi tác phẩm xiển dương hai thế sống khác từ những xã hội mà hắn được nuôi dưỡng. Tuyên dương cõi này mà bỏ lơ cõi khác là hội chứng chậm tiến của hành trình tiêu hoá những tác phẩm.

Cái điều sáng tỏ của Võ Hoàng nhà văn vào thời điểm đó chính là thái độ chọn lựa. Võ Hoàng không chỉ viết. Võ Hoàng dám hiện thực điều chàng viết bằng hành động.

Sau một trận lột xác và lột hồn vì cơn địa chấn bị vứt ra khỏi quê hương, là một kẻ mẫn cảm, thông minh, tràn đầy nghị lực, có tất cả thời gian của tuổi trẻ vào thời điểm sau 1975 ấy, Võ Hoàng dám xông xáo đi tìm một phương hướng giải quyết những thôi thúc trong người. Cái thôi thúc lãng mạn phục vụ quê hương có thể là thừa kế của người quân nhân lính thủy Võ Hoàng Oanh của mấy năm binh nghiệp trước đó, nhưng cái bi kịch hùng tráng của Võ Hoàng ở đây chính là chính hành động lựa chọn sứ mệnh chiến đấu để chứng nghiệm đời sống thay vì tưởng tượng đời sống qua ngòi bút .

Cái chân dung mà tôi không thể nào không bị khích động, là lúc ấy Võ Hoàng đang ở vào một vị trí ăn ảnh đời người nhất. Võ Hoàng có tuổi trẻ, y chỉ là tên đàn ông vừa ngoài ba mươi. Võ Hoàng có tự do, y vừa mới đến xứ sở Hoa Kỳ nơi mà Nữ Thần Tự Do đã ban tặng cho y một quyền tự do sống hoàn toàn thảnh thơi theo bất cứ cách thế nào y muốn nhất. Võ Hoàng có mái ấm, vợ con vừa sang đoàn tụ. Võ Hoàng có danh vọng, y vừa mới là nhà văn nổi tiếng. Một trang thanh niên tài hoa hiểu ra mình đang ở vào một vị thế có hào sảng tư trang của cải căn cước tuổi trẻ, sinh lực, tài năng nhất. Thế mà trong cái huy hoàng của thời thế tuổi trẻ rực rỡ ấy, y đã chọn một con đường chiến đấu cho một siêu hình niềm tin vào danh tự có tên gọi là Quê Hương.

Nỗi đau bị bứng vứt ra khỏi quê hương như một thứ nha phiến làm cho giấc mơ trở về quê hương là một mời gọi vô cùng hấp dẫn. Tình yêu quê hương là một nguồn sống còn mãnh liệt hơn cả chính tình yêu. Nhà văn Ai Cập Naguib Mahfouz trong truyện dài Sugar Street đã viết một câu bất hủ “ Perhaps patriotism, like love, is a force to which we surrender, whether or not we believe in it.” Mặt đất này đã thấm đẫm những giòng máu nuôi danh tự Quê Hương. Ngày đó chúng tôi ra đi từ những địa danh Rạch Giá, Vũng Tàu, Nha Trang, Hà Tiên. Ðiểm xuất phát trở thành điểm trở về. Chúng tôi cũng chỉ là những đứa con mọn của một thứ mặt đất tham lam luôn luôn đòi chúng tôi trở về phục vụ nó. Mặt đất hay Quê Hương như một bà mẹ khắc nghiệt không muốn bứt rời đứa con của bà. Võ Hoàng ra đi từ Phú Quốc, chắc là chàng cũng bị cái tiếng gọi của bà mẹ Phú Quốc kêu riết nên chàng mới tìm đường trở về.

Con đường trở về bằng ngôn ngữ Phú Quốc của một nhà văn Võ Hoàng hình như chưa đủ. Những sáng tác của Võ Hoàng trong mấy năm ngắn ngủi lìa xứ, 1979-1984, là những chuyện tràn đầy tính chất Nam Bộ. Giọng văn Nam Kỳ là một nét đặc sắc của văn chương Việt Nam khởi đi từ những cái tên như Nguyễn Ðình Chiểu, Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Võ Hoàng, Nguyễn Văn Sâm, Hồ Trường An….. Với tôi, chỉ trong vài truyện ngắn đầu tay, Võ Hoàng đã lấp lánh một tài năng lớn của văn chương miền Nam. Lối dựng chuyện của anh không thừa thãi lấy chữ đè chuyện. Văn vẻ của Võ Hoàng rất tươi rói như vừa mới vốc ra từ Phú Quốc. Ðọc chuyện của Võ Hoàng cứ như thấy những con người Nam Kỳ dẻo miệng của anh đang gõ gàng trước mặt mình.

