Thế là đảo quốc Ăng Lê rời bỏ Liên Âu sau 23 năm tình lận… đạn. Ngày 23 tháng Sáu vừa qua khi quốc dân Ăng Lê bỏ phiếu biểu chính phủ rằng chúng tôi không muốn dính dáng chi với Liên Âu nữa, hãy quẳng đi cái gánh nợ ấy cho lẹ: 52% cử tri đã nói như thế dù 48% còn lại đòi tiếp tục gắn bó với Liên Âu. Ông Thủ Tướng Anh, David Cameron, sau khi khuyên can dân tình “đừng”, nói ráo nước miếng mà không xong bèn rầu rĩ từ chức. Thuyền trưởng khó lòng lèo lái con thuyền quốc gia lúc dân tình không thuận nghe “lời phải”. Trước ngày bỏ phiếu, một nghị viên Quốc Hội bị giết khi bà ấy lên tiếng giãi bày khuyên can dân chúng đừng rời Liên Âu!
Liên Âu là cái chi mà lắm người yêu nhiều kẻ ghét sâu đậm, rầm rộ như thế
Liên Âu là một cộng đồng chính thức kết hợp từ năm 1993 dưới Hiệp Ước Maastricht. Ðây là một cuộc hôn nhân về kinh tế và chính trị bao gồm 28 quốc gia thành viên. Quốc gia thành viên là các thực thể độc lập và họ thỏa thuận buôn bán trao đổi với nhau theo hợp đồng. Cộng đồng Liên Âu buôn bán như một thị trường chung: hàng hóa, tài chánh, dịch vụ và cư dân di chuyển làm ăn tự do giữa các quốc gia thành viên. Tạm hiểu là biên giới hầu như được xóa bỏ giữa các quốc gia Liên Âu.

Trong Liên Âu, 22 quốc gia, cũng là thành viên của nhóm the Schengen Area gồm 26 quốc gia, đã bỏ sổ thông hành để cư dân thong thả qua lại biên giới chung. Tuy nhiên, Anh và Ái Nhĩ Lan không nằm trong khối Schengen; nôm na là muốn đến hai quốc gia này, cư dân Liên Âu vẫn phải trình sổ thông hành.
Tính đến tháng Giêng năm 2014, cư dân Liên Âu lên đến 507.4 triệu người. Theo Khối Tiền Tệ Âu Châu, the International Monetary Fund, kinh tế Liên Âu tạo ra khoảng 14.303 trillion đồng Euro. Con số này khiến Liên Âu trở thành một thị trường lớn nhất của thế giới.
Là thành viên của một thị trường khổng lồ như thế hẳn dễ ăn nên làm ra hơn là buôn bán nhỏ cỡ vài trăm triệu? Thế thì tại sao dân Anh lại muốn chia tay? Kẻ “ở” tất nhiên muốn tiếp tục buôn bán làm ăn để phát triển kinh tế nhưng người “đi” thì tiếc xót món tiền 350 triệu bảng Anh phải đóng góp mỗi tuần cho Liên Âu tiêu xài; họ cho rằng món tiền ấy thà giữ lại mà tiêu xài cho cư dân thì hay hơn. Ðại khái là của đâu mà tiêu phí cho [các thành viên đói rách] Liên Âu như thế?! Và kết quả của cuộc trưng cầu dân ý nọ đã khơi dậy trận bão không chỉ tại đảo quốc Ăng Lê mà cả khối Liên Âu lan sang tới Huê Kỳ và châu Á!
