Cái tin chị Ngần đi lấy chồng làm cho hai hàng phố xôn xao. Người ta khen nhà chị tốt phước. Lại chẳng tốt phước là gì khi gái ngoài 30 vẫn lấy được chồng việt kiều trẻ. Cho dù chị Ngần có nhan sắc và học thức thì người như chị thời buổi này thiếu gì. Mà chồng chị, cái anh việt kiều ấy lại trẻ trung lịch lãm mới càng đáng để ghen tức hơn nữa chứ. Người tử tế thì bảo nhà chị có phúc. Còn kẻ lắm điều ghen ăn tức ở thì lại xì xầm “biết đâu đấy, thật giả, giả thật. Chẳng biết lừa được người hay bị người lừa”. Dù sao thì tất cả những người được mời đều đến dự đám cưới chị mà không thiếu một ai. Người không được mời thì cũng tràn ra ngõ mà xem mặt cô dâu chú rể. Ðúng là chồng chị Ngần trẻ trung, hào hoa thật. “Xem ra còn trẻ hơn cả cô dâu ấy chứ”, các bà bô bô bình phẩm khi cặp đôi vừa bước ra. “Ông bà Tâm đúng là có số sướng. Phen này ông bà cứ tha hồ mà hưởng giàu sang phú quý. Cần đếch gì làm nữa. Có con đi Mỹ rồi. Cứ ở nhà ngồi không mà nhận tiền”.
Sau đám cưới 2 tuần, chị Ngần theo chồng qua Mỹ. Trước khi chị đi, mấy bà vẫn thường nói xấu sau lưng sang nhà chị cười giả lả “Chúc mừng cô Ngần nhé. Gớm cô đúng là tốt phước”. Rồi chẳng cần vòng vo tam quốc, bà nói luôn “Này, con bé Thảo nhà tôi năm nay vừa học xong cấp 3 đấy. Con bé nết na xinh xắn lắm. Cô Ngần vẫn gặp nó đi học qua phải không? Nó cũng muốn đi Mỹ như cô. Qua bên ấy, có thấy ai muốn lấy vợ thì nhớ giới thiệu cho nó nhé. Chẳng cần trẻ trung, học thức như cậu “Ðê vít” nhà cô đâu. Già trẻ, đen trắng gì cũng được hết. Con Thảo nhà tôi đang đi học tiếng Anh rồi. Miễn người Mỹ là được”. Chị Ngần đi cùng với lời nhắn làm mai mối cho hết Thảo, Thắm, Cúc, Lan… cả khu phố nhà chị.
Ấy là người ngoài trông vào cuộc hôn nhân của chị Ngần mà nói thế, còn chị thì sao?
Chị Ngần là con gái duy nhất của ông bà Tâm. Tính chị hiền lành ít nói. Hàng xóm chẳng bao giờ thấy chị tham gia vào mấy vụ buôn bán chuyện đầu hè cùng nhóm các bà các cô. Gặp ai quen ngoài ngõ chị cũng chỉ chào một câu rồi đi. “Gớm chết, đúng là con bé khinh người” các bà tám trong xóm vẫn bĩu môi khi thấy chị đi qua. “Tôi nghĩ con này chẳng mấy chốc mà phải xây miếu các bà ạ. Gái già, dù có nhan sắc mà suốt ngày cứ ru rú thế có ma nó thèm rước”.

Kể từ khi ngoài 25 tuổi chị Ngần đã bị gọi là gái già. Nghĩ cũng tội, đến thời này rồi mà con gái cứ ngoài 25 tuổi mà không thấy có người đưa đón, không thấy yêu đương gì thì được xếp luôn vào hạng ế. Ðến năm 30 tuổi thì gia đình chị Ngần xem chừng đã sốt ruột. Phen này không chừng chị ở giá đến già mất. Mẹ chị thương con chẳng dám giục chị đi lấy chồng nhưng đôi lúc cũng ngậm ngùi khuyên “Thôi con à, gái lớn thì phải lấy chồng. Ai lại cô quả cô độc cả đời. Bây giờ còn xuân sắc thì gắng mà kiếm lấy một người kẻo rồi như các cụ nói “Trẻ thì kén cá chọn canh. Già thì ếch đực cua kềnh cũng vơ. Trẻ thì mơ những giai tơ. Già thì ông lão cũng vơ làm chồng”. Ai giục, ai nói gì chị Ngần cũng ậm ừ rồi để đấy hết. Chị vốn lành lành, ít nói nhưng lại là người suy nghĩ sâu xa. Lấy chồng chứ có phải lấy mớ rau mớ cỏ đâu mà dễ dãi được. Chẳng hiểu sao cái tư tưởng cổ hủ ấy đến thời này rồi vẫn còn tồn tại cơ chứ. Chưa yêu thì chưa lấy thôi, có gì mà cứ phải cuống cả lên. Vậy rồi cũng đến lúc chị Ngần dù không phải “cuống cả lên” như chị từng nói nhưng cũng bắt đầu thấy nóng ruột. Bạn bè đều đã chồng con, vợ con hết cả rồi. Ðứa nào cũng con bồng con bế. Ngày Tết đến thăm nhà chị mấy đứa con của bạn chị bi bô “Con chúc cô Ngần năm nay đi lấy chồng”. Làm việc trong môi trường văn phòng, nhưng mấy anh trong công ty chị cũng chẳng còn là “độc thân vui tính nữa”. Thế này thì cái nguy cơ xây miếu cho bà tổ cô của ngõ đang lù lù trước mắt giống như lời mấy bà tám từng phán.
