Menu Close

Mũi Cà Mau và người

H2

Tôi đến vùng Đất Mũi Cà Mau trong khoảng thời gian có thể nói là ngắn ngủi, nhưng ấn tượng từ cái doi đất làm cột mốc chơi vơi của quốc gia, muỗi mòng, con người, biển và sông nơi đây… lại quá mạnh. Sự quá mạnh này không phải bởi Đất Mũi (tên địa danh có sau 75) phồn thịnh hay hoa lệ, cũng như không phải bởi con người hay sông nước hào phóng mà là một thứ gì đó u uất, khó tả. dường như mọi thứ đều đùn đẩy ra nơi này với trời biển và mênh mông!

Thuở người đi mở cõi

Từ thuở những con người đi mở cõi đến nay hình như chỉ có máu, nước mắt của lưu dân để lại làm cột mốc biên giới thì phải!  hình ảnh con đê chắn sóng và lấn biển của Ðất Mũi lại vô tình gợi nhắc lịch sử.

Chợ đất mũi lúc 5h chiều
Chợ đất mũi lúc 5h chiều

Chuyến tàu cao tốc đi gần bốn giờ đồng hồ, mệt lả. Sông nước đẹp quá sá là đẹp. Nhưng đời sống của dân cư nghèo quá cỡ và cũng gây ngạc nhiên cho tôi quá cỡ. Gặp anh xe ôm tên Ðen, anh này được giới xe ôm ở đây đặt cho biệt danh là Ðen đất mũi bởi họ cho rằng anh rành Ðất Mũi hơn cả rành cô vợ của mình. Ði một đoạn lòng vòng, Ðen giới thiệu:

– đất Mũi có thêm đảo Hòn Khoai, trời mùa nắng mình lội bộ ra ngoài đó được.

– Coi bộ anh rành lịch sử ở đây lắm phải không?

– Không đâu chị ơi, là nghe ông nội tôi kể thôi, mọi thứ ông đọc được trong gia phả của dòng họ. Ông nói là thời ông Nguyễn Hữu Cảnh dắt theo đoàn người vào Nam đầu thế kỷ 17 đó chị, trong đoàn cũng có nhiều tù nhân, họ bị nhét vào những chỗ eo óc nhất. Người ở quận 4 Sài Gòn có bà con với người Ðất Mũi, nhưng mà mấy chục đời rồi nên chắc ít ai biết. Vì hồi đó trong số các tù nhân vào Nam, có nhiều người là bà con ruột thịt bị lưu đày vào quận 4, lúc đó là Gò Bích (thời đó Sài Gòn của Chân Lạp có Sài Gòn, Gò Bích và Nam Vang – uc) và một số người lên Hà Tiên, ra mũi Cà Mau.

Mốc tọa độ quốc gia gps 0001 trong vườn quốc gia đất mũi
Mốc tọa độ quốc gia gps 0001 trong vườn quốc gia đất mũi

– Thế ông anh có nói là họ bị đày ra đây làm gì không?

– Chủ yếu là đi mở cõi. Thực ra chỉ có máu và nước mắt của dân đen và tù nhân đi mở cõi thôi. Chính những người bị lưu đày đã dựng cột mốc bờ cõi đó chứ không ai khác. thời phong kiến, tù nhân bị lưu đày đi khẩn hoang, đến thời Pháp cũng vậy, thời bây giờ cũng không có gì khác. Vì công trình chắn sóng, lấn biển là do tù nhân làm chứ có ai khác đâu! Bữa nay cũng vậy.

– Ngoài tù nhân ra có ai khác làm đê chắn sóng, lấn biển này không anh?

– Không, chỉ có tù nhân, công trình này nghe đâu mức đầu tư đến vài ngàn tỉ đồng, trong đó vật liệu chiếm chưa tới 40% công trình, chủ yếu là tiền công lao động. Nhưng nghe các tù nhân họ kể thì họ không có tiền lương, giống kiểu làm lấy công chuộc tội vậy đó. Chủ yếu là có ăn 3 bữa để làm. Họ làm quanh năm trừ những ngày sóng lớn thì nghỉ. Hết tốp này đến tốp khác, luân phiên nhau.

