Rác có nhiều loại. Loại nào cũng có thể biến nó thành “vàng” nếu được khai thác và tích hợp sẽ thành giá trị lớn. Thậm chí, chất thải con người cũng có thể phân chất để đãi ra vàng và những kim loại quý khác. Một nghiên cứu tại Đại học Denver cho thấy, chất thải từ 1 triệu người ở Hoa Kỳ mang lại giá trị kinh tế đến 13 triệu đô, đó là chưa kể đến rác thải rắn mang lại lợi nhuận kinh tế lên đến vài chục tỷ đô la. Còn trên toàn thế giới thì sao? Vậy mà người ta vẫn tiếp tục ca thán… rác đang đe dọa bao trùm lấy hành tinh.

Sản xuất càng phát triển, các nhu cầu tiêu dùng của con người càng được đáp ứng đầy đủ thì những thứ rác do con người thải ra càng nhiều. Lượng rác càng nhiều chứng tỏ quốc gia đó có mức sống cao. Tính trên đầu người, mỗi ngày người dân Hoa Kỳ thải ra khoảng gần 1kg rác. Anh, Pháp, Ðức, Nhật trung bình 0.5kg/đầu người. Trung Quốc – nền kinh tế thứ hai trên thế giới với dân số trên 1.3 tỉ người, có số lượng rác thải ngang bằng nước Mỹ do đất nước này là một công xưởng lớn nhất thế giới sản xuất đủ loại hàng hóa và cũng là nước có lượng chất thải rắn độc hại nhất thế giới.

Một thống kê của Bộ Môi trường Pháp cho thấy mức tăng rác thải các loại với tốc độ chóng mặt so với lượng dân số tăng mỗi năm. Năm 1979, người Pháp thải 14 triệu tấn rác sinh hoạt, năm 1990 (18 triệu), 2000 (25 triệu), 2010 (30 triệu). Rác tại Pháp, cách đây hai ba thập kỷ, là nỗi ám ảnh của cư dân các thành phố lớn buộc chính phủ phải ra đạo luật về giải quyết nạn rác thải. Tuy vậy, hiện nay tại thành phố Monsalim vẫn còn tồn tại một bãi rác khổng lồ, chứa 500 tấn, bốc mùi hôi thối, nhà dân cách đó mấy cây số phải đóng chặt cửa suốt ngày đêm. New York, một thành phố lớn tại Hoa Kỳ có số lượng rác thải mỗi ngày cao nhất thế giới trung bình gần 3kg/đầu người. Các chuyên gia môi trường cho biết, rác tại New York nếu không giải quyết trong vòng 10 năm, rác tràn ngập khắp thành phố và chất cao bằng tượng Thần Tự Do. Ở Tokyo, người ta phải lập một bãi chôn rác rộng 200 hécta trên đảo Yumenoshima, quây xung quanh bằng các con đê thép cao 45m, móng ngập sâu xuống đáy biển.
Các nước kém phát triển hơn, trung bình đầu người có số rác thải khoảng 0.5kg/ngày. Tuy ít nhưng việc tiêu hủy gặp nhiều khó khăn do phải đầu tư thiết bị tốn kém và chưa đủ khả năng tìm vàng trong rác, chỉ ở mức tái chế hoặc làm phân bón. Dân Cairo (Ai Cập) trước đây từng có thời gian dài người ta vứt rác lên nóc nhà để gió cuốn bay. Cách cho rác di cư này cũng là một biện pháp khiến các nước phát triển như Ðức, Thụy Sĩ áp dụng cho rác di cư sang Pháp. Lý do: Tiền đổ rác qua Pháp rẻ bằng nửa tiền nếu tiêu hủy tại chỗ. Châu Phi được mệnh danh là “bô rác thế giới” vì nhiều nước phát triển mang rác sang đổ với cái giá cho thuê đất và tiền công đốt rẻ mạt chỉ 20cent/tấn trong khi nếu mang sang Pháp giá 1.5USD/tấn. Nhiều nước châu Phi phải hứng chịu cả rác độc hại, chứa đồng, chì và thủy ngân, thậm chí là chất phóng xạ.

Cuối thế kỷ 20, việc tiêu hủy rác tại nhiều nước đang phát triển còn chưa giải quyết một cách hoàn thiện. Rác được đem chôn xuống đáy biển sau khi tái chế một phần. Rác được ép thành khối như bê tông, phủ lớp chống rò rỉ, tiết kiệm được khá nhiều tiền nhưng phát sinh thảm họa môi trường. Người ta tìm thấy nhiều sinh vật biển và hải sản chết hàng loạt, san hô bảo vệ môi trường sinh thái biển biến dạng chết dần. Không chỉ thế, chất độc hại do rác rò rỉ ra trong môi trường nước biển ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống gần đó. Có nhiều vụ ngộ độc chết người do ăn cá biển chứa chất độc. Ngay cả khí hơi của những bê tông rác xì ra đã làm chết một số thợ lặn hít phải tại vùng biển Hắc Hải.
Cách tiêu hủy khác là đốt. Cách này thu nhỏ thể tích rác còn 10%. Tuy nhiên, khói đốt gây ô nhiễm, lượng tro tích tụ lâu ngày cần phải có các phương tiện và thiết bị giải quyết tốn kém. Trong rác có những thứ đốt không cháy hết, vỏ xe, mảnh vụn kim loại, chưa có biện pháp tái chế hoàn toàn. Chất thải còn lại vẫn tiếp tục chất đầy và chưa có cách tận dụng.
Các nhà khoa học môi trường thế giới nghiên cứu về rác đưa ra 2 chiến lược:
Một. Các nhà sản xuất phải đổi mới cung cách chế tạo sản phẩm và bao bì. Hầu hết rác các loại, bao bì chiếm 50% cho việc tái chế làm tiêu tốn thêm tiền bạc. Hạn chế việc sản xuất bao bì khó tự hủy.

