Để chẩn đoán những rối loạn thần kinh cơ, lâu nay người ta phải đâm những điện cực dưới da để ghi nhận các tín hiệu điện phát sinh. Điều này không những khó khăn mà còn gây đau cho bệnh nhân. Trong lãnh vực truyền thông, người ta đưa ra một quảng cáo và muốn biết phản ứng của người tiêu thụ đối với sản phẩm, nhưng cũng chỉ có thể đoán chừng, hoặc làm các câu hỏi thăm dò. Gần đây, các nhà nghiên cứu ở University of Tel Aviv (Do Thái) đã sáng chế một dụng cụ được gọi là “vết xăm điện tử” để theo dõi hoạt động của cơ cho các mục tiêu y học và thương mại. Vết xăm điện tử này có 3 phần, một điện cực than, một tấm dính để dán các điện cực này vào da, và một lớp mỏng polymer dẫn điện có mục đích nâng cao khả năng hoạt động của các điện cực. Muốn theo dõi một cơ, người ta dán dụng cụ này lên da chỗ cần theo dõi và tiếp tục sinh hoạt bình thường. Các điện cực trên vết xăm sẽ đo và ghi nhận lại hoạt động của cơ trong nhiều tiếng mà không hề làm tổn hại tới da hay gây khó chịu. Người ta đã dùng vết xăm điện tử này để theo dõi cơ của bệnh nhân bị thoái hóa thần kinh, giúp cho người bị tai biến mạch máu não hay tổn tương não có thể kiểm soát lại các cơ, theo dõi xem người lái xe có bị chóng mặt không, hoặc giúp người ta điều khiển tay chân giả. Ngoài ra, dụng cụ này còn có thể ghi nhận lại hoạt động của cơ mặt người sử dụng khi dán chúng lên mặt, và từ đó suy diễn ra những cảm xúc. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong thương mại.
Người máy phát thư
Bắt đầu từ tháng 7, người đi bộ ở Anh, Đức và Thụy Sĩ sẽ bắt đầu phải đi bộ chung với những robot phát thư. Mặc dầu không có hình dáng của “người” đưa thư, nhưng các robot này hoàn toàn tự động và chạy trên đường phố bằng bánh xe trong đợt thử nghiệm của công ty Starship Technologies. Những “ông đưa thư” này sẽ phân phát thư và các gói quà, cả thực phẩm và đồ dùng cho người tiêu thụ… còn tốt hơn những ông phát thư thường. Ông đưa thư này được trang bị camera dò đường có thể xoay 360 độ, hệ thống các bộ cảm ứng hồng ngoại tuyến và siêu âm để tự quản lý việc di chuyển. Tuy nhiên ông đưa thư vẫn bị theo dõi từ một văn phòng điều khiển trung ương để can thiệp trong trường hợp có trở ngại. Robot chạy bằng 4 động cơ hoạt động bằng pin điện và chạy bằng bánh xe. Khi Robot tới địa điểm phát hàng, một mã số sẽ được gửi cho người nhận để họ có thể mở nắp thùng ra lấy món hàng của họ. Starship đã thử nghiệm ông đưa thư này ở 12 quốc gia trong 9 tháng qua. Có khoảng 5000 miles đường dài được các người máy hoạt động và trên 400,000 người từng nhận được thư mà không có vấn đề trở ngại gì. Trong cuộc thử nghiệm sắp tới, các robot sẽ hoạt động trong môi trường thực tế trước khi được áp dụng cho công chúng. Một số nhà hàng và chợ cũng tham dự chương trình thử nghiệm này để có thể sớm chen vào việc phân phối hàng ngay tận nhà người mua. Luân đôn, Susselforf, Bern, một số thành phố ở Đức cũng như vài nước khác ở Âu châu sẽ được thêm vào danh sách các địa điểm thử nghiệm, trong đó có cả một số thành phố của Hoa Kỳ. Vài năm tới, không chừng sẽ không còn thấy mấy ông đưa thư với túi đeo vai và tay cầm chồng thư đi từng nhà nữa.