Menu Close

Áo cài hoa trắng

Chị Khuê luôn tay khuấy đều nồi bánh đang sôi sình sịch trên bếp. Hôm qua mẹ bảo thèm ăn bánh đúc, nhưng là bánh đúc nấu theo kiểu làng quê miền Bắc. Mẹ muốn nhấm nháp miếng bánh đạm bạc, mềm mềm gạo tẻ thơm, bùi bùi mảnh lạc, có chút nồng đượm mùi vôi. Và khi miếng bánh ngập ngừng trên đầu lưỡi, khứu giác cùng vị giác khơi gợi những mảng ký ức xưa đã nhạt phai theo năm tháng. Hôm nay chị chiều ý mẹ, nấu nồi bánh đúc.

Món bánh này làm cũng thật kỳ công. Bởi không dùng bột xay sẵn cho nhanh mà phải nấu từ hạt gạo nguyên tới khi cháo đặc, rồi luôn tay đánh đều như cái cối cho gạo nát mịn, không ngưng nghỉ. Ngưng chút cháo khê ngay. Cháo mịn như bột rồi mới cho lạc nấu mềm vào. Nấu xong nồi bánh đúc thì cánh  tay chị mỏi rã. Sau khi đổ bánh ra từng chén cho nguội, bánh này ăn nguội mới ngon, chị Khuê pha chén mắm tôm có chút chanh chút đường cùng tỏi ớt. Bánh đúc lạc chấm mắm tôm cay mẹ vừa ăn vừa hít hà, để hồn trôi về quá khứ. Món quà quê nghèo được ưa chuộng ở nhiều gia đình khá giả thời nay, bởi sự đạm bạc thanh tẩy những ngán ngấy thịt thà hàng ngày !

Chị ra mời mẹ. Mẹ không có ở phòng khách. Ghế Sofa, nơi bà vẫn ngồi bất di bất dịch mỗi ngày nhìn qua cửa sổ, theo dõi dải mây coi cái đám trắng bềnh bồng ấy bay về đâu. Hay mấy con chim nhởn nhơ trên cành kia con nào quen con nào lạ. Hoặc không “lãng mạn” nữa thì bà coi Tivi. Nhưng giờ không thấy bà ngồi đó!

Màn hình Tivi ồn ào bởi âm thanh phim, hồn nhiên trình chiếu chẳng cần khán giả! Mẹ đi đâu? Có lẽ bà vào phòng nằm nghỉ chăng? Người già thường mất ngủ ban đêm, ban ngày mỏi mệt gà gật, nhiều khi bà ngồi coi tivi nhưng thật ra cái tivi coi bà “tạo dáng” nhiều kiểu thì đúng hơn. Chị rón rén đi tới trước cửa phòng mẹ ghé mắt nhìn vào. Phòng trống không, chăn gối xếp gọn gàng đầu giường như đã lâu không người dùng đến. Ô hay!…bà cụ đâu rồi? Chị vào nhà vệ sinh tìm, lên lầu tìm, dù biết chắc không bao giờ mẹ leo được lên lầu. Mọi nơi trong nhà đều không có tăm hơi bà. Cửa trước khép hờ. Thôi chết!… cụ đã mở cửa ra ngoài! Suốt gần tiếng đồng hồ vật vã với nồi bánh đúc chị quên ngó chừng mẹ…

Chị lao vội ra ngõ. Băng qua mấy con đường. Mấy khu phố. Không gian chấp chới không phương hướng. Thời gian thăm thẳm trùng trùng. Bóng chị đổ dài dưới đất thiểu não. Bóng mẹ vẫn biệt tăm! Chị hốt hoảng sợ hãi, lo lắng cuống cuồng. Cái cảm giác thảng thốt bơ vơ hệt ngày còn bé đi chợ với mẹ rồi bị lạc …

