Menu Close

Bao giờ trái đất cạn dầu

Câu hỏi thật quan trọng cho nền kinh tế thế giới khi trước đây nhiều nhà khoa học địa chất từng tính toán đến năm 2010 trữ lượng dầu khí trên trái đất bị khai thác cạn kiệt. Bởi sự tiêu thụ năng lượng dầu khí cứ 20 năm lại tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, người ta không thừa nhận sự bi quan đó vì tài nguyên dầu thô còn chưa khai thác nhiều, hiện chỉ mới khai thác một nửa khối lượng, chưa kể các loại năng lượng khác như gió, nước, hạt nhân. Tuy vậy, dầu thô và khí đốt vẫn là năng lượng chính được tiêu thụ đến 64%.

bao-gio-trai-dat-can-dau6
Cơ sở khai thác và lọc dầu ở Saudi Arabia (Nguồn: MiddleEastoil)

Chúng ta hãy cùng nhau quan sát nhiều khu vực khai thác dầu khí trên thế giới. Saudi Arabia, Kuwait, Iran, Iraq và khối Á Rập Thống nhất luôn là những nước giàu dầu khí. Mặc dầu các nước này khai thác rất nhiều cho việc xuất cảng nhưng tính tới nay còn khoảng 50 tỷ tấn dầu thô còn nằm trong lòng đất của các nước Trung Ðông đầy biến động chính trị quân sự này. Tại châu Mỹ, người ta ước định còn gần 11 tỷ tấn vàng đen mà trong đó Mexico chiếm đến 60%, khu vực Caribbean và Nam Mỹ có chừng 4 tỷ tấn mà trong đó 73% thuộc về đất nước Venezuela.

bao-gio-trai-dat-can-dau5
Dầu mỏ trên trái đất sẽ cạn kiệt vào năm 2060 (Ảnh: Minh họa)

Phía bên châu Phi có 7.5 tỷ tấn, 2.2 tỷ tấn ở Tây Âu trong đó nước Anh chiếm hết phân nửa, phần còn lại Na Uy chưa khai thác đến 32%. Riêng nước Nga, khối lượng dầu khí rất lớn bằng cả châu Phi và châu Á cộng lại. Vòng qua châu Á và châu Ðại Dương có 3.4 tỷ phần lớn thuộc về Úc, phần nhỏ còn lại chia đều cho các nước Ðông Nam Á đứng đầu là Indonesia. Dầu khí ngoài khơi Việt Nam chỉ là một phần nhỏ xíu trong bản đồ phân chia các mỏ khai thác. Một điều dễ nhìn thấy là những mỏ dầu không được phân chia đồng đều trên trái đất này. Ngay cả khí đốt cũng vậy, các nước phát triển có tới 46 tỷ mét khối.

Nhìn những con số thống kê kể từ khi những mỏ dầu lớn bắt đầu khai thác xuất cảng, chúng ta thấy sự teo dần loại nhiên liệu vàng đen trong lòng trái đất đến chóng mặt. Năm 1920, con người khai thác được 95 triệu tấn dầu trên thế giới. Ðến năm 1950 nhảy lên 523 triệu tấn, năm 1960 tăng 1.05 triệu tấn, năm 1970 lên 2.4 triệu tấn và năm 1980 lên đến 3.06 triệu tấn. Sản lượng khai thác cứ mỗi thập kỷ tăng lên hơn 25% và người ta thấy hiểm họa tương lai sẽ xảy ra với kiểu khai thác tràn lan của hơn 200 giếng dầu trên toàn thế giới liên tục đang vắt kiệt vàng đen cần thiết cho việc phát triển kinh tế. Qua thập niên 80 đến đầu thế kỷ 21, các giếng dầu bắt đầu được khai thác chậm lại, cứ năm năm giảm xuống 5 triệu tấn. Mỹ và Liên Xô (cũ) đi tiên phong trong phương cách giảm khai thác tài nguyên dầu khí. Với Mỹ chuyển sang giai đoạn nhập cảng dầu thô từ các nước Trung Ðông; còn Liên Xô sau khi tan rã, nước Nga tuy giảm sản lượng kinh tế nhưng vẫn phụ thuộc vào dầu thô xuất cảng. Tuy vậy việc khai thác chủ yếu hoạt động ở vùng Siberia chứ không còn nằm trong khu vực vùng Oural và lưu vực sông Volga.

