Menu Close

Bầu cử vào giai đoạn cuối

Đại hội toàn quốc của hai đảng Cộng hoà và Dân chủ nối tiếp nhau diễn ra rồi kết thúc trong hai tuần lễ vừa qua với hai liên danh chính thức được đề cử đại diện cho đảng trong cuộc chạy đua vào Toà Bạch Ốc: Donald Trump/Mike Pence của đảng Cộng hoà và Hillary Clinton/Tim Kaine của đảng Dân chủ.

Ứng cử viên Hillary Clinton/Tim Kaine của đảng Dân chủ - nguồn nbcnews.com
Ứng cử viên Hillary Clinton/Tim Kaine của đảng Dân chủ – nguồn nbcnews.com

Từ đây đến ngày bầu cử 8/11 chỉ còn độ 100 ngày và có thể xem cuộc tranh cử tổng thống đang bước vào giai đoạn cuối, hứa hẹn những bản tin hàng đầu trên các nhật báo tại Mỹ mỗi ngày sẽ ít nhiều liên quan đến cuộc tranh cử này và càng đến những ngày cuối cùng thì các bản tin và các bài bình luận nói đến cuộc tranh cử sẽ càng tăng cường độ, cả về số lượng lẫn nội dung, làm cho nhiều người dân có cảm giác như bị đầy ứ. Nhưng đó là sinh hoạt chính trị của nước Mỹ trong những năm bầu cử và ai đã từng sống lâu năm ở Mỹ có lẽ đã biết được phần nào kinh nghiệm sống này, cho dù là người thờ ơ nhất với thời sự thì cũng không thể nào tránh khỏi.

Nhìn lại hai cuộc đại hội đảng có thể nói phía đảng Dân chủ tương đối đạt thành công hơn. Trong khi ban vận động của Donald Trump bị dư luận chỉ trích ngay trong ngày đầu vì bài diễn văn của bà vợ là Melania Trump bị cáo buộc đã đạo một đoạn văn trong bài diễn văn của bà Michelle Obama đọc tại đại hội đảng Dân chủ năm 2008, và Thượng nghị sĩ Ted Cruz trong bài diễn văn đọc trong ngày thứ ba của đại hội đã không chịu ủng hộ Trump cho đến khi khán giả la ó đuổi khỏi khán đài. Ðó là chưa kể một số đông chính trị gia có uy tín của đảng Cộng hoà, trong đó có Thống đốc của tiểu bang Ohio nơi tổ chức đại hội là John Kasich, đã từ chối tham dự.

Ứng cử viên Donald Trump/Mike Pence của đảng Cộng hoà  - nguồn vox.com
Ứng cử viên Donald Trump/Mike Pence của đảng Cộng hoà – nguồn vox.com

Ðại hội của đảng Dân chủ quy tụ được tất cả những nhân vật hàng đầu của đảng, từ Ðệ nhất phu nhân Michelle Obama, Phó tổng thống Joe Biden đến Tổng thống Barack Obama – là những người đã đọc những bài diễn văn soạn thảo công phu để cố gắng giới thiệu và thuyết phục cử tri về ứng cử viên Hillary Clinton của họ.

Nói đại hội của đảng Dân chủ chỉ tương đối thành công hơn là vì ngay tại thành phố Philadelphia, nơi diễn ra đại hội, đã có hàng ngàn người ủng hộ cho ứng cử viên Bernie Sanders trong thời gian sơ bộ đã kéo về biểu tình trên đường phố. Trong khi đó, bên trong hội trường, hàng trăm đại biểu, đông nhất là từ California, đã la ó phản đối và sau đó rời khỏi hội trường khi Hillary Clinton được chính thức đề cử và đọc diễn văn để kết thúc đại hội. Sự việc này xảy ra là vì hàng chục ngàn điện thư và thư thoại đã bị tin tặc, bị nghi là đến từ Nga, rò rỉ trên trang mạng WikiLeaks cho thấy nhóm lãnh đạo của đảng Dân chủ đã âm thầm ủng hộ cho Clinton thay vì giữ thái độ trung lập giữa các ứng cử viên trong thời gian sơ bộ.