ao-cai-hoa-trang
Thắm Nguyễn

o O o

Ðây không phải lần đầu tiên bà cụ làm chị Khuê lo lắng đến thế. Ngày xưa, cái ngày mới “giải phóng”, cả nước Việt Nam đói nghèo rách nát tập thể. Chiều đi dạy về chị không thấy mẹ đâu. Hỏi mấy đứa con chúng nói ấm ớ, bà ngoại đi chùa, chùa nào? Chúng không biết gì hơn ngoài việc có vài bà cụ đến rủ  ngoại đi. Nóng nảy chị phát vào mông mỗi đứa mấy cái, tội không coi bà. Nhìn ba đứa con khóc nức nở chị thấy mình vô lý. Ba đứa trẻ, đứa lớn nhất mới bảy tuổi làm sao trông coi được bà? Trong khi tiếng là bà ngoại coi cháu! Ruột gan chị nóng như lửa. Mẹ già yếu chân đi không vững, trí nhớ sút kém đến độ lãng trí. Lỡ bà hứng chí “ngao du sơn thủy” rồi không nhớ đường về, hoặc té ngã ở đâu đó không ai thấy mà giúp thì khổ!

Chị tất tả phóng ra đường, đến đầu ngõ chợt khựng lại, biết mẹ đi hướng nào mà tìm?… Còn đang bối rối phân vân, bỗng từ phía xa có đám độ chục ông bà  già, tay bị tay gậy lôi thôi lếch thếch đi tới. Chị Khuê trố mắt nhìn, thấy trong đội hình “cái bang” có cả mẹ mình. Bà cụ cũng vai đeo bị cói, tay chống gậy, rất đúng “thời trang”…hành khất. Mừng quá hóa giận, chị lao tới giằng cái bị trên vai mẹ, một tay xốc nách bà. Vừa đi vừa gắt gỏng:

– Mẹ đi đâu thế này? Làm con lo gần chết. Mẹ thật là…

Bà cụ cười hồn nhiên:

– Có gì con phải lo? Rằm tháng Giêng mẹ đi chùa thôi mà.

– Mẹ muốn đi chùa thì bảo để con đưa mẹ đi. Ði một mình lỡ té ngã hay lạc đường thì làm sao?

– Ối dào, cô khéo lo, mẹ lạc thế nào được?

Thế là luôn tiện mẹ nhắc chuyện ngày xưa:

– Không nhớ ngày xưa đi đâu cô cũng nắm chặt vạt áo mẹ, có mải vui chạy vài bước lại quay tìm. Có lần muốn chen vào coi đám múa lân mà cứ thấp thỏm, dặn đi dặn lại mẹ đứng yên một chỗ chờ con, đừng đi đâu kẻo con tìm không thấy. Ðúng là trẻ nhỏ khéo lo, sao mẹ để lạc con được chứ? Cho nên lúc nào cũng là mẹ lo cho cô, chứ sao cô phải lo cho mẹ? Mà cô cũng đừng sợ mẹ ngã. Chẳng phải ngày xưa, mẹ vừa cõng thằng Phúc, vừa bế cô phăng phăng leo dốc lên chùa đấy à?

Ðộng vào chuyện “ngày xưa” của mẹ là bà vanh vách kể. Trong khi chuyện ngày nay lại nhớ nhớ quên quên. Ðôi khi mẹ còn lẫn lộn giữa hiện tại với quá khứ, trong tâm tưởng luôn đinh ninh những đứa con đã trưởng thành vẫn là đứa trẻ năm ba tuổi cần sự che chở của mẹ. Bà quay ngược thời gian, mơ mơ hồ hồ, lãng đãng hồn nhiên. Chị thở dài, nhượng bộ:

– Vâng vâng…đúng là mẹ lớn rồi không sợ lạc như đứa trẻ, nhưng mẹ đi một mình con không yên tâm. Mà sao mẹ đi chùa lại giống đi…ăn xin thế này?

– Sáng nay cụ Dậu sang rủ. Mẹ tưởng chùa Cổ Lễ quê mình mà không phải con ạ. Cụ ấy bảo cứ xách theo cái bị, lúc về sẽ có nhiều tiền. Mà thật, con xem, người ta cho nhiều tiền lắm đây này. Mai đi chợ mua ít thịt thà cho lũ trẻ. Tội! chúng nó xanh lớt như tàu lá, cứ bo bo khoai sắn với quả trứng xào tí mắm mặn ăn mấy ngày, sao lớn được!?.

Chị Khuê thảng thốt nhìn mẹ. Bà cụ đi hành khất thật!

