Menu Close

Willie Nelson – 4th of July Picnic

Hàng năm vào ngày lễ Quốc Khánh của Hoa Kỳ, tại tiểu bang Texas có một chương trình đại nhạc hội mang tên “Willie Nelson 4th of July Picnic”. Đây là một chương trình nhạc Country, tục gọi là nhạc đồng quê. Khởi đầu từ năm 1973, nhạc hội này đã kéo dài liên tục 43 năm, và gần như năm nào cũng kết thúc với ban nhạc Willie Nelson and The Family.

willie-nelson

Trong số các gương mặt xuất hiện thường xuyên ngay từ những năm đầu là những tên tuổi lớn như Johnny Cash, Kris Kristofferson, Waylon Jennings, Leon Russell, Jerry Jeff Walker, Merle Haggard v.v. Ngoài ra, còn có những nghệ sĩ thuộc dòng nhạc folk rock hoặc rock như Bob Dylan, Neil Young, Grateful Dead, Linda Ronstadt, Emylou Harris. Không những vậy, Willie’s Picnic còn là cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ hay các ban nhạc địa phương trổ tay nghề, nhờ vậy chương trình luôn thu hút được số lượng đông đảo khán giả nhiều lứa tuổi khác nhau.

willie-nelson1
Leon Russell và Willie Nelson tại Willie Nelson 4th of July Picnic, 1974 – nguồn allplaidout.com

Thường thì picnic được tổ chức trong tiểu bang Texas, tuy nhiên có năm nó trôi dạt qua Oklahoma (1977), Missouri (1978), thậm chí sang tận Atlanta (1983). Nhưng đi đâu rồi nó cũng quay về quê hương của Willie, giống như cuộc đời lang bạt kỳ hồ của chính ông.

Willie Nelson chào đời năm 1933 (giấy khai sinh ghi ngày 30/4 nhưng thật ra ông sinh ngày 29) tại một làng quê nhỏ mang tên Abbott, nằm gần xa lộ I-35 giữa Fort Worth và Austin. Nelson có một tuổi thơ khó khăn. Mẹ ông bỏ nhà ra đi sau khi sanh ông. Cha ông tái giá sau đó và cũng ra đi, để hai chị em Willie và Bobbie lại cho ông bà Nội nuôi. Lúc ấy nền kinh tế thế giới đang lâm vào cơn Ðại-Khủng-Hoảng (the Great Depression), nên từ nhỏ cậu bé Willie đã phải phụ giúp ông bà làm việc đồng áng. Vào hè, cả gia đình đi hái hoa vải (cotton) để kiếm thêm. Ông Bà Nội của Willie ngày trước dạy hát ở tiểu bang Arkansas nên khi Willie lên 6, ông Nội cho cậu bé một cây guitar và dạy cậu bấm vài hợp âm căn bản. Hai chị em bắt đầu hát trong nhà thờ. Năm lên 7 Willie viết bài nhạc đầu tiên. Hai năm sau chàng chơi đàn cho một ban nhạc nhà vườn tên Bohemian Polka (vùng này ở Texas ngày xưa có nhiều di dân đến từ Bohemia bên Âu Châu, gần Ðức và Tiệp; ngày nay dọc theo xa lộ I-35 gần đó vẫn còn những tiệm bánh Kolache đặc sản của dân Czech là vậy).

Lên đến trung học, chàng thanh niên Willie Nelson còn là một thể tháo gia có hạng, chơi ba môn football, baseball và basketball cho trường. Ðã vậy, Nelson còn gia nhập hội Nông Dân Trẻ Của Hoa-Kỳ và tiếp tục chơi nhạc cho ban nhạc The Texans. Ðồng thời, cuối tuần chàng có một chương trình trên đài phát thanh KHBR ở Hillsboro. Ra trường năm 1950, Willie Nelson nhập ngũ binh chủng Không Quân. Giải ngũ hai năm sau, Willie Nelson cưới vợ và ghi danh đi học tại trường Baylor University, ngành Nông Lâm Súc. Tưởng chừng cuộc đời sẽ suôn sẻ, thế nhưng…

willie-nelson5
Willie Nelson 2015 – nguồnmusic.blog.austin360.com

Học được mới hai năm thì Willie Nelson quyết định nghỉ ngang xương và theo đuổi nghề nhạc. Willie Nelson bắt đầu làm đủ thứ nghề lặt vặt để mưu sinh: tỉa cây cho thành phố, gác cửa cho quán rượu, thuộc da làm yên ngựa, công nhân mỏ dầu… Sau khi mang vợ con về Pleasanton, TX, Willie được nhận vào làm cho đài radio KBOP. Mượn máy móc của đài, Willie Nelson thâu hai bản nhạc của mình và gởi cho hãng dĩa SARG nhưng không ai mua.

