Ngày xưa, nói là ngày xưa chứ cũng mới đây, vào thời bao cấp, các thầy giáo văn ở Điện Bàn hay ra câu đối: “Đến Gò Nổi cầm nồi gõ gọi Gò Nổi” và thách học sinh nào đối được thì cho 10 điểm. Sau này có người đối “Qua Cù Mông, cồng mu đọc Cù Mông”. Nhưng hình như không những được điểm mà anh học trò này còn bị trừ điểm kiểm tra vì câu đối bị cho là “tục tĩu”! Chuyện này trở thành điển cố mỗi khi đến thăm Gò Nổi…
Gò Nổi thuộc huyện Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam, gồm ba xã: Ðiện Phong, Ðiện Quang và Ðiện Trung. Ba địa danh này chỉ có từ sau 75 để thay cho những tên xã có trước 75 như xã Phú Lộc, xã Phú Phong, xã Phú Tân, xã Phú Mỹ…

Ba xã Gò Nổi hoàn toàn tách biệt với bên ngoài bởi Gò Nổi là cồn đất nổi lên giữa sông Thu Bồn. Tại Giao Thủy sông Thu Bồn chia thành hai nhánh bao quanh Gò Nổi và hợp lưu tại Câu Lâu, nơi có làng bê thui Cầu Mống và Tiệm Rượu.
Nói chung là Gò Nổi nằm tách biệt, muốn ra bên ngoài thì phía Ðông phải qua cầu Ðen đến đất Duy Xuyên rồi vòng về Ðiện Bàn, phía Tây qua cầu Kỳ Lam, cầu tàu lửa có thêm hành lang cho người đi bộ. Cả hai cây cầu này đều bắc qua dòng nước sâu thăm thẳm, có thể nói là đoạn sâu nhất sông Thu Bồn. Và còn một đường khác để sang Ðại Lộc, đó là đi qua đò Bến Dầu.


Có lẽ do đặc điểm địa lý khá hiểm hóc và đặc biệt này cộng với thời tiết, khí vận tốt mà đất Gò Nổi từ xưa đến giờ đều có những danh sĩ, những người học hành xuất chúng. Như lời của một nhà thơ gốc Gò Nổi, không muốn nêu tên (vì ông tự hào về Gò Nổi một cách đặc biệt!): “Gò Nổi là đất của nhân tài, từ Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Phạm Liệu, Phạm Hầu cho đến bây giờ là Giáo sư Trần Văn Thọ, cố vấn cấp cao của Chính phủ Nhật đều là người Gò Nổi, ông Thọ là người gốc Gò Nổi nhưng tuổi thơ thì sống ở Ðiện Thọ…”.
“Ðời sống ở đây bây giờ thấy cũng khá, người làm ruộng nhiều không anh?”.

“Người làm nông cũng nhiều lắm, chủ yếu là làm nông, trồng dâu nuôi tằm, trồng mía, trồng đậu và dưa hấu. Nói thật là anh hỏi như vậy tôi cũng ngầm hiểu ý anh chứ không phải không hiểu, tôi cũng cố tình khỏa lấp thôi. Chứ trước 1975 thì Gò Nổi mới hồn vía, còn bây giờ thì nát cả rồi anh ơi! Bởi vì Cộng sản nằm vùng ở đây nhiều lắm. Ở đây chủ yếu là dân đảng viên, bây giờ họ chiếm số đông, còn lại thì làm nông, cũng có mấy tay chuyên làm nghề cúng bái. Cứ ở đâu có Cộng sản thì ở đó có cùng bái tá lả… Mà bây giờ thì Gò Nổi có thể gọi là Gò Cộng, vì thời trước 1975, vùng này thuộc diện vùng mất an ninh, xôi đậu, dân muốn hay không thì cũng thành Cộng sản thôi!”.
“Những gia đình nông dân họ sống ra sao anh?”
“Thực ra nói thì nhiều Cộng sản là nhiều hơn so với nơi khác, chứ còn không phải ai cũng Việt Cộng cả đâu, vẫn có nhiều người làm việc cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, bây giờ họ ở Mỹ hoặc các nước tự do khác hết rồi. Dân đen thì làm ruộng, đời sống ở đây cũng đều đều vậy đó, chẳng có gì khởi sắc. Làm ruộng thì đủ ăn thôi. Nhưng mà con nít hư hỏng bây giờ nhiều lắm! Ở đây còn một làng chài lâu năm, sống lây lất bên bờ Nam Thu Bồn, chút anh tới thăm rồi biết”.
Tạm biệt nhà thơ này, tôi tìm đến làng chài nằm cạnh cầu Ðen. Một làng chài nhỏ chừng 10 gia đình sống quây quần bên một đoạn sông chết. Chủ yếu là đi đánh cá dưng, cá mè, cá chép và cá leo trên sông. Những người già thì đi xúc hến, mấy đứa trẻ thì ngồi lục cơm. Có đứa cầm nồi gõ gõ nhưng không phải hát. Thấy lạ, tôi hỏi một bà cụ: “Bà ơi, cháu nó làm chi vậy bà?”.
“À, hết cơm thì nó gõ nồi kêu ba mẹ nó về đó. Thời tụi tôi còn trẻ, cứ trước khi đi mượn gạo nhà hàng xóm thì cầm nồi gõ ba hồi để hàng xóm biết. Nhà nào đồng ý cho mượn thì cầm nồi lên gõ lại hai hồi. Chuyện này thành nếp thời tụi tôi”.