Bà thương lũ cháu đang sức ăn sức lớn thiếu thốn đói khát, cơm rau không đủ no lấy đâu có thịt cá “bồi dưỡng”, thế nên bà mới xách bị đi làm cái việc bần cùng này. Lòng chị se thắt xót xa:

– Từ nay mẹ đừng đi như thế nữa. Con làm giáo viên, thỉnh thoảng được nhà trường phân phối cho ký thịt theo tiêu chuẩn, cũng gọi là có chứ đâu đến nỗi nào mẹ phải làm thế này, xấu hổ lắm mẹ ạ!

– Ối dào! Thời buổi này chẳng gì phải xấu hổ cả, đói thì đầu gối phải bò. Người lớn sao cũng được, chỉ tội cho lũ trẻ. Ðôi ba tháng mới có ký thịt “nhà nước” của chị toàn mỡ màng bạc nhạc, béo bổ gì? À con này, mẹ chợt hạ thấp giọng thì thầm, buồng sau nhà mình lúc xưa bố có chôn hộp vàng đấy, con đào lên mà làm vốn, kiếm cách buôn bán cho khá chứ “bán cháo phổi” thế này mãi, không ho lao cũng ăn mày, còn đám trẻ thì còi cọc trơ xương thảm hại quá!…

Chị Khuê lại thảng thốt phen nữa. Như bị điểm huyệt chết đứng. Chị đăm đăm nhìn mẹ. Khuôn mặt bà nghiêm trang hệt đang làm nghi lễ tuyên thệ, ánh mắt sáng lên tia hy vọng ngời ngời, muốn chứng minh điều bà vừa nói là thật, không phải…đùa, nhưng chị chẳng thể nào tin được!

Nhà chị xưa nay có khá giả đâu mà dư vàng đem chôn? Bố trước làm công chức lương ba cọc ba đồng, gia đình chỉ đủ tằn tiện nuôi anh em chị đi học và mua căn nhà ở ngoại ô thành phố. Anh Phúc không lo học chỉ lo đi biểu tình phản chiến. Rồi một ngày không thấy anh về. Một tuần. Một tháng. Rồi một năm. Bố đi hỏi thăm khắp các đồn bót, nhà thương, trung tâm tuyển mộ quân dịch… Mọi nơi mọi chốn vẫn bặt vô âm tín! Người bạn thân của anh nói nhỏ với bố, thằng Phúc nó vào bưng đi kháng chiến rồi, bác đừng tìm nữa. Bố buồn rầu trầm uất ngã bịnh rồi mất, không kịp chờ tới ngày “độc lập tự do hạnh phúc” như lý tưởng của thằng con bảo bối. Nhưng kết thúc chiến tranh mấy năm rồi anh Phúc vẫn biệt tăm tích. Mẹ khắc khoải tuyệt vọng, sức khỏe kém, trí óc mòn, đâm lẩn thẩn nói lung tung, những điều mẹ nói  hoang đường như chuyện cổ tích! Hoặc giả mẹ thấy con cháu sống bấp bênh trên vực chết đói nên cuồng trí hoang tưởng?

Tuy vậy…Tiết lộ thông tin “động trời” của mẹ cũng làm chị nửa tin nửa ngờ, hoang mang bối rối. Gia cảnh chị trước nay như thế, thì chẳng thể nào có vàng đem chôn! Nhưng biết đâu?…