Bỏ phiếu xong thì đảo quốc nọ lâm vào tình trạng rối ren hoang mang. Cư dân Anh đối mặt với sự bất ổn của quốc gia, không biết đảng phái nào sẽ lên nắm chính quyền vì ông thủ tướng khuyên can con dân không xong bèn ức lòng bỏ việc, quăng lại chính phủ cho người khác. Kẻ bỏ phiếu “ra đi” dù say men “chiến thắng” nhưng vẫn áy náy vì chưa chắc chắn rằng món tiền [thay vì] đóng góp cho Liên Âu có được tiêu xài như ý dân hay không, những lời hứa về di dân, thuế má, công việc làm có thực hiện được không; việc nhà việc nước rối tung như mớ bòng bong… Người Tô Cách Lan (Scott) muốn ở nhưng bị lôi kéo rời Liên Âu nên họ ấm ức lắm, lại sửa soạn đòi tự trị và rời bỏ Liên Hiệp Anh! Tóm tắt là cư dân Anh chẳng ngờ đến hậu quả từ lá phiếu của họ!
Trên thế giới, thị trường tài chánh xoay mòng mòng đến chóng mặt vì giới đầu tư hoang mang, họ ôm chặt túi tiền chứa Mỹ kim nên trị giá của bảng Anh xuống dốc thảm thiết và các nhà lãnh đạo khắp nơi phải loay hoay tìm biện pháp trấn an cư dân họ.
Chỉ trong một ngày, thị trường tài chánh Âu Châu tại Anh đổ dốc 2%; buổi sáng trị giá đồng Bảng Anh sụt 3.8%, đổi được 1.31 Mỹ kim, và đến chiều thì sụt 2.65%, đổi được 1.20 euro.
Trước tình trạng bất ổn này, Moody’s, một tổ chức quốc tế chuyên thẩm định trị giá tài chánh, đã hạ giá “tín chỉ” của Ăng Lê vì họ sẽ phải thương thảo để tiếp tục buôn bán với cộng đồng thế giới, sự bất ổn sẽ dẫn đến việc mất niềm tin của giới đầu tư. Tạm hiểu là kinh tế Anh đang lung lay, tiền bạc mất giá, buôn bán với Ăng Lê là một việc làm không mấy an toàn cho túi tiền!
Trước tình trạng rối beng ấy, trên 2 triệu cư dân Anh đã ký tên đòi Quốc Hội… bỏ phiếu lại về việc “đi hay ở”! Luật pháp Anh cho phép các biểu quyết có trên 100,000 chữ ký sẽ bàn thảo tại Quốc Hội.
Ðảng Lao Ðộng, Labour Party, [đối lập với đảng cầm quyền, phe Bảo Thủ], với chủ trương ly dị cũng đang bối rối không kém, ngoài chuyện xào xáo nội bộ, họ không thể trấn an dân chúng sau khi hứa hẹn tương lai huy hoàng!
Ông thủ tướng báo tin từ chức xong thì hứa hẹn sẽ ở lại đến tháng Mười để giao việc lèo lái con thuyền quốc gia cho người khác một cách đường hoàng dù các chính khách Anh đang xăn tay áo ồn ào tranh giành chức quyền. Thủ Tướng Cameron công bố rằng chính phủ Anh sẽ không khởi động Article 50, một điều khoản “tháo lui” của các thành viên Liên Âu. Muốn rút chân khỏi Liên Âu, quốc gia thành viên sẽ phải khởi động điều lệ kể trên để các quốc gia thành viên khác có thể bàn soạn và cho phép Anh rút lui có trật tự, nôm na là cuộc ly dị có điều kiện theo giao ước ký sẵn. Ðủng đỉnh với việc chia tay vì Anh quốc muốn dàn xếp chuyện làm ăn buôn bán với Liên Âu trước khi quay lưng, ông Cameron bán cái cho nội các và thủ tướng mới công việc nhiêu khê ấy!
Theo Lisbon Treaty, Liên Âu sẽ chẳng thể bàn thảo chi cho đến khi Anh quốc chính thức tống đạt văn kiện báo tin ly dị bằng cách khởi động Article 50. Văn thư này sẽ cần có sự đồng thuận của Quốc Hội Anh, nhưng ông thủ tướng và nội các của ông ấy sẽ ra đi thì chưa biết Quốc Hội Anh sẽ biểu quyết ra sao. Ðại khái ý dân đa số là ra đi nhưng những người đại diện của họ sẽ bỏ phiếu ra sao thì ta chưa rõ!?
