Menu Close

Kim

Người ta nói Kim là người đàn bà ghê gớm và mưu mô. Kệ, “miệng thế gian như làn sóng biển” ở làm sao cho vừa hết lòng người. Kim chẳng bao giờ thèm bận tâm đến những gì thiên hạ vẫn nói về mình. Hơn nữa, ở cái hãng này, gần chục người Việt đang làm ở đây ai cũng phải e dè sợ Kim một phép. Nhiều người tìm cách nịnh nọt, bợ đỡ cô để được làm ở vị trí tốt hay được ở lại làm overtime. Thế nên, cái nhận xét “ghê gớm và mưu mô” kia chỉ là những lời xì xầm sau lưng cô. Mà đã là lời nói xấu sau lưng, cớ gì Kim phải vì nó mà nhọc tâm.

Kim theo chồng sang Mỹ định cư khi cô vừa tốt nghiệp đại học. Việc cô cử nhân thông minh xinh xắn theo chồng xa xứ khiến không ít chàng trai vỡ mộng. Ðể xoa dịu nỗi đau thất tình, các chàng phán một câu xanh rờn: “Tưởng gì ghê gớm, thực ra cũng là loại đàn bà thực dụng”. Họ nói vậy bởi vì chồng cô là một người đàn ông tật nguyền, lại hơn cô đến cả chục tuổi. Kim không yêu Hiển, người chồng tật nguyền của cô. Kim thậm chí còn thấy xấu hổ mỗi khi phải đi chung cùng Hiển. Nhưng cô cần Hiển. Lúc ấy, cô chỉ là cô sinh viên tỉnh lẻ mới ra trường. Cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay mà chưa biết đi đâu về đâu, cộng thêm món nợ cha mẹ phải vay mượn ở quê nhà để trang trải cho cô bốn năm ăn học. Ừ thì đi lấy chồng, Hiển tuy tàn tật nhưng mặt mũi cũng khôi ngô sáng láng lại có học thức. Hơn nữa, gia đình anh cũng thuộc hàng khá giả bên Mỹ. Lấy Hiển dù Kim có phải chịu thiệt thòi thì cũng đáng gì so với một tương lai rộng mở trước mắt. Rồi lại cả những món tiền trợ giúp từ Hiển dành cho gia đình cô trong cơn túng thiếu nợ nần.

Sang đến Mỹ, sống cùng Hiển trong căn nhà của mẹ anh, Kim mới thấy quyết định lấy một người tàn tật đã khó, chấp nhận sống cùng với người đó còn khó hơn. Hai chân của Hiển bị chứng teo cơ, anh không tự mình đi lại được. Dù ngồi xe lăn nhưng anh vẫn cần có người giúp đỡ trong sinh hoạt hàng ngày. Thật lòng Kim không yêu Hiển nhưng cô cảm kích những gì anh đã làm cho mình. Vì thế, dù vất vả, cực nhọc, Kim không hề than vãn nửa lời. Kim luôn tự an ủi rằng với thời gian cô sẽ quen với cuộc sống này. Thế nhưng mẹ Hiển luôn cho rằng Kim làm như vậy đều có mục đích cả. Cô chỉ lợi dụng Hiển để qua đến Mỹ, sau đó sẽ tìm mọi cách để ruồng bỏ thằng con trai tội nghiệp của bà. “Làm gì có chuyện một đứa con gái trẻ trung, xinh xắn, học thức lại phải lòng một thằng què cho được. Nó chỉ lợi dụng con thôi con ơi. Rồi mày sẽ thấy, chỉ một thời gian sau, khi nó có giấy tờ rồi, nó sẽ bỏ mày để đi theo thằng khác. Mày ngu dại lắm con ạ”. Nói hết lời hết lẽ thế mà con bà chẳng chịu nghe cứ một hai đòi cưới bằng được. Thôi thì kệ xác mày, sau này có khổ thì ráng mà chịu, bà chấp nhận buông xuôi.

Sang Mỹ một tháng sau, mẹ chồng mới gọi Kim đến rồi bảo “Thằng Hiển không nhất thiết phải có người trông chừng cả ngày. Cô ở nhà cả ngày rảnh rỗi phí thời gian đi. Hãng tôi làm lại đang cần người, để tôi xin cho cô vào làm”.

