Menu Close

Sài Gòn “overnight”!

Hinh 9

Có rất nhiều lý do để thức trọn đêm dài, có thể vì làm ca đêm hoặc giải quyết nốt việc còn dang dở, có thể ban ngày đã ngủ quá trớn, có thể vì buồn bã suy nghĩ, lo lắng điều gì đó, có thể vì bị dụ, cũng có lúc thức cho… vui. Nhưng nếu là người đã, đang hoặc sẽ sinh sống tại Sài Gòn, tôi nghĩ bạn nhất định phải chọn cho mình một đêm… đẹp trời để thức trắng cùng Sài Gòn, tôi tin nếu là đêm đầu tiên thì sẽ không phải đêm duy nhất đâu, không khéo lại gây nghiện đó!

Sài Gòn kẹt xe, đông đúc, ồn ào, bon chen, khói bụi… sẽ không bao giờ xảy ra vào thời điểm này trừ… 30 Tết! Khi các hàng quán bắt đầu đóng cửa, con người bắt đầu chìm vào giấc ngủ, những chiếc xe đẩy “lưu động” bắt đầu di chuyển biến mất dần vào ánh đèn lung linh đặc trưng màu thành thị, những xô bồ thường thấy như bị trôi vào quên lãng, để lại một Sài Gòn dịu dàng và chậm chạp. Dĩ nhiên, Sài Gòn không hề ngủ! Thậm chí đối với nhiều người, nhiều nơi đây mới là thời điểm bắt đầu. Bên trong các hàng quán người vẫn ra vô không ngớt, ngoài đường xe vẫn lượn không ngừng, nhưng tất cả lại xuất hiện và biến mất một kiểu khác, đầy lắng đọng.

Thức Coffee
Thức Coffee

Hinh 1

Bỏ qua rực sáng, “sang chảnh” của các quán bar, beer club cũng như ồn ào ở các khu ăn chơi, nhậu nhẹt thâu đêm từ lâu đã thành “thương hiệu” của Sài Gòn đối với khách phương xa. Chúng ta hãy kiếm một quán cà phê mở cửa 24/24 giờ, ngồi xuống, kêu một ly nước và… nhắm mắt lại, không phải để ngủ gục đâu nhé! Mà là để lắng nghe tiếng thở của Sài Gòn khuya. Thức Coffee là một trong những tiệm cà phê “không ngủ” đầu tiên ở thành phố 10 triệu dân này, khi ở Việt Nam, các quán cà phê kiểu này chưa được phổ biến như bây giờ. Một phần là sự khó khăn về mặt “thủ tục, giấy tờ” một phần do định kiến về nơi “qua đêm” thường là môi trường phức tạp khiến cho nhiều người e ngại về khả năng thành công nó. Chủ quán là một cô gái 8x với ý tưởng ban đầu hướng đến nhiều sinh viên kiến trúc cần không gian thức đêm để làm đồ án, các bạn tuổi teen đi chơi muộn hay người làm công việc sáng tạo cần góc nhỏ để phiêu hồn theo những ý tưởng. Khi trả lời phỏng vấn của một tờ báo, cô kể: “Ðể bắt đầu, tôi phải dành cả một tuần để đếm lượt người qua lại trên con đường Pasteur, thậm chí ngồi lê la ở cà phê bệt để quan sát thói quen của các bạn trẻ trong những khung giờ khác nhau, trước khi cho ra đời 2 quán ở trên con đường đắc địa này.” Nguyễn Hoàng Hà (tên cô chủ quán) cho biết, với số vốn 150 triệu đồng của gia đình, cô liều đem đi hợp tác với bạn (tổng số vốn là 300 triệu) để thuê mặt bằng vỏn vẹn 16 m2. Những tháng đầu, doanh thu của quán chỉ vừa đủ chi phí, có tháng lỗ 3-4 triệu đồng. Nhưng sau gần một năm, đã hoàn vốn đầu tư ban đầu, được nhiều khách hàng đón nhận vì sự độc lạ, rồi người này truyền tai người kia, khiến quán ngày càng được biết đến. Tính đến nay, Thức Coffee đã có rất nhiều chi nhánh ở các quận lẫn các tỉnh lân cận, trung bình một quán thu hút 300 lượt khách mỗi ngày.