Anh quốc cù cưa như thế nên các nhà lãnh đạo Liên Âu chưa biết phải phản ứng ra sao để tái tạo sự an ổn cho cộng đồng họ. Thứ Bảy vừa qua, sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh được công bố, bộ trưởng ngoại giao của Bỉ, Pháp, Ðức, Ý, Luxembourg và Hòa Lan đã nhóm họp tại Berlin và hứa hẹn sẽ liên kết để tạo các điều kiện tốt đẹp cho Liên Âu; họ cũng lên tiếng đòi chính phủ Anh cung cấp các chi tiết về cuộc tháo lui, chừng nào thì chính thức bắt đầu, việc buôn bán, thuế má nhập cảng sẽ là những gì, chính sách nhập cư sẽ ra sao…
Các viên chức ngoại giao kể trên cũng nhìn nhận rằng cuộc đầu phiếu tại Anh là một tiếng chuông cảnh tỉnh, Liên Âu sẽ phải thay đổi để hòa hợp và đáp ứng với nhu cầu của các quốc gia thành viên kẻo họ cũng rũ áo ra đi như Anh thì hỏng bét! Cuộc hôn nhân mà có kẻ cảm thấy thua thiệt thì khó lòng bền vững.
Thủ Tướng Ðức, bà Angela Merkel thì cứng rắn hơn, bà ấy biểu rằng Liên Âu chẳng nên bàn soạn chi cả cho đến Anh chính thức khởi động điều khoản rút lui kể trên, và khi ly dị thì cũng nên hòa hoãn để giữ chút tình về sau.
Chủ Tịch Liên Âu, Jean-Claude Juncker thì thôi thúc Anh quốc hành động lè lẹ, đã dứt áo thì đi quách cho rồi, đừng cù cưa kẻo dân tình hoang mang, tạo thêm bất ổn cho hàng xóm láng giềng! Ông này biểu rằng cuộc hôn nhân giữa Anh và Liên Âu không mấy thắm thiết nên khi ly dị, cuộc chia tay cũng chẳng hòa hoãn cho mấy!
Chủ Tịch Quốc Hội Liên Âu, Martin Schulz cho rằng việc cù cưa của Thủ Tướng Cameron là một hành động không xứng đáng, Anh quốc đã giữ cả Liên Âu làm “con tin”, cầm chân buộc họ chờ đợi trong khi quốc gia này chấn chỉnh đường lối kinh tế riêng tư!
Dù Thụy Sĩ không phải là thành viên Liên Âu, ông Johann N. Schneider-Ammann, Tổng thống Thụy Sĩ cũng góp ý vì quyết định rời bỏ Liên Âu của Anh quốc sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và chính trị của cả Âu Châu và cũng dính dáng đến Thụy Sĩ. Quốc gia tí hon nhưng giàu có và độc lập ấy sẽ thay đổi chính sách buôn bán với Anh để bảo vệ quyền lợi của họ!
Thủ Tướng Slovak, ông Miro Cerar thì biểu rằng việc lìa bỏ Liên Âu của Ăng Lê là điều đáng tiếc, nhưng ý dân đã thế thì ta cần lắng nghe. Riêng Slovak, họ sẽ tiếp tục ủng hộ Liên Âu.
Tại Paris, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, như mọi nhà ngoại giao mềm dẻo hay nói nước đôi, ông này khuyên can mọi phía nên hòa hoãn, giữ tình giao hảo với nhau và giao hảo với Liên Hiệp Quốc bất kể Anh đi hay ở với Liên Âu! Nôm na là đoàn kết thì vững mạnh hơn!
Các nhà lãnh đạo, ngoại giao thì góp ý như thế, còn cư dân Anh thì sao? Họ… chia rẽ lắm bạn ạ, kẻ vui mừng, người rầu rĩ trước kết quả cuộc đầu phiếu.
