Menu Close

Cuộc gặp gỡ trung úy cảnh sát Paul Thai

Đội cảnh sát điều tra tội phạm ( Trái) Paul Thai
Đội cảnh sát điều tra tội phạm ( Trái) Paul Thai

Sau cuộc phục kích bắn sẻ khiến 5 cảnh sát thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ giữ an ninh cho một cuộc biểu tình ở Dallas, Trẻ có một buổi trò chuyện trực tiếp với Trung úy (Lieutenant) Paul Thai, một sĩ quan cảnh sát gốc Á Châu, người đại diện cho trụ sở cảnh sát quận Dallas, tiểu bang Texas.

(Cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh do Hương Võ thực hiện)

Phóng Viên Trẻ (PVT): Chào Paul, xin anh có thể giới thiệu đôi chút về bản thân và công việc của mình?

Paul Thai: Tôi tên Paul Thai là trung úy của Sở cảnh sát vùng Dallas, tiểu bang Texas. Tôi làm ở Dallas Police Department (DPD) được 31 năm. Hiện nay, tôi đang đảm nhiệm chức vụ giám sát trong bộ phận điều tra hiện trường tội phạm. Nhóm của tôi chuyên về điều tra tội phạm hình sự (crimes against the person) và xâm phạm tài sản (crimes against property). Chúng tôi đi lấy chứng cứ từ hiện trường và lưu giữ để nghiên cứu trong tiến trình điều tra. Ngoài ra, tôi cũng có nhiều hoạt động liên kết công việc giữa DPD với cộng đồng Á Châu và những cộng đồng khác trong vùng.

PVT:   Nghề cảnh sát với những công việc được coi là rất có ý nghĩa, tuy nhiên cũng khá nguy hiểm. Cơ duyên gì anh đến với nghề này?

Paul Thai: Thật sự ước mơ của tôi là được làm thầy giáo, tôi rất thích dạy học, nhưng hoàn cảnh đã đưa tôi đến với nghề cảnh sát. Tôi sinh ra và lớn lên ở Phnom Penh, Cambodia, di cư qua Mỹ năm 1981. Dallas trở thành quê hương thứ 2 của tôi. Trong thập niên 80, cộng đồng Á Châu ở đây có tỉ lệ tội phạm rất cao nhưng không được trình báo, lý do chính là trở ngại ngôn ngữ. Khi cư dân người Việt, Lào, Philipines, và Thái còn lạ lẫm với vùng đất mới, một số đã không tránh khỏi việc trở thành nạn nhân của tội phạm. DPD nhận ra vấn đề này nên quyết định tuyển 3 cảnh sát viên đại diện cho 3 cộng đồng Á Châu lớn nhất trong vùng, trong đó có tôi là người Cambodia, một người Việt, và một người Lào vào năm 1985, với vai trò là người phiên dịch cho 2 bên.

Phóng Viên Trẻ đang phỏng vấn Trung Úy Paul Thai
Phóng Viên Trẻ đang phỏng vấn Trung Úy Paul Thai

PVT:   Bản thân tôi rất biết ơn sự hy sinh của những người làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự cho cộng đồng và xã hội. Riêng anh, có gặp những trường hợp nguy hiểm nào không?

Paul Thai: Có lần trong trường hợp tôi phải đấu súng với tội phạm. May thay… tôi chưa bao giờ bị thương trong lúc thi hành nhiệm vụ. Có một lần đội của chúng tôi đi điều tra tội phạm ma túy vào buổi tối, bất ngờ  khi cửa mở ra, một họng súng chĩa thẳng vô mặt tôi. Lúc đó súng trong tay tôi cũng sẵn sàng, nhưng khi thấy tôi mặc y phục cảnh sát, kẻ tình nghi đã vội bỏ súng xuống, nghe theo lệnh để chúng tôi vô khám xét.

Vừa rồi là vụ nổ súng vào cảnh sát trong khi cảnh sát đang làm nhiệm vụ giữ an ninh cho người biểu tình, làm chết 5 cảnh sát và 9 bị thương, trong đó có Michael Smith một sĩ quan đồng nghiệp thân thiết cùng dạy học trong Academy với tôi.

Trụ sở cảnh sát của Dallas County (downtown Dallas)
Trụ sở cảnh sát của Dallas County (downtown Dallas)

Nói chung làm nghề cảnh sát không phải lúc nào cũng nguy hiểm như mọi người vẫn nghĩ. Trừ những công vụ đặc biệt kể trên, công việc hằng ngày của chúng tôi cũng rất vui vẻ và bình yên.

PVT: Động lực nào làm anh  duy trì công việc được nhiều năm như vậy?

Paul Thai: (cười) Tôi thấy rất may mắn khi được làm công việc mà mình yêu thích.

Một trong những niềm vui của những người làm nghề như tôi khi được thấy nụ cười trên mặt cư dân trong cộng đồng mình sau khi được chúng tôi giúp thoát khỏi một hoàn cảnh khó khăn. Như đã chia sẻ ở trên, tôi rất thích dạy học. Hiện giờ tôi cũng làm giảng viên của lớp về văn hóa Châu Á ở trường đào tạo cảnh sát và lính cứu hỏa ở Dallas. Tôi hy vọng họ sẽ hiểu sâu sắc hơn về văn hóa của người Á châu và biết cách ứng xử sao cho phù hợp khi làm việc với cộng đồng này…

PVT: Một số người Việt nói chung vẫn có những thành kiến và tỏ ra lo lắng khi tiếp xúc với cảnh sát. Anh có cách để giúp họ thay đổi những suy nghĩ đó không?

Paul Thai: Ở trong cộng đồng chúng ta sẽ luôn có kẻ xấu và người tốt. Một vài cảnh sát có những hành động sai trái và hậu quả của họ chẳng may liên lụy đến danh tiếng, thậm chí ngay cả mạng sống của đồng nghiệp mình. Chính vì điều này, tôi rất chú trọng đến việc huấn luyện những sĩ quan mới về cách ứng xử tế nhị, giữ thái độ tôn trọng và thân thiện đối với người dân thường trong lúc thi hành công vụ.

Hoa tưởng niệm 5 cảnh sát Dallas hy sinh trong đó có sĩ quan Michael Smith bạn thân của Paul Thai
Hoa tưởng niệm 5 cảnh sát Dallas hy sinh trong đó có sĩ quan Michael Smith bạn thân của Paul Thai

Tuy nhiên chúng tôi được huấn luyện một cách cẩn thận, tập trung để giữ mọi việc trong tầm kiểm soát, bảo đảm an toàn cho mình và mọi người xung quanh. Còn đối với người dân khi tiếp xúc với cảnh sát xin hãy giữ bình tĩnh, lắng nghe, và làm theo những yêu cầu của cảnh sát, như vậy giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ nhẹ nhàng hơn.

Chúng tôi chỉ muốn làm tốt bổn phận của mình cho cộng đồng, chính vì thế khi bạn gặp cảnh sát, chúng ta hãy vẫy chào và nở một nụ cười cho nhau.

PVT: Theo kinh nghiệm của anh, những vi phạm nào mà cộng đồng người Việt nói riêng cũng như các cộng đồng Á châu thường mắc phải?

Paul Thai:  Bạo hành trong gia đình và những xung đột cá nhân dẫn đến tổn thương là những vi phạm hình sự thường thấy trong cộng đồng người Á châu. Cụ thể hơn: cha mẹ kỷ luật con nhưng dùng những biện pháp mạnh làm cho đứa trẻ bị thương về thể xác hay tinh thần; vợ chồng ngược đãi nhau bằng lời nói hoặc hành động; ngay cả mâu thuẫn giữa anh chị em họ hàng, thậm chí hàng xóm. Trong những tình huống này, cảnh sát chúng tôi phải tham gia  kịp thời để giữ sự an toàn cho mọi người.

Cư dân ở Dallas đến gởi quà cho gia đình những cảnh sát bị tử thương
Cư dân ở Dallas đến gởi quà cho gia đình những cảnh sát bị tử thương

PVT: Anh có lời khuyên cho chúng tôi để tránh vi phạm những điều này?

Paul Thai:  Bản thân tôi là người Á châu và cũng có gia đình, tôi rất hiểu văn hóa và ứng xử của những người làm cha mẹ, hay vợ chồng trong cộng đồng mình. Một số hành động như đánh con cái hay người phụ nữ nhẫn nhịn, chịu đựng  khi bị bạo hành, thường được chấp nhận ở quê nhà họ, tuy nhiên khi chúng ta đang sống ở Mỹ là một xã hội tôn trọng pháp luật và quyền của con người, những hành động như vậy nên tránh hoặc nên khai báo nếu bạn là nạn nhân.

Có nhiều cách nhắc nhở nhau mà không cần dùng đến bạo lực. Tôi có tham gia trong những buổi hòa giải cho những gia đình và cá nhân khi rơi vào trường hợp này ở mức độ nhẹ. Còn trong trường hợp nghiêm trọng hơn thí dụ nếu nạn nhân bị thương nặng, hoặc việc bạo hành lặp lại, chúng tôi sẽ phải giải quyết theo luật hình sự.

PVT: Trong những trường hợp khẩn cấp (emergency), một cư dân Việt nên làm gì khi cần tới sự can thiệp của cảnh sát, trong khi không lưu loát tiếng Anh?

Paul Thai:  Xin gọi số 911- trong trường hợp bạn muốn nói tiếng Việt, chỉ cần đề nghị “Vietnamese” thì sẽ có nhân viên người Việt sẵn sàng giúp đỡ bạn. Chúng tôi lúc nào cũng “on call” ngay cả khi tan sở, cũng như ngày nghỉ lễ. Nếu bạn trong tình huống khẩn cấp, hoặc thấy những vi phạm, hành vi đáng ngờ, xin hãy gọi cho chúng tôi biết để có biện pháp giải quyết kịp thời.

Tuy nhiên có một số trường hợp cảnh sát sẽ không can thiệp, ví dụ khi 2 người đụng xe nhưng không ai bị thương và xe vẫn còn chạy được. Trường hợp này không được coi là emergency, và người dân sẽ tự giải quyết. Ngược lại, khi có người bị thương hay xe bị đụng nặng, xe không chạy được nữa, cảnh sát sẽ tới giúp bạn trước rồi có thể gọi xe cứu thương tùy vào tình huống.

Tu trai qua phai la hai canh sat toi du tang le

PVT: Ở Việt Nam người dân thường dúi tiền cho cảnh sát (công an) để được du di. Còn ở Mỹ thì sao?

Paul Thai:  Hành động này gọi là “bribery” và cũng có xảy ra khá thường xuyên ở thập niên 80 và 90 khi người mới di dân không biết luật pháp ở Mỹ. Cảnh sát sẽ nhắc nhở họ là việc mua chuộc người thi hành công vụ sẽ được coi là trọng tội cấp độ 2 (2nd degree felony). Hiện giờ thì trường hợp đó rất ít khi xảy ra.

PVT: Sở cảnh sát đang kêu gọi thanh niên gia nhập vào ngành cảnh sát. Anh có thể giới thiệu về công việc, yêu cầu cũng như quyền lợi như thế nào?

Paul Thai: Chúng tôi lúc nào cũng cần người, đặc biệt là thành viên của những cộng đồng đa sắc tộc để có thể phục vụ người dân tốt hơn. Chúng tôi có nhiều vị trí phù hợp với khả năng và kinh nghiệm của bạn, ngay cả phái nữ. Những yêu cầu căn bản là bạn phải là công dân Mỹ, nói tiếng Anh lưu loát, sức khỏe tốt, và lý lịch trong sạch (không bị mắc vào trọng tội). Nếu có bằng đại học và biết nói thêm một thứ tiếng khác thì bạn sẽ được trả lương cao hơn. Trong DPD, bạn sẽ được chuyển công tác qua nhiều bộ phận khác nhau (trong 1-2 năm) để  nâng cao khả năng và hiểu biết. Sẽ có cơ hội cho bạn thăng tiến trong công việc.

Cảnh sát Dallas tại phòng kiểm tra tang vật
Cảnh sát Dallas tại phòng kiểm tra tang vật

PVT: Anh có muốn gởi những lời nhắn gì đến với cộng đồng người Việt trên nước Mỹ?

Paul Thai: Hiện nay con số cảnh sát đại diện cho cộng đồng Á châu còn rất ít. Tôi muốn thấy có thêm nhiều cảnh sát người Việt tham gia góp sức để chúng ta phục vụ cộng đồng mình tốt hơn. Cảnh sát là công việc rất có ý nghĩa, không những bạn góp phần giữ cộng đồng mình an toàn mà còn là tấm gương cho trẻ em noi theo.

Nếu bạn cảm thấy mình gặp khó khăn trong cuộc sống hoặc thắc mắc, trong địa phương bạn ở luôn có những dịch vụ tư vấn cộng đồng gọi là “Community Affairs” sẵn sàng hỗ trợ bạn. Nếu bạn ở Dallas thì hãy gọi Dallas Community Affairs (214) 671-4045.

PVT: Cám ơn anh đã dành thời gian chia sẻ những câu chuyện về công việc của cảnh sát cũng như những thông tin bổ ích cho độc giả Trẻ. Chúng tôi xin phép đại diện cho tất cả độc giả, quý đồng hương Việt Nam trên toàn quốc chia sẻ sự mất mát của Dallas Police Department vừa qua và bày tỏ lòng biết ơn những người đã và đang hết mình bảo vệ và giữ gìn an ninh cho cộng đồng.

HV

Hiện nay, Assist the Officer Foundation kêu gọi mọi người trong nước ủng hộ cảnh sát và giúp đỡ gia đình, người thân của những sĩ quan bị thương hoặc đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ.

Nếu bạn muốn đóng góp, xin hãy vào link: https://atodallas.org/support