Thấy không ổn, Willie Nelson dọn gia đình lên vùng Dallas-Fort Worth một thời gian, nhưng cũng không khá hơn mấy. Thất nghiệp dài dài, không còn đường sống, Nelson bỏ vợ con lại Texas và tìm đường qua tiểu bang Oregon, nơi Mẹ ông đang ở. Không xe không cộ, không bạc không tiền, Willie phải ngủ bờ ngủ bụi, quá giang xe hàng, nhảy xe lửa như một kẻ du thủ du thực. Cuối cùng, nhờ một tài xế xe hàng thương tình cho mượn $10 để mua vé xe đò, Willie Nelson cũng đến được Portland, Oregon.

Sau khi tìm được việc làm tại một đài radio ở Vancouver (Canada) và xuất hiện trên một chương trình TV, Willie Nelson bắt đầu làm nhạc trở lại. Năm 1956 ông có dĩa nhạc đầu tiên, với bài “No Place For Me” (Không Chỗ Nào Cho Tôi), nhưng dĩa bán không chạy và Nelson phải tiếp tục làm nghề phát thanh, ban đêm thì đi hát ở các quán nhậu trong vùng Vancouver. Sau đó chàng lại lang bạt sang Colorado, Missouri và … thất nghiệp tiếp, phải đi làm nghề rửa chén. Chịu không nổi, cuối cùng Willie quay trở về Texas, bỏ giấc mơ làm nhạc, chuyển sang nghề gõ cửa chào hàng bán Kinh Thánh và … máy hút bụi! Nhờ có kinh nghiệm buôn bán, sau một thời gian Willie Nelson được lên làm Sales cho công ty Encyclopedia Americana.

willie-nelson2
Chờ nghe nhạc (hình tác giả)

Ðời sống kinh tế tương đối ổn định, Nelson đưa vợ con về Houston. Tại Pasadena, ông tìm cách bán đứt bản quyền một số bản nhạc của mình cho một tay ca sĩ trong ban nhạc của Esquire Ballroom để giải nghệ. Nhưng thay vì mua lại tác quyền của bản “Mr Record Man” với giá $10, ca sĩ Larry Butler cho Willie Nelson mượn $50 để thuê nhà, rồi mướn Nelson hát cho ban nhạc của mình. Thế là Willie Nelson bị kéo trở lại với nghiệp xướng ca. Tại Pasadena Willie Nelson bắt đầu bán được một số sáng tác của mình, trong đó có bài “Night Life” (Sống Về Ðêm), năm 1960 khá thành công với giọng hát của Claude Gray.

Thừa thắng xông lên, năm 1960 Willie Nelson dời sang Nashville, Tennessee — thủ phủ của nhạc country. Nhờ biết đánh đàn và viết nhạc, Willie Nelson được mướn chơi Bass cho ban nhạc của Ray Price, một tên tuổi lớn trong làng nhạc lúc bấy giờ. Năm 1961 bài “Hello Walls” của ông được Faron Young trình bày khá thành công, và Willie Nelson bắt đầu được nhiều người trong giới nghệ sĩ biết đến. Tiếp đến là Roy Orbison với bài “Pretty Paper”, Billy Walker với bài “Funny How Time Slips Away”. Ðến khi ca sĩ Patsy Cline tung ra bài “Crazy” thì danh tiếng của Willie Nelson nổi như cồn, bản nhạc bán chạy như “điên”! Kể từ đó, Willie Nelson bắt đầu sống bằng nghề nhạc thực thụ.

