Kết quả các cầu thủ Bồ Đào Nha hạ Pháp 1-0 trận chung kết hạ màn Euro 2016 trên sân Stade de France của Paris hôm Chúa Nhật 10/7/2016 đã làm đảo lộn vô số dự báo trước đó và đem về cho Bồ Đào Nha ngôi vô địch đá banh đầu tiên cho xứ sở.

Các chân sút Bồ Ðào Nha làm nên chuyện “châu chấu đá xe” dù nước này khá nhỏ, dân số chỉ có 10.5 triệu, khoảng chừng số người Sài Gòn hiện tại, và chưa tới 1/6 dân số nước Pháp (66.7 triệu). Trên đấu trường Euro, đội BÐN từng góp mặt 7 lần (lần đầu năm 1984 cũng trên đất Pháp). Còn với World Cup, BÐN đến nay mới chỉ có 6 lần tranh tài (Hoa Kỳ dự 10 kỳ World Cup) với thành tích cao nhất là hạng 3 tại World Cup 1966. Trong số những cầu thủ xuất sắc của Bồ, ngoài siêu sao Cristiano Ronaldo hiện tại, trước kia còn có Eusébio được khen tặng là một trong những chân sút hay nhất mọi thời với các biệt danh như Hắc Báo Black Panther hay Ngọc Huyền Black Pearl, và cho đến nay vẫn là chân sút từng tung lưới nhiều lần nhất – 9 bàn – tại một kỳ World Cup (1966). Bồ Ðào Nha nối bước Ðan Mạch và Hy Lạp trước kia như những bất ngờ ngoạn mục nhất trên đấu trường Euro. Năm 1992, Ðan Mạch vô địch Euro nhưng thậm chí không qua nổi vòng đấu loại, chỉ có mặt nhờ được UEFA chỉ định thay thế Yugoslavia vào giờ chót vì Nam Tư rơi vào nội chiến. Các cầu thủ Ðan Mạch có vài ngày tập luyện chung, lại thiếu thủ lãnh Michael Laudrup, nhưng đã lần lượt đả bại Pháp, Hòa Lan, rồi cả Ðức với nguyên vẹn đội hình vô địch World Cup 1990. Năm 2004, Hy Lạp với toàn những cầu thủ vô danh nhưng dưới quyền HLV cáo già Otto Rehhagel đã giành phần thắng chung cuộc nhờ tuân thủ chiến thuật, đá banh kín kẽ, phòng thủ chặt.
Và dĩ nhiên, giải World Cup xưa nay cũng không thiếu những bất ngờ động trời.

URUGUAY hạ BRAZIL 2-1
World Cup 1950
Giải này không có trận chung kết mà có vòng chung kết gồm 4 đội đá vòng tròn một lượt (Uruguay, Brazil, Thụy Ðiển, Tây Ban Nha). Chủ nhà Brazil lần lượt hạ Thụy Ðiển 7–1 rồi TBN 6–1; trong khi Uruguay hòa TBN 2–2, rồi hạ Thụy Ðiển 3–2. Trận banh chót tại vận động trường Maracanã, các cầu thủ Brazil chỉ cần đá hòa là giật cúp vàng. Trước 200,000 khán giả, chỉ mới 2 phút sau khi hiệp 2 bắt đầu, Brazil vọt lên dẫn trước 1-0. Vài tờ nhật báo Brazil hôm đó đã sớm đăng tin đội nhà vô địch thế giới. Nhưng rồi Uruguay lội ngược dòng, ghi liền 2 bàn phút 66 và 79 và giữ vững tỉ số 2-1 cho đến cuối trận. Thậm chí ông Chủ Tịch FIFA thời đó, Jules Rimet, đã viết sẵn bài diễn văn dài chúc mừng… Brazil vô địch thế giới, nên khi cầu thủ Uruguay bất ngờ thắng trận, chỉ được trao huy chương và cúp mà không có nghi thức chánh thức lẫn diễn văn. Ðã có hằng chục khán giả Brazil tự tử sau đó và trận này được kể là kết quả tủi hổ nhất cho Brazil cho tới lúc bị Ðức Quốc dập tả tơi 7-1 tại bán kết World Cup 2014.
HOA KỲ hạ ANH QUỐC 1-0
World Cup 1950
Các cầu thủ Hoa Kỳ năm đó chỉ gồm toàn chân sút tài tử, trong đời thật làm đủ nghề khác nhau như bưu tá, thầy giáo, thợ mỏ… Nhưng họ đã tạo chấn động với bàn thắng duy nhất trong trận nhờ công của cầu thủ gốc Haiti, Joe Gaetjens, vào phút 38. Sang hiệp 2, thủ thành Hoa Kỳ Frank Borghi thậm chí còn phá được cú đá phạt penalty. Lúc trận banh kết thúc, điện tín đã gởi đi, mà có rất nhiều biên tập viên thể thao tại Anh, Âu Châu, lẫn Hoa Kỳ vẫn bán tín bán nghi, ngỡ người đánh điện tín đánh lộn Anh thắng 10-0 thành Hoa Kỳ thắng 1-0. Trong khi báo giới thể thao Anh Quốc xem đây là một trong những thất bại ê chề nhất, chấn động quốc gia, thì đội banh Mỹ Quốc trở về nhà không kèn không trống, và sẽ không tái ngộ World Cup cho đến năm 1994.

