Bất cứ một biến cố nào đó xảy ra trong lịch sử, đều được gọi bằng danh xưng đúng với tầm vóc và ý nghĩa của giai đoạn xảy ra biến cố ấy. Ngày Quốc Khánh – thời điểm quan trọng kỷ niệm ngày lập quốc, ngày độc lập, ngày ban hành hiến pháp, ngày cách mạng thành công… Ngược lại ngày Quốc Tang, hay Quốc Hận là thời điểm đau buồn, tượng trưng cho những tổn thất lớn lao không gì có thể bù đắp được của quốc gia dân tộc. Những danh xưng liên quan đến quốc khánh hay quốc hận, thường do chính phủ ban hành bằng văn bản. Nhưng cũng có khi khởi phát từ việc quen dùng của công chúng, để cùng chia sẻ những thành tựu, những hậu quả, hay những hệ lụy của một thời phồn vinh phú cường, hay một thời khó nghèo của vận nước điêu linh. Tùy theo nhận định về thời cuộc, tùy theo cảm quan riêng, ngày vui của người này cũng có thể là ngày buồn của người kia.
Ðối với những người sinh ra và lớn lên trong thập niên 1930, thập niên 1940, thập niên 1950, Ngày 20 Tháng 7 Năm 1954 là Ngày Quốc Hận, đánh dấu sự chia đôi lãnh thổ Việt Nam tại sông Bến Hải và cầu Hiền Lương. Hai địa danh này là chứng tích lịch sử, là biểu tượng một thời vong thân của những chàng trai tuấn kiệt, của những thiếu nữ khuê các, bỗng nhiên bị cách biệt muôn trùng vì cuộc nội chiến giữa Miền Nam Việt Nam và Miền Bắc Việt Nam.
Hiệp Ðịnh Geneva khai mạc ngày 26 tháng 4 năm 1954, bàn về vấn đề khôi phục hòa bình tại Bán Ðảo Triều Tiên, và Ðông Dương. Vì vấn đề Bán Ðảo Triều Tiên bị bế tắc, ngày 08 tháng 05 hội nghị nói về Ðông Dương.
Ngày 25 tháng 1 năm 1954, bốn quốc gia Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Liên Xô gặp nhau tại khu vực do Hoa Kỳ kiểm soát ở Berlin, nhằm tìm ra phương hướng để thống nhất Nước Ðức. Hội nghị Berlin kết thúc ngày 18 tháng 2 năm 1954, không có kết quả. Các bên tham dự đồng ý mở cuộc đàm phán khác, thảo luận về việc hòa giải, tái lập hòa bình tại Nam Hàn, và Ðông Dương.
Ngày 26 tháng 4 năm 1954, hội nghị Geneva về Ðông Dương chính thức khai mạc.
Ngày 24 tháng 6 đến ngày 20 tháng 7, phái đoàn nước Pháp và phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đàm phán trực tiếp, về quyền tham gia hội nghị của các đại biểu chính phủ kháng chiến Lào, chính phủ kháng chiến Cambodia, đề nghị chọn vĩ tuyến khẳng định biên giới quân sự tạm thời, cũng như chọn thời hạn tổng tuyển cử tự do, thống nhất Việt Nam.
Ngày 9 tháng 7 năm 1954, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đề nghị vĩ tuyến 14. Pháp đề nghị vĩ tuyến 18.
Ngày 13 tháng 7 năm 1954, phái đoàn Việt Nam Dân Chủ lại yêu cầu dùng vĩ tuyến 16.
Ngày 19 tháng 7 năm 1954, cả hai bên đồng ý ranh giới tạm thời giữa Miền Nam và Miền Bắc của Việt Nam sẽ là vĩ tuyến 17, phù hợp với ý kiến của Anh Quốc và Hoa Kỳ.
Chính phủ Pháp sợ cuộc thảo luận với Việt Minh bị hủy bỏ, tránh gặp đại diện của Quốc Gia Việt Nam, chỉ thông qua Hoa Kỳ, báo cho phái đoàn Quốc Gia Việt Nam biết thỏa thuận giữa Pháp và Việt Minh. Việc chia đôi Việt Nam được thảo luận riêng giữa Pháp, Việt Minh, Trung Quốc, và Hoa Kỳ. Cuối hội nghị phái đoàn Quốc Gia Việt Nam mới biết, đã từ chối không ký vào Hiệp Ðịnh Geneva. Phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và phái đoàn Quốc Gia Việt Nam, cũng cương quyết không đối thoại với nhau.
Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp Ðịnh Geneva về Ðông Dương được ký kết, chủ yếu nói về:
– Ba hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam, Lào, Cambodia.
– Bản tuyên bố cuối cùng của hội nghị, không có chữ ký.
Từ đó, Ngày 20 Tháng 7 Năm 1954 trở thành ngày Quốc Hận. Những người Miền Bắc chạy trốn chế độ cộng sản, đã lên thuyền di cư vào Miền NamViệt Nam. Gần 310,000 người được Hải Quân Hoa Kỳ đưa vào Miền Nam Việt Nam. Khoảng 500,000 người, cũng được quân đội Pháp đưa vào Miền NamViệt Nam.
Từ đó giai điệu nhớ nước thương nhà bắt đầu xuất hiện: “Có ai qua vùng hỏa tuyến. Nhắn cho tôi một vài lời. Mái tranh thân yêu còn đâu. Lũy tre xanh tươi còn đâu. Ðổi thay giờ đây lửa máu. Xóm thôn hoang tàn đổ nát. Luống khoai nương cà nghẹn ngào. Tiếng chuông vang không còn nữa. Vắng trâu ăn trên đồng sâu. Trẻ thơ đi tìm mẹ hiền. Trung Lương ơi! Ðây vùng phi chiến nay thành khu chiến, từ khi giặc tràn về. Bao người dân trắng tay, mà vui ước hẹn đi theo lời thề. Toàn dân thương Trung Lương, toàn quốc thương Gio Linh, thương Bến Hải, thương cầu Hiền Lương.” [*] Tưởng như một vùng hải giốc thiên nhai, mịt mùng sương khói hồn ai giữa trời. Trông lên hoa hiện bên đời, mai vàng chín nụ sầu rơi dáng gầy. Từ em hài biếc chân mây, lòng anh cổ động thành xây bốn mùa. Ðêm nào ánh nhạt sao tua, hoàng lan trở giấc mộng vừa kiếp xưa. Cung đàn giọng hát buồn chưa, ngàn năm tuế nguyệt đò đưa nhân tình. Em mang một mảnh hồn trinh, cúc ơi quân tử ảo hình bến nao. Ðường xưa mây trắng chiêm bao, nẻo về của ý phương nào cõi uyên. Là em hóa hiện thiên duyên, hay hồn trúc gọi đào nguyên tìm về.
Ngày 20 Tháng 7 Năm 1954 – dấu ấn của một thời phong ba bão tố, tang thương dâu biển của rất nhiều người. Thời gian sáu mươi năm đủ để những thư sinh tay trắng mộng đầy, những thiếu nữ da thơm là phấn môi hường là son, giờ đây là hiện thân của những người đã về chiều, đứng trên dốc đời chợt tối. Mọi cay đắng ngọt bùi ảo biến trên mái tóc hoa râm, trên đôi mắt thinh lặng nhìn về đời sau, lòng riêng cảm nhận: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Ðể một mai vươn hình hài lớn dậy. Ôi cát bụi mệt nhoài. Mặt trời soi một kiếp rong chơi. Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Ðể một mai tôi về làm cát bụi. Ôi cát bụi mệt nhoài. Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi…” [1]
Ngày 20 Tháng 7 Năm 1954 chừng như đã hòa tan trên sóng đoạn trường, trên những chuyến đò dọc đi giữa giòng sông trôi chảy. Nhưng trong vườn trí tưởng, ai đó vẫn tưởng như em cho giấc mộng tuyệt vời, để trong mơ sống lại thời Nguyễn Du. Những châu ngọc đã có từ, nghìn xưa huyết lệ còn dư âm hồng. Ngàn trùng cõi thế buồn trông, giòng xuôi lịch sử nhòa trong sóng đời. Ðoạn trường thanh, tiếng than hời. Khóc Kiều, khóc cả phận tôi, phận người. Con thuyền tài mệnh ngược xuôi, từ trăm năm cũ chưa nguôi giọt sầu.
Từ trăm năm cũ chưa nguôi giọt sầu. Như dấu ấn của Ngày 20 Tháng 7 Năm 1954 mãi mãi là phương trời viễn mộng, của những tâm hồn còn ghi đậm hàng thành quách cũ của một thời “Toàn dân thương Trung Lương, toàn quốc thương Gio Linh, thương Bến Hải, thương cầu Hiền Lương.”
HV – 9:45am Thứ Hai này 18 tháng 7 năm 2016
[*]. Ca khúc “Có Ai Qua Vùng Hỏa Tuyến.” Của Nhạc Sĩ Lê Minh Bằng
[1]. Ca khúc “Cát Bụi.” Của Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn