Như đã viết trong bài trước, thời gian qua, vừa đi làm thêm cho vui, vừa để ngó nghiêng và lấy kinh nghiệm, tôi chạy bàn ở một nhà hàng Việt. Ðiều kiện làm việc ở (ít nhất 1) nhà hàng Việt tại Oslo, Na Uy từ kinh nghiệm của một người trong cuộc, như sau:
- Lương thấp: Nhân viên của tiệm có thể chia thành 2 nhóm: full-time, thường làm 1 tuần 5 ngày, số giờ cố định, lấy lương tháng; và part-time, chỉ là làm thêm, giờ giấc thay đổi, được trả theo giờ. Một điểm khác nhau nữa là người làm full-time khi bị bệnh và có giấy bác sĩ (sykemelding) có thể vẫn nhận lương cho thời gian nghỉ bệnh, còn những ai làm part-time không có.
Vì Na Uy không có mức lương tối thiểu chung (minstelønn), chỉ có thỏa thuận giữa công đoàn và chủ lao động (tariffavtale)1, chủ một nhà hàng Việt có thể trả lương thấp hơn một nhà hàng Na Uy, và càng thấp hơn nữa với ai làm part-time, đặc biệt vì cho việc part-time, thường chọn sinh viên, đặc biệt du học sinh từ Việt Nam, và không đòi hỏi bất kỳ điều kiện gì—có thể nói tiếng Anh, không cần biết tiếng Na Uy, không cần qua đào tạo bài bản và có bằng cấp làm nhà hàng, không cần biết pha chế rượu, thậm chí cũng không cần kinh nghiệm. Mức lương của nhân viên part-time trong 1 tiếng đồng hồ tính ra thấp hơn giá 1 phần takeaway của tiệm.
Khách không trả tiền tại bàn, mà trả tại quầy—gần kasse (máy tính tiền) có một cốc nhỏ để tip. Nhân viên phục vụ không được lấy tiền tip, kể cả tiền mặt. Tất cả thuộc về chủ quán.
Với tôi và đám sinh viên còn lại, mức lương thấp có thể không phải là vấn đề quá lớn vì không quá cần tiền và đây chỉ là việc làm tạm thời, nhưng với những người làm full-time để kiếm sống, đó lại là chuyện khác, đặc biệt khi lương thường xuyên bị trễ.
- Quyền lợi không có: Ở các tiệm Na Uy, vì tariffavtale, nhân viên được tăng tiền khi làm việc vào cuối tuần và ngày lễ, và khi làm sau giờ làm việc thông thường.
Ở đây thì không. Nhà hàng nơi tôi làm việc, trừ 2 ngày 24-25/12, không bao giờ đóng cửa; nhân viên không bao giờ được trả thêm: Tết tây, Tết ta, Phục sinh, các ngày nghỉ khác của đạo Chúa, ngày quốc tế lao động 1/5, ngày quốc khánh Na Uy 17/5…, nhân viên của nhà hàng không những không được nghỉ mà còn phải đi làm với mức lương như mọi khi. Trong trường hợp này, người làm part-time có lợi hơn vì không có ngày làm cố định và có thể đổi cho nhau.
Luật pháp Na Uy còn có khái niệm overtid, nghĩa là chủ lao động phải trả thêm tiền nếu nhân viên làm vượt quá số giờ lao động. Tuy nhiên, để né overtid, bà chủ nhà hàng nơi tôi làm việc sửa số liệu trong sổ—chẳng hạn một lần người bạn của tôi phải làm liên tục 11 tiếng rưỡi đồng hồ trong một ngày, nhưng khi ghi vào sổ phải cắt bớt giờ đắp sang ngày khác.
Ngoài ra, không có quà Giáng sinh, không có tiền thưởng Tết, không có julebord2. Trong toàn bộ vài tháng tôi đi làm ở nhà hàng này, chỉ có 2 lần bà chủ tặng gì đó cho nhân viên: một lần là sinh nhật bà chủ, mỗi người có một khúc bánh ngọt; một lần khác là dịp Noel, pepperkaker đại hạ giá còn 1 krone 1 hộp3.
Tôi không nghe đề cập tới bảo hiểm.
Quyền lợi duy nhất của người làm việc ở nhà hàng này là mua đồ của tiệm được giảm 30%.
- Tự do không có: Nhà hàng có tổng cộng 4 camera: camera thứ nhất nhìn bao quát hết cả quán, camera thứ 2 chiếu thẳng vào khu vực quầy, camera thứ 3 nhìn bếp, camera thứ 4 đặt ở khu vực cắt thịt thái rau. Bà chủ còn một nhà hàng thứ 2 – ở đó lắp 3 camera.
