Có một con đường thiên lý chạy xuyên qua nhiều tiểu bang, con đường một thời trải mình cho những gót chân phiêu bạt và làm nên lịch sử hào hùng, con đường thấm đẫm nước mắt và ngọt ngào tình người, con đường mà John Steinbeck gọi là “con đường mẹ” trong Chùm Nho Phẫn Nộ, khi mô tả cảnh Rose of Sharon cứu sống ông lão di dân Okies đói khát bằng những dòng sữa xanh xao của chính mình. Con đường đó cũng nuôi sống biết bao nhiêu người dân Mỹ trong thời gian khó khăn của Ðại Khủng Hoảng thập niên 30 và là con đường huyết lộ cho những cuộc di dân. Ðó chính là con đường 66.
Ðầu thập niên 1920 với sự phát triển nhanh chóng của kỹ nghệ xe hơi, nhất là từ khi Henry Ford cho ra đời hàng triệu chiếc xe Ford Model T giá rẻ và bền, số xe đăng ký từ 500 ngàn tăng lên 10 triệu trong vòng 10 năm. Một xa lộ liên bang chạy chéo qua nước Mỹ ra đời. Bắt đầu chỉ có 2 làn xe dài 2,448 dặm bắt đầu từ Chicago, qua Illinois, Missouri, Kansas, Oklahoma, Texas, New Mexico, Arizona và kết thúc ở Los Angeles; đường 66 xứng với tên gọi là đường thiên lý như mạch máu chính nuôi cơ thể nước Mỹ sung sức và non trẻ. Sau nhiều bàn cãi về tên gọi thì con số 66 mang nhiều điều huyền bí tốt lành để chính thức đi vào lịch sử từ mùa hè 1926. Trước đó năm 1913, xa lộ Lincoln là xa lộ đầu tiên của nước Mỹ nối liền New York và San Francisco (theo chiều ngang Ðông Tây) và xa lộ Dixie nối Chicago với Miami (theo chiều dọc ven phía Ðông). Xa lộ 66 đặc biệt vì chạy chéo, xuyên qua trái tim của nước Mỹ và qua nhiều miền đất bằng phẳng phù hợp cho xe cộ.

Người Mỹ nhớ đến con đường này nhiều nhất bằng những kỷ niệm về cuộc Ðại khủng hoảng 1933, khi mà có chừng 210 ngàn người di dân đã lê gót chân trần hay theo bánh xe lăn trên con lộ này về miền Tây, nhằm thoát khỏi những cơn đại hạn và bão bụi tàn khốc, nhằm tìm kiếm việc làm và một đời sống mới, dù nơi đến cũng rất nhọc nhằn trong cuộc suy thoái toàn quốc.

Ngày đó họ đi dọc theo con đường gió bụi này. Lúc ấy con đường chỉ là đất và sỏi đá. Họ đã ngủ bên đường trong các quán trọ, ngủ bên các túp lều vải dựng tạm, ngủ dưới các tấm bảng quảng cáo chỉ đường, họ nghỉ ngơi dọc các nông trại và nhà kho, dù sức tàn lực kiệt nhưng không bao giờ mất hết niềm tin vào ngày mai. Cũng trong thời gian ấy và 5 năm sau, hàng ngàn thanh niên thất nghiệp được tuyển dụng để hoàn thiện con đường tráng nhựa, chịu đựng các khí hậu băng tuyết và khô nóng quanh năm. Vừa lúc bắt đầu cuộc thế chiến đệ II, Trung tá Dwight D. Eisenhower phải lội trong bùn lầy mùa xuân ở Kansas khi vận chuyển quân nhu và vũ khí từ Ðông sang Tây. Thế là nhanh chóng, con đường được nâng cấp và trở thành huyết lộ vận chuyển quân sự cho các đoàn quân tuyển dụng từ mọi phía đến các căn cứ ở California. Từ đó các thanh niên thiếu nữ lên đường đi vào lịch sử kiêu hùng ở Châu Âu và toàn thế giới. Khi tướng Eisenhower trở về từ Châu Âu, thán phục kiến trúc xa lộ của Hitler tại Ðức gọi là Autobahn, quốc hội đã tán thành dự luật Xa Lộ Liên Bang năm 1956. 70 tỉ đô được đổ vào con đường huyền thoại này, cùng với các xa lộ toàn quốc được xây dựng nhanh chóng.

