Âm nhạc The Beatles đã có lúc vượt biên thùy và bức tường ý hệ đến tận những căn hầm u tối gọi là ưu ngôn cốc ở Praha, trở thành vật xúc tác làm bùng vỡ cách mạng nhung 1989 tại Tiệp Khắc, tiếng dội sang tới các trường học Moscow, Liên Sô.
Nguyễn đã viết như trên khi nghe lại âm nhạc của The Beatles trong một đêm mùa đông ở thành phố Garland này trong lúc ngồi chờ một ánh lửa từ xa về sưởi ấm.
Từ khi nhân loại đầu tiên nghe tiếng gió, tiếng nước chảy, mưa rơi, sấm sét qua trời, chim kêu đầu núi rồi ghi lại bằng thể điệu, tự chế các dụng cụ tấu lên lúc này lúc khác làm cho cuộc sống của mình thêm hương vị. Khởi đầu e chỉ đơn giản vậy thôi. Rồi dần dần con người, các nhạc công nghệ sĩ ấy, đi tới chỗ tinh chế, phát triển những dụng cụ chơi nhạc của mình đồng thời sáng tạo ra những tác phẩm dùng trong những không gian khác cho những mục đích cao xa hơn. Vậy là âm nhạc bắt đầu có một vai trò trong cuộc sống. Nó không chỉ là để giải trí mà còn truyền tải đến người nghe một ý nghĩa nhân sinh, một lời kêu gọi chia sẻ và đứng lên chống lại những con người những thế lực tàn bạo ám hại đời ta. Như âm nhạc The Beatles đã nói ở đầu bài. Hay tiếng đàn cello của người nghệ sĩ thành Sarajevo năm nào mà Nguyễn cũng đã có dịp nói đến.
Ðó là nhạc sĩ Vedran Smailovic’ (sinh ngày 11 tháng 11 năm 1956). Ông đã từng chơi trong Dàn nhạc Opera Sarajevo, Sarajevo Philharmonic Orchestra, The Symphony Orchestra RTV Sarajevo và Nhà hát Quốc gia Sarajevo.

Sau khởi đầu của chiến tranh Bosnia, như hàng trăm ngàn thường dân khác phải chịu đựng cuộc bao vây Sarajevo, Vedran Smailovic’ đã sống sót qua mùa đông lạnh giá, sự thiếu thốn nước, lương thực, những đợt pháo kích liên tục và bắn tỉa trên đường phố.
Năm 1992, Smailovic’ đã chơi cello trong suốt 22 ngày để tưởng niệm 22 thường dân bị đạn pháo giết chết khi đang xếp hàng mua bánh mì ở trung tâm Sarajevo. “Tiếng nhạc của ông văng vẳng trên con đường không người qua lại, trên những chiếc sườn xe cháy dở vọng qua các vách tường nhà đổ nát vang dội đến tai những người dân khốn khổ đang tránh đạn trong hầm nhà khi hai bên đang giao tranh. Gạch đá bay tứ tung chung quanh nhạc sĩ Smailovic’. Ông vẫn ngồi yên đánh đàn tin rằng tiếng nhạc từ cây đàn của ông đang nói với những kẻ không may rằng tình người vẫn còn đây, văn minh nhân loại vẫn còn và hòa bình sẽ trở lại. Ðiều kỳ lạ là giữa bom đạn ông không hề bị thương tích”.
Hành động của Vedran Smailovic’ đã khiến nhiều người trên thế giới chú ý. Nhà soạn nhạc David Wilde đã viết một nhạc phẩm độc tấu cho cello mang tên “The cellist of Sarajevo” (Người chơi cello của Sarajevo) để vinh danh Smailovic’. Tác phẩm của David Wilde được Yo-Yo Ma diễn tấu tại Ðại hội Quốc tế về đàn Cello (International Cello Festival) ở Manchester, Anh quốc năm 1994. Paul Oneil, thành viên của ban nhạc Savatage cũng cho biết hành động can đảm của Smailovic’ là nguồn cảm hứng cho bài hát “Christmas Eve/Sarajevo 12/24” của nhóm này. Ca sĩ nhạc folk John McCutcheon cũng đã viết một bài hát dành tặng ông, với tên gọi “In the Streets of Sarajevo” (Trên những con đường của Sarajevo).
Một nhạc sĩ khác nữa cũng đã đem âm nhạc tới những nơi đổ nát do bạo lực gây ra. Ðó là Karim Wasfi, nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng quốc gia Iraq. Karim Wasfi, đã có mặt ở những nơi còn nguyên mùi chết chóc ở phía Ðông thủ đô Baghdad của Iraq. Nơi trước kia là khu chợ đông vui đầy sức sống bỗng chốc vì một quả bom của những người thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo gài phát nổ trở thành mộ địa đầy máu và nước mắt. Cũng với cây đàn cello, ông đã đến, để sẻ chia nỗi đau, nhưng quan trọng hơn, để vực dậy những trái tim tan nát của những người đang sống.