Phải, biết đâu lời mẹ vừa nói là thật? Trong cảnh khốn cùng hiện nay, đó là tia hy vọng đổi đời. Như kẻ sắp chết khô giữa sa mạc cháy bỏng bỗng nghe tiếng suối reo thác đổ. Có khi âm thanh ấy chỉ là ảo giác, nhưng trong ảo giác có chứa chan hy vọng. Biết đâu, khi xưa di cư vào Nam bố mẹ ôm theo một số vàng? Ngày ở Bắc gia đình chị có nhà máy dệt tơ sợi, giàu có lắm! Vào vùng đất mới lạ nước lạ cái, bố không có cơ hội dựng lại cơ đồ nên an phận công chức bình thường. Và do tính tằn tiện lo xa nên ông bà để dành của hộ thân khi hữu sự, nhất quyết không dùng cho nhu cầu hàng ngày, nên bây giờ vẫn còn? Có thể lắm chứ. Chuyện đời mà, bất ngờ luôn xảy ra!… Hay biết đâu lương công chức bố tuy ít ỏi, nhưng mẹ thu vén được chút ít mỗi tháng, mua từng khâu vàng dành dụm?… Chị còn nhớ ngày xưa, tuy là vợ của một công chức “quèn” nhưng trang phục mặc trong nhà của mẹ luôn là chiếc áo lụa màu mỡ gà sang trọng, hoặc trắng nõn mượt mà thêu “rô đê”, đôi xuyến vàng chạm trổ lấp  lánh trên cườm tay, chân đi hài nhung. Tất cả trang phục ấy toát lên vẻ lịch lãm quý phái giới thượng lưu. Từ sau “giải phóng”, những thứ đó lần lượt bốc hơi ra chợ trời để cả gia đình được sinh tồn. Nhưng đó là của nổi, biết đâu còn của chìm???

Bao nhiêu câu hỏi “biết đâu, biết đâu” khiến lòng chị rối tung.

Người dân miền Nam buộc phải lìa thành phố đi “kinh tế mới”. Nhà chị Khuê toàn đàn bà trẻ con, làm rừng làm rẫy sao được mà đi. Vả lại, chồng chết trận trước ngày “giải phóng” nên chị không sợ chính quyền sách nhiễu  gia đình “ngụy”. Vậy mới quyết bám lại thành phố. May quá! Nhờ thế giữ nguyên được căn nhà, nếu không giờ này còn đâu hộp vàng!? Một “cây” vàng thời buổi này cũng có thể ngoi lên mà sống, huống chi là cả một hộp vàng. Những thẻ vàng sáng choang, hay những khâu vàng lấp lánh? Luôn ám ảnh trong tâm chị!

Ðắn đo suy tính. Nghĩ đi nghĩ lại. Chị muốn đào nền trong buồng nếu may tìm được của, cuộc sống sẽ thay đổi. Có tiền, chị may luôn vài cái áo dài mới “đền” những chiếc áo chị lấy của mẹ “tiễn” ra chợ trời mua gạo. Sắm cho con gái đôi bông, giữ lỗ tai mới xỏ đang đeo cọng chỉ. Mua cho con trai chiếc xe đạp, nó tập chạy sang năm còn đi học. Và chị sẽ mở quán hàng bán tạp hóa vặt cho bà cháu trông coi kiếm thêm gạo, còn chị vẫn đi dạy giữ chân “công nhân viên”. Dù sao làm cho “nhà nước” cũng có chút lợi hơn so với “dân thường”… Nhưng nếu đào nát cái nền nhà mà …không có vàng, thì lấy tiền đâu mua xi măng trám chít lại. Căn nhà cũ mái như tấm lưới, chị chưa thể thay tôn mới. Mỗi lần mưa là chậu to chậu nhỏ nồi chảo đem hết ra hứng nước dột. Phía trên khung giường một tấm nylon cột bốn góc. Những đêm mưa, nước rơi lộp bộp trên “trần” nghe như tiếng gõ mõ trong chùa trong miếu, tạo cảm giác buồn bã bất an. Và mấy mẹ con có cơ hội tắm mưa ngay trong nhà, nếu lỡ tuột một dây trong bốn góc … Nay đào bới lên mà không có gì, tới tháng mưa căn buồng sẽ lầy như đám ruộng. Không đào, chị thắc thỏm không yên!

Lần lữa mãi, chị Khuê vẫn chưa thực hiện cuộc “thám hiểm” bất trắc này.

Một buổi chiều đi dạy về. Bước vào nhà, chị thấy bốn bà cháu ngồi chụm một góc, mặt mũi thẫn thờ đờ đẫn như mất sổ gạo. Hỏi mẹ chuyện gì xảy ra, bà lẩm bẩm gì không rõ. Ðám con ngơ ngẩn như mán rừng. Vào buồng thay áo, chị mới hiểu nguyên nhân. Chiếc giường mấy mẹ con chen chúc ngủ hằng đêm, ngổn ngang rời rã một góc. Nền xi măng bị đào xới tan nát như thửa ruộng mới cày! Ôi trời…Chuyện gì thế này? Nếu là trộm cướp vào nhà sao chúng không khuân cái bàn long chân, cái giường ọp ẹp, hay cái rương quần áo, là “của gia bảo” còn sót lại trong gia đình vì không thể bán, lại đào bới gầm giường làm gì? Chúng cần “xà bần” đổ nền nhà chăng???