Và đó là năm tháng hoàng kim của đường 66. Xa lộ ngày đêm nườm nượp người xe, các đoàn xe chuyển vũ khí quân trang, các đoàn lính sau cuộc chiến với nỗi nhớ quê nhà nôn nóng trở về. Các cuộc tái định cư và nhiều cơ sở dịch vụ thương mại mọc lên như nấm dọc theo xa lộ. Hàng ngàn tiệm ăn, nhà hàng, phòng trọ, cây xăng, tiệm sửa xe… Tất cả các quần thể kiến trúc chạy dọc theo con lộ trở thành nét đặc trưng nhộn nhịp và sống động trong lịch sử Mỹ, với các bảng hiệu art deco đầy ấn tượng sắc màu, các hộp đèn neon sáng ngời trong bóng đêm. Tất nhiên là ngoài nền văn học với những tác phẩm kinh điển của John Steinbeck, Hollywood đã nhanh chóng đưa lên màn hình những show “Route 66” và các ca khúc rộn ràng phiêu bạt như “Get your kicks on route 66 – Tung bước giang hồ trên con đường 66” qua tiếng hát lẫy lừng của Nat King Cole. Hòa bình trở về, xa lộ 66 lại trở thành con đường lý tưởng cho các cuộc du lịch hướng về Los Angeles. Do đi qua nhiều tiểu bang với nhiều địa hình và địa danh nổi tiếng, nên sức hút của xa lộ 66 càng trở nên mãnh liệt. Mỗi tiểu bang nơi con đường đi qua đều mang nét đặc trưng kỳ vĩ và lý thú. Bắt đầu từ Springfiled, với trạm xăng Shea’s bên đường (nay trở thành viện bảo tàng nho nhỏ) ở Illinois quê hương của Abraham Lincoln, sau đó đến Chicago có nhà hàng Lou Mitchell’s nơi nổi tiếng đông khách đến mức người khách xếp hàng sẽ được miễn phí Donut và kẹo sữa trong khi chờ. Băng qua Oklahoma, du khách hẳn không thể bỏ qua The Milk Bottle Grocery có bình sữa to, ngày nay trở thành cửa hàng có bán bánh mì Việt Nam. Ngang qua Amarillo, Texas nghĩa trang xe Cadillac sẽ làm du khách thích thú với chục chiếc xe Cadillac cũ được dựng đứng bên đường, bạn có thể dừng lại vẽ quậy lên các xe này như lưu dấu một hành trình kỷ niệm. Ðến New Mexico con đường 66 lại leo dốc uốn lượn 400 dặm dài theo các kiến trúc và làng mạc mang phong cách thổ dân da đỏ Pueblo cùng Tây Ban Nha bản địa với những ngôi nhà làm bằng đất sét. Sau đó con đường đi xuyên qua Painted Desert – Hoang mạc đầy màu sắc choáng ngợp chập chùng, nhìn lòng chảo gần bằng sân bóng chày do thiên thạch rớt xuống 50 ngàn năm trước ở Arizona gần Grand Canyon. Du khách có thể tìm thấy chút lạ lẫm trong các phòng trọ dọc đường trong túp lều da đỏ ở Wigwam Motels, nghỉ ngơi sau chặng đường dài sông núi bao la trước khi dừng đến điểm cuối downtown đô hội phố thị tưng bừng ở chân cầu Santa Monica vỗ về sóng biển, Los Angeles. Ðó là một vài địa danh chính yếu trong hàng trăm điểm du lịch dừng chân đầy háo hức lẫn thấm đẫm lịch sử.

Con đường oanh liệt một thời nay đã trở thành dĩ vãng. Kể từ sau thế chiến đệ nhị, hệ thống xa lộ toàn quốc được hiện đại hóa nhằm đáp ứng các nhu cầu vận chuyển với tốc độ nhanh và an toàn. Ðường 66 được nâng lên thành 4 làn xe ở một số thành phố, nó được nhập vào các xa lộ chính và con đường nguyên thủy bị bỏ rơi hoặc đi vòng cho phù hợp với kiến trúc hạ tầng cơ sở và sự phát triển của đô thị. Một số đoạn đường trở thành hoang phế, nhiều xóm làng trở thành ghost town, phố ma không người, mặc cho nắng mưa lở lói mặt đường, cỏ hoang chen lấn. Chính phủ liên bang chính thức khai tử Ðường 66 vào năm 1985. Thay thế bằng hàng trăm xa lộ hiện đại khác với nhiều làn xe và hệ thống cầu vượt, nối kết liên tục như một dòng chảy mượt mà từ Bắc chí Nam, từ Ðông sang Tây khắp đất nước rộng lớn này. Tuy vậy những dấu ấn và huyền thoại về con đường một thời vang bóng luôn đậm nét trong lòng người dân Mỹ.

Người ta đã làm sống lại con đường bằng những tấm bảng hiệu mang tên con số 66 quen thuộc, những nhà bảo tàng nho nhỏ, những di tích mang nặng niềm tự hào một thuở di dân nghèo khó cũng như một thuở ngang tàng trên chiếc xe Cadillac mui trần, chiếc Harley Davison hai bánh phân khối lớn lộng gió tự do. Những trang tiểu thuyết đậm nét nhân sinh của Chùm Nho Phẫn Nộ, của Chuột và Người, những khúc hát Rock and Rolls của Elvis Presley, giọng ca mượt mà của Nat King Cole. Và ngay cả những thước phim màu sắc tuyệt vời lôi cuốn của Pixas (trong phim Cars – Xe) đã lưu lại ngàn đời cho hậu thế một con đường hoài niệm đẹp trong tâm tưởng. Cùng những thành phố một thời rộn ràng sầm uất nay trở thành hoang vắng với các tấm bảng hiệu rỉ sét lay bay trong gió thời gian!

SB