Menu Close

Như ảo như thực

Ngày đầu tuần thường là ngày bù đầu vào công việc. Ðến sớm có việc sớm. Ðến đúng giờ có việc của đúng giờ. Ðến trễ…Ồ! Không thể nói đến cái sự “lỡ muộn” này, vì phòng tôi ngồi đối diện với phòng của giám đốc. Bị “chiếu tướng” như vậy, đi sớm về trễ là chuyện đời thường. Ði trễ về sớm – một hiện tượng bất thường không được phép xảy ra. Dù bận rộn tôi vẫn vui, vì tôi thấy tôi sung sướng hơn rất nhiều người, những người muốn có việc làm để bù đầu hay để bị quýnh quáng cả tay chân, nhưng họ không thể có. Kinh tế xuống thấp! Ai cũng chẳng biết sẽ ra sao ngày sau, ngay cả những người đang bận rộn vì công việc như tôi. Que sera sera? What will I do? Hỏi để hỏi mà thôi, vì làm sao biết được chuyện gì sẽ xảy ra, khi đời sống đầy bất ngờ nhiều biến động.

Hãy cứ yêu đời mà sống. Chuyện ngày mai để mai tính. Làm cho tốt bổn phận hôm nay, cũng đã đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực và cố gắng không ít.

Ðược nghỉ giữa giờ, tôi đến canteen. Niềm vui tràn ngập, khi tôi nhận ra ở ngay bên cạnh, ở phía trước, ở đằng sau đều có những người thân quen, những người tôi biết tên, từng chia sẻ tiếng tơ lòng với tôi. Chút tình đồng điệu đủ để tâm hồn tôi ấm áp, đủ để trái đất dẫu mênh mông vẫn thật như sự thật, đủ để thấy chân trời góc biển cũng có thể gặp nhau, nếu người ta có duyên. Trong đạo Phật có chữ Duyên. Duyên được định nghĩa là tự sinh tự diệt. Ở giữa cuộc đời hay trên cõi ảo, phải có duyên người ta mới gặp nhau. Khi hết duyên rồi, dẫu đi chung đường cũng không mong sum họp. Phải chăng khi biết được điều này, người ta sẽ chịu đựng được nỗi buồn riêng khi ngậm ngùi trông vời bến cũ, khi biết rất rõ thuyền xưa không trở về. Có làn điệu nào tương xứng với những điều sinh ly tử biệt. Ðể tiếng hát vút cao mang niềm hoài cảm đến cùng trời cuối đất. Ðể giữa giòng con nước nghiêng chao, ngùi trông sóng biếc bến nào tình quê.

Hôm nay trời mù sương, có lẽ vì thế lòng tôi cũng sương mù. Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Ðoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du muôn đời là tiếng than đau đớn, làm cho cõi người ta phải ruột héo gan mòn. Nhưng có phải là tôi cứ nên đắm chìm trong ủy mị, cứ nên để mình bị vấn vương với sợi tơ trời hư ảo như vầy mãi hay không? Một đôi khi để hồn đắm chìm trong thương nhớ bâng quơ, trong đớn đau mộng mị chẳng rõ nguồn cơn, để đời mình có chút thi vị thì được. Nhưng nếu cứ để từng ngọn gió phiêu du, mang ta giam tận ngục tù bi thương, thì….eo ơi không thể được. Ðời sống muôn màu muôn vẻ. Hai mặt đối lập của những phạm trù thăng-trầm, tan-hợp, sinh-tử, mất-còn, được-thua, hạnh phúc-khốn khổ không bao giờ có thể tách rời. Cũng như nụ cười nở tươi trên môi tôi hôm nay, còn ghi dấu giọt nước mắt u buồn của mẹ ngày cha tạ thế. Hạnh phúc cùng đi vào đời với nguồn uất hận. Niềm tin ngời sáng khi tuyệt vọng gõ cửa gọi mời. Vậy thì hãy an nhiên nhìn đời như đời là… Vui với ai mừng vui. Khóc với ai đang khổ sầu. Bạn thân ơi, bạn có nghĩ giống tôi không?

