Tôi có biết một anh kỹ sư sang Mỹ từ năm 75. Anh là một kho tàng kiến thức, từ lịch sử, văn học đến các môn khoa học, điều gì anh cũng có thể giảng dạy cho tôi. Một hôm, trong lúc đang chở các con anh đi học, anh bị cảnh sát quay đèn bắt ngừng lại. Anh mở cửa xe, bước xuống và ung dung tiến bước về phía xe cảnh sát.
Lập tức hai người cảnh sát nhảy ra, đứng trong thế thủ, chĩa súng về phía anh bạn tôi và quát to: “Stop, get on the ground” (dừng lại, nằm xuống đất), “Show me your hands” (đưa tay ra cho tôi).
Anh bạn tôi vô cùng kinh ngạc nhưng anh tuân theo mệnh lệnh cảnh sát dù anh không hiểu tại sao cảnh sát lại thủ thế và tỏ vẻ rất nổi giận với anh. Sau đó cả hai người cảnh sát chạy đến bên cạnh anh, họ vừa giương súng vào anh, vừa chạm vào chung quanh người anh (pat down) xem anh có vũ khí hay không. Rồi họ còng tay anh và lôi anh dậy.
Vẫn với giọng nói giận dữ người cảnh sát hỏi anh: “What the hell were you trying to do?”, (Anh định làm cái quái gì vậy?) Anh giải thích rằng anh không rõ tại sao anh bị chặn lại nên anh chỉ muốn xuống xe hỏi cảnh sát lý do anh bị cảnh sát “stop” và cung cấp giấy tờ xe như giấy bảo hiểm, giấy đăng bộ xe và bằng lái của anh.
Hai người cảnh sát tỏ vẻ ít căng thẳng hơn, nhưng họ cũng chẳng hài lòng với câu trả lời của anh. Họ đưa anh biên bản cho 2 tội, một là việc anh không tuân theo luật giao thông khi anh đổi lane mà không xi nhan đèn, hai là việc anh chống người thi hành công vụ. Anh ấm ức lắm, anh gọi điện thoại cho tôi ngay và hỏi tôi xem anh có thể kiện họ hay không vì anh cho rằng hai người cảnh sát kia đã hành xử quá đáng do họ phân biệt đối xử khi thấy anh là người Á Ðông.
Tôi không bênh vực anh mà giải thích cặn kẽ cho anh hiểu tại sao khi phải đương đầu với nguy hiểm hằng ngày trong công việc, người cảnh sát phải tập trung cao độ và tuyệt đối cảnh giác để sẵn sàng đương đầu với tình huống hiểm nguy nhất. Tôi không ngờ một số kiến thức cơ bản mà tôi cho là ai cũng biết, chính anh bạn thân của tôi cũng không biết. Ðó là lý do tôi viết bài này để chúng ta biết cách ứng xử thích hợp khi phải đối diện với cảnh sát.
Khi cảnh sát quay đèn ra hiệu chúng ta phải ngừng xe, thì chúng ta phải giảm tốc độ và nhanh chóng ngừng xe ở một nơi an toàn nhất. Tắt máy xe. Nếu trời tối, mở đèn bên trong xe để cảnh sát có thể nhìn thấy rõ mình. Quay kính xe xuống nửa chừng. Sau đó để yên hai tay lên vô lăng hoặc giơ hai tay lên và giữ như vậy để cảnh sát có thể thấy rõ mình không hề có vũ khí trên tay.
Chỉ hạ tay xuống để lấy bằng lái xe, giấy tờ đăng bộ xe và giấy bảo hiểm khi cảnh sát yêu cầu.
Chớ mà nhanh nhẩu đoảng như anh bạn của tôi vì khi bạn tìm kiếm giấy tờ, cảnh sát không hề đọc được ý nghĩ của bạn. Ðối với họ, có thể bạn đang tìm vũ khí để tấn công họ thì sao? Nhớ rằng không tranh cãi với cảnh sát, luôn giữ thái độ ôn hòa và tôn trọng người thi hành công vụ, nhưng không có nghĩa là bạn phải hoàn toàn làm tất cả những gì cảnh sát muốn. Chẳng hạn khi cảnh sát tra hỏi bạn, luật pháp chỉ bắt buộc bạn phải trả lời những câu hỏi về tên, ngày sinh, địa chỉ số nhà của bạn. Những câu hỏi khác bạn có quyền từ chối dựa vào một án luật tên là “Miranda Rights”. Ðây là một án luật bắt nguồn từ vụ án Miranda v. Arizona. Trong đó tòa án tối cao cho phép người bị tình nghi vi phạm tội có quyền bảo vệ quyền lợi của mình và chọn cách im lặng trong quá trình điều tra hoặc hỏi cung để cảnh sát không thể ép cung hoặc dụ người bị tình nghi nói những lời bất lợi cho case của họ để cảnh sát có thể dùng làm bằng chứng khi ra tòa.
