Menu Close

Danh xưng

Tôi đã là nạn nhân bị phiền trách về chuyện danh xưng nhiều lần.

Năm 1974, khi tôi đang làm việc tại Phòng Tâm Lý Chiến thuộc Trung tâm Huấn Luyện Quang Trung, nhân viên tôi có nhiệm vụ soạn thảo và ấn hành bản tin sinh hoạt hằng tháng của đơn vị. Bản tin in xong, tôi cũng chưa kịp xem lại thì ông Trưởng Phòng Tuyên Úy Phật Giáo đã cầm bản tin này, đích thân sang phòng tôi khiếu nại:

– Ông Ðại úy, sao tôi là Thượng Tọa mà ông ghi tôi là Ðại Ðức, làm ăn thế này bộ không được đâu a! Tôi sẽ trình lên ông Tham Mưu Trưởng!

Tôi đành phải xin lỗi ông lấy lệ, hứa lần sau sẽ không có vụ sai sót nữa, nhưng cải chính thì không cần thiết. Phải chi nếu ông này mặc quân phục của tuyên úy, mang cấp bậc Ðại úy thì đỡ cho tôi biết mấy, đằng này ông sĩ quan phụ trách bản tin của tôi lại không rành các danh xưng về tôn giáo, khi gặp nhau thì thưa Thầy là được, nhưng khi văn bản thì phải rạch ròi.

Một danh thiếp - nguồn truongthaidu.wordpress.com
Một danh thiếp – nguồn truongthaidu.wordpress.com

Chuyện thứ hai là cách đây 6 năm, khi Hòa Thượng Thích Hạnh Ðạo, nguyên Tuyên Úy Phật Giáo Vùng I  Chiến Thuật còn sống, khi viết loạt bài phóng sự về “Chân Dung H.O.” tôi có gặp ông để phỏng vấn về cuộc đời tù tội của ông. Trong bài tôi ghi ông là Thượng Tọa, vì cứ đinh ninh Thượng Tọa là chức sắc cao nhất của bên Phật Giáo, không ngờ Hòa Thượng mới là vai vế cao hơn. Khi tờ báo phát hành, gặp tôi, ông trách, nửa đùa, nửa thật:

– Ông Huy Phương hạ chức của tôi rồi!

Tôi vấp phải một lỗi lầm mà tôi đã phạm cách đây hơn 30 năm, nên cũng đành cúi đầu xin lỗi vậy!

Ðừng coi thường danh xưng! Phải phân biệt Ðại Ðức, Thượng Tọa hay Hoà Thượng, Ðại Lão Hòa Thượng hay Trưởng Lão Hòa Thượng. Phải gọi ai là  Sư Cô,  Ni Sư, ai là Sư Bà hay Ni Trưởng.

Phải biết sự khác nhau giữa  Linh Mục, Ðức Cha và Ðức Ông. Người thường lầm lẫn đã không được, gọi lầm các chức sắc tôn giáo là một điều vô lễ. Chúng ta phải gọi Bác Sĩ Nha Khoa, Bác sĩ Dược Khoa hay là chỉ gọi Nha Sĩ hay Dược Sĩ? Chúng ta phải thưa “Ông Bà Bác Sĩ” hay nên gọi “Bác Sĩ Nguyễn và Phu Nhân” hay “Bác sĩ và Bà Nguyễn?” Chúng ta có cần nịnh bợ để gọi “Thưa Ông Bà Bộ Trưởng” hay không, trong khi chúng ta thừa biết chỉ có ông là Bộ Trưởng thôi. Cũng nên phân biệt Bác Sĩ Ðại Úy tốt nghiệp ở trường Quân Y và một Ðại Úy tốt nghiệp trường Bộ Binh Thủ Ðức, vì đã có một lần, một anh lính gọi một Bác Sĩ Quân Y mang cấp bậc Ðại Úy, khám bệnh cho mình là “Thưa Ðại Úy,” liền bị mắng: “Anh về nói Ðại Úy anh chữa bệnh cho anh đi!”

Danh xưng có ba loại: – bằng cấp như Tiến Sĩ, Bác Sĩ Y Khoa, Nha Sĩ, Kỹ Sư…, -chức vụ như Tổng Trưởng, Chánh Án, Thủ Tướng, Thẩm Phán…,- nghề không cần bằng cấp như Nhà Văn, Nhà Thơ, Ca Sĩ, Ký Giả, Nghệ Sĩ,- và phẩm hàm danh dự, “nghệ sĩ nhân dân”, “anh hùng các lực lượng võ trang”, “nhà giáo nhân dân”…

Một mộ bia - nguồn dalangmothientam.com
Một mộ bia – nguồn dalangmothientam.com

Những người không biết hát, không biết sáng tác nhạc, không biết múa may… chúng ta có thể gọi người đó là Nghệ Sĩ. Một người có thành tích làm thơ gửi một bài thơ kèm theo $200 cho một tổ chức con buôn in ấn ở Mỹ, có thể ghi trong phần tiểu sử của mình là “Hội Viên Hội Thi Sĩ Hoa Kỳ…”

Người ta nói người Việt rất thích danh xưng cũng đồng nghĩa với người Việt “háo danh,”nhất là người Việt trong nước. Trong một xã hội mà khoai sắn không đủ no thì người ta sống bằng danh xưng. Những nhà giáo cơm không no nhưng vinh hạnh được phong là “nhà giáo nhân dân,” những quân nhân hy sinh mạng sống cho vinh quang của đảng được phong là “anh hùng lực lượng võ trang,” toàn là những bánh vẽ không ăn được.