Ngẩn ngơ mất mấy giây chị mới chợt hiểu. Thì ra tai ương là do tin nhà chị Khuê có chôn vàng! Mẹ thấy lâu chị không đào xới tìm của, nên bứt rứt than thở với vài người láng giềng. Tin “nóng” đó nhanh chóng truyền ra khắp xóm với độ thêm thắt thêu dệt, như cả một kho tàng cướp biển đang cất giấu trong nhà chị. Trong xã hội khốn khổ tận cùng, người ta hay mơ đến chuyện thần thoại hoang đường để tiếp thêm lực sống. Và ông tổ trưởng, người trong xóm xéo xắt gọi là “dân 30/4 cơ hội” huy động vài thanh niên nhằm giờ chị Khuê đi dạy, chỉ còn bà cụ với mấy đứa trẻ ở nhà, tự tiện vào đào bới tìm vàng! Thật ra chẳng phải ông ta kiêng dè gì chủ nhà mà phải đợi chị đi vắng, ông ta chỉ ngại chị giằng co ngăn cản mất thì giờ, rồi thêm hàng xóm a dua nói ra nói vào khiến ông ta không đạt được ý muốn. Thời buổi hỗn quân hỗn quan, mạnh được yếu thua. Ngoại ô thành phố xa “mặt trời”, người ta cư xử với nhau bằng luật rừng, hơn nữa nhà toàn đàn bà trẻ con càng dễ hiếp đáp. Cuối cùng đám “hỗn quân” ấy cũng thu hoạch được đống…xà bần. Hóa ra chuyện nhà có chôn vàng chị vẫn còn nửa tin nửa ngờ, nhưng láng giềng trong xóm thì tin triệt để. Hệt như tin chuyện mất miền Nam là sự thật, không còn hoang mang nghi ngờ gì nữa!  Họ tin cũng phải, bởi dù cuộc bể dâu thăng trầm dời đổi, thần thái mẹ vẫn toát ra vẻ an nhiên tự tại. Và dù có lần bà cụ đã theo “thời trang” bị gậy rất sốc. Họ kháo nhau, nhà cô giáo…giàu ngầm!

Giàu!? Nhưng là ngày xưa ở Bắc. Của cải đổ hết vào nhà xưởng không đem theo được, trắng tay. Vào Nam với đồng lương công chức của bố, mẹ vén khéo lắm mới đủ sống, làm gì có dư từng khâu vàng như chị hy vọng!?

Lão tổ trưởng làm chuyện ngang ngược. Nhưng nhờ vậy chị thấy lòng nhẹ nhõm, thoát ra khỏi tâm trạng giằng co dai dẳng bấy lâu giữa quyết định khó khăn, bởi hấp lực ma mị của những thẻ vàng ám ảnh. Chỉ là khổ thêm cho cảnh đời ba thế hệ, sống trong nhà mà như ngoài ruộng.

o O o

Không biết thời gian qua bao lâu, chị Khuê vẫn chưa tìm được mẹ! Lòng chị nóng như thiêu đốt, lo lắng bồn chồn. Năm nay mẹ hơn tám mươi, vừa yếu sức vừa lãng trí, mới hôm nào trong bữa cơm, bà còn nhịn miệng nhường thịt cá cho “lũ trẻ”…Và những đêm mưa, bà tất tả dậy lôi soong chậu ra để “hứng nước dột”.  Bà quên rằng bây giờ cuộc sống đã khác, làm ăn dễ thở hơn trước nên gia đình sung túc, nhà cửa khang trang. Hơn nữa mấy đứa trẻ nhà chị lớn khôn đỡ đần được nhiều. Nhưng cảnh cơ hàn đói khổ thời mới “hòa bình” vẫn còn nguyên ám ảnh trong tâm  mẹ. Và bà chỉ nhớ chuyện xưa, chuyện nay “không thèm” biết!