Các camera được cài với một màn hình CCTV để ngay trong nhà hàng, khách có thể thấy được; và kết nối với iPad và điện thoại của bà chủ. Theo tôi biết, các hình ảnh này không lưu, và không thể xem lại. Chẳng hạn, khi nghi ngờ có vị khách ăn gian để khỏi trả tiền, như tôi viết trong bài trước, chúng tôi không thể lôi video ra xem lại để kiểm tra thực hư. Camera có đó chỉ để quan sát nhân viên. Với hệ thống như vậy, bà chủ có thể ngồi canh ở quán này và nhìn sang quán kia, thậm chí quan sát cả 2 nhà hàng khi đang du lịch ở tận Việt Nam hoặc Mỹ, và gọi điện thoại mắng—tại sao không dùng thớt, tại sao chùi áo mãi không xong, tại sao 2 đứa phục vụ đứng gần nhau, tại sao đứng yên không kiếm gì làm, v.v…
- Không có sự tôn trọng: Chủ nhà hàng không tôn trọng nhân viên. Vũ lực tất nhiên không có, nhưng mắng mỏ, xúc phạm, thậm chí nhục mạ là chuyện bình thường, đặc biệt với đám trẻ.
Có một lần, tiệm bị mất điện thoại. Nhà hàng có một cái điện thoại di động, để khách có thể đặt takeaway hoặc đặt bàn (hoặc để bà chủ gọi mắng). Lần đó, điện thoại bị mất đâu đó khoảng cuối giờ. Ngày hôm sau, trong khi mọi người đoán có thể lúc lau chùi ai đó vô tình hất nó vào thùng rác, hoặc để lạc đâu đó, bà chủ nói, chắc chắn có đứa ăn cắp, và nêu luôn tên một số người đi làm ngày hôm trước nhưng không có mặt ngay lúc đó để tự biện minh. May cho tôi, không đi làm hôm điện thoại mất, nhưng có mặt ngày hôm sau để thấy mọi thứ.
Ðáng chú ý, bà chủ nơi tôi làm là người miền Nam, và là thuyền nhân.
- Chủ chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình: Từ xa, ai cũng biết người Việt thường trả lương thấp, tìm cách lách luật, và bóc lột sức lao động của nhân viên, thường là chính đồng bào mình, nhưng có những chuyện phải trải qua mới biết. Ở đây tôi chỉ kể 3 chuyện.
– Chuyện thứ nhất, khoảng dịp Tết, bà chủ được tặng hộp bánh, đem tới quán trang trí. Một cô mở ra cho mọi người ăn. Tối đó tôi nghe bà chủ gọi điện thoại mắng cô kia, tại sao mở, hộp bánh người ta cho để hết Tết cho đẹp, ai nói mở ra ăn, hết hạn thì vứt đi chứ bánh đó ai ăn…
– Chuyện thứ hai, 2 trong đám sinh viên cùng ghi danh đi học một khóa tiếng Na Uy của trường. Bà chủ bực mình, nói đi nói lại, khi không bày đặt đi học tiếng Na Uy làm gì khi tiệm đang thiếu người. Cuối cùng, như thể từ Việt Nam sang tận Na Uy để chạy bàn chứ không phải để du học, 2 sinh viên đó phải chia nhau hy sinh một số giờ học để làm cho quán.
– Chuyện thứ ba, có một lần được giao kasse, tôi khám phá ra có chênh lệch không nhỏ giữa số tiền mặt tôi đếm được trong kasse và con số trong hệ thống. Sau khi kiểm tra, phát giác ra chú nhân viên ca trước bấm nhầm số tiền vào hệ thống, rồi thay vì sửa lại bằng cách bấm retur (như đền lại tiền cho khách), lại bấm vào thêm lần nữa, gấp đôi nó lên. Nói cách khác, chênh lệch giữa 2 bên là do bấm sai số vào kasse, chứ không phải mất tiền, bà chủ không mất gì cả, và cách giải quyết là bấm retur xóa lại số tiền thừa kia đi. Vì không muốn phần mình gặp rắc rối với sở thuế (bị buộc là gian dối tiền bạc), bà chủ cương quyết bắt chú ấy lấy tiền túi bù vào để 2 con số như nhau.
Ừ! người Việt mình với nhau.

DN
- Mọi thông tin trong bài về luật pháp Na Uy về quyền lợi người lao động lấy từ trang http://www.arbeidstilsynet.no/ và trao đổi email hồi tháng 5 giữa tôi và Arbeidstilsynet
- Trong văn hóa Scandinavia, julebord là tiệc Noel do chủ tổ chức cho nhân viên – có thể đọc thêm bằng tiếng Anh ở https://en.wikipedia.org/wiki/Julebord
- Tiếng Anh gọi là ginger nut, là 1 loại bánh phổ biến ở Na Uy mùa Giáng sinh; bài viết nhắc tới hộp pepperkaker giá 1 krone: http://www.vg.no/forbruker/mat-og-drikke/julen/vill-priskrig-i-kjedebutikkene-dumper-prisene-paa-julevarer/a/23573129/