Menu Close

Lê Văn Khoa Một Người Việt Nam

Lê Văn Khoa Một Người Việt Nam” gồm 150 bài viết về cuộc đời, trong đó có nhiều hình ảnh nghệ thuật của chính ông trước năm 1950. Tác phẩm này được chia ra làm hai phần:

– Phần 1: Lê Văn Khoa, Con Người Và Âm Nhạc

– Phần 2: Lê Văn Khoa, Một Nhiếp Ảnh Gia

Trong số 150 bài viết của Lê Văn Khoa, có những bài thật minh triết, uyên nguyên như  bài “Sức Mạnh Ðáng Sợ Của Âm Nhạc,” “Âm Nhạc Ảnh Hưởng Ðến Vạn Vật,” “Ðối Chiếu Nhạc Việt Với Nhạc Thế Giới,” “Thẩm Ðịnh Tác Phẩm Ảnh Nghệ Thuật,” “Luật Một Phần Ba Trong Bố Cục Nhiếp Ảnh..”

le-van-khoa

“Có thể các nhà lãnh đạo miền Nam Việt Nam trước  năm 1975 đã quên giá trị của trống trận Tây Sơn, hoặc đặt chưa đúng mức chỗ đứng của âm nhạc trong cuộc chiến Quốc-Cộng trên đất nước ta. Có thể phần lớn chúng ta vì quá tôn trọng sự tự do, nên ít chú ý đến giá trị và sức mạnh của âm nhạc cần được ứng dụng trong thời chiến. Trong khi chiến cuộc gia tăng cường độ, các đài phát thanh, truyền hình của miền Nam, nhất là các phòng trà mãi rên rỉ về những cuộc tình tan vỡ. Ðến lúc sự ủy mị lan tràn quá mạnh, người có trách nhiệm tỉnh ngộ, ra lệnh cấm các cơ quan truyền thông phát thanh loại nhạc với nhịp điệu boléro, thường đi với ca khúc than khóc, dễ làm nản lòng chiến sĩ.”

“Tôi còn nhớ khoảng năm 1972-1973 khi nộp một chương trình để thu hình cho ca đoàn Trùng Dương trình diễn trên Truyền Hình Việt Nam, trong đó có bài “Mùa Hoa Nở” của nhạc sĩ Cung Tiến. Kiểm duyệt viên của bộ Thông Tin hỏi tôi bài này theo nhịp gì? Tôi trả lời là nhịp boléro. Bài “Mùa Hoa Nở” bị xóa khỏi chương trình, không cho thu hình. Lý do: nhịp điệu boléro. Người ta không cần biết nội dung, không chú ý đến lời ca. Tôi nói với viên chức kiểm duyệt rằng: “Tôi sẽ thu hình bài này mà các ông không cấm được”. Ông ấy hỏi tôi: “Tại sao?” Tôi đáp: “Rồi các ông sẽ thấy. Tôi có lý do để trả lời cứng với người kiểm duyệt vì phần nhạc đệm không phải là ban nhạc loại phòng trà mà là ban Kim Mộc, ban nhạc diễn hành của Hải Quân Việt Nam. Bài nhạc có một đoạn ngắn được viết theo nhịp boléro, ngay sau đó tôi chuyển qua nhịp quân hành. Vài tuần sau tôi xin kiểm duyệt lại bài “Mùa Hoa Nở.” Lần này tôi ghi bài sẽ được chơi theo nhịp quân hành, thì được cho phép thu hình. Thật ra boléro chơi với dàn hòa tấu Kim Mộc, âm hưởng rất khác với ban nhạc loại phòng trà khiêu vũ.” [Sức Mạnh Ðáng Sợ Của Âm Nhạc]

“Sức Mạnh Ðáng Sợ Của Âm Nhạc” trong tác phẩm “Lê Văn Khoa Một Người Việt Nam,” cho thấy sự say mê và thiên tài đặc biệt của ông trong lãnh vực âm nhạc. Có ai đó từng nói Việt Nam là suối nhạc sông thơ, tâm hồn của người Việt Nam là tâm hồn của thi sĩ. Hầu như những người Việt Nam đều công nhận giòng suối nhạc sông thơ, tâm hồn thi sĩ ấy, bắt nguồn từ lòng mẹ tha thiết ru con. “Hò ơ…Chiều vàng chim sáo sang sông. Bỏ quên tiếng hát đục trong một thời.” Câu ca dao này, và nhiều câu ca dao khác, chắc chắn là một trong số những giai điệu tuyệt vời đã ngân vang trong lòng Lê Văn Khoa. Chính vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi ông dành trọn cuộc đời cho âm nhạc.

Từ âm nhạc đi vào nhiếp ảnh, hay từ nhiếp ảnh đi vào âm nhạc, ở chừng mực  nào đó công chúng đều có thể cảm nhận trong nhiếp ảnh hay âm nhạc của Lê Văn Khoa đều có sự tương giao. Ngũ cung âm giai, hay cung bậc uyên nguyên của nhạc giao hưởng dường như đều ẩn tàng trong từng phối cảnh, bố cục nhiếp ảnh của Lê Văn Khoa.

“Symphony Vietnam 1975” của Lê Văn Khoa dư đầy âm hưởng ngũ cung Việt Nam, đã mang hồn non nước vượt Thái Bình Dương đến với thế giới, đặc biệt lừng danh tại Úc Ðại Lợi, khi được dàn nhạc The Royal Melbourne Philhamonic Orchestra trình diễn năm 2005. Tác phẩm này được lưu trữ tại Bảo Tàng Viện Quốc Gia Úc Ðại Lợi, dành cho các nhà nghiên cứu tham khảo. Ông Trịnh Y Thư nhận định: “Ðại tấu khúc giao hưởng Việt Nam 1975, đã trở thành gia sản văn hóa của nhân loại.”

Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa sinh năm 1933 tại Cần Thơ. Ông tỵ nạn ở Hoa Kỳ từ năm 1975. Trước năm 1975, ông viết hàng loạt sách về giáo dục thanh thiếu niên, gia đình, sức khỏe và tôn giáo, do nhà xuất bản Thời Triệu ấn hành. Năm hai mươi tuổi, ông tự học nhiếp ảnh, là người Việt đầu tiên có ảnh triển lãm tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Ông cũng là giáo sư giảng dạy nhiếp ảnh tại Ðại Học Salisbury State College, Maryland. Ngoài “Symphony Vietnam 1975,” “Memories”“Lullaby” cũng là hai CD âm nhạc tuyệt vời.

Có thể nói con đường nghệ thuật thái dương, qua sông tiếng hát phi thường thiên thu, chính là dấu ấn muôn đời mà Lê Văn Khoa đã minh triết sáng tạo, để tặng người Việt Nam và nhân loại.

HNP