Giữa lúc ấy thì chị gặp David. Anh vốn là người họ hàng của Quyên, đồng nghiệp làm cùng chị. Không phải là cô đồng nghiệp có ý muốn mối lái David cho chị Ngần mà chỉ vì tình cờ gặp mặt. Bữa ấy David đến tìm mà Quyên lại không có ở công ty. Theo phép lịch sự, chị nói anh ngồi chờ một lát vì Quyên cũng sắp về. Rồi chuyện qua, chuyện lại, sau đó thì David tìm đến tận nhà chị . Chị không hẳn là yêu David nhưng nói chuyện với anh thì xem ra rất hợp. Qua những lần trò chuyện, chị được biết anh là kỹ sư, hiện đang làm việc cho một hãng lớn ở bên Mỹ thu nhập tới cả trăm ngàn đô một năm. Mấy đứa bạn thân biết chuyện bảo chị “đúng là tầm ngầm mà đấm chết voi”. Rồi David ngỏ lời xin cưới chị Ngần. Thì cưới, chị Ngần nhận lời. Chị cũng cứng tuổi rồi vậy mà lại lấy được việt kiều, chẳng phải danh giá lắm sao. Thế là chị Ngần đi Mỹ.
Sang đến Mỹ, chị Ngần nhận ra những điều vẫn thấy trên phim ảnh và thực tế có phần khác biệt. Nước Mỹ hào hoa với những tòa nhà chọc trời, những công dân vui vẻ đi làm trong bộ vest lịch thiệp, khác hẳn với căn apartment nơi vợ chồng chị sống- một khu chung cư cũ nát. Cứ tầm ba rưỡi chiều, lũ trẻ con hàng xóm đi học về thì khu chung cư lại ồn ào như chợ. Chúng đùa nghịch như quỷ sứ. Trò chơi yêu thích nhất của chúng là ném đất cát vào cửa sổ nhà hàng xóm. Mỗi lần làm thế, chúng rộ lên cười rồi ba chân bốn cẳng chạy biến. David chồng chị thì khác với vẻ chải chuốt thường thấy lúc ở Việt Nam. Trang phục thường ngày của anh là những chiếc quần jean và áo pull bạc phếch. Sáng sáng chị Ngần tiễn chồng đi làm. Khi cánh cửa căn apartment đóng lại là lúc chị dành thời gian bên máy tính. Hết lướt web lại chat chit với bạn bè cho qua ngày. Vì chị mới qua nên cũng chưa biết tìm việc ở đâu. Còn chồng chị thì cứ bảo để từ từ rồi anh tính. Có người chỉ cứ ra mấy tiệm nail, nhà hàng, chợ Việt Nam mà hỏi.
Ðến tuần thứ 2, chồng chị về nhà hớn hở khoe “Anh tìm được việc cho em rồi. Thứ 2 đi làm nhé”. May quá có việc làm rồi. Ở nhà suốt ngày cắm mặt vào máy tính mãi cũng chán. “Công việc thế nào hả anh? Em sẽ làm gì?”. “Thứ 2 đến rồi biết”, chồng chị trả lời gọn lỏn.
Sáng thứ 2, chị hồi hộp lục đục dậy từ sớm. Cơm nước đóng hộp sẵn sàng. Khi chị sắp xỏ chân vào đôi giày cao gót thì chồng chị trợn mắt quát lên “Em bị thần kinh đấy à. Ai lại mang giầy cao gót đi làm chứ? Lấy đôi giầy tennis mà mang”. Chị Ngần muốn hỏi chồng sao đi làm lại không được mang giầy cao gót. Nhưng chưa kịp hỏi thì David đã giục tiếp “Nhanh lên, sắp muộn giờ rồi. Chở em đến đó anh còn phải đến hãng anh làm nữa”.