Thế nhưng cõi viết không thôi hình như không đủ chỗ để dung chứa sức sống tràn trề của một đứa con trai yêu của quê hương là Võ Hoàng Oanh. Cho nên chàng thanh niên tên là Võ Hoàng Oanh đã vứt bỏ danh vọng đang lên của nhà văn trẻ Võ Hoàng, ném trả cho xứ người lạ hoắc chút tài sản văn chương mà chàng vừa cắm dùi được.  Chàng chọn lựa phiêu lưu vào lịch sử, thách thức lịch sử, với ước muốn giành lại và chiến đấu cho quê hương mà người ta đã chiếm đoạt mất của chàng.

Có thể nói đứa con yêu của tổ quốc Võ Hoàng Oanh đã chọn lựa vai trò kẻ chiến đấu để thí nghiệm con người văn chương tên là Võ Hoàng. Võ Hoàng Oanh đã ra sa trường chiến đấu dũng cảm với mặt trận đất đá súng đạn và kẻ thù ở Nam Lào vào cái lúc mà tên tuổi nhà văn Võ Hoàng đang lên cao rực rỡ nhất. Sự chiến đấu bằng võ lực là một cách chiến đấu chẳng đặng đừng vào thời điểm ấy. Lúc mà khối Cộng Sản còn chắc nịch như một thứ đế quốc không ai xuyên phá được. Sự chọn lựa con đường đi sang Lào để về chiếm lại quê hương vào bối cảnh đó là một hình ảnh đẹp tuyệt vời trong lòng mọi người Việt lưu vong. Võ Hoàng Oanh con chim trống cũng chỉ muốn khoe đôi cánh vạm vỡ của mình để biểu dương sự chiến đấu bảo vệ lấy quê hương của nhiều người đang bị bọ hung, chuột, gián, bọ chét hút máu. Một nhóm đàn ông con trai đã đi làm anh hùng lịch sử. Hoàng Cơ Minh, Võ Hoàng, Trần Thiện Khải, Lê Hồng… là những anh hùng của chúng tôi vào thời điểm đấy. Nhất là trước đấy đã có vị anh hùng trí thức dấn thân như sinh viên Trần Văn Bá đã cũng xuống xuồng đi về phía Quê Hương và đã gục ngã. Cái chết của Trần Văn Bá (Ðường Trần Văn Bá thơ Lê Thị Huệ) đã càng bồi đắp cái hình tượng cái chết nào của những đứa con của Quê Hương cũng đều là những cái chết đẹp và hiển hách hơn cái chết bệnh tật già lụm khụm nơi quê người. Võ Hoàng Oanh đã chọn lựa theo con đường xuống xuồng chèo về phía Quê Hương dù biết là phía trước mình có người anh sinh viên trí thức Trần Văn Bá vừa ngã gục. Một thái độ chọn lựa hết sức ngạo mạn, lãng mạn, phiêu lưu, thách đố chỉ xảy ra cho những con người dám sống theo tính cách huyền thoại trên bia đá, trong lịch sử, trong truyện và trong kịch. Con người nhỏ nhẻ im im, nghiêng nghiêng nụ mỉm cười thân mật ấy lại chọn lựa một cách chiến đấu bão bùng khốc liệt

“Hoặc tất cả chúng ta cùng sống hoặc tất cả chúng ta cùng chết” (thơ Lê Thị Huệ) thì đúng là con người nhà văn Võ Hoàng đã muốn bảo vệ, đã muốn chiến đấu dùm cho những nhân vật huyền thoại. Cái dũng của con người nhà văn Võ Hoàng là muốn chứng minh và chiến đấu điều mình tin bằng chính hành động chèo xuồng đi về phía Quê Hương trước khi cầm bút mô tả lại sự việc. Cái hách của nhà văn Võ Hoàng là trước khi y vung bút múa cho đời một điệu văn thì y đã dám thử nghiệm bằng chính con người và cuộc đời y trước. Thật là khác xa với những tay sống thì không dám sống nhưng chỉ mơ ước vẽ vời rồi để cho kẻ lạ sống dùm hoặc mời gọi người khác sống theo sự tưởng tượng của tác phẩm bày ra. Với tất cả những nét đặc biệt nêu trên, con người này đã thiết lập được một huyền thoại cao ngạo, quyến rũ, tài hoa của riêng danh tiếng Võ Hoàng.

Lê Thị Huệ  – Đêm 10/8/2001

Nguồn: Gió-O