“Những con phố này vẫn còn nguyên trạng sau thảm họa, còn nguyên những cảnh tượng hãi hùng, thậm chí còn nguyên mùi chết chóc” – Wasfi đã mô tả về “sân khấu đặc biệt” của ông như vậy. Ngày hôm ấy người nhạc trưởng đã kéo một đoạn trong khúc nhạc Nỗi sầu tang tóc Baghdad – Baghdad Mourning Melancholy do ông sáng tác. Những người đi qua khu vực quận Mansour dần dừng lại, từng người một, tạo thành đám đông. Có người rút điện thoại ra ghi âm. Mọi người ôm nhau. Nụ cười, nước mắt òa vỡ.
Ðó là cảnh tượng của lần đầu tiên nhạc trưởng Wasfi chơi đàn sau vụ đánh bom tại Baghdad. Câu chuyện được nhiều người biết tới hơn khi người bạn thân của ông, Ammar al-Shahbander, đưa lên mạng. Nhiều tuần sau đó, một quả bom nữa đã cướp đi sinh mạng của chính al-Shahbander. Và một lần nữa, ông Wasfi mặc trang phục màu trắng, tới chơi đàn tại chính nơi bạn mình đã chết. Và ông cứ tiếp tục làm như thế. Dần dà nó trở thành một chiến dịch mà ông gọi đó là “Chiến dịch Âm nhạc vì hòa bình”.
Kể từ tháng 4. 2015 đến nay, ông đã tới chơi đàn cho những người xấu số ở hơn một chục địa điểm bị đánh bom. Rõ ràng bọn IS không từ một ai trong lúc tấn công. Ðó có thể là những người bạn thân đang tán gẫu ở một quán cà phê, hay một đứa trẻ đang sung sướng mua được cây kem giải nhiệt giữa ngày hè. Mục đích của chúng là tấn công vào cuộc sống bình thường mỗi ngày, tấn công vào sự bình yên của tâm trí. Và ông muốn giành lại không gian sống ấy cho người dân. Ông chọn cách đi tới những nơi bị đánh bom để tấu lên khúc nhạc phản kháng, để xoa dịu trái tim đau của những người đang sống, tiếp sức cho họ mạnh mẽ hơn tiến về phía trước.
Cậu thanh niên 18 tuổi Mustafa Abdel-Jabbar là một trong những người cảm thấy đã được âm nhạc của ông Wasfi giúp đỡ. Một ngày, khi đang tới trường, Abdel-Jabbar phát hiện ra ông Wasfi khi cậu đang cúi gằm mặt đi và hai mắt dán vào những đống đổ nát vung vãi trên đường. Âm thanh từ chiếc đàn cello của ông Wasfi đã kéo ánh mắt của chàng thanh niên về phía ông và cậu chợt thấm thía thông điệp của người nghệ sĩ. Sau đó, Abdel-Jabbar ghi danh trở thành sinh viên của Trung tâm Hòa bình vì nghệ thuật của ông Wasfi. Tại đó cậu có thể hát và chơi đàn violon. Abdel-Jabbar nói: “Những kẻ khủng bố đe dọa chúng tôi bằng thuốc nổ, vũ khí và cái chết, chúng tôi trả lời chúng bằng âm nhạc”.
Ngoài ra ông Wasfi cách đây không lâu còn chơi đàn cho 53 đứa trẻ phải tới trú tạm tại một đền thờ Hồi giáo ở Baghdad sau khi bị IS xua đuổi khỏi hai thành phố Ramadi và Falluja và ông đã chứng kiến tác động diệu kỳ của âm nhạc. Những ngày đầu, bọn trẻ chẳng biết gì ngoài những chiếc xe tăng. Khi ông chơi cho chúng nghe bản nhạc của Bach, chúng ngồi túm tụm quanh ông và hỏi Bach là ai và cứ muốn chạm vào chiếc lông đuôi ngựa trên cây vĩ cầm. Nhưng tới lần thứ ba ông trở lại, bọn trẻ đã bắt đầu nói chuyện với nhau về những điều như vì sao các ngôi sao lại sáng, những điểm giống nhau giữa các tôn giáo là gì và việc chấp nhận người khác là một lựa chọn như thế nào…
Ở thị trấn Karrada, vẫn còn vết sẹo chiến tranh mãi chưa thể lành sau khi một quả bom làm hơn 50 người chết và 100 người khác bị thương. Khi những đống đổ nát vẫn chưa được dọn dẹp, Wasfi đã tới đó chơi đàn. Với “vũ khí” trong tay là một cây vĩ cầm và cây cello, người nghệ sĩ lại ngân vang những giai điệu da diết, với hy vọng xua tan nỗi tuyệt vọng u tối tại nơi này.
Ôi, cho tới ngày hôm nay tiếng súng tiếng bom vẫn còn tiếp tục nổ ở nhiều nơi trên thế giới và con người vẫn còn sống trong chết chóc và bất an thường trực. Dẫu sao hy vọng chưa tắt trong lòng bạn lòng tôi khi những tín hiệu tốt lành đã xuất hiện ở Prague, Moscow, Sarajevo, Baghdad… Và phải không các bạn thân mến, chúng ta đang mơ tới những bông hoa, tiếng đọc thơ và tiếng nhạc ở những nơi chết chóc và bóng tối có lần đi qua. Như người thi sĩ mơ những bông hoa nhài nở trên hận thù, áp bức, đói khổ đọa đày.
TN