bao-gio-trai-dat-can-dau3
Một nhà máy khai thác dầu và khí đốt ở Iraq (Nguồn: MiddleEastoil)

Qua nhiều thập kỷ khai thác dầu khí, các túi dầu trong lòng đất đang dần cạn kiệt đã khiến các chính trị gia phương Tây lo lắng về chủ nghĩa bành trướng và xâm chiếm các vùng đất giàu có dầu khí ở các nước khác. Trung Quốc là một điển hình khi họ nhìn thấy tiềm năng trữ lượng dầu khí to lớn ở biển Ðông. Vậy có con đường hòa bình nào để mở rộng việc khai thác tài nguyên không thể thiếu cho nền kinh tế luôn phát triển? Câu trả lời là có. Nhưng tùy thuộc vào các nước có thể tiếp cận với những vùng không tranh chấp như Bắc cực hay Nam cực. Mỹ và Nga có một lợi thế. Vùng Alaska lạnh lẽo rộng mênh mông hay vùng Siberia hoang vu khắc nghiệt tàng ẩn trữ lượng lớn dầu khí chưa được khai thác đầy đủ.

Trong số 600 vùng ngoài khơi, duyên hải và lưu vực các con sông trên thế giới đều có dầu khí. Hiện nay con người mới khai thác được 400 vùng còn 200 vùng để trắng trên bản đồ dầu khí thế giới. Một giả thuyết về việc hình thành các mỏ dầu lớn là do những điều kiện có thể được khi tiếp xúc với những luồng rỗng trong vỏ trái đất. Dưới áp suất và nhiệt độ gia tăng vượt bực, những chất hữu cơ lan tràn trong những túi chứa dưới lớp vỏ địa cầu nhanh chóng biến thành dầu khí. Tuy vậy hầu hết các vị trí mỏ dầu này đều không sâu dưới lòng đất. Việc khai thác các giếng có độ sâu từ 1 đến 2 dặm thường có trữ lượng không nhiều.

bao-gio-trai-dat-can-dau2
Mỏ dầu sâu nhất thế giới ở Sakhalin, Nga (Ảnh: Gregory Ivannikov)

Những mỏ sâu dưới lòng đất là một lợi thế về trữ lượng cao đầy hứa hẹn cho việc khai thác dài lâu. Nhưng lâu bao nhiêu, nhiều nhà khoa học đã tính toán được. Hiện nay kỹ thuật khoan tân tiến cho phép thăm dò và khai thác những giếng có độ sâu từ 6 đến hơn 9 dặm dễ dàng. Hai giếng dầu sâu nhất hiện nay trên thế giới nằm ở bán đảo Kola (Nga) sâu 9.3 dặm và giếng dầu ở thành phố Elk City thuộc tiểu bang Oklahoma sâu 4.5 dặm đang được khai thác. Nhưng việc khai thác liên tục hết công suất thì vẫn dẫn đến kết cục dầu khí cạn kiệt.

