Menu Close

Thăm vườn nho Ninh Thuận

17

Cách Nha Trang không xa, xuôi xe dọc theo quốc lộ 1A chừng 100km, bỏ qua những con rạch khô nước tựa con sông Lu huyền thoại trong thơ Inrasara, những đỉnh núi đá khô cằn không ngọn cỏ vì thiếu nước, những ngôi nhà cao chưa đầy 2m, rộng chưa đầy 2m vuông của những người Ninh Thuận quanh năm chịu khát và những nghĩa trang khô đá chiều… Đôi khi xe phải dừng lại để chờ đàn cừu qua đường… Chúng tôi lạc vào xứ nho của Ninh Thuận

Ở vùng đất này, từ các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn cho đến thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, đi đâu mọi người cũng bắt gặp những khu vườn táo xanh mướt mờ, những giàn nho trĩu trái. Nghe tiếng vườn nho của ông Ba Mọi nổi tiếng xứ này nhờ nho thơm ngon, an toàn, chúng tôi tìm đến đây vào lúc giữa trưa, trời nắng như đổ lửa.

Phía trước trang trại nho Ba Mọi
Phía trước trang trại nho Ba Mọi

– Nho và táo nhiều thật, đường vào vườn nho Ba Mọi đi hướng nào bác?…

– À, gần tới rồi, quẹo trái, gặp vườn táo thì quẹo phải, gặp một ngôi mộ cũ thì quẹo trái…

Chúng tôi dừng lại được trước khu trang trại của ông Ba Mọi.

Ông Ba Mọi
Ông Ba Mọi

Ngập tràn các chùm nho tươi xanh, nho đỏ đặt lên bàn để mời khách ghé thăm thưởng thức và để bán. Chúng tôi được một cô gái dễ mến mời ngồi vào bàn bên cạnh.

– Mời anh chị ngồi nghỉ ngơi chút, thưởng thức chút siro nho, uống chút mật nho thêm đá, để giảm bớt cơn nóng. Sau đó mời mọi người ghé thăm vườn nho. – người nhà đon đả mời.

Bày trước mắt chúng tôi là những ly rượu, mật nho, siro nho màu nho chín, màu hổ phách bắt mắt. Ai chứ lũ trẻ thì không thể bỏ qua thức uống này rồi, bởi chúng vừa thơm, chua chua, ngọt ngọt, còn phảng phất chút mùi nho lên men, đậm đà ngon hết biết!

Du khách đến đây không quên chụp hình
Du khách đến đây không quên chụp hìnhTrò chuyện cùng một người Ninh Thuận ngồi cạnh, anh cho chúng tôi biết.

– Nho Ninh Thuận nổi tiếng từ lâu. Nghe đâu người ta bắt đầu trồng nho ở vùng đất này từ những năm 60 của thế kỷ trước, cũng có người nói là nhờ người Pháp du nhập vào đây cả trăm năm. Nhưng mãi đến những năm 1980, 1990 thì nho mới bắt đầu cho người trồng trái ngọt. Hồi đó, cạnh nhà nội tôi ở huyện Ninh Sơn có người tậu đất, tậu xe, tậu thêm nhà chỉ nhờ vào vài mùa nho.

– Vậy trúng nho đỡ quá hả anh? – Tôi hỏi.

– Cũng tùy cô ơi, nho trúng cũng nhờ trời mà cũng nhờ người. Nhưng không biết trước được điều gì. Có vườn năm ngoái bội trái nhưng năm nay nắng gắt, hoa mới ra bị cháy nắng, cả vườn nho không có mấy trái. Nhiều nơi nước không còn để uống, người trồng nho phải kéo máy bơm tìm nước cứu nho, nhưng không phải nhà nào cũng cứu nổi. Rồi còn phải cạnh tranh với nho Trung Quốc bán ngoài đường, giá rẻ hơn, có phải ai cũng phân biệt được đâu. Giờ người ta bỏ trồng cũng nhiều rồi. Trước đây thấy có lãi, mọi người a vào trồng, từ táo, nho, thanh long ruột đỏ, thanh long ruột trắng. Sau thương lái Trung Quốc ép quá, nho cũng lụi nữa, thiếu nước, vay tiền đầu tư, nhiều người không biết phải chạy vạy thế nào để trả nợ ngân hàng, phải bán cả đất để trả nợ. Nhiều trang trại đổi chủ chỉ trong vài ngày mà không ai biết.

