Menu Close

Thằng Xí

01

Dài dòng một tí cho rõ, tôi lướt Net để “gú gồ” tìm hiểu xem nghĩa của chữ “emoji” là gì… Thì ra “emoji” là chữ Nhựt Bổn chứ chẳng phải chữ Ăng Lê ăng táo gì cả. Takeshi Kishimoto, Quản lý Sản phẩm của chi nhánh Google tại Nhật, cho biết “E ” có nghĩa là hình ảnh và “moji” là ký tự. “Emoji” là ký tự hình ảnh hay còn được gọi là ký tự biểu cảm.

Tôi thấy ký tự hình ảnh “cục phân cười” đó khi đọc bài The Oral History Of The Poop Emoji (Or, How Google Brought Poop To America) của tác giả Lauren Schwartzberg. Haha! Tôi tìm được nó rồi! Tôi không cần phải đi một ngày đàng, chỉ ngồi nhà mò mò gõ gõ lướt Net, cũng học được một sàng khôn. Theo bài viết này, ký tự hình ảnh “Cục phân cười” thực ra là một biểu tượng mang ý nghĩa của sự may mắn đối với văn hóa Nhật Bản. Như vậy tôi nghĩ nếu người Nhựt gởi “nó” cho nhau thì chắc sẽ không gây mích lòng; còn người nước khác nhận được cái đống màu nâu này e rằng sẽ xảy ra tai họa. Tôi xin mạn phép tạm đặt cho ký tự hình ảnh cục phân mỉm cười cái tên là Thằng Xí vì tên Nhật của nó trong truyện tranh là Unchi-Kun, tên trong phiên bản Anh ngữ là Poop Boy.

“Cục phân cười”, emoji có trong phone của bạn.
“Cục phân cười”, emoji có trong phone của bạn.

Xuất xứ của Thằng Xí cũng khá ly kỳ. Vào những năm của thập niên 1990 ở Nhật có phát hành bộ truyện tranh Dr. Stump với nhân vật Unchi-Kun do họa sĩ Senbei Norimaki tạo ra. Norimaki cho biết anh ta đã nảy ý tưởng tạo ra nhân vật tí hon này trong lúc anh ta đi đường và mắc ị thình lình mà không có sẵn nhà vệ sinh ở đâu cả. (Như vậy là đặt mìn thối trong lùm bụi rồi chứ gì).

Trong truyện Dr. Stump, một trong số các nhân vật chính là Akane Kimidori, nữ sinh 13 tuổi học lớp 7 có tính tình tinh nghịch như con trai, hay giở những trò chơi rắn mắt chọc phá thiên hạ. Tiêu biểu là Akane mang một cục phân giả bằng nhựa để hù người khác với mục đích đùa nghịch cho vui thôi. Lúc đầu đối tượng bị chọc phá cũng hơi bực nhưng dần dần mọi người nhận thấy cái trò đùa này cũng hay hay. Nhân vật Unchi-Kun (Thằng Xí) trong truyện tranh này hay tự hỏi sự hiện hữu trên đời của nó là để làm gì, một thứ mặc cảm nghĩ rằng mình vô tích sự. Akane Kimidori tìm thấy Thằng Xí và cố gắng muốn làm bạn với nó, nhưng Thằng Xí nghĩ rằng phận mình quá nhỏ bé để có thể làm bạn với người lớn. Chẳng lâu sau, nó gặp Thằng Cứt Chim và muốn kết bạn vì dù sao hai đứa cũng có nhiều điểm tương đồng dễ hợp nhau. Trong lúc đôi bạn mới đi long nhong dạo chơi thì gặp Thằng Phân Bò. Lúc đầu Thằng Phân Bò ỷ bự con hơn nên có vẻ bắt nạt, nhưng khi Thằng Xí kịp thời cứu nó khỏi bị rớt xuống sông, nó nhanh chóng chịu làm bạn. Trên đường đi ngao du, chúng gặp Thằng Cây Kem mà thoạt nhìn chúng tưởng nhầm là đống “kít”. Chúng giải cứu Thằng Cây Kem ra khỏi tiệm kem và để cho nó được tự do đi theo con đường riêng của nó. Trong lúc chúng đang cảm thấy bơ vơ mất định hướng, mất hy vọng thì chúng gặp Ông “Kít” Khô và ông đã chỉ đường cho chúng tìm đến nhà của cô người máy rôbô vừa có sức mạnh vô song vừa thông minh tên Arale Norimaki; cô biết sẽ đặt để chúng chỗ nào. Ði sắp tới nhà Arale, chúng thấy một chiếc xe chuyên hút bụi rác của Sở Vệ Sinh Thành Phố tới với cái ống vòi rà theo lề đường. Chúng hoảng kinh. May thay ngay lúc đó cô người máy Arale xuất hiện và đập chiếc xe hút rác một trận. Xong Arale đưa chúng vào nhà, dắt chúng vào phòng vệ sinh và chỉ cho chúng biết nơi chúng ở: cái toi lét! Chúng vui mừng rất thích. Nhưng khi Thằng Xí tò mò táy máy tay chân bấm nhầm cái nút xả nước bồn cầu, tất cả đám bạn nhà họ Phân đều bị cuốn hút đi mất vào cõi hư vô.