Theo cuộc phỏng vấn của đài truyền hình CNN, các thân hào nhân sĩ Anh thì nói thế này:
Sử gia và cũng là nhà báo Timothy Stanley cho biết “ Tui vui quá xá, người khác thì nói việc rời bỏ Liên Âu là đoạn tuyệt với chính sách mở cửa cho di dân, “giữ giá” [cho Anh quốc, khỏi bị đánh đồng với các thành viên đói rách khác] và kinh tế toàn cầu nhưng với tui, đây là trọng huyệt của nền dân chủ. Liên Âu đã không kể chi đến quyền độc lập tự chủ của Anh Quốc và đã biến Liên Âu thành một cộng đồng lớn. Quyết định quan trọng nào cũng đến từ Liên Âu, chúng tôi không chấp nhận như thế! Tui thà chịu bất ổn, chịu đổ dốc kinh tế hơn là sự an toàn nhưng mất quyền tự quyết của đất nước.
Bà Sheila Woolf, một sử gia chuyên nghề dạy học thì rầu rĩ lắm. Bà ấy cho rằng ở chung khối Liên Âu thì Anh quốc sẽ vững vàng hơn, thế hệ trẻ sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến về tài chánh hơn. Hệ quả của Thế Chiến II ảnh hưởng sâu đậm đến mấy thế hệ về sau, đoàn kết thì mạnh mẽ hơn là chia rẽ.
Theo Giáo Sư Gurharpal Singh, Khoa Trưởng, khoa Arts and Humanities tại the School of Oriental and African Studies, University of London, kết quả cuộc trưng cầu dân ý là một trận động đất về chính trị, ảnh hưởng tương đương với trận nội chiến năm 1066 của Anh, trận chiến giành độc lập của Hoa Kỳ và việc chấm dứt thể chế thuộc địa tại Ấn Ðộ, những biến cố chính trị rất lớn của Ăng Lê. Quyền tự quyết của một quốc gia là nền tảng của dân tộc nhưng để đạt được quyền tự quyết ấy, giá phải trả khá cao. Chính khách và cư dân Anh, những người bỏ phiếu “ra đi” có sẵn sàng cho cái giá phải trả kia không?!
Ngược lại, ông Simon Cook, hội trưởng, Canterbury City Council thì cho rằng cư dân Anh đã nói lên nguyện vọng của họ qua việc bỏ phiếu. Anh quốc đi đến một ngã rẽ, một sự thay đổi rất lớn về đường lối chính trị, kinh tế và xã hội, đúng hay sai, đồng ý hay phản đối thì người dân cũng phải săn tay áo cùng nhau giải quyết!
Nhìn chung, việc lìa bỏ Liên Âu của Ăng Lê là một hành động phản ảnh sự đối đầu giữa các thế hệ và tầng lớp dân cư Anh, họ chọn quá khứ hơn là tương lai với một thế giới mở cửa giao thương. Người chọn ra đi là những người không còn trẻ, họ ao ước duy trì một hào quang cũ, phần lớn là những người học hết trung học, không có nghề chuyên môn so với tầng lớp trẻ, tốt nghiệp đại học, dễ dàng hội nhập với thời hậu kỹ nghệ và có thể làm việc bất cứ nơi nào… Tư tưởng “độc lập” hay chính xác hơn là chủ nghĩa “đóng cửa”, isolation, bắt nguồn từ trận Thoái Hóa Kinh Tế năm 2008 và cuộc di dân đến Anh (bắt đầu từ năm 1993, cư dân ngoại quốc gia tăng từ 3.8 triệu người đến 8.3 triệu người hiện nay) đã dẫn đến các lá phiếu rời bỏ Liên Âu.
Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Anh khiến Dế Mèn chạnh lòng nghĩ đến cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Huê Kỳ. Người Huê Kỳ có chọn việc bế quan tỏa cảng, đóng cửa cấm di dân, chỉ buôn bán với nhau như cư dân Ăng Lê không nhỉ?
TLL