Khách ngồi rất đông phía ngoài của các quán cà phê Thức.
Khách ngồi rất đông phía ngoài của các quán cà phê Thức.

Ở đây, ngoài thời gian mở cửa 24/24, thứ hấp dẫn khách hàng không phải thức uống với “menu” rất bình thường mà thu hút ở… chỗ ngồi. Nếu như bên trong các quán Thức Coffee được bài trí với các bức tường treo tranh vẽ hoặc in rất đẹp mắt với màu sắc trẻ trung, độc đáo cùng những chiếc ghế gỗ mộc mạc, giai điệu nhẹ nhàng của âm nhạc nước ngoài để các bạn “thanh niên nghiêm túc”, nhân viên văn phòng hoặc nghệ sĩ thỏa sức làm việc, sáng tạo hoặc họp hành. Thì bên ngoài quán có những chiếc ghế xúp “dã chiến” được đặt dọc ven lề đường, là không gian lý tưởng cho những cặp đôi cần chút riêng tư, hoặc các nhóm quây quần hát hò, chơi game tập thể, hoặc ngồi thả hồn vào con đường im ắng, nghe những đợt âm thanh mà chỉ ở Sài Gòn khuya mới gặp.

Khách bên trong quán đa phần họp nhóm, làm việc, học bài và lên mạng
Khách bên trong quán đa phần họp nhóm, làm việc, học bài và lên mạng

Hinh 11

Ngoài những “rù rì rủ rỉ” của những cặp nhơn tình xung quanh, đó có thể là tiếng chổi kéo “xào xạc” vang đều từng hồi của các cô chú công nhân quét rác, là tiếng “lốc cốc” vui tai của những anh chàng hủ tiếu gõ canh khuya, là “lắt xắt” tiếng xóc đồng xu từ chiếc xe đạp cà tàng của mấy chàng “bắc kỳ” đấm bóp dạo, là tiếng í ới hỏi khách “đi xe hôn” của mấy chú xe ôm dường như không ngủ, là một tiếng rao đêm đặc trưng được ghi âm sẵn từ mấy chiếc xe “bánh mì Sài Gòn hai ngàn một ổ đặc ruột thơm bơ” hay “bánh chưng bánh giò đây” rồi “bắp xào, trứng lộn hột gà nước đây” đều đều chảy vào tai như bất tận, đôi khi còn được nghe ké tiếng guitar từ cánh cửa sổ mở hờ trên căn gác nhỏ vọng xuống đầy “mời gọi” hay tiếng hát ầm ĩ từ loa thùng của chàng bán kẹo kéo đang nhún nhảy “hết bài” từ quán này sang quán khác khắp phố phường… bên cạnh đó, lâu lâu sẽ có tiếng nẹt bô hoành tráng xẹt ngang từ một bác tài “trẻ trâu” nào đó hoặc tiếng kêu thảng thốt “cướp cướp”, tiếng cãi nhau chí chóe, đầy kịch tính của những bà bạn hàng đang tranh chấp chỗ bán…. Còn nhiều lắm, chỉ cần bạn không ngủ, mọi âm thanh cũng sẽ không “thèm” ngừng. Dù hỗn tạp hay thi vị, dù muốn hay không vẫn xảy ra trong cuộc sống của Sài Gòn.

