Những ngày hè, lượng du khách ồ ạt đổ dồn về thành phố biển Nha Trang khiến cho đô thị nhỏ bé bỗng trở nên quá tải. Từ những quán ăn ven đường cho đến những nhà hàng sang trọng đều chật ních người. Du khách đủ mọi thành phần, từ người nói giọng miền Nam, đến nói giọng miền Bắc. Từ người nói tiếng Anh, đến cả người nói tiếng Nga. Nhưng, ồn ào và huyên náo nhất vẫn là những âm thanh xì xào của tiếng Trung Quốc.

Trong vai một du khách đi tìm chỗ để lưu trú, ngồi trên chiếc xe máy được mướn từ dịch vụ cho thuê, chúng tôi chạy đến từng khách sạn trên những con đường quen thuộc tại thành phố biển. Ðường Trần Phú-con đường nằm ven bờ biển, nơi được biết đến với rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ nay đã không còn phòng nào để cho thuê. Cái mà chúng tôi nhận được là cái lắc đầu:
– Không còn phòng, anh ơi!
Du khách đổ dồn về Nha Trang có thể dễ dàng nhìn thấy thông qua lượng xe cộ lưu thông trên đường. Trên con đường Trần Phú, từng chiếc xe du lịch lớn nhỏ nhích từng chút, chật ken kín cả con đường. Du khách phải len lỏi qua hàng rào xe cộ mới có thể tiến ra được biển.
Một ông chủ khách sạn trên đường Hoàng Hoa Thám nói với tôi:
– Bây giờ mà mướn phòng tụi em phải lên trên Thành (Diên Khánh-người viết) hoặc ra ngoại ô thì họa may mới có. Chứ ở trong thành phố không còn phòng nữa đâu.
Quả là như vậy. Ngay cả khi chúng tôi đi sang tận con đường Phạm văn Ðồng, phía bên kia cầu Trần Phú, cách xa trung tâm khoảng 4-5km nhưng vẫn không còn phòng để cho thuê.

Vào thời điểm này là mùa du lịch biển, nhưng sau thảm họa cá chết hàng loạt các bãi biển ở vùng duyên hải miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đều không có khách. Resort, khu du lịch ế ẩm. Du khách tìm đến những bãi biển ở phía Nam và Nha Trang là nơi đón nhận lượng du khách khổng lồ.
Tại quán phở Hồng, tiếng nói trọ trẹ từ bàn kế bên khiến tôi chú ý. Sau một hồi lân la hỏi chuyện chúng tôi mới được biết, cả gia đình là người ở Hà Tĩnh. Từ sau thảm họa cá chết họ không dám cho con cháu ra biển để tắm. Nhưng lại đang mùa hè, bọn trẻ trong nhà cần phải đi chơi nên cả gia đình quyết định chọn Nha Trang.
Chẳng phải chỉ riêng Nha Trang mà những thành phố ven biển, như: Ðà Nẵng, Quy Nhơn đều đón một lượng khách đông hơn mọi năm. Niềm vui sướng của người này có khi được nhận từ bất hạnh của người khác. Thảm họa cá chết ở miền Trung đã khiến cho du khách không đến đây, thay vào đó là vào những tỉnh ở Nam Trung Bộ. Người miền Trung vốn đã nghèo, nay thêm thảm họa Formosa làm cho đời sống của họ lại càng nghèo hơn.

Nhưng du khách nào chỉ đến từ trong nước, còn có cả nước ngoài, mà nhiều nhất ở đây là người Trung Quốc. Ði đâu cũng thấy người Trung Quốc. Ở bất cứ nơi nào cũng bị nghe âm thanh xì xồ xì xào, ồn ào của người Trung Quốc.
Một cô gái bán hàng lưu niệm ở Hòn Chồng kể với chúng tôi:
– Cứ tưởng người miền Bắc đã là ồn ào rồi, nhưng khách Trung Quốc còn ồn hơn. Mới nãy thôi, một nhóm khách miền Bắc còn huyên náo, nói năng bỗ bã nhưng khi đoàn Trung Quốc tới họ liền “tắt đài” ngay, không thể ồn qua người Trung Quốc được.
Lượng du khách Trung Quốc trong năm nay tăng đột biến, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Nếu trong vài năm trở lại đây, du khách Nga chiếm chủ yếu ở Nha Trang, thì nay phải nhường phần hàng đầu cho khách Trung Quốc. Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm, lượng du khách ngoại quốc đến Nha Trang là 446,200 người thì hết 40% là người Trung Quốc.
Những tưởng lượng khách Trung Quốc đến sẽ mang lại niềm vui cho người dân lẫn chính quyền. Nhưng không, khách Trung Quốc đến chỉ mang theo những rắc rối.