Tôi từng gặp rất nhiều “thần nhân,” có tài nhìn tướng mạo đoán ra tương lai vận mạng của một đời người. Bác Khải Huyền, một người lịch lãm uyên thâm, mà tôi quen biết, tuy chẳng hề gieo quẻ mai hoa hay nhâm độn, nhưng những gì bác ghi chép thật sự ảo diệu phi thường. Bác Khải Huyền tiết lộ những điều bí nhiệm và một thời gian rất dài sau đó, những gì bác ấy viết mới xảy ra. Tôi kinh ngạc và thật lòng ngưỡng mộ, cho dẫu còn rất nhiều điều bác ấy chia sẻ nhưng chưa thấy ứng nghiệm. Có lần tôi cảm nhận bác Khải Huyền bảo rằng: Cháu hãy lên đường gieo trồng sự tin yêu, để mọi người được gặt hái sự trung tín. Tôi nghe xong rất bối rối. Nhìn lại đời mình dường như đã về chiều, chẳng có tài cán gì sao có thể gieo trồng sự tin yêu, để ai đó được gặt hái sự trung tín. Dẫu sao mặc lòng, tôi ghi tâm khắc cốt lời chỉ dẫn của bác Khải Huyền, hết lòng tri ân và cảm mến bác ấy.

Nói đến bác Khải Huyền mà không nhắc đến cô Sáng Thế, người bạn lâu năm của bác ấy, là điều thiếu sót. Tôi thường đến thư viện ở góc phố, thinh lặng ngồi vào chỗ cũ đã quen hơi, vẫn chẳng thấy bóng cô Sáng Thế. Tôi đến rồi đi, chỉ thấy cảnh cũ không thấy người xưa đã đành. Nhưng bác Khải Huyền còn đây, mà cô Sáng Thế lại đi đâu? Cô thích phiêu du nên vẫn dọc đường gió bụi, chưa muốn dừng chân đứng lại, hay cô đã nhủ lòng đi mãi không về? Có ai đi xa trông trời ngóng đất lại không nhớ nhà? Vậy sao cô Sáng Thế chưa trở lại. Bác Khải Huyền có biết vì sao không?

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều, nhớ người năm cũ đổ xiêu hôn hoàng. Vì uẩn khúc này hay vì uẩn khúc khác, người ta mới đành dứt áo ra đi. Ðể con đường đất ngoằn ngoèo bò từ vệ đê qua đồng lúa mênh mông, thêm hoang vắng lúc chiều tà. Hoàng hôn tím trời bụi chuối đơn côi. Vườn bắp hao gầy sầu đau bao nỗi. Có lẽ bác Khải Huyền cũng đau tấc dạ. Tôi ngồi giữa không gian thẳm sâu. Nghe gió hắt hiu than kiếp không nhà. Tôi ở xa quê hương, có nơi nương tựa nhưng nơi này không thể gọi là nhà. Cư dân ở đây có câu: “Home sweet Home. There is no place like home.” Vâng, đúng như vậy. Chẳng nơi đâu có thể giống nhà mình, nhất là ngôi nhà quê hương.

Suy nghĩ miên man một hồi, tôi lại tự hỏi: Không biết tâm trạng của nhân vật chính Guy Montag trong “Fahrenheit 451” của Ray Bradbury, có gợi lên một điều gì đó trong lòng của tôi và chúng ta hay không? Guy Montag hoài nghi giá trị bản thân, có nghĩa là hoài nghi sự hiện hữu của chính anh, một nghi vấn tâm lý rất muộn phiền cưu mang hình bóng liêu xiêu của Hamlet, chàng trai đi về giữa hư không với câu hỏi làm đau lòng nhân thế:“To be or not to be.” Hiện hữu hay không là vấn nạn của muôn đời. Từ sự phủ định cái tôi, Guy Montag trượt ngã trong vũng lầy tri thức, đặt nghi vấn về đường lối của thế giới [ways of the world]. Rồi lại chọn sách làm mục tiêu, bất thình lình khiến chữ nghĩa phải bàng hoàng khi chất vấn: “Quyền lực nào nằm trong những quyển sách…?”

Chúng ta đang sống trong thiên niên kỷ thứ ba, và mới chỉ khởi đầu của thế kỷ 21, nhưng Ray Badbury lại “sinh ra” một Guy Montag dư đầy hoài nghi ma quái ở tận thế kỷ 24. Cõi người ta nghĩ gì về Ray Badbury, cha đẻ của những đứa con tinh thần độc đáo như ảo như thực, đầy ly kỳ và có thể nói là không kém phần kinh dị. Ðã nói đến “Fahrenheit 451,” nhất định không thể nào quên những tác phẩm bi kịch và hiện thực tâm lý của Badbury.

Văn chương thi ca nghệ thuật là dấu ấn của thời đại. Văn nghệ sĩ là những nhà tiên tri. Họ mang đôi hia bảy dặm huyền thoại đi khắp mọi ngõ ngách nội tâm, trình bày trước thế giới một viễn cảnh xán lạn của tương lai. Nhưng rất nhiều khi cũng loan báo ngày cánh chung của nhân loại, tựa như một hồi chuông gọi hồn ai. Vì thế có đi qua, xin đừng đi nhanh quá. Ðể mãi mãi là chiếc bóng đậm màu, còn theo nhau đến muôn đời sau.

HV