Cái tật của chúng ta là thích gộp và ôm nhiều danh xưng một lúc. Bác sĩ là Tiến Sĩ Y Khoa, như ở Việt Nam hiện nay có nhiều người trong danh thiếp ghi là Tiến Sĩ-Bác Sĩ, hay là một ông bác sĩ kiêm ca sĩ thì cũng nên để một danh xưng tùy từng hoàn cảnh. Rất kệch cỡm là đã có lần chúng ta nghe giới thiệu một người sắp lên sân khấu là Bác Sĩ- Ca sĩ hay là Bác Sĩ- Nhạc Sĩ. Một nhân vật lên TV trong một chương trình văn nghệ được ghi danh xưng là Nha-Nhạc sĩ, Nha Sĩ thì có bảo đảm gì tốt đẹp cho một chương trình thuần về âm nhạc không?

Có người thì xưng mình là Giáo Sư -Nhà Văn hay Nhà Văn-Nhà Thơ-Nhà Báo, có lẽ chỉ nên chọn một, cái gì nổi trội nhất hay tùy theo từng lúc, tùy thời, vì cũng có lúc hai cái danh xưng đi cùng nhau mà chẳng dính gì nhau. Quả là khó nghe khi có người giới thiệu với mình, một ông Thẩm Phán Họa Sĩ, hay một ông Ðại Tá Nhà Thơ.

Bởi vậy ngày xưa chúng ta có nhiều Y Sĩ làm Bộ Trưởng, hay Y Sĩ làm Quốc Vụ Khanh, vẫn được báo chí gọi là Bác Sĩ Bộ Trưởng Giáo Dục hay là Bác Sĩ Quốc Vụ Khanh. Nếu trường hợp một nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Duy hay Trần Văn Khê được giữ chức vụ Tổng Trưởng Văn Hóa thì không lẽ chúng ta gọi là Nhạc Sĩ Bộ Trưởng Văn Hóa.

Ra hải ngoại này, khi chúng ta đã bỏ hết, thì mang thêm chữ cựu, chữ nguyên. Không làm được chức Quốc Trưởng, hay Thủ Tướng Chính phủ cho bằng chị bằng em, thì cũng ráng ôm một cái “chủ tịch” cho có chức có quyền để MC vào danh sách, lỡ khi sáng đám cưới, khi tối trời đám ma.

Lúc nào người đời có cơ hội nhắc nhở đến chức tước, bằng cấp thì thiên hạ không bỏ lỡ cơ hội. Tôi đã tham dự một cái đám cưới, mà nhà nọ lấy cô dâu chú rể ra làm mắc áo để máng lên đó bao nhiêu thứ danh xưng! Nào thân phụ chú rể nguyên là Ðại Tá Tỉnh Trưởng, nào anh Hai chú rể là bác sĩ giải phẫu bệnh viện A, anh Ba chú rể là tiến sĩ Dầu Hỏa làm việc ở Trung Ðông, em gái cô dâu là Tiến Sĩ Dược Khoa làm cho hệ thống CVS, tội nghiệp cho cậu em út cô dâu, chưa tốt nghiệp gì, đang theo học Y Khoa tại UCI năm thứ ba cũng được trang trọng, giới thiệu và đứng lên vẫy tay chào. Giới thiệu cho hết hai họ, bốn làng, ông MC mới cho bà con cầm đũa, đồng hồ lúc đó đã chỉ 9:00 giờ đêm!

Văn thi sĩ, trong tiểu sử thì 10 anh, hết 8 anh ghi là cựu sinh viên Văn Khoa, Luật Khoa. Theo thời, vị nào cũng treo bảng: “50 Năm Làm Truyền Thông, “40 Năm Cầm Bút,” “ 60 Năm Ca Hát…”

Khi một người chết, danh xưng chưa chết theo đâu. Gia đình muốn làm mộ bia, thì xưởng làm bia mộ, thường “tính chữ ăn tiền”, như tấm bia ở đầu trang: Giáo Sư- Nhà Giáo Nhân Dân- Nguyên Bộ Trưởng- Tổng thư Ký Hội Ðồng Bộ Trưởng Nước Cộng Hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Như vậy, chết cũng chưa phải là danh đã hết.

HP