Chừng 11,400 lực sĩ sẽ tranh hùng Olympic Rio 2016. Nước chủ nhà Brazil có phái đoàn lực sĩ đông đảo nhất xưa nay với 462 người. Danh sách Hoa Kỳ vẫn hùng hậu nhất với 554 lực sĩ. Kế đến là Ðức với 422 lực sĩ, Úc 398, Trung Cộng 394, Pháp 392, Anh 362, Nhật 323, Nga 305, Tây Ban Nha 298, Ý 290, Ba Lan 238, Hòa Lan 237, New Zealand 199… Saudi Arabia (dân số 29 triệu) tăng gấp đôi số nữ lực sĩ dự Olympic từ 2 lên 4, sau khi gởi 2 nữ lực sĩ đầu tiên dự TVH London 2012 – lần này Saudi gởi tổng cộng 9 lực sĩ. Một nước độc đáo khác là Bhutan, 1 trong 9 nước có 2 lực sĩ đại diện, mà cả 2 đều là nữ. Tổng cộng có 20 quốc gia sẽ gởi chỉ 3 lực sĩ trở xuống, trong đó Tuvalu hải đảo tí hon ở Nam Thái Bình Dương có vỏn vẹn một lực sĩ dự Olympic.

Giới nữ lực sĩ bén duyên Olympic
Khoảng 45% giới lực sĩ tranh hùng TVH Rio 2016 là nữ giới – con số cao nhất tính đến nay. Hoa Kỳ góp 292 nữ lực sĩ, đánh dấu con số nữ lực sĩ đại diện một quốc gia dự tranh Olympic nhiều nhất trong lịch sử. Ngoài các cô gái Hoa Kỳ và tay đua nữ Sarah Attar của Saudi Arabia, còn không ít nữ lực sĩ khác hứa hẹn sẽ thu hút nhiều chú ý. Cô Shelly-Ann Fraser-Pryce, tay đua nước rút người Jamaica vẫn tham vọng bá chủ đường chạy tốc độ 100m, tiếp tục hướng tới chiếc huy chương vàng Olympic thứ 3 liên tiếp. Phái đoàn Uzbekistan có lực sĩ thể dục nghệ thuật là cô Oksana Chusovitina năm nay đã 41 xuân, tuổi cao nhất làng Artistic Gymnastic trong lịch sử TVH. Ðể dễ so sánh, thủ quân Hoa Kỳ là Aly Raisman bị đồng đội gọi đùa là “grandma” nhưng chỉ mới 22 tuổi.
Giấc mơ vàng Olympic
Trong hơn 200 quốc gia tranh hùng Olympic lần này, có hằng chục nước chưa từng đoạt huy chương vàng (HCV) bao gồm Việt Nam. Thời Việt Nam Cộng Hòa lần đầu dự TVH Helsinki 1952 với 8 lực sĩ, và tiếp tục góp mặt tới Olympic 1972 giữa cảnh quê hương ngợp trời khói lửa, và không đoạt huy chương nào. Xứ VN cộng sản đến tận TVH Moscow 1980 mới ra mắt và hiện diện đến nay chỉ trừ TVH Los Angeles theo phe cộng sản tẩy chay Olympic. Người Việt đầu tiên bước lên bục chiến thắng là nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân với huy chương bạc Taekwondo tại TVH Sydney 2000. Láng giềng Philippines từng dự 20 kỳ Summer Olympic và 4 kỳ Winter Olympic vẫn chưa lấy được HCV. Có 2 nước Ðông Nam Á từng lập kỳ công là Thái Lan với 7 HVC và Indonesia có 6 HCV. Các lân bang khác của VN đều chưa hề giật HCV gồm Lào, Cam Bốt, Singapore, Malaysia, Bangladesh…
Các trận đấu thân hữu cuối cùng
Môn đá banh của chủ nhà Brazil đang chịu vô vàn áp lực sau các cú thảm bại tại World Cup 2014 và Copa America 2016. Trong trận banh biểu diễn cuối cùng trước thềm Olympic, đội banh nam quốc gia Brazil hạ nữ Nhật 2-0, trong khi nữ Brazil hạ nữ Úc 3-1. Trong môn banh chuyền volleyball, đội nam Brazil cũng đánh hạ nam Iran 3-1 (25-23, 23-25, 27-25, và 27-25).

Các kết quả banh rổ thân hữu:
– Nữ Hoa Kỳ hạ nữ Úc 104-89
– Nữ Hoa Kỳ hạ nữ Canada 83-43
– Nữ Hoa Kỳ hạ nữ Venezuela 80-45
– Nữ Hoa Kỳ hạ nữ Pháp 84-62
– Nam Hoa Kỳ hạ nam Argentina 111-74
– Nam Hoa Kỳ hạ nam China 106-57
Rio de Janeiro giờ thứ 25
Cuối cùng thì Ủy Ban Olympic Quốc Tế International Olympic Committee (IOC) đã chấp thuận cho phái đoàn lực sĩ Nga cũng được dự tranh Olympic, nhưng trên 100 người sẽ bị cấm chỉ bao gồm toàn thể đội điền kinh. Tin giờ chót từ Làng Thế Vận Hội, phái đoàn Úc Châu than phiền bị mất máy tính laptop và vài bộ đồng phục. Trước đó họ phải di tản vì Khu chung cư dính hỏa hoạn nhỏ. Cũng đã thấy vài phái đoàn ta thán dữ dội tình trạng mất vệ sinh ở Olympic Village. Còn về an ninh, Bộ Ngoại Giao Trung cộng thậm chí phải ra tuyên cáo báo chí sau nhiều vụ cướp bóc lực sĩ, quan chức, ký giả… người Tàu ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Bắc Kinh cảnh cáo công dân China tránh những khu vực thiếu an toàn, không đeo đồng hồ đắt tiền và mang bóp hay túi xách, hoặc nói chuyện điện thoại khi ra đường. Trong tuần lễ này, dự trù có nhiều vụ biểu tình chống TVH khắp thành phố Rio de Janeiro, chắc lên đến đỉnh điểm giữa Lễ Khai Mạc ngày Thứ Sáu 5/8. Nhưng dù bất cập thế nào, dù sẵn sàng hay không, Rio sẽ đón Olympic đầu tiên trên đất Nam Mỹ Châu La Tinh.