Biếm họa của Ben Garrison - nguồn grrrgraphics.wordpress.com
Biếm họa của Ben Garrison – nguồn grrrgraphics.wordpress.com

Kết quả của cả hai đại hội, cho đến nay vẫn chưa ai dám nói chắc là sẽ ảnh hưởng bao nhiêu đến cuộc tranh cử trong những tháng sắp tới. Lấy một ví dụ, trong cuộc bầu cử năm 1988, bước vào đại hội, ứng cử viên George H.W. Bush đi sau ứng cử viên Michael Dukakis trong các cuộc thăm dò mặc dù hoàn cảnh lúc ấy có vẻ thuận lợi hơn cho Bush: Tổng thống đương nhiệm Ronald Reagan của đảng Cộng hoà sắp mãn nhiệm và được sự ủng hộ tương đối cao, và kinh tế nước Mỹ được cho là khá vững. Sau đại hội, trong các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ nghiêng hẳn về phía Bush và tỉ lệ ủng hộ không bao giờ tụt xuống cho tới ngày bầu cử.

Dựa vào mô hình trên, cuộc bầu cử năm nay có phần rắc rối hơn và có thể kết quả của đại hội sẽ không tạo được sức bật đáng kể trong tỉ lệ ủng hộ đối với hai ứng viên được đề cử, điều này cho thấy cuộc bầu năm nay rất gay cấn. Lý do là vì tình hình kinh tế của Hoa Kỳ và tỉ lệ ủng hộ của Tổng thống Obama hiện chỉ ở mức trung bình. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào những mô hình thông thường trong các cuộc bầu cử trước để tiên đoán có thể sẽ sai lệch nhiều nếu không tính đến hiệu ứng của một ứng cử viên như Donald Trump, không giống bất kỳ một ứng cử viên tổng thống nào từ trước tới nay.

Ta có thể nhìn vào những cuộc thăm dò trong thời gian vừa qua, mặc dù các tin tức liên quan đến cuộc tranh cử luôn luôn chuyển động, và do đó kết quả của các cuộc thăm dò cũng sẽ thay đổi. Trong Tháng 5, các cuộc thăm dò cho thấy tỉ lệ ủng hộ Trump tăng cao hơn so với Clinton sau khi biết chắc sẽ được đảng Cộng hoà đề cử. Clinton bật ngược trở lại và dẫn đầu kể từ khi cuộc vận động sơ bộ của phía Dân chủ chính thức kết thúc vào Tháng 6. Các cuộc thăm dò ít tuần sau đó tương đối điều hoà, không có nhiều thay đổi, nhưng tỉ lệ ủng hộ Clinton bắt đầu giảm trở lại sau khi Giám đốc cơ quan FBI là James B. Comey mặc dù không truy tố nhưng đã khiển trách và cho rằng việc bà sử dụng hệ thống máy điện toán tại nhà riêng để trao đổi một số điện thư có liên quan đến an ninh quốc gia trong thời gian làm Ngoại trưởng là hoàn toàn sai trái. Cũng phải kể thêm một số sự kiện đau lòng và phần nào hỗn loạn xảy ra trong Tháng 7, điển hình là vụ bắn sẻ tại Dallas làm năm nhân viên cảnh sát thiệt mạng và vụ khủng bố tấn công tại Nice, Pháp, làm chết 84 thường dân, phần nào ăn khớp với chủ đề tranh cử của Donald Trump là nước Mỹ đang rơi vào hỗn loạn, vượt khỏi tầm kiểm soát.

Ông bà Clinton tại Đại Hội Đảng Dân chủ - nguồn wtop.com
Ông bà Clinton tại Đại Hội Đảng Dân chủ – nguồn wtop.com

Theo giới phân tích, cuộc bầu cử tổng thống năm nay sẽ là cuộc bầu cử khít khao nhất, khó đoán nhất và thậm chí không thiếu những thủ đoạn có thể phần nào bẩn thỉu được cả hai phe tung ra trong thời gian sắp tới.