Truyện tranh dễ thương này rất được giới độc giả thiếu nhi hâm mộ. Sau đó nó được thực hiện thành phim hoạt họa chiếu trên các đài truyền hình Nhật.

 

Hình vẽ nhân vật Unchi-kun (Thằng Xí) trong truyện tranh Dr. Slump
Hình vẽ nhân vật Unchi-kun (Thằng Xí) trong truyện tranh Dr. Slump

Ðến cuối thập niên đó (năm 1999), khi công ty điện thoại di động lớn nhất nước Nhật là NTT DoCoMo muốn tiên phong phát minh ra ngôn ngữ hình ảnh emoji để giúp tạo điều kiện dễ dàng trong giao tiếp điện tử và để phục vụ như là một tính năng phân biệt với các dịch vụ khác, công ty mới giao cho người phụ trách là Shigetaka Kurita phát minh ra 172 ký tự hình ảnh đầu tiên rất đơn giản, cái nhỏ nhất chỉ có 12×12 chấm pixels.

Người Nhật gọi phân là “unchi” với nghĩa vô tư vô hại, nếu không muốn nói là nghĩa tốt, vì phân bình thường mới được gọi là “unchi”, phân biệt với chữ “unko” là phân lỏng, xấu. Người Nhật cởi mở bàn bạc chuyện tiêu hóa, không coi đó là một điều cấm kỵ. Ðối với họ, phân tốt là dấu hiệu của sức khỏe tốt, do đó họ dùng ký hiệu “Thằng Xí” để chỉ sự may mắn.

Nhưng khi Google giới thiệu “unchi” với thế giới bên ngoài thì nó gặp vấn đề vì sự khác biệt văn hóa và lối suy nghĩ. Người ta cho đó là tầm bậy, tồi bại, bẩn thỉu, sỉ nhục, v.v… Lúc đầu Cơ Quan Ðịnh Chuẩn Unicode cũng bị nghe những lời phàn nàn khi họ hỗ trợ “Thằng Xí” này, một hành động bị cho là “tự hạ mình”, hạ chuẩn mực phẩm giá của mình xuống cho ngang bằng với chuẩn mực thấp hơn. Sự hiểu nhầm ban đầu rồi cũng được giải tỏa. Cơ Quan Unicode gật đầu cho phổ biến khỏi biên giới nước Nhật và lưu hành khắp thế giới.

Đây là một ảnh động (GIF = Graphics Interchange Format, Định dạng Hình ảnh Di động) với Thằng Xí di chuyển và nằm chồng lên khối kem trên chuôi bánh.
Đây là một ảnh động (GIF = Graphics Interchange Format, Định dạng Hình ảnh Di động) với Thằng Xí di chuyển và nằm chồng lên khối kem trên chuôi bánh.

Biểu tượng cảm xúc đầu tiên của Google ra mắt trong Tháng Mười, năm 2008. Một tháng sau đó, Apple cũng chấp nhận theo, mặc dù vào thời điểm đó người dùng Apple ở Mỹ chỉ có thể dùng chúng nếu họ tải về một ứng dụng. Trong năm 2010, biểu tượng cảm xúc đã chính thức được chấp thuận của Unicode Consortium, có nghĩa là nó đã được chấp nhận toàn ngành công nghiệp như là một ngôn ngữ thật sự. Tính đến năm 2014, tất cả các hệ điều hành điện thoại di động và máy tính để bàn đều hỗ trợ biểu tượng cảm xúc, bao gồm cả Twitter và Facebook. Emoji “Thằng Xí”  vẫn là một trụ cột mặc dù số lượng biểu tượng cảm xúc ngày càng trở thành nhiều hơn. Trong năm qua, hơn 250 biểu tượng cảm xúc đã được thêm vào các tiêu chuẩn Unicode, có nghĩa là họ có thể được truyền trên tất cả các thiết bị, một khi các nhà thiết kế tạo ra phiên bản riêng của họ. Càng ngày emoji càng đa dạng, bắt mắt hấp dẫn hơn.