Khách đến thăm viếng được mời dùng nho tươi, mật nho, rượu nho, si rô nho miễn phí
Khách đến thăm viếng được mời dùng nho tươi, mật nho, rượu nho, si rô nho miễn phí

Thì ra, anh chàng ngồi cạnh đến từ Thuận Nam, anh bảo ở quê anh nắng quanh năm, mọi người nhiều khi tranh nhau cả phân gia súc để bán kiếm tiền. Giữa thế kỷ 21 mà việc đó vẫn còn tiếp diễn, anh cần phải tìm ra mội giải pháp nào đó để cứu gia đình, cứu mình và cứu cả bà con. Dẫu biết kinh tế Việt Nam như con rắn nuốt con nhái, hễ chỗ nào có con nhái, phình to ra thì cứ phình. Nhưng với kiểu khí hậu khắc nghiệt này, không tìm đến cây nho, cũng không biết trồng gì. Nghe ông Ba Mọi nổi tiếng trồng nho giỏi, lại đưa được nho đến siêu thị lớn tận Hà Nội, trong Sài Gòn, không qua thương lái Trung Quốc, ông lại tận tâm chỉ cho mọi người kỹ thuật trồng, anh cũng muốn thử nên bỏ ra mấy chục ngàn tiền xăng chạy ra đây.

Một số sản phẩm từ nho
Một số sản phẩm từ nho

Nghỉ ngơi một lúc, chúng tôi vào thăm vườn nho rộng 2 héc ta của ông Ba Mọi. Nói là thăm miễn phí nhưng có hẳn cả người giới thiệu về nho cho mọi người được biết. Ðang loay hoay dưới nắng trên đường ra vườn nho, tôi được một người đàn ông trạc 70 tuổi, có nước da đen, nhưng vẻ mặt hiền hậu, vui vẻ đưa cho một chiếc dù:

– Ồ, xin lỗi cô. Mọi người bận quá nên quên, chứ ở đây có dù để khách đỡ nắng.

– Cám ơn chú. – Tôi nói.

Hỏi ra mới biết, đây là ông Ba Mọi chủ của vườn nho này. Không để thời gian “chết”, ông Ba Mọi giới thiệu luôn:

– Ở đây chúng tôi trồng 7 loại nho, trong đó có 4 loại dùng để ăn và 3 loại để làm rượu. Trước đây chúng tôi trồng chủ yếu nho xanh Ninh Thuận, nho đỏ Ninh Thuận. Nhưng đến những năm 2000, nho Ninh Thuận không còn cạnh tranh nổi với nho ngoại nhập nên chúng tôi lần mò, rồi cũng trồng được các loại nho Thái, nho Mỹ. Ðặc biệt chúng tôi có 3 loại nho giống để làm rượu vang đặt theo tên nho giống Syrah và giống Cabernet Sauvignon làm vang đỏ, còn giống Chenin Blanc làm vang trắng. Nhiều du khách Nga đến đây khen rằng rượu nho của chúng tôi rất ngon. Chúng tôi sử dụng 100% phân bón hữu cơ, đạt tiêu chuẩn an toàn nên mọi người yên tâm thưởng thức.

Nho đã được tuyển chọn và vệ sinh, có thể bán cho khách
Nho đã được tuyển chọn và vệ sinh, có thể bán cho khách

Hỏi thăm về cái tên ông Ba Mọi sao nghe có vẻ chút gì đó rừng núi, vừa có chút chút giống vị nho, ông cười bảo thật ra ông tên Mọi, hồi mới xây dựng thương hiệu nho, hai đứa con đang học trong Sài Gòn cũng giúp, cuối cùng nó bảo gọi là Ba Mọi đi ba, nghe dễ thương.