BẮC HÀN hạ Ý 1-0
World Cup 1966
Trước khi lâm trận, đội Ý, một trong những ứng cử viên vô địch nặng ký nhất, chỉ cần hòa để vào tứ kết. Phần Bắc Hàn tưởng đâu không được dự tranh vì trước đó chánh phủ Anh khăng khăng không chịu cấp thông hành cho cầu thủ Bắc Hàn vì Anh Quốc không thừa nhận xứ cộng sản này. Nhưng sau cùng Bắc Hàn cũng có mặt như đại diện duy nhất cho cả Á lẫn Phi Châu. Báo giới thể thao thời đó gọi họ là đội của những con người bí ẩn “Mystery Men”. Cầu thủ cao nhất trong đội hình Bắc Hàn chỉ có 169 cm, nhưng họ chơi tấn công rất dạn dĩ suốt kỳ World Cup. Ðội Ý trận đó lại đá như gà mắc tóc, chịu thua 0-1, và trở về Rome dưới trận mưa cà chua và trứng thúi. Còn Bắc Hàn vào tứ kết, dẫn trước Bồ Ðào Nha 3-0 nhưng để thua ngược 3-5, trong đó Hắc Báo Eusébio ghi đến 4 bàn cho BÐN. Ðến nay, đây vẫn là trận thắng của Bắc Hàn trên đấu trường World Cup.
ALGERIA hạ TÂY ÐỨC 2-1
World Cup 1982
Lúc đó Tây Ðức binh hùng tướng mạnh, đang là đương kim vô địch Âu Châu (Euro 1980). Nhưng Algeria lại đá một trận để đời, tung lưới trước phút 54. Tây Ðức gỡ hòa phút 66. Nhưng đúng 1 phút sau đó, tiền đạo Lakhdar Belloumi của Algeria lại ghi bàn đưa Algeria vọt lên 2-1 và giữ vững tỉ số đến cuối trận. Ðây cũng là lần đầu tiên một đội banh Phi Châu đá thắng một đội banh Âu Châu trên đấu trường World Cup.
CAMEROON hạ ARGENTINA 1-0
1990 World Cup
Ðoàn tinh binh Argentina tràn trề hy vọng khi vào giải. Lúc đó họ là đội banh mạnh nhất thế giới, là đương kim vô địch, lại có siêu sao Diego Maradona thống lãnh giữa sân. Trong khi đó Cameroon chỉ mới lần thứ 2 dự tranh World Cup. Nhưng bất ngờ đã xảy ra khi Cameroon ghi bàn sau một pha phản công chớp nhoáng vào phút 67 và sau đó cố thủ dù phải trả giá với 2 thẻ đỏ. Sau đó, Cameroon tiếp tục tiến sâu, trở thành đội banh Phi Châu đầu tiên từng vào đến tứ kết World Cup, chỉ chịu dừng chân trước Anh Quốc.

HOA KỲ hạ BỒ ÐÀO NHA 3-2
World Cup 2002
Bồ Ðào Nha bước vào giải với nhiều tên tuổi lẫy lừng như Luis Figo, Rui Costa, hay Pauleta… Trong khi đó, Hoa Kỳ xếp hạng chót kỳ World Cup 1998. Nhưng trong 36 phút đầu tiên, các cầu thủ trẻ của Hoa Kỳ, trong đó có Landon Donovan, đã đá banh tưng bừng, giúp Hoa Kỳ gác điểm 3-0. Các cầu thủ BÐN cố lội ngược dòng nhưng cũng chỉ tìm được 2 bàn, đành chịu thua 2-3. Sau đó BÐN bị loại từ vòng nhóm, trong khi Hoa Kỳ vào tới tứ kết, chỉ chịu dừng chân trước Ðức Quốc.

Trở lại với Euro 2016, trước trận chung kết, đội Pháp chủ nhà phong độ lẫn tinh thần đều cao; ngoài trận hòa Thụy Sĩ 0-0, còn lại 5 trận khác đều thắng; họ còn có lợi thế với đội hình hầu như nguyên vẹn, không cầu thủ nào phải nghỉ vì dính thẻ phạt hay chấn thương; 2 kỳ giải đá banh lớn diễn ra trên sân nhà (Euro 1984 và World Cup 1998) họ đều vô địch; và từ 1978, Pháp thắng đủ 10 lần trong các cuộc đối đầu trực tiếp với Bồ Ðào Nha, trong đó có bán kết 2 kỳ Euro 1984/2000 và bán kết World Cup 2006. Với Bồ Ðào Nha cho đến trước trận chung kết vẫn chưa tỏ ra điều gì thật đặc biệt, mọi nhà cái cá độ đều đặt Pháp kèo trên. Ðến lúc trận banh mở màn, rất nhiều người cũng vẫn nghĩ Pháp dễ dàng hạ Bồ, và khi siêu sao Cristiano Ronaldo chấn thương, dự đoán này càng lớn hơn. Nhưng… Rõ ràng, trong lịch sử đá banh cũng như thể thao, việc phỏng đoán vẫn thường xuyên sai bét, cho dầu với những nhà phân tích lão luyện. Vào đầu thế kỷ 21, rất nhiều thầy bàn, trong đó có chính cầu vương Pele, đã dự báo chân sút thiếu niên Hoa Kỳ Freddy Adu sẽ trở nên “Next Pele”. Năm 2003, khi mới 14 tuổi, Adu thành lực sĩ nhỏ tuổi nhất xưa nay tại Hoa Kỳ đặt viết ký một hợp đồng thể thao nhà nghề. Nhưng chỉ 3 năm sau, Adu chia tay đội banh đầu đời D.C. United, và từ đó trôi dạt qua 8 nước và 13 đội banh khác nhau. Ngoài vai trò thủ quân đội thanh niên Hoa Kỳ U-20, Freddy Adu chưa từng đạt đến điều từng được kỳ vọng. Trong suốt bao nhiêu năm, Adu cũng chỉ mới khoác áo đội banh quốc gia Hoa Kỳ vỏn vẹn 17 lần và tung lưới 2 lần. Và không chỉ riêng trong đá banh. Ðầu thập niên 1990 của thế kỷ trước, đã từng có dự báo giải banh bầu dục quốc gia National Football League sắp dẹp tiệm, nhưng trên thực tế uy tín NFL ngày càng đi lên; gần 43% dân số trên 18 tuổi cho biết họ “love” hoặc “like a lot” khi được thăm dò về NFL; trận chung kết Super Bowl hằng năm gần như là một ngày lễ quốc gia bán chánh thức; quảng cáo cao kỷ lục; người xem cũng gia tăng kỷ lục; và giải NFL không chỉ bá chủ làng thể thao quốc gia mà còn nắm vai trò ảnh hưởng quyết định trong đời sống/văn hóa Hoa Kỳ thời nay.

TTD