Tuần qua, pháo bông (hoặc pháo hoa) rực rỡ đã nổ trên khắp bầu trời nước Mỹ nhân ngày mừng lễ Độc lập. Từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, người Trung Quốc cổ đại đã biết sáng chế ra “pháo thăng thiên” bắn lên bầu trời, nhưng pháo thời đó khác xa với pháo bông thời hiện đại.
Pháo bông ngày nay có thể nổ bung ra thành nhiều hình thể, từ hình trái tim đến khuôn mặt cười, và ngay cả hình dạng những ngôi sao như Thổ tinh chẳng hạn… Những hình dạng này có được là nhờ ở cấu tạo vỏ (shell) của pháo và cách sắp xếp các đạn pháo hoa (pyrotechnic pellets) bên trong. Các vỏ bọc thường hình cầu, nên khi nổ sẽ nổ đối xứng. Xếp đặt các đạn hoa theo hình dạng muốn có trên một tấm thẻ đặt bên trong vỏ bọc sẽ làm cho những đạn này nổ tung ra theo hình mẫu đó.
Các nhà chế tạo pháo còn dùng các vỏ nổ nhiều lớp (multi-break shells) có nhiều ngăn bên trong, với các đạn hoa nhiều màu và nhiều thành phần cấu tạo. Khi những đạn hoa này được xếp đặt và kích nổ theo một thứ tự đặc biệt, chúng sẽ nổ liên tiếp để tạo ra những hình tượng. Tuy nhiên, đây không phải là một khoa học chính xác, sẽ nổ và tạo hình đúng theo ý muốn, nên thường ra người ta bắn lên nhiều phiên bản giống nhau cùng một lúc để ít nhất cũng có một hình tượng muốn có sẽ được khán giả trông thấy.
Khoa học pháo bông
Cấu trúc hóa học của pháo bông gồm ba thành phần quan trọng: hóa chất ô xy (oxidizer, cần có để nhiên liệu cháy được), chất kết dính (binder) và nhiên liệu kim loại (metal fuel). Cả ba chất liệu này được trộn lẫn nhau chung với bột dẻo, rồi được trét vào các dây sắt tạo thành thân chính của pháo.
Kim loại tán nhỏ thành bột là thành phần cốt yếu, vì nó giúp tạo ra các tia lóe sáng, hợp thành hiệu ứng lấp lánh là đặc trưng của pháo bông, và đồng thời cũng tạo ra màu sắc. Aluminium, titanium và magnesium đều tạo ra các tia sáng trắng chói chang, còn sắt sẽ cháy thành màu cam. Sắt và titanium trộn lại tạo thành hợp kim ferrotitanium, khi cháy tạo thành màu vàng kim.
Để tạo thành nhiều màu sắc khác, muối của nhiều kim loại được thêm vào pháo hoa. Muối đồng tạo thành màu xanh lục ngả màu xanh dương, muối barium tạo màu xanh lục, muối strontium tạo ra màu đỏ.
PN
(Nguồn: howitworksdaily)