Bạn có dám mua cái gối hình Thằng Xí này về ôm ngủ không? Khoảng 25 Gia-kim thôi. Haha…
Bạn có dám mua cái gối hình Thằng Xí này về ôm ngủ không? Khoảng 25 Gia-kim thôi. Haha…

Trưởng nhóm của Google Doodle (một bộ phận chuyên tạo hình của Công ty Google) là Ryan Germick cho biết biểu tượng “Thằng Xí”  khởi đầu có nghĩa ngắn gọn là “ghét, không thích”. Nhưng trước đây, muốn tỏ ý “không thích”, người ta đã dùng dấu hiệu ngón tay cái chĩa xuống hoặc cái mặt bí xị là đủ. Thật ra người ta hay dùng “Thằng Xí” đúng theo nghĩa đen đích thực của nó: “xí”, là “s-h-i-t”, là xấu tệ như trong các câu ví dụ sau.

I hear a lot of bull , but I never sweat it, because when you ask them, they be like “I never said it”. (Tớ nghe cả lố chuyện ruồi bu (phân trâu có nhiều ruồi bu là phải rồi), nhưng tớ chẳng thèm bận tâm, bởi vì khi bạn hỏi họ, họ cứ như bảo “tôi có nói vậy hồi nào đâu.”)

Weather here today is a piece of . (Thời tiết hôm nay ở đây xấu lắm!)

When someone asks “how you doing”, you smile and say “great” but really you are dealing with some   that no one will understand.

(Khi ai đó hỏi “hôm nay bạn thế nào”, bạn cười trả lời “tuyệt” nhưng thật ra bạn đang đương đầu với vài điều tệ hại mà (dù bạn có nói ra) thì cũng chẳng ai hiểu cho.

Ngày nay Thằng Xí hầu như có mặt khắp không gian điện tử, ai cũng có thể tạo một ký tự hình ảnh Thằng Xí cho riêng công ty mình. Chẳng những thế, theo một nghiên cứu mới trên toàn thế giới, Thằng Xí là biểu tượng cảm xúc phổ biến nhất ở mọi quốc gia, một biểu tượng cảm xúc đa sắc tộc phi ngôn ngữ, xinh xắn có duyên. Người ta tha hồ tạo cho nó bất cứ đặc tính nào để phù hợp với bản sắc của họ. Người ta còn ví von là “nó mang một vẻ bí ẩn hơn cả những viên kim cương hiếm quý.” Vẻ riêng của Thằng Xí được thể hiện trong mỗi hệ điều hành điện thoại thông minh, nhưng nổi tiếng nhất là Thằng Xí của Apple với đôi mắt mở to và một nụ cười rực rỡ.

Một số Thằng Xí của các công ty
Một số Thằng Xí của các công ty

Hình ảnh Thằng Xí  đã trở thành một mốt hiện tượng rất được giới trẻ ưa chuộng mê thích. Nó xuất hiện trên nhiều sản phẩm vật dụng thường dùng nhất của con người: quần áo, nón, ví xách, gối, nữ trang, và ngay cả kẹo bánh. Nhiều công ty thời trang đã thiết kế các món trang sức lấy ý tưởng từ các emoji, ca sĩ Taylor Swift cũng có biểu tượng cảm xúc của riêng mình trên Twitter. Trong chuyến du ngoạn nước Nhật Tháng Tư vừa qua, chúng tôi tới khu mua sắm Shinjuku và Shibuya, Tokyo để tìm mua quà. Thấy vài món có hình ảnh Thằng Xí cũng hay hay, tôi ngẫm nghĩ lưỡng lự rồi không dám mua vì nhút nhát.

Tôi lan man về emoji “Thằng Xí” cho vui, xem đó như là một cách chào mừng Ngày Biểu Tượng Cảm Xúc Thế Giới 17 Tháng Bảy mỗi năm. Nó đánh dấu kỷ niệm ngày 17 tháng Bảy năm 2002 Steve Jobs công bố Apple ra mắt iCal app, một ứng dụng lịch điện tử trực tuyến miễn phí hết sức thông dụng và hữu ích cho người cần theo dõi lịch trình làm việc mỗi ngày.

PH