Nghe mẹ chồng nói vậy mà Kim thấy mừng trong bụng. Kim biết bà chẳng phải thương xót gì cô mà chỉ muốn cô đi làm để kiếm thêm tiền. Thế cũng tốt, Kim đi làm vừa có thu nhập vừa có thời gian ra ngoài cho khuây khỏa. Ở nhà mãi cũng thấy bí bách lắm. Rồi Kim đi làm cùng mẹ chồng. Cầm tấm check đầu tiên trong tay mà Kim thấy trong lòng vui ghê gớm. Vậy là từ nay cô đã có thể kiếm ra tiền, cô sẽ không phải sống lệ thuộc hoàn toàn vào gia đình nhà chồng nữa. Ý nghĩ ấy giống như phép màu thổi đi mặc cảm sống ăn bám lâu nay vẫn đè nặng ám ảnh cô. Khi xe vừa đỗ vào garage, mẹ chồng bảo cô ký vào check mới lĩnh. Bà thản nhiên cầm tấm check nói sẽ deposit vào ngân hàng sáng mai. “Cô xe còn không phải lái, giữ tiền làm gì”. Kim điếng người khi nghe mẹ chồng nói vậy, mặt cô chỉ tái đi mà không dám thốt ra một lời nào.

Kể từ khi Kim đi làm, mẹ chồng bớt soi mói chì chiết hơn nhưng Hiển thì lại khác. Anh thường cáu bẳn, giận dỗi một cách vô cớ. Hiển hay hỏi Kim mỗi tối, sau một ngày Kim đi làm về rằng ở hãng có gì không, có ai tìm cách làm quen, nói chuyện với cô không? Những lần như thế, Kim chỉ trả lời không, sau đó thì cô nói tiếp: anh quên là em đi làm cùng với mẹ anh à?

Kim sống như vậy với chồng và mẹ chồng 3 năm. Trong 3 năm ấy, Kim chưa từng một lần dám cãi lại bất cứ ai trong nhà. Dù có bị ức hiếp, có bị thua thiệt, cô vẫn âm thầm chịu đựng. Mẹ chồng cô dù vui vẻ với những tấm check thì vẫn không quên cảm giác đề phòng. “Những người giỏi chịu đựng như vậy là những người ghê gớm lắm đấy. Rồi mọi người sẽ thấy”

Kim nghe mẹ chồng nói vậy với mấy người họ hàng.

Làm ở hãng cùng mẹ chồng được 3 năm thì Kim được cất nhắc lên làm team lead. Vốn tính chăm chỉ, thông minh lại nói được tiếng Anh, Kim rất được lòng supervisor trong hãng. Kim cũng đã có bằng lái xe, cuộc sống của cô vì thế mà được tự do, dễ thở hơn nhiều.

Dạo gần đây dường như Miles dành cho Kim nhiều sự quan tâm hơn. Anh là supervisor của hãng này đã 6 năm rồi. Một anh chàng Mỹ cao lớn ưa bông đùa nhưng nhiệt tình dễ mến. Hồi mới vào làm, chỉ là một nhân viên bình thường, Kim không có nhiều cơ hội tiếp xúc với Miles. Nhưng từ khi lên làm team lead thì mọi chuyện có khác, Kim và Miles có thời gian gặp gỡ nhiều hơn. Hãng có gần chục người Việt nhưng đa phần không nói được mấy tiếng Anh, thế nên, Kim lại kiêm nhiệm thêm cả việc phiên dịch. Kể từ đó, những người Việt trong hãng thay đổi cách họ đối xử với cô. Người ta bắt đầu dành cho cô những lời ca tụng. Kim chỉ cười nhạt và tự nhủ “đúng là thói đời”. Khi cô mới bước chân vào hãng, mọi người nghe chuyện từ mẹ chồng Kim chỉ bĩu môi cười khẩy “một người đàn bà thực dụng”. Việc Kim làm team lead và ngày càng có mối quan hệ thân thiết với supervisor khiến họ thêm hai từ “mưu mô” khi nói về cô. Nhưng có một điều rất khác là chẳng một ai dám tỏ thái độ trước mặt cô cả. Bây giờ thì Kim biết, dù chỉ là team lead nhưng Kim có thể thay đổi vị trí công việc của nhiều người. Cô có thể chuyển một người đang làm từ bộ phận này sang bộ phận khác. Cô cũng có thể để ai ở lại làm overtime hay cho ai về. Miles tin tưởng giao cho Kim quản lý những việc này vừa phần vì cho bớt việc mà hơn nữa, kể từ khi Kim quản lý thì năng suất cũng như thái độ làm việc của nhóm người Việt có sự thay đổi. Họ là những người làm việc chăm chỉ và có tay nghề. Nhưng đôi khi vì rào cản ngôn ngữ mà có nhiều sự trở ngại phát sinh. Vì những lẽ đó mà uy tín và mức ảnh hưởng của Kim trong hãng cứ tăng lên.