Nhường nụ cười mến khách và thân thiện của ông chủ vườn cho những đoàn khách khác, chúng tôi lạc chân vào vườn nho.

Giữa trưa nắng, những chùm nho xanh Ninh Thuận, nho đỏ Ninh Thuận, có cả nho đỏ của Mỹ, nho đỏ của Thái, treo lủng lẳng trên cành. Ai đó có chiều cao hơn 1m7 thì chịu khó cúi đầu khiêm cung chút để dạo vườn nho. Thỉnh thoảng, sẽ gặp những người chăm sóc nho, dùng kéo nhỏ, tỉa khéo một chùm nho chín mọng để mời khách thưởng thức.

6

– Trái nho nho nhỏ, nhưng dinh dưỡng rất cao, tốt cho người già, phụ nữ và trẻ em. Chỉ cần chọn những trái nho tươi, không giập, rửa sạch và chúng ta bắt đầu làm siro, mật nho và cả rượu nho nếu bạn đủ kiên nhẫn. Người Ninh Thuận chúng tôi nấu nho lên cùng chút siro bắp để tạo siro nho. Chọn một bình lớn gấp đôi lượng nho cần làm, thêm đường vào theo tỷ lệ 3-1, tức 3 nho một đường. Cứ rải một lớp nho, thêm lớp đường, làm vậy đến khi hết, đậy kín miệng hũ, mang cất hầm kín hoặc chôn dưới đất, khoảng gần 4 tháng thì lấy lên, chiết ra và bỏ xác nho, bạn sẽ có một chai rượu nho ngon lành. Có thể để cả mấy năm không bị hỏng, và càng để lâu thì rượu sẽ càng ngon.

Mải miết ngắm hai đứa nhỏ đùa nghịch trong vườn, tôi không hề hay biết đã nhập vào lời giới thiệu của chị gái làm vườn lúc nào. Chị cho hay, người Ninh Thuận yêu nho như yêu cô gái đẹp vậy, phải cắt tỉa khéo léo, khi nho ra trái thì bọc lại để khỏi bị sâu, ong chích. Ðến lúc trái chín trĩu cành thì phải chọn trái chín để cắt. Người hái nho sẽ chuyển nho vào giao cho người làm sạch nho, phân loại, đóng gói. Phần thì tạo thành rượu, mật, siro nho để mời du khách thưởng thức, đóng gói để bán. Phần thì bán cho khách muốn mua tại chỗ. Phần lớn sẽ đóng gói theo tiêu chuẩn để phân phối đến các siêu thị…

1

Ðược làm ở đây là một niềm vui của chị. Trước đây, đến thạc sĩ rồi thất nghiệp, chị bán hàng lưu niệm bên khu tháp Po Klong Garainn của người Chàm. Nhưng dần dần nhận ra rằng chính người Chàm đã bị đẩy sâu dần vào một làng trong núi. Sợ một lúc nào đó, nho Ninh Thuận cũng bị đẩy đi giống người Chàm, giống thanh long Ninh Thuận… nhường đất cho người Trung Quốc thao túng, làm mưa làm gió. Chị quyết định xin chú Ba vào đây làm. Sức nhỏ làm việc nhỏ, có thể chăm sóc tạo những trái nho ngon và cũng để nghiên cứu một dự án, xin phép bí mật em! Có vẻ như chị sắp thành công rồi!

Chiều bắt đầu về, những dây nho đan xen trên cành cũng giống như ý nghĩ của tôi, của chị lúc này. Mong rằng những người chăm sóc nho như chị, như ông Ba Mọi, như những người trồng nho khác ở đất Ninh Thuận này sẽ tiếp tục giữ nho tươi mãi ở vùng đất này.

Có vẻ cây nho đã xem Ninh Thuận là quê hương mới của mình sau khi được người Pháp mang đến đây. Mong rằng, sẽ không có lúc người trồng và cây nho bật khóc vì đang lưu vong trên chính quê hương mình. Như đã từng…!

26

UC