Chúng ta tiếp tục câu chuyện về ứng xử nha bạn.
Trong giao tiếp giữa người và người, chúng ta cần lưu ý tới lời nói cử chỉ của mình. Sau đây là những điều gợi ý.
– Nói chuyện với ai nên nhìn thẳng mặt người ấy với thái độ chân thành, tự nhiên. Tuy nhiên đừng nhìn chằm chằm khiến người đối diện khó chịu. Thỉnh thoảng hãy đưa mắt nhìn phạm vi xung quanh họ để giảm bớt căng thẳng cho cả hai. Tuy nhiên không nên đảo mắt liên hồi, quan sát chỗ này chỗ kia. Cũng vậy, trong khi nói chuyện không làm việc gì khác như loay hoay cột lại dây giày, tô lại son môi.

– Không đá lông nheo với người khác giới, trừ khi đó chỉ là cử chỉ hài hước bạn tạo ra cho mọi người vui vẻ.
– Không ngắt lời một người đang hào hứng kể chuyện cho bạn. Khi bạn làm cho họ mất hứng trò chuyện, có thể lần sau họ sẽ ngại chia sẻ với bạn.
– Khi nói chuyện, nên giữ một khoảng cách vừa phải. Nếu không gian có nhiều đồ vật riêng tư của người đối diện, đừng tò mò quan sát vì họ sẽ nghĩ là bạn đang soi mói đời tư của họ. Với người lớn tuổi, nên đứng lại gần hơn một chút vì họ có thể bị lãng tai, không nghe rõ.
– Nếu đang nói chuyện với nhóm đông người, tuyệt đối không có cử chỉ thì thầm vào tai người bên cạnh hay ghi giấy chuyển cho người khác, rồi làm ra vẻ bí mật. Ðây là hành vi bị cho là thiếu lịch sự, kém tế nhị.
– Không nên đem chuyện riêng tư của mình ra kể cho mọi người nghe. Và cũng không nên nói xấu người vắng mặt.
– Nếu không thể nói sự thật, đừng tìm cách nói dối. Ví dụ, có người hỏi bạn chiếc áo mới mua của cô ấy có đẹp không. Nếu bạn thực sự thấy xấu, đừng giả vờ khen đẹp. Hãy cho cô ấy biết cảm nhận thành thật của bạn hoặc đưa ra một cách trả lời khéo léo: “Có lẽ nó thích hợp với chị nhưng hình như phong cách của tôi hơi khác. Tôi thích kiểu giản dị hơn, màu nhẹ hơn…”
(còn tiếp)