
Thành phố biển Đà Nẵng với diện tích 1,256.54 km2, dân số ước tính gần 1.1 triệu người, bờ biển dài 92 km kéo từ phía Nam đèo Hải Vân vào đến giáp giới Điện Bàn, Quảng Nam. Đà Nẵng cũng là một thành phố nổi (tai) tiếng với một cựu chủ tịch, cựu bí thư Nguyễn Bá Thanh sống, làm việc rất cá tính và chết cũng rất cá biệt. Đà Nẵng cũng là một trong các thành phố có cộng đồng người Hoa đến ở rất sớm, từ thời nhà Nguyễn và mãi cho đến bây giờ, thành phố này vẫn là đích ngắm của người Trung Quốc. Còn một cái riêng biệt nữa là khác với mọi thành phố, cư dân thành phố Đà Nẵng luôn sẵn sàng nói “không” với người Trung Quốc mặc dù nhà cầm quyền thành phố luôn kêu gọi người dân chấp nhận loại khách du lịch này.
Nhìn đâu cũng thấy người Trung Quốc
Thì hiện tại, chuyện người Trung Quốc đến Ðà Nẵng không phải là mới, trước đây ba năm họ đã sang thành phố này mua đất, xây dựng, mở Casino… Nhưng, số lượng chỉ mới bắt đầu tăng mạnh từ Tết âm lịch đến nay. Như lời của ông Lợi, hiện đang sống tại quận Hải Châu: “Hôm Tết, ít thấy người Ðà Nẵng ra đường, chủ yếu là đóng kín cửa từ Mồng Một đến Mồng Ba, chỉ thấy người ở quê ra và người Trung Quốc thôi!”.
“Vì sao phải đóng cửa ba ngày Tết vậy bác?” – Tôi hỏi.
“Vì quan niệm của dân làm ăn là ba ngày Tết phải đón thanh khí, vượng khí vào nhà để cả năm vui vẻ. Mà thành phố Ðà Nẵng này thì hầu hết mọi con đường đều là cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, quán xá… Phía sau thì gia đình sinh hoạt, phía trước là nơi kinh doanh. Ðầu năm, nếu mình mở cửa thì nơi kinh doanh thành nơi đón khách, năm nay ai cũng đóng cửa”.

“Những năm trước, Tết mình có đóng cửa không vậy bác?”.
“Không, trước đây mình không đóng cửa ba ngày Tết, để đón bà con trong quê ra. Bây giờ mọi người có điện thoại rồi nên khi nào họ ra thăm thì gọi điện mình mở cửa đón họ vào. Còn bấm chuông thì phải ra nhìn trước thử là ai mới mở cửa. Vì khách Trung Quốc đi nhiều quá, nhiều khi họ bấm chuông bậy bạ, mình mở cửa thì hẻo cả năm. Thực ra đóng cửa là vì sợ khách Trung Quốc họ kéo vào, mình kinh doanh cửa hàng thì họ có quyền ghé đến thăm, mua. Mình không được phép đuổi họ. Ðầu năm mà họ vào xí lô xí là, mang toàn hắc khí vào thì cả năm đen đủi nên đóng cửa hết!”.

“Mình đóng cửa là do không muốn khách Trung Quốc bước vào đầu năm hả bác?”.
“Chính xác, cả thành phố này đều ngán ngẩm khách Trung Quốc. Không ai muốn đầu năm gặp phải những kẻ ồn ào, bủn xỉn và mất lịch sự cả. Ðương nhiên họ vẫn có người tốt, lịch sự và hào phóng. Nhưng cả chục người, thậm chí vài chục mới có một người như vậy. Thử hỏi làm sao mình dám mở cửa để chọn hên xui may rủi được. Chính vì vậy mà đóng cửa. Tết họ qua đây nhiều lắm, ở đầy các khách sạn và lên Ngũ Hành Sơn thì chỉ gặp toàn khách Trung Quốc thôi!”.
“Vụ họ mua đất ở sân bay quân sự giờ sao rồi bác?”.
“Vụ này anh nên hỏi anh Tiến, cháu của tôi, nó làm bên ngành địa chính nên nắm rõ lắm”.