Đê chắn sóng do các tù nhân xây dựng
Đê chắn sóng do các tù nhân xây dựng

– ở đây bà con sống bằng nghề gì chủ yếu anh?

– đó chị, mấy đứa nhỏ thì theo mẹ bắt ốc, người lớn thì đụng gì làm đó. Ðể tôi chở chị đến một số nơi, ở đây chủ yếu là đi đánh cá gần bờ, giã cào, nuôi trồng thủy sản, buôn bán nhỏ, làm vườn và làm rừng, bắt ốc rừng nữa, đan lưới, làm cá khô… đường từ đây lên Khai Long qua nhiều chỗ khá thú vị.

Muôn vạn nghề muôn vạn khó khăn

đường lên Khai Long qua một số chỗ khá vắng vẻ, chỉ có rừng đước, muống biển và đường mòn âm u. Tôi cũng hơi sợ vì không biết Ðen đất mũi có đủ khí khái của một hảo hớn để khỏi bị ăn đòn của tôi không. Vì tôi luôn tự tin vào khả năng quyền thuật “tam đẳng karate” cùng với một số đòn thiếu lâm do ông xã dạy mà ổng hay nói rằng vớ vẩn nhất trong cuộc đời là biết võ mà đã biết võ thì phải biết đi giang hồ, mà thích đi giang hồ thì phải biết viết báo, viết văn… cuối cùng thì nghe ổng nói một hồi chẳng biết đâu mà lần. Nhưng dẫu sao cũng nhờ ba cái “vớ vẩn” ấy mà mình tự tin, dám đi.

 Phân loại hải sản sau đánh bắt
Phân loại hải sản sau đánh bắt

Trong lúc đầu óc còn nghĩ miên man về những tên cướp thì Ðen dừng lại trước một trang trại trồng toàn xoài, dưa hấu, chuối và nuôi dê, gà, đủ các loại gia súc. Chủ trại là một người bắc di cư vào Nam sau 1975, ông tự xưng là Út đất mũi.

Hỏi thăm về công việc, ông nói:

– ở đây hoàn toàn không có nước ngọt, biển tràn vào rừng đước của mình theo nước lớn nước ròng. Muốn có nước ngọt phải khoan giếng sâu chừng 100m so với mực nước biển.

– Khó vậy mà chú làm được cả trang trại lớn thế này.

– ừ, thì cũng cố công. Tôi trồng chuối, rau cải, xà lách và chăn nuôi, mỗi năm thu nhập cũng được ngót nghét trăm triệu đồng. Ở miền đông đất đỏ, ông anh tôi thu nhập cả mấy trăm triệu, nhưng ở đây vậy là quá được rồi cô à. Dân ở đây nhiều khi cả năm dư không được 5 triệu đồng.

– Nhiều người Bắc ở đây không chú?

– Người Bắc ở đây đông lắm. Cô đi quanh Ðất Mũi, nơi nào lộn xộn nhất, loạn xà cào nhất là gặp họ liền. Nói chung người Bắc lanh lợi, biết làm ăn nhưng bất hảo!

– Chắc chú đùa, chú cũng là người Bắc mà.

– May là tôi có vợ người Nam cô à!

Bắt ốc rừng
Bắt ốc rừng

Được biết, quê gốc ông chú này ở Hải Dương, vào bộ đội thì nhiều lúc phát biểu bị coi là phản động, nên bị tước quân tịch. Ông từng ở tù 3 năm vì đánh nhau. Ông bảo lúc đó chán chường quá, cũng mất phương hướng nữa. Ra khỏi tù, ông bắt xe chạy thẳng vào đây. May mắn gặp gia đình bà xã ông thương tình thuê làm vườn, rồi hai người thành vợ thành chồng, mở rộng trang trại theo thời gian.

Tạm biệt chú chủ trang trại, tôi tiếp tục lân la vào xóm. Ở đây người ta đan lưới, sửa lưới với mức tiền công khoảng vài chục ngàn đồng. Nghe đâu trước cũng được cả trăm ngàn, nhưng dạo này cũng ít người đi biển, lưới cũng chẳng mấy người thuê sửa, thuê đan.