Bạn có quyền nói rõ ràng với cảnh sát rằng bạn không muốn trả lời những câu hỏi khác của cảnh sát và muốn nói chuyện với luật sư: “I will not answer any questions, and I want to speak with my attorney.” Nếu cảnh sát tiếp tục đề nghị bạn xuống trụ sở cảnh sát để trả lời một vài câu hỏi giống như ở Việt Nam là công an phường mời bạn “xuống phường làm việc”, thì khác với ở Việt Nam, ở Mỹ bạn có thể lịch sự từ chối và trả lời rằng bạn muốn nói chuyện với một người luật sư trước.
Ngoài ra, nếu bạn là người hành khách trên xe và cảnh sát không hỏi gì về bạn, bạn có thể hỏi cảnh sát nếu bạn muốn rời hiện trường. Nếu cảnh sát nói “yes”, thì bạn nhanh chóng im lặng rời hiện trường. Nếu cảnh sát nói không, bạn không chống cự hay rời hiện trường, nhưng bạn vẫn có quyền chọn im lặng không trả lời cảnh sát nếu họ hỏi những câu hỏi không liên quan đến tên, tuổi hay địa chỉ của bạn. Tuyệt đối không nói dối về danh tính của bạn.
Nếu cảnh sát hỏi bạn có cho phép họ xét xe bạn không, bạn cũng có quyền từ chối. Nhưng nếu cảnh sát có những dữ kiện dẫn đến việc họ nghi ngờ rằng xe bạn có chứa bằng chứng của tội phạm, thì bạn vẫn có thể từ chối nhưng họ có thể khám xét xe bạn. Tuy nhiên, cảnh sát phải chứng minh với tòa rằng họ có lý do chính đáng để xét, nếu không, tất cả bằng chứng cảnh sát tìm được sẽ hoàn toàn không được dùng để kết tội người bị tình nghi khi ra tòa. Ngoài ra cảnh sát cũng có thể xét nếu họ có trát lệnh của tòa (search warrant).
Nếu cảnh sát quyết định bắt bạn, đừng bao giờ chống cự lại cho dù bạn cho là họ bắt bạn một cách oan ức. Nhưng nói với cảnh sát là bạn muốn im lặng, không trả lời câu hỏi của họ và bạn yêu cầu được nói chuyện với luật sư mà không cần đưa ra lý do gì khác. Trong luật hình sự (criminal law), nếu bạn không có khả năng mướn luật sư, tòa bắt buộc phải cung cấp cho bạn một người luật sư đại diện cho bạn.
Ðừng nói gì, cũng đừng ký giấy tờ gì hay quyết định gì khi chưa tham khảo luật sư. Luôn nhớ rằng bạn không thể nào dùng bạo lực chống cự cảnh sát ngoài đường dù họ có hành động sai trái. Cũng đừng bao giờ dùng lời nói đe dọa cảnh sát. Cố gắng ghi nhớ tất cả những chi tiết, chẳng hạn tên người cảnh sát, số thẻ cảnh sát (badge number), cơ quan của họ (chẳng hạn police department hay sheriff office, v.v…), tên và số phôn, địa chỉ của nhân chứng, chụp hình nếu bị thương tích, địa điểm hiện trường và sau đó có thể tố cáo lên cơ quan thẩm quyền và cấp trên của họ nếu cần thiết hoặc khi ra tòa biện luận cho case của bạn.
Dù cho bạn là một người công dân tốt đến đâu, có những lúc bất đắc dĩ chúng ta vẫn phải đối diện với cảnh sát vì những tội đơn giản như chạy xe quá tốc độ hay vượt đèn đỏ. Mong rằng qua bài này chúng ta có một số hiểu biết căn bản về cách ứng xử thích hợp nhất khi cần.
LS AT