Những người Việt trong hãng không vui trước thành công của Kim mà người không vui nhất là mẹ chồng cô. Dù bây giờ bà có nhận được tấm check lớn hơn từ cô, thì bà cũng hiểu mối hiểm họa đang rất gần đe dọa hạnh phúc của con trai bà. Ðặc biệt, khi bà thấy mối quan hệ giữa Kim và Miles ngày càng thân thiết. Bà tìm cách hạ thấp con dâu bằng việc lôi kéo đám người Việt cùng làm chống đối lại Kim. Tuy nhiên, mọi người cũng chỉ có đôi lời an ủi bà cho có lệ thôi, chứ họ hiểu ai mới là người có ảnh hưởng đến công việc, đến chén cơm của họ. Thay vì dự tính cô lập Kim như ý định ban đầu thì chính bà lại là người bị cô lập.

Một ngày, Miles gọi bà vào văn phòng. “Bà Vũ, chúng tôi đánh giá rất cao sự cống hiến của bà đối với hãng trong thời gian qua. Bà là một nhân viên rất tốt. Tuy nhiên, chúng tôi rất lấy làm tiếc mà thông báo rằng tuần tới sẽ là tuần làm việc cuối cùng của bà tại hãng”. Vậy là bà mất việc, điều này chắc chắn có liên quan đến con dâu bà. Cái con đàn bà nham hiểm ấy đã sắp đặt chuyện này. Trời ơi, đúng là nuôi ong tay áo. Bà biết thể nào cũng có ngày nó phản bội. Nhưng bà chỉ nghĩ tới chuyện nó phản bội con trai bà thôi chứ không hề nghĩ nó phản bội cả bà nữa. Ai giúp nó có được như ngày hôm nay? Ai lái xe đưa nó đi làm mấy năm trời ròng rã. Bà muốn ngay lúc này làm toáng lên mọi chuyện. Dù rất tức giận, nhưng bà phải kìm nén lại, bởi bà biết đây là hãng xưởng, bà không thể làm gì. Nếu bà ầm ĩ lên thì chính bà là người gặp rắc rối chứ không phải cái con đàn bà mưu mô ấy. Ðược, phen này về đến nhà mày sẽ biết.

Bà Vũ lái xe về nhà mà cơn giận bừng bừng như một đám cháy đang bốc lên ngùn ngụt. Những câu nói cay nghiệt nhất đã được sắp sẵn để ném thẳng vào mặt đứa con dâu nham hiểm, mất nết của bà. Rồi mày sẽ biết tay. Mày ở đây không người thân thích, lại không tiền bạc (bây giờ bà thấy mình khôn khi giữ hết tiền lương của con dâu) thì mày làm được gì. Thế nhưng, có lẽ vì giận quá nên bà quên mất con dâu bà giờ đây đã có một công việc làm ổn định, đã lái được xe và đã có giấy tờ.

Khi bà về đến nhà thì xe của Kim đã ở trong garage. Hay lắm, mày còn về trước đợi tao. Bà hầm hầm bước vào nhà. Những gì xảy ra trong phòng khách khiến bà hơi chững lại. Kim đứng bên cạnh cửa sổ mặt mũi lạnh băng còn con trai bà thì đang gục khóc trên xe lăn. Trời, nó còn dám tuyên chiến trước nữa. “Con khốn nạn, giống phản phúc kia, tao không ngờ mày dám làm mấy chuyện tày đình đến vậy. Cả nhà tao cưu mang mày, mang mày sang đây để mày phá nát gia đình tao thế này hả?” bà Vũ gào lên uất ức. Rồi bà quay sang đay nghiến con trai: “Bây giờ thì mày trắng mắt ra rồi nhé. Nó không chỉ phản mày mà nó còn phản cả tao. Tao đã bị đuổi việc vì nó đấy”.

Kim không nói gì chỉ lẳng lặng đi ra cửa. Bà Vũ tức giận lao tới túm lấy tay cô: “Mày đi đâu con kia?”. “Bà buông tay tôi ra, bà không có quyền. Tôi sẽ đi khỏi căn nhà này”

Kim nói lạnh tanh.

“Mày là con đàn bà vô ơn, bạc nghĩa. Cả nhà tao cưu mang mày mấy năm qua. Mày vẫn còn nợ chúng tao”

“Nợ ư?” Kim cười khẩy. Tôi đã trả hết cho các người bằng mấy năm tiền lương của tôi rồi, cả những năm tháng tôi phải hầu hạ con trai bà nữa. Tôi không nợ nần gì các người hết”. Kim quay gót bước đi.

Có một chiếc xe đã nổ máy sẵn, người đàn ông trong xe đang chờ Kim bên ngoài. Người đàn ông đó là Quyền, người làm cùng hãng với Kim…

MM