Tuy nhiên, trong giới âm nhạc country Willie Nelson là một gương mặt không tiêu biểu, thậm chí còn được xem là một tên “outlaw”, tạm dịch là “ngoại đạo”, vì những phong cách và ý tưởng rất khác thường. Chẳng hạn như, về mặt chính trị và xã hội, Willie Nelson đứng hẳn về phía tả, trong khi đa số thính giả nhạc country thuộc thành phần hữu khuynh. Ông kêu gọi nhà nước phải bãi bỏ luật cấm sử dụng và trồng cần sa. Ông khuyến khích việc dùng nhiên liệu tái tạo thay cho dầu lửa, thậm chí ông còn đứng ra sản xuất một loại xăng đặc biệt tái chế từ dầu ăn tên gọi là Willie Biofuel. Nhạc của ông không là nhạc country thuần túy mà pha trộn nhạc jazz, blues và rock. Cách trình diễn của ông cũng khác người, không có vẻ kiểu cách hay làm dáng, đã vậy ông còn dùng một cây đàn cũ mèm thủng một lỗ lớn, tên là “Trigger”.

willie-nelson4
Một số hình ảnh chụp cách ăn mặc của dân Texas trong buổi picnic. (hình tác giả)

Sau một thời gian ở Nashville, Willie Nelson cảm thấy ngộp thở với giới show biz tại đây và quyết định quay về Texas. Năm 1972 ông được mời tham gia một chương trình nhạc ngoài trời ba ngày hai đêm tại Dripping Springs, gần Austin. Chương trình này bị thất bại nặng nề vì ban tổ chức thiếu kinh nghiệm. Nhưng từ đó Willie Nelson nảy ra ý định tổ chức 4th July Picnic, và năm 1973 đại nhạc hội đầu tiên ra đời.

Không khí và lối sống cởi mở của Austin cũng giúp Willie Nelson thay đổi phong cách chơi nhạc của mình. Những dĩa nhạc từ đó về sau của ông được xem như một làn sóng mới cho dòng nhạc country. Và thành phố Austin từ từ được biết đến như một trung tâm âm nhạc. Năm 1975, đài truyền hình PBS và Willie Nelson cho ra đời một tiết mục nhạc sống mang tên Austin City Limits, và thành công rực rỡ. Sau 41 năm, Austin City Limits ngày càng lớn mạnh và đã biến thành nơi quy tụ các nghệ sĩ già cũng như trẻ, nổi tiếng cũng như đang lên, gồm nhiều loại nhạc khác nhau – rock, blues, country, không thiếu thứ nào. Ca sĩ người Mỹ gốc Việt, Thảo Nguyễn, và ban nhạc the Get Down Stay Down của cô cũng đã từng trình diễn tại đây. (https://youtu.be/XZJDy-BSDr0) Bà con nào đến Austin, nếu có dịp nên ghé thăm rạp hát ACL mới khánh thành cách đây vài năm. Ngay phía trước có bức tượng Willie Nelson rất sống động và… đẹp lão!

Mấy năm trước, Willie Nelson Picnic được tổ chức tại Billy Bob’s Texas, ngay trong khu du lịch Fort Worth Stockyards nơi ngày xưa từng là trung tâm vận chuyển bò ngựa từ khắp nước Mỹ đổ về. Ngày nay du khách vẫn có thể đến đây để thấy lại phần nào không khí viễn Tây, hàng ngày đều có cao bồi cưỡi ngựa đi vòng vòng, lùa những con bò có sừng thiệt to gọi là Longhorns. Nhưng vài năm gần đây picnic lại được dời về Austin và tổ chức trong khuôn viên của trường đua xe hơi mang tên Circuits of the Americas (COTA). Mặc dù nơi đây rộng lớn và có thể chứa được vài chục ngàn người, nhưng lại thiếu cái không khí cao bồi thích hợp cho nhạc country. Tuy nhiên, dân đi picnic phần đông đều đã quen với chương trình nên đa số ăn mặc rất “cao bồi” và diện cờ Mỹ đủ kiểu để ăn mừng lễ Quốc Khánh. Và vì là chương trình nhạc ngoài trời nên đến 10 giờ đêm cũng có bắn pháo bông trước khi ban nhạc The Family của Willie lên sân khấu.

willie-nelson3

Có lẽ cũng nên ghi nhận một điều là đa phần người tham dự là Mỹ trắng. Có rất ít khán giả da đen hoặc Mễ. Á Châu chẳng thấy một ai, trừ gia đình mình. Ðiều này cũng dễ hiểu vì dân Á Ðông, nhất là người Việt, rất ít nghe nhạc country. Nói đến bài “Crazy” có lẽ nhiều người được biết qua tiếng hát của Julio Iglesias nhưng ít ai biết nó là sáng tác của Willie Nelson. Hoặc bài “Blue Eyes Crying In The Rain” nhiều người cứ tưởng là nhạc của Willie Nelson nhưng thật ra nó được viết bởi Fred Rose từ thời 1940. Nó đã được rất nhiều ca sĩ trình bày từ đó đến nay, nhưng phiên bản của Willie Nelson có lẽ là bán chạy nhất.