“Bây giờ còn chuyện đó không bà?”.
“Còn, nhưng chỉ có con cái đói bụng thì cầm nồi gõ khi cha mẹ chúng đi đánh cá, không có ai ở nhà, hàng xóm sẽ mang cơm sang cho ăn. Ở đây sống gần gũi và thân thiện với nhau như vậy đó!”.
Nghe đến đây, tôi ngờ ngợ về cái gốc của câu đối “Lên Gò Nổi cầm nồi gõ gọi Gò Nổi”. Nếu thực sự câu đối này có nguồn gốc từ thói quen tương trợ lẫn nhau của những người dân Gò Nổi thì quá hay, cậu học trò ngày xưa bị trừ điểm kiểm tra cũng dễ thông cảm cho thầy giáo của mình.
Tiếp tục lang thang Gò Nổi, thăm mộ cụ Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, những ngôi mộ đã khác xa thời trước đây hai mươi năm tôi lên thăm. Trước đây hai mươi năm, những ngôi mộ này được xây theo kiến trúc cổ pha kiến trúc Pháp, không quá lớn, quá chiếm diện tích như bây giờ. Và những cánh đồng chung quanh khu lăng mộ cũng cho cảm giác thơ mộng, hiền hòa hơn bây giờ rất nhiều.

Gặp một người đi cắt cỏ cho bò, tôi hỏi thăm: “Mộ này sửa bao giờ vậy chú?”.
“Ồ, họ sửa lâu rồi, trong chương trình thi đua làng văn hóa, thôn văn hóa rồi xác lập danh nhân gì đó í mà!”.
“Chú ở gần đây không? Nhà chú nuôi mấy con bò?”.
“Nhà tôi thì chỉ nuôi một con dưỡng già thôi, nhưng tôi đi cắt cỏ cho ông bạn của tôi, ổng cũng nuôi một con nhưng không đi cắt cỏ được”.
“Bạn chú bận?”.
“Không, ông ấy bị bệnh, có hai đứa con trai và một đứa con gái, đứa con gái có chồng xa, nghèo lắm, hai đứa con trai thì một đứa bị bại liệt đã lâu, đứa còn lại bị tai nạn xe Tết năm ngoái đến nay, vợ ổng thì bị huyết áp cao, không làm được gì cả!”.

Nghe vậy, tôi nhờ ông Thung (tên người cắt cỏ vừa trò chuyện) dắt đến thăm nhà ông bạn của ông. Một căn nhà cấp bốn tuềnh toàng nhìn ra khu nghĩa trang, bên kia nghĩa trang là sông Thu Bồn, nghĩa là chủ căn nhà cấp bốn này chọn mảnh đất rẻ nhất, không ai dám động tới để làm nhà.
Chủ nhà là một người đàn ông trạc 60, từng là bộ đội chiến trường Campuchia, bị thương sốt rét rừng, sau đó co giật và rút cơ, không thể đi lại bình thường. Nhưng ông không được hưởng chế độ thương binh. Nhà ông chỉ được xếp diện nghèo. Hai đứa con trai của ông mỗi đứa một giường nằm bên trong, bà vợ đang đi giặm lúa thuê cho nhà hàng xóm. Nhà có bốn miệng ăn nhưng chỉ một lao động. Tự dưng buổi chiều như xám lại. Ngồi một lúc, hỏi thăm một hồi rồi cũng chẳng biết nói chuyện gì, tôi tặng chủ nhà một chút tiền ít ỏi trong túi rồi tạm biệt.
Gò Nổi sau hai mươi năm trở lại, mọi thứ dường như to lớn hơn và cờ xí nhiều hơn. Nhưng đâu đó những phận nông dân nghèo khổ, không thân thế trở nên nhỏ nhoi và cô đơn hơn. Và tiếng trẻ cầm nồi gõ gọi Gò Nổi cũng có chút gì đó heo hút, bất định đến khó tả!
HL