Ðan Mạch đi đầu trong việc hạn chế sản xuất đồ uống chứa trong lon nhôm và nhựa PVC. Ðức bắt buộc các hãng sản xuất đồ uống nhận lại bao bì lon nhôm hoặc nhựa để công ty tái chế. Thụy Sĩ cấm nhập PVC, nhiều hãng sản xuất kem đánh răng dùng trong nội địa không sử dụng hộp giấy. Ðiều này mất tính thẩm mỹ trong kinh doanh nhưng dần dần được dân chúng ủng hộ, tiết kiệm được giấy và khỏi phải mất công tháo hộp. Ở Ðức, các đĩa đựng thức ăn trên xe lửa thay vì làm bằng giấy phải thay bằng loại đĩa làm bằng bột, sau khi dùng xong thu lại biến thành bột thức ăn gia súc. Các hãng xe Mercedes, Open, Volkswagen, BMW có thể sử dụng lại các bộ phận xe khi hết tuổi thọ.. Tuy nhiên việc hạn chế sử dụng các loại bao bì khó tiêu hủy chỉ là phần nhỏ trong rác.
Hai. Trong rác còn nhiều thành phần cần phải tái chế, phân loại, thu gom những thứ có giá trị hơn là việc hạn chế trong việc nghiên cứu sản xuất bao bì sao cho phù hợp môi trường. Tái chế rác thải rắn là một ngành công nghiệp quan trọng trong việc giải quyết hàng núi rác để lọc vàng.
Mỹ từ lâu đi đầu trong lĩnh vực tái chế các loại rác rắn và rác thải vệ sinh của con người. Các chuyên gia môi trường cho rằng có từ 25% đến 30% những thứ từ rác có thể sử dụng lại trong khi hiện nay tại Pháp chỉ mới thực hiện được 4%, Ðức 8% và Hoa Kỳ 20%. Công ty tái chế rác WMI (Waste Management Illinois) được xem là một trong những công ty rác lớn nhất thế giới. Công ty WMI có đến 40,000 nhân viên, trong đó 800 nhà khoa học, vật lý, hóa học làm việc và điều hành 500 chi nhánh khắp thế giới. Công ty xây dựng bãi thu gom rác rộng 180 mẫu tây cách Chicago 40 dặm thu gom mỗi ngày 12,000 tấn rác. Bãi rác này sạch sẽ, chôn lấp, phân loại được xếp hạng môi trường số một. Công ty thành lập từ năm 1968 bao thầu hơn 160 bãi rác ở nhiều tiểu bang và có nhiều hợp đồng giải quyết rác tại chỗ cho các nước trên thế giới với doanh số lên đến 60 tỉ USD.

Ngoài rác thải rắn công nghiệp, rác thải mềm cũng là một “tài nguyên” không hề thua kém rác thải rắn. Các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu Hiệp hội Hóa chất Mỹ (ACS) tại Denver trong cuộc họp môi trường lần thứ 249 cho biết hàm lượng vàng thu được trong các hệ thống lọc nước thải của con người tương đương mức thấp so với hàm lượng các mỏ khai khoáng kim loại quý hiếm. Không chỉ có vàng mà bạc, palladium và vanadium cũng được tìm thấy. Vanadium và đồng có giá trị trong công nghệ được dùng trong điện thoại, máy tính.
Nhóm nghiên cứu ước tính có khoảng 7 triệu tấn chất thải rắn được thải ra từ các nhà máy lọc nước thải ở Hoa Kỳ hằng năm. Phân nửa trong số đó chế biến thành phân bón, phân nửa bị đốt hoặc dùng để lấp đất. Tuy vậy, điều đáng lưu ý là các kim loại trên đều là các kim loại nặng, không tốt cho môi trường, nên việc tái sử dụng dưới các mục đích trên đều có thể gây ra các tác hại xấu. Báo cáo này chỉ ra rằng việc tách lọc chúng không chỉ mang lại những giá trị kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Ngành công nghiệp giải quyết rác thải và tái chế phế liệu đang mang lại hàng chục tỷ USD cho nền kinh tế của Mỹ và vài trăm tỷ USD trên toàn cầu. Rác mang lại việc làm cho hàng chục ngàn công nhân. Rác cũng là nguồn tài nguyên quan trọng cho những quốc gia biết cách sẽ biến nó thành vàng chứ không phải nỗi lo ô nhiễm môi trường như hàng chục năm trước.

NL – Theo Waste on the World