Trong số những bản nhạc nổi tiếng của Willie Nelson, bài mà có lẽ người Việt biết đến nhiều nhất là bài “On The Road Again”, được dùng trong phim “Honeysuckle Rose” do Willie Nelson thủ một trong những vai chính. Giống như Ringo Starr của ban Beatles, Willie Nelson còn là một diễn viên điện ảnh không đến nỗi tệ. Ông từng xuất hiện trong rất nhiều phim màn ảnh lớn cũng như nhỏ (TV). Danh sách những bộ phim có mặt Willie Nelson dài cả vài trang, gồm đủ thể loại, từ phim cao bồi viễn Tây (“Barbarosa”, “Stagecoach” v.v.) đến hài hước hiện đại (“Dukes of Hazzard”, “Austin Powers: The Spy Who Shagged Me” v.v.) Ðộc đáo hơn cả là phim “Thief” cùng tài tử gạo cội James Caan, với nhạc đệm do ban nhạc điện tử Tangerine Dream của Ðức đảm trách.

Nói tóm lại, Willie Nelson không phải là một nhạc sĩ country theo nghĩa thông thường. Cuộc đời ông, giống như cây đàn “Trigger” thủng lỗ, là một chuỗi dài những kinh nghiệm sống lên voi xuống chó, nằm gai nếm mật, nhưng lúc nào cũng giữ được cho mình một tiếng nhạc ngọt ngào, độc đáo. Ðại nhạc hội 4th of July hàng năm của ông không phải là một lễ hội Quốc Khánh bình thường. Nó còn là dịp để những người yêu mến tài năng và tâm hồn phóng khoáng của Willie Nelson tụ tập và ăn mừng cho ông. Năm nay tuy đã 83 tuổi và đi đứng không còn mạnh mẽ nhưng Willie Nelson vẫn hát khoẻ gần một tiếng rưỡi đồng hồ. Tiếng đàn của ông vẫn ngọt xớt, những ngón tay điêu luyện vẫn lướt nhẹ nhàng trên phím đàn cũ rích già không thua gì ông. Không ai biết Willie Nelson sẽ còn sống bao lâu, nhưng chắc chắn một điều là ông sẽ chơi nhạc cho đến phút cuối cùng.

Và như để mọi người đừng lo buồn khi mình phải ra đi, Willie Nelson đã viết một bài giã từ cõi đời mang tên “Roll Me Up and Smoke Me When I Die”. Bài nhạc nói về văn hoá cần sa (cannabis culture) và được phát hành cùng ngày bức tượng Willie Nelson ra mắt công chúng tại Austin (4/20/2012). Tất nhiên picnic của Willie Nelson đi chỗ nào cũng nghe thơm mùi cần sa, và ai cũng xem đó là chuyện bình thường. Ngoài việc sáng tác nhạc Willie Nelson còn là tác giả một số đầu sách về Ðạo Lý (như “The Tao of Willie Nelson”) cho nên lời bài nhạc này cũng có phần nào âm hưởng triết lý Ðông Phương. Ðể kết thúc bài viết này, xin chép ra đây một đoạn ngắn cho bà con đọc chơi:

Roll me up and smoke me when I die

And if anyone don’t like it, just look ‘em in the eye

I didn’t come here, and I ain’t leavin’

So don’t sit around and cry

Just roll me up and smoke me when I die

Khi tôi chết hãy vấn tôi thành điếu thuốc rồi hút

Nếu có ai phản đối, cứ nhìn vào mắt họ mà nói

Tôi không đến đây và cũng sẽ chẳng rời đi đâu

Nên đừng ngồi đó mà than với khóc

Khi tôi chết cứ vấn tôi thành điếu thuốc rồi hút.

-ianbui – 2016’07