Ðó là một nhà hàng Việt. David chở chị đến nơi, anh nhìn đồng hồ bảo “Vẫn còn sớm nửa tiếng. Nhưng anh phải đi không muộn. Em ra gốc cây đằng kia đợi. Giờ này chưa mở cửa đâu”. Chị lủi thủi đứng dưới gốc cây chờ trong lòng ngổn ngang cảm xúc. Chị bỡ ngỡ vì kể từ ngày sang Mỹ, đây là lần đầu tiên chị ở ngoài đường một mình mà không có chồng ở bên cạnh. Chị vốn ít nói, ngay cả khi còn ở Việt Nam cũng chẳng có mấy bạn bè. Sang đây lại không một người thân thích. Chị cứ đứng chơ vơ một mình ở nơi hoàn toàn xa lạ mà lòng thì không khỏi hồi hộp về công việc sắp làm. May cho chị, trong lúc đang lơ ngơ đứng thì một anh tới. Anh ta trông mập mạp, nước da trắng nhạt cớm nắng. Khi chuẩn bị mở cửa vào bên trong anh ta nhìn thấy chị. “Người Việt hả?” anh hỏi. “Vâng”, chị khẽ đáp. “Ðến làm ở đây hả?”. Chị lại vâng khẽ khàng. “Vào trong này đi, đứng ngoài đấy làm gì cho mỏi chân”. Chị theo anh ta vào trong. Khác với vẻ ngoài cũ kỹ xuềnh xoàng với những tấm kính tối màu, bên trong nhà hàng khá rộng rãi. Mà thực ra đây không phải là nhà hàng, nó là một quán bar. Có vài chiếc máy xếp gần nhau, ở mỗi máy có đặt một chiếc ghế nhỏ. Ðối với chị, chúng giống như những chiếc máy chơi điện tử. Phía cuối là một quầy bar với ly cốc và những chai rượu được bày cao ngút. “Anh tên Phong. Em tên gì?”. “Em tên Ngần” “Sao biết chỗ này mà đến xin việc?” “Chồng em chở đến đây. Chồng em là David” “À, David nghiện phải không?” Nghe câu hỏi chị thấy giật mình. Dường như thấy vẻ thảng thốt trên gương mặt chị, anh Phong nhanh nhảu “À, tại nó ốm nhách nên mọi người gọi nó là nghiện ấy mà. Thôi đến giờ rồi, em có đồ cá nhân gì thì mang vào trong dãy tủ kia, tìm ngăn trống mà cất vào rồi ra đây anh chỉ việc cho”. Chị làm theo lời Phong nói. “Ðơn giản lắm, việc của em chỉ có lau dọn bên trong khu này, cả toilet nữa. Khi nào đông khách thì em phụ chị Diễm. Hai giờ nữa chị ấy mới tới. Khi nào chị tới anh sẽ nói chị train em. Còn bây giờ, em đi làm việc đi.”.
Cầm chổi cọ toilet mà chị Ngần thấy chua xót trong lòng. Chẳng gì ở Việt Nam chị cũng học đến cử nhân. Ra trường xin việc cũng làm đến chức phó phòng của một công ty xuất khẩu may mặc ngót nghét ngàn công nhân. Vậy mà giờ đây, trên đất Mỹ phồn hoa này, chị đang cầm chổi cọ bệ toilet cho một quán bar. Bỗng dưng chị muốn ứa nước mắt. Rồi chị nhớ đến câu chuyện tình cờ nghe được giữa hai người trong một lần đi chợ. Một chị tay thoăn thoắt xếp khay thịt lên giá, miệng nói chuyện với một anh đang cân thịt bên cạnh “Em trước ở Việt Nam cũng là trưởng phòng, cũng có quyền sinh quyền sát đấy, thế mà bây giờ đi làm hàng thịt” “Trưởng phòng đã là cái thá gì. Có nhìn thấy ông đang làm cá bên kia không? Ông ấy cũng từng là giám đốc đấy bà. Sang đến đây rồi thì cái gì mà không phải làm. Cả đống tiền bill nó thúc cho thì không co giò lên mà cày mới lạ. Nhắc gì cái chuyện xa xưa. Ấy vậy mà thử ra hỏi xem cái ông làm cá ấy có muốn về Việt Nam làm giám đốc lại nữa hay không thì biết. Ông ấy làm ở đây cũng ngót chục năm rồi”. Lúc ấy cô cứ tưởng mọi người nói chuyện cho vui.
Có tiếng ồn ào bên ngoài. Có khách. Chị Ngần cũng đã dọn xong toilet. Chị bước ra ngoài. Tiếng ai nghe quen quen, hình như là…không, đó là chồng chị, David. Sao chồng chị lại ở đây? Anh nói là phải đến hãng làm cơ mà. Ruột gan chị bỗng thắt lại, một cảm giác lo sợ dù rất mơ hồ nhưng cũng đủ khiến chị toàn thân run rẩy. “Anh David”, giọng chị run run gọi. “Ờ” David lơ đãng trả lời mắt vẫn không rời màn hình chiếc máy chỗ anh đang ngồi. “Sao anh lại ở đây. Anh không đi làm à?” chị Ngần lại gần dồn dập hỏi. “Thì nó đang làm đấy cưng”-tiếng anh chàng ngồi ở chiếc máy bên cạnh trả lời. Tiếp đó là một tràng cười rộ lên.
Không hiểu vì những tiếng cười lớn quá, vì mùi khói thuốc đang phả ra quá nồng nặc hay vì đang ở trong phòng kín mà chị thấy ngột ngạt khó thở tới mức muốn ngã quỵ.
MM