Nhiều nhà khoa học dầu khí vẫn tin rằng trong lòng trái đất vẫn còn đến 50% trữ lượng vàng đen chưa được khai thác vì lý do các nước muốn “tồn kho” hoặc kỹ thuật khai thác tốn kém quá nhiều để dẫn đến giá dầu thô tăng cao bất lợi cho kinh tế. Nước này vẫn muốn khai thác ở nước kia, mua bán nhập cảng tiêu thụ rẻ hơn tự khai thác. Ðá phiến chẳng hạn. Không chỉ có Hoa Kỳ đang khai thác dầu khí từ các loại đá này trên nhiều tiểu bang miền Trung Tây mà nhiều nơi trên thế giới có rất nhiều loại đá và cát tẩm chứa dầu nhưng chi phí khai thác cao tạo ra giá thành cao không được các nhà kinh tế đầu tư cho chiến lược kinh tế dài lâu.

bao-gio-trai-dat-can-dau1
Vàng đen vẫn là nguồn tài nguyên cho nền kinh tế các nước phát triển (Ảnh: Halpdan Carstens)

Tuy vậy, người ta vẫn lạc quan về trữ lượng dầu khí cho dù biết rằng nó sẽ cạn kiệt nhưng ít ra khi đó các nhà khoa học đã tìm ra một loại năng lượng khác ngoài hạt nhân để có thể an toàn cho cuộc sống người dân hơn. Việc khủng hoảng điện hạt nhân ở nhà máy Fukushima trong đợt động đất và sóng thần năm 2011 đã làm cho nhiều nước thận trọng hơn với loại năng lượng nguy hiểm này. Nhưng dẫu sao năng lượng hạt nhân vẫn không thể thống trị cơn khát dầu khí do nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Giá dầu thế giới hiện nay rẻ nhưng rồi nó sẽ tăng. Các chuyên gia dầu khí tin rằng nếu giá dầu ở mức 100 USD/thùng nó kích thích gia tăng việc khai thác các loại dầu từ đá phiến hoặc dầu cát. Còn nếu giá dầu tăng cao nữa, nhiên liệu sinh học sẽ phát triển để bão hòa giá dầu truyền thống và giá điện hạt nhân hay các kỹ thuật tạo ra năng lượng khác.

Một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết các nhà khoa học tính toán đến năm 2060 dầu khí khai thác ở các mỏ trên biển và lục địa sẽ bị cạn kiệt. Cho dù vậy, nhu cầu sử dụng năng lượng vàng đen hằng ngày trong thập kỷ tới sẽ tăng lên 110% tức hơn 190 triệu thùng/ngày so với hiện nay là 90 triệu thùng. Các nước trong nền kinh tế phát triển tiếp tục cần nhiên liệu cho hàng tỷ chiếc xe lưu thông trong tương lai. Trung Quốc, Ấn Ðộ, Mexico sẽ là những nước sử dụng dầu thô nhiều nhất cùng với nhiều nước khác trên thế giới. Dấu hiệu cho thấy thế giới sẽ bước vào kỷ nguyên tiêu thụ năng lượng một cách vũ bão bất chấp việc yêu cầu tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu lượng xả khí thải làm môi trường biến đổi khí hậu khi trái đất nóng dần lên. Lượng khí thải trong khí quyển sẽ tăng gấp đôi số lượng khí thải được khuyến cáo giữ cho nhiệt độ trái đất được an toàn.

bao-gio-trai-dat-can-dau
Khai thác dầu khí của hãng Shell ở Tobago, Caribbean (Nguồn: Shelloil)

Các chuyên gia IEA nhận định: “Ðiều quan ngại nhất hiện nay là quy mô các mỏ mới được phát hiện đang giảm và chỉ bằng 1/10 quy mô của những mỏ được phát hiện trong những năm 1960. Ngoài ra, thời gian trước khi có các giải pháp thay thế thường rất dài, do vậy việc tạm thời thiếu các loại nhiên liệu hóa thạch sẽ kéo dài và khi giá dầu trở nên quá cao với sự mất cân bằng giữa cung-cầu năng lượng”. Thời đại dầu khí sẽ kết thúc và thời kỳ pin điện dùng cho các phương tiện vận chuyển trên toàn thế giới sẽ bắt đầu phù hợp với vấn đề bảo vệ môi trường.

NL – Theo The Deepest Oil Wells