“Lực lượng” nhân viên Thức Coffee
“Lực lượng” nhân viên Thức Coffee

Phục vụ tại những quán cà phê dạng này thường là những bạn sinh viên, có nhu cầu kiếm thêm tiền sau giờ học. Khi quán vãn khách, thì họ tranh thủ chợp mắt hoặc học bài. “Làm đêm cực vì đôi khi mệt mỏi rồi pha lộn nước, nhưng thay vào đó có thêm cơ hội tăng thu nhập, được tiếp xúc, làm quen với nhiều bạn mới, lâu lâu còn gặp thần tượng thay vì ở nhà thức khuya chơi game thì ở đây còn được học vài “chiêu” pha chế nữa!” Một bạn tâm sự. Do mở suốt 24/24, nên đôi khi không tránh được tình huống “khó đỡ”. Có người vừa đi bar về, còn say… nhạc nên yêu cầu quán mở nhạc to, hoặc người nhậu xỉn vào gây ồn ào khắp khu phố, khiến lực lượng trật tự phải ghé quán. Nhiều hôm, 2, 3h sáng cô chủ phải chạy về từ q.7 giải trình với công an phường và đóng phạt. Kinh doanh ở Sài Gòn giờ thường đã khó, huống chi là những giờ “linh” như thế này!

Phụ huynh ngủ trước cổng trường để xếp hàng ghi danh cho con. Báo vnexpress
Phụ huynh ngủ trước cổng trường để xếp hàng ghi danh cho con. Báo vnexpress

Bên cạnh những ánh đèn rực rỡ, những âm thanh đặc trưng, ngồi giữa Sài Gòn đêm không chỉ nghe, mà còn thấy rất nhiều thứ!  Tách biệt với nam thanh nữ tú quần là áo lượt, là những kẻ tha phương cầu thực, thân sơ thất sở, là những chiếc xe ôm cô quạnh gánh trên lưng người đàn ông ngủ gật,  là thời gian cho các cuộc gặp gỡ của đàn anh đàn chị, những đối tượng xì ke ma túy, trộm cắp trong con hẻm nhỏ, thời gian hành nghề của những cô gái bán phấn buôn hương dưới những cột đèn, những người này chỉ mong đêm dài mãi, dài mãi… Ngoài ra, vào thời điểm sắp bước vào năm học mới này, còn có những bậc cha mẹ nghèo phải thức trắng đêm, mang chiếu, võng, ghế bố… nằm trước cổng trường xếp hàng, giành chỗ để kịp “đặt chỗ” cho con một chân trong trường vì nhiều lý do khó nói như: nhà gần, chi phí thấp hơn trường khác nhưng lại tuyển rất ít học sinh hoặc chỉ nhận những học sinh được chuyển lên đúng tuyến. Trong lòng ai cũng có khát khao con mình sau này lớn lên được đổi đời, làm kỹ sư bác sĩ cho bằng với “con nhà người ta” để khỏi phải khổ như mình.

Hinh-8 Hinh-13

Sài Gòn mà, luôn khoác trên mình một tấm áo lạ ở mỗi thời điểm khác nhau. Khi thì sôi động đến… khốc liệt, lúc lại trầm lắng đến cô đơn, khi thì hiền hòa bao dung như cô Tấm, khi lại cay đắng, đáng sợ như… cô Tấm lúc trả thù.  Con người Sài Gòn cũng đa dạng, họ chia nhau “sống” ở nhiều thời điểm khác, khi người này đi ngủ cũng có thể là lúc người kia thức dậy, khi nơi này mở cửa cũng là lúc chỗ kia tắt đèn, giải tán. Khi người này khóc thì đâu đó sẽ có kẻ cười, khi chỗ này đèn đỏ thì chỗ khác đèn xanh, đèn vàng…  Sài Gòn là như vậy, bất cứ lúc nào cũng có lý do để con người hoạt động.

Một tuần nay tôi phải nằm viện, rất thèm cảm giác ngồi lê la cà phê sáng đêm giữa Sài Gòn nên nhắn tin rủ anh bạn:

– Rảnh không, “overnight” Thức với em không?

Nhận được trả lời ngay sau đó:

– Không, đừng dụ dỗ, anh có bạn trai rồi!

H_nh-19

Vài góc Sài Gòn về đêm - sưu tầm
Vài góc Sài Gòn về đêm – sưu tầm

DU