Du khách Trung Quốc khi sang Nha Trang họ đi theo những đoàn tour đã được bao trọn gói. Họ ở tại những cơ sở lưu trú do chính người Trung Quốc làm chủ nhưng mướn người Việt quản lý để qua mắt chính quyền. Họ mua hàng tại những cửa hàng cũng do chính người Trung Quốc làm chủ. Từ hướng dẫn viên cho đến điều hành đoàn tour đều là người Trung Quốc. Ngay cả hướng dẫn viên người Việt nói tiếng Trung ở Nha Trang cũng phải thất nghiệp.
Từ phía chính quyền Khánh Hòa cho biết, lượng du khách ồ ạt nhưng đi theo những gói tour khép kín làm cho họ bị thất thu hàng chục triệu Mỹ kim. Từ đó, chính quyền mới ra tay siết chặt công tác quản lý du lịch.
Hóa ra, người bảo kê cho những hoạt động trái phép, đưa người Trung Quốc sang lao động “chui” ở Nha Trang không ai khác chính người nhà ông Trương Ðăng Tuyến- nguyên Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa. Mượn danh chồng, bà vợ ông Tuyến cho mở công ty lữ hành chuyên đón khách Trung Quốc có tên Silent Bay. Bà này còn bảo kê cho đối tác Trung Quốc có thể đưa người sang Việt Nam lao động mà không cần phải thông qua chính quyền. Bù lại, mỗi năm đối tác phải trả cho Silent Bay số tiền lên đến 500,000 Mỹ kim. Vụ việc chỉ bị bại lộ khi phía đối tác gửi đơn đến Bộ Công an CSVN và chính quyền tỉnh Khánh Hòa. Silent Bay bị rút giấy phép kinh doanh lữ hành nhưng gia đình ông Tuyến vẫn bình an vô sự, chẳng ai bị xử lý hình sự.
Gần như là quy luật, người Trung Quốc đi đến đâu, khách phương Tây tránh đến đó. Nếu trước đây, khi khách Nga sang Nha Trang, lượng khách phương Tây như: Anh, Pháp, Ðức được coi là khách cao cấp đã giảm sút. Thì nay, cộng với khách Trung Quốc, lượng du khách cao cấp đã tẩy chay Nha Trang. Các công ty chuyên đón khách cao cấp hoặc đóng cửa, hoặc phải chuyển sang đón khách Nga hay đón khách Trung Quốc nếu muốn duy trì hoạt động.
Vì khách cao cấp đã tẩy chay Nha Trang, một loạt khách sạn không thể bán phòng với cái giá như trước đây. Họ bán phòng cho các công ty lữ hành chuyên đón khách Trung Quốc. Nhưng cái giá cũng không được như trước, mà phải giảm xuống từ 20-40%. Thông thường, với khách sạn 4 sao sẽ có giá từ 1.2 cho đến 1.5 triệu nhưng khi bán cho khách Trung Quốc giá chỉ còn từ 700,000 cho đến 900,000. Tuy vậy, với lượng khách đông đúc, khách sạn luôn bảo đảm công suất lúc nào cũng kín phòng.

Trên đường phố Nha Trang đầy ắp khách Trung Quốc. Ngay cả trên biển hiệu, nếu trước đây tiếng Nga song hành với tiếng Anh. Kể từ khi khách Trung Quốc đến lại có thêm tiếng Trung.
Chị Trang, một người làm tiếp tân tại resort Vinpearl Land cho biết:
– Ngày trước khách Nga còn có vài người biết nói tiếng Anh. Nay khách Trung Quốc đến tụi em khổ sở lắm. Vì chẳng ai trong số họ biết nói tiếng Anh hết. Ngôn ngữ bất đồng nên nhiều khi gặp rắc rối.
Có lần, vì có trục trặc giữa phía điều hành tour và tiếp tân nên một du khách Trung Quốc đã không có tên để nhận phòng. Vị du khách này chẳng chịu chờ để được giải quyết mà lại nổi máu du côn. Ông xắn tay ôm bàn máy điện toán đập bể, rồi còn kêu gào, phá phách. Mọi việc chỉ được vãn hồi khi bảo vệ resort dùng vũ lực để áp chế.
Một bà chủ khách sạn nói với chúng tôi, khách Trung Quốc sang Việt Nam chỉ có mấy nhà hàng, quán ăn là trúng mánh. Quán nào cũng đông người, quán nào cũng chỉ toàn khách Trung Quốc. Mở nhà hàng là trúng đậm.
TT