Sau hai cuộc đại hội đảng toàn quốc đến nay vẫn chưa ai tỏ ra thắng thế một cách rõ ràng. Chúng ta còn phải chờ những cuộc thăm dò sắp tới. Nhất là nên chú ý đến cuộc thăm dò đầu tiên ngay sau ngày Lễ Lao động ở Mỹ vào đầu Tháng 9 để xem ứng cử viên nào sẽ là người dẫn đầu. Nhìn lại tất cả các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ kể từ năm 1952 đến nay, ứng cử viên nào dẫn đầu trong đợt thăm dò này sẽ là chủ nhân của Toà Bạch Ốc trong bốn năm tới.

Ngoại trừ năm 1980, ứng cử viên của cả hai đảng đồng điểm vào ngày Lễ Lao động, và cuộc bầu cử đã không ngã ngũ cho đến những ngày cuối cùng với kết quả ứng cử viên Ronald Reagan của đảng Cộng hoà đánh bại ứng cử viên Jimmy Carter của đảng Dân chủ.

Trên giấy tờ, Hillary Clinton sẽ thắng nếu bà theo đúng chiến lược tranh cử của đảng Dân chủ trong bấy lâu nay: vận động kêu gọi cử tri thuộc thành phần gốc da đen, châu Mỹ La-tinh, phụ nữ và nghiệp đoàn lao động đi bầu cho đông. Và rồi bà còn phải lấy thêm thành phần cử tri cấp tiến và giới trẻ là nhóm người ủng hộ cho đối thủ Bernie Sanders trong thời gian sơ bộ, đây là những cử tri vẫn cần phải được thuyết phục để dồn phiếu cho bà.

Donald Trump sẽ thắng nếu ông có thể tiếp tục duy trì cuộc tranh cử tập trung vào đề tài chống các chính trị gia thực thụ và có địa vị (establishment), là đề tài đã giúp đưa ông từ một người ngoại cuộc ít có khả năng thành công để trở thành ứng cử viên được đảng đề cử, kịch bản này phần nào đã làm tăng tỉ lệ ủng hộ Trump đôi chút mặc dù đã có những mối bất hoà ngay trong những ngày đại hội của đảng Cộng hoà.

Tình hình của cuộc bầu cử tổng thống năm nay có thể nói là rất khác so với những lần trước ở chỗ có rất nhiều cử tri tỏ ra bi quan với đường hướng tương lai của nước Mỹ cũng như chán ngán đối với các chính trị gia chuyên nghiệp. Ðó là lý do vì sao Trump đã thắng vòng sơ bộ của đảng Cộng hoà và rất nhiều cử tri ủng hộ cho Bernie Sanders của đảng Dân chủ đến nay vẫn chưa chịu khuất phục.

Ứng cử viên Donald Trump và những người ủng hộ  - nguồn www.splcenter.org
Ứng cử viên Donald Trump và những người ủng hộ – nguồn www.splcenter.org

Thế nên, thời gian tranh cử sắp tới có lẽ sẽ quy về điểm then chốt này là cuộc tranh luận diễn ra vào ngày 26 Tháng 9 giữa hai ứng cử viên Trump và Clinton tại Ðại học Hofstra ở Hempstead, New York. Kế tiếp sẽ là hai cuộc tranh luận nữa vào ngày 9 Tháng 10 và 19 Tháng 10. Kết quả của ba cuộc tranh luận này có thể sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử.

Donald Trump và Hillary Clinton là hai nhân vật đã được hầu hết cử tri Mỹ biết đến và cũng là hai nhân vật mà trong những cuộc thăm dò cho thấy ít được ưa thích, nay bỗng dưng trở thành những nhân vật được ưa thích trong ba tháng tới đây là điều khó có thể xảy ra. Những cuộc tranh luận sắp tới đây là cơ hội để cả hai làm nhẹ đi phần nào hình ảnh không được ưa thích đó. Bên cạnh đó, những đoạn quảng cáo trên truyền hình trong thời gian tới, nhất là ở những tiểu bang trung dung như Ohio và Florida, cử tri sẽ phải chịu đựng rất nhiều những điều tiêu cực mà cả hai ứng cử viên ném vào nhau.

VH