Chị vừa đi vừa khóc. Ðôi chân cơ hồ không thể khứng chịu mối thương tâm nặng trĩu trong lòng, khụy xuống lề đường. Chiều buông. Ðom đóm lập lòe. Rồi bóng tối ập xuống lan vào lòng chị. Trăng thượng tuần cô đơn trên bầu trời, soi ánh huyền hoặc tạo không gian thêm hắt hiu trầm thống…. Khổ thân mẹ, mẹ ơi! Già cả đau yếu đi lạc rồi không biết đường về, giờ biết tìm mẹ nơi nào? Mẹ đi lang thang, ăn đâu ở đâu, đổ bệnh thì sao?…Mẹ còn con cháu, còn gia đình mà giờ thành người cô quả, bơ vơ trên đời, sống không ai hay, chết không ai biết!… Chị thấy bóng mẹ như sương khói, khi mờ khi tỏ khi gần khi xa như ở trong cõi u minh. Chị thảng thốt! Lỡ mẹ có bề gì, chị làm sao biết được, làm sao bảo toàn hình hài mẹ trong nấm mộ an giấc ngàn thu!? Sao chị có thể để mất mẹ như vậy? Nghĩ đến đây, chị Khuê lạnh buốt cả người. Mẹ ơi mẹ ơi!…

Không cầm lòng được nữa, chị bật khóc nức nở, những giọt nước mắt ướt đẫm chảy vào mang tai, lạnh ngắt một bên mặt…

Bên mặt thấm nước mắt lạnh khiến chị giật mình tỉnh giấc. Ôi… Chị đang ngủ mơ. Giấc mơ khiến thần trí hoảng loạn buồn bã khôn tả! Chưa tin vào hiện thực, chị chồm dậy nhìn quanh quất trong trạng thái đờ đẫn rối ren…Mắt chị chạm vào ảnh mẹ trên chiếc bàn đèn ngủ. Một bông hoa trắng đặt trước khung hình. Bông hoa lúc sáng đi chùa dự lễ Vu Lan chị được cài lên áo…

Mấy mươi năm rồi. Mỗi lần đi chùa chị được nhận bông hồng trắng, biểu trưng bất hạnh! Mấy mươi năm mẹ lìa trần tưởng như mới hôm qua, tuần trước. Chị vẫn ngậm ngùi thương nhớ khôn nguôi, như đứa trẻ sớm mồ côi. Chị thường có những giấc mơ như vậy. Như mẹ vẫn còn, vẫn ăn những bữa cơm gia đình thời nghèo khó, vẫn hiện hữu cận kề bên con cháu cùng chia sẻ nỗi khốn khổ đời người… Rồi chị để lạc mẹ, lạc biệt mù tăm tích!… Cái cảm giác ấy trong giấc mơ đau khổ ray rứt khôn cùng.

Chị thì thầm trước di ảnh mẹ. Mẹ ơi! Ước gì giờ này con được bưng chén cơm nóng, chén canh ngọt, chén bánh đúc chấm mắm tôm chanh, hay gọt quả cam chín, để nhìn mẹ ăn chậm chạp trong hạnh phúc. Ước gì con được bóp tay bóp vai đấm lưng cho mẹ, để mẹ dịu bớt những cơn đau nhức tuổi già. Những cơn đau khắp thân mình như có ngàn vạn con trùng đang rúc rỉa từng đốt xương. Mà bây giờ con mới hiểu thấu khi sự đau đớn ấy hành hạ thân thể mình. Vậy nhưng ngày xưa con nhăn nhó khó chịu khi bị mẹ nhờ, rồi miễn cưỡng bóp vài cái lấy lệ vì sợ mùi dầu.

Mẹ ơi! Bây giờ những giọt nước mắt con rơi vì cháu ngoại mẹ, con mới hiểu suối nước mắt đắng lòng khi xưa mẹ tuôn đổ vì con. Biết đã muộn! Con không bao giờ cạn dòng nước mắt khi nhớ mẹ. Mẹ ơi!

HTN – 2016