H15 H13

Trời xế trưa, Ðen quay ngược ra đê chắn sóng, qua mấy chiếc cầu bê tông lắt lẻo như cầu khỉ đưa tôi đến nơi người ta mò cua bắt ốc giữa thế kỷ 21. Mùi cá khô đang phơi, loại cá vụn để bán cho người ta chế biến thức ăn gia súc nghe nồng nặc.

ở đây nhà cửa tuềnh toàng, trẻ em gần như ở nhà suốt vì đang là mùa hè. Mà có không là mùa hè đi nữa thì cũng chẳng mấy đứa được đến trường bởi cha mẹ làm không đủ  miệng ăn, mò cua bắt ốc quanh năm không đủ sống. Ðường đến trường cũng xa thăm thẳm, qua mấy chuyến đò.

Ghé vào một căn nhà tạm gọi là lành lặn so với những nhà chung quanh, một phụ nữ và năm đứa con đang ngồi quay mặt ra khu nghĩa trang, họ nhặt từng con ốc và bỏ vào hai cái thau, thau lớn và thau nhỏ. Tôi mở lời chào.

Kết quả lao động sau 3 ngày giã cào
Kết quả lao động sau 3 ngày giã cào

– Chào chị, ốc gì mà đẹp thế chị?

– ốc rừng đó cô.

– ốc tươi quá! hình như chị đang lượm riêng ốc nhỏ và ốc lớn, để làm gì vậy chị?

– ừ, ốc này mới bắt về. Tôi đang phân loại để bán. Loại lớn ba mươi ngàn một ký, bán cho nhà hàng, loại nhỏ mười lăm ngàn, bán ngoài chợ.

– Một ngày mình bắt được bao nhiêu ký vậy chị?

– Cũng tùy cô ơi, trời êm thì mấy mẹ con vào rừng đước, sú, vẹt bắt cũng được năm, sáu ký, ngày nào thời tiết xấu thì khó bắt lắm.

– Thu nhập đỡ không chị?

– Nói chung ngày nào trúng thì được chừng trăm rưỡi tới hai trăm ngàn đồng. Bữa nào oải thì thôi. Mà phải đi bốn mẹ con mới được chừng này. Phải tranh thủ mà bắt chứ có phải mùa nào cũng bắt được đâu cô.

H24

Mấy cháu giỏi quá, biết giúp đỡ mẹ nữa. Tôi bắt chuyện em bé gái nhưng bé có vẻ ngại. Có vẻ hiểu con, mẹ bé bảo:

– Nó được mười tuổi rồi đó cô, đang học lớp hai.

– Thế cháu đầu lớp mấy rồi chị?

– Đứa đầu nghỉ học được hai năm rồi, vào lớp 6 là nó nghỉ vì đi học xa. Cũng thương con lắm nhưng ở đây có mỗi cấp 1 là học gần, cấp 2 phải đi cano đến trường, cấp 3 thì phải lên phố hoặc thị xã mới có trường. Thực là vợ chồng tui kham không nổi. Mỗi sáng, nội tiền ca nô đi đến trường là mất năm ngàn đồng, ăn uống này nọ rồi còn tiền sách vở nữa. Thôi thì đành cho con ở nhà, cùng bắt ốc với tôi, dành tiền cho hai đứa nhỏ học cấp 1.

Tâm sự của người chị làm tôi thấy xót xa. Phải chăng người ta bảo hy sinh đời bố củng cố đời con là đây. nhưng liệu tương lai các em sẽ về đâu khi cái vốn chỉ là mấy con chữ ghi chưa rõ họ tên mình.

H7

Phía bên kia ngôi nhà, là khu nghĩa trang với những ngôi mộ thật lớn. Chị bảo, ở đây người ta xây mộ thật to, bởi lẽ cả một đời người lang thang đây đó, sống chật vật, lây lất, khi chết xuống, coi như đã trả xong cái nợ trần để về với tổ tiên, phải có cái nhà lớn để mừng đã giải thoát.

Tạm biệt người phụ nữ, mẹ của năm đứa con mà tôi quên hỏi tên, một chút quà nhỏ chứa lòng thành của tôi cũng chẳng đắp đổi được gì cho chị, cái nghèo và sự lẩn quẩn nơi đây khiến cho tên tuổi hình như chẳng còn ý nghĩa gì thì phải?!

H6

UC