Nguy cơ F1
Chúng tôi xin số điện thoại anh Tiến và hẹn gặp ở quán cà phê. Sau một lúc trò chuyện, tạm gọi là “ăn cạ” thì anh Tiến bộc bạch: “Vụ này phải nói thật là quá nhạy, cái mà báo chí phanh phui chỉ là một phần nhỏ lộ thiên của cái mỏ thôi!”.
“Anh nói vậy nghĩa là vụ đất ở sân bay chỉ là một phần nhỏ?”.
“Ðúng vậy. Họ đã mua đất ở đây thời ông Nguyễn Bá Thanh còn sống kia. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao ông Thanh lại ưu tiên cho người Trung Quốc thuê đất xây dựng mọi thứ chỉ trên đường Hoàng Sa và Trường Sa, hai con đường biển đẹp nhất Ðà Nẵng. Chuyện này thật là lạ!”.
“Vụ mua đất thì sao anh?”.
“Ða số bọn họ qua đây hoặc là làm rể một người Ðà Nẵng rồi nhờ người bên phía vợ đứng tên mua đất. Mà trẻ em mang dòng máu Trung Quốc ra đời tại Ðà Nẵng cũng hơi bị nhiều rồi đấy. Bọn họ đâu có sợ bên vợ cướp cạn, vì còn con cái của họ nữa mà. Mua là mua cho thế hệ con lai Trung Quốc sau này đó! Tụi nó với đà này sẽ là thế hệ làm chủ của thành phố này chứ không giỡn chơi đâu!”.
“Theo anh quan sát thì hiện nay người Trung Quốc mua đất trá hình ở Ðà Nẵng ước chừng bao nhiêu lô?”.
“Con số những lô bất minh, những lô mà thanh tra chính phủ phanh phui đều là đã có chủ nhưng bây giờ nuốt chưa trôi nên người ta chưa nuốt thôi. Chứ hiện tại, tôi nghĩ là cả vài trăm lô, thậm chí là cả ngàn lô đất đã bị những người Việt đứng tên cho ông chủ Trung Quốc mua. Anh biết rồi đó, những lô bị phanh phui gần sân bay là bởi nó quá nhạy cảm, nó nằm trong diện tích vàng, chứ mấy khu dân cư mới thì đâu có ai phanh phui! Thật là đáng sợ khi thế hệ F1, tức con lai của trai Tàu với gái Việt tràn lan trên thành phố này! Ðó là chưa kể khi họ xây xong Tổng lãnh sự quán ở đây nữa”.
Tạm biệt anh Tiến với cảm giác nặng nề, chúng tôi tiếp tục đi dạo thành phố Ðà Nẵng để tìm hiểu thêm. Ðúng như lời anh Tiến, ông Lợi và nhiều người dân, kể cả báo chí trong và ngoài nước đã nói. Hình như đây đâu cũng thấy người Trung Quốc lượn lờ. Ðặc biệt là trên con đường Trường Sa, Hoàng Sa, Phạm Văn Ðồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tất Thành… dọc bờ biển Ðà Nẵng, người Trung Quốc đầy rẫy.

Khu mà các hướng dẫn viên người Trung Quốc giới thiệu với khách Trung Quốc rằng đây là khu phố, bãi biển của người Trung Quốc xưa với tên “China beach” chính là đường Nguyễn Tất Thành bây giờ, nơi giáp giới giữa bãi biển Xuân Thiều và bãi biển Thanh Khê, thành phố Ðà Nẵng.
Trên đường đi, thỉnh thoảng chúng tôi gặp một vài quán để bảng toàn chữ Trung Quốc, nhưng cũng nằm cạnh các quán này là quán ghi bảng hiệu toàn chữ Việt, trong đó có quán căng băng rôn với nội dung “Chúng tôi không tiếp khách Trung Quốc” bằng tiếng Anh và tiếng Việt.
Ghé vào một quán có căng băng-rôn có nội dung trên, gặp chủ quán tên Hường, chị Hường chia sẻ: “Tôi để băng-rôn này vài ngày. Khi để như vậy cũng bị tổ dân phố nhắc nhở. Nhưng họ chỉ nhắc thôi. Ở đây ai cũng không ưa người Trung Quốc”.
“Mình làm như vậy có gây hiểu nhầm rằng mình bài xích người Trung Quốc không chị?”.

“Dạ không đâu, mình trước đây vẫn tốt với họ, vẫn tiếp xúc với họ lịch sự. Nhưng họ vào đây quá ồn ào, không giữ im lặng cho khách khác làm quán mất khách rất nhanh, mình không tiếp họ là nhằm bảo đảm nồi cơm của mình và giữ cái phông văn hóa của mình chứ không phải vì thù hận gì họ. Vì suy cho cùng thì họ cũng là dân giống như mình thôi, họ đâu có quyết định gì được. Mình chỉ không muốn nơi mình kinh doanh quá ồn ào và mất trật tự, trở nên nhặng xị nên không tiếp họ thôi!”.
Lời bộc bạch của chị Hường cũng là ý chung của rất nhiều chủ cửa tiệm, hàng quán và khách sạn mà tôi đã gặp. Có lẽ chính vì vậy mà những lời kêu gọi đừng phân biệt đối xử với người Trung Quốc do Thành ủy Ðà Nẵng, Bí thư thành phố Nguyễn Xuân Anh đều không có giá trị gì với người dân. Bởi không có lý do nào mạnh hơn lý do an ninh và kinh tế khi bạn không muốn một ai đó bén mảng đến nhà bạn! Nhưng rồi đây, khi Tổng lãnh sự quán Trung Quốc xây dựng lên trên thành phố này, không biết mọi chuyện sẽ đến đâu?!

HL