Thế Vận Hội Mùa Hè bước sang tuần thứ 2 có thể nói vẫn đang là sự kiện thu hút nhiều chú ý nhất trên thế giới. Hằng tỉ khán giả khắp hoàn cầu có dịp chứng kiến không ít chuyện vui bên lề thể thao.
Chẳng hạn như trong cuộc diễn hành Lễ Khai Mạc TVH, phái đoàn lực sĩ Hy Lạp, quê hương Olympic, luôn đi đầu, và phái đoàn nước chủ nhà luôn đi sau chót, như trường hợp Brazil kỳ này. Chuyện nữ lực sĩ Oksana Chusovitina người Uzbekistan lần thứ 7 tranh tài Olympic ở tuổi 41 cũng nhận được rất nhiều ngưỡng mộ. Ngược lại, tay bơi nữ Gaurika Singh của Nepal năm nay chỉ mới 13 tuổi là lực sĩ trẻ nhất TVH. Mời bạn điểm lược vài thông tin bên lề do Trẻ sưu tầm.

QUỐC GIA GIÀU THÀNH TÍCH NHẤT
Nếu tính chung cả TVH Mùa Hè và Mùa Ðông thì thể thao Hoa Kỳ đến nay giành khoảng 2,700 huy chương các loại, trong đó có chừng 1,100 vàng. Xếp thứ nhì là Nga sô (lần cuối góp mặt tại Olympic Seoul 1988) chỉ được khoảng một nửa là 1,204 huy chương trong đó có 473 vàng. Kế tiếp là Anh, Ðức, Pháp với trên dưới 800 huy chương TVH. Riêng Summer Olympic, cũng không có nước nào khác từng đoạt nhiều huy chương hơn Hoa Kỳ, vì cho đến nay, lực sĩ USA đã chiếm trên 2,100 huy chương các loại. Riêng kỳ TVH Rio 2016 đến thời điểm trang báo này lên khuôn, Team USA đang dẫn đầu chắc chắn với 72 huy chương (26 vàng, 22 bạc, 24 đồng). Khi số báo tuần này đến tay bạn, chắc chắn con số huy chương cho Hoa Kỳ còn cao hơn nữa!

QUỐC GIA ÍT THÀNH TÍCH NHẤT
Việt Nam không phải là quốc gia với thành tích khiêm tốn nhất. THV Rio 2016 vừa chứng kiến người Việt đầu tiên giật huy chương vàng Olympic là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Tổng cộng đến nay VN có 4 huy chương: 1 vàng (bắn súng), 3 bạc (bắn súng, võ Taekwondo và cử tạ). Trong khi đó, vẫn còn nhiều tiểu quốc đến nay chưa một lần đoạt huy chương Olympic, như Angola (Phi Châu), Albania (Âu Châu), Cambodia (Á Châu), Bolivia (Mỹ Châu)… Xứ đông dân nhất đến nay chưa hề có người bước lên bục nhận huy chương TVH là Bangladesh với dân số 171 triệu người (nhiều hàng thứ 8 trên thế giới).

BƠI LỘI – MỎ VÀNG CỦA HOA KỲ
Trên thế giới, các lực sĩ thể dục nghệ thuật Gymnastic thường có cơ hội giành nhiều huy chương TVH nhất vì trò này có nhiều môn thi khác nhau cho cá nhân lẫn đồng đội. Với riêng Hoa Kỳ thì trò bơi lội lại mang về nhiều huy chương nhất. Khán giả thể thao đang chứng kiến một tên tuổi đặc biệt trên đường đua xanh là nam kình ngư Michael Phelps, người chiếm giữ nhiều huy chương nhất xưa nay với tổng cộng 27 chiếc, trong đó có 22 huy chương vàng (người xếp kế chỉ có 9 huy chương vàng là Larisa Latynina trong đội Gymnastic của Nga sô thời 1956–64). Ngoài Michael Phelps, các kình ngư chiếm đến 8 trong 10 lực sĩ Hoa Kỳ giật nhiều huy chương TVH Mùa Hè nhất từ trước đến nay (mỗi kình ngư từ 10 đến 12 huy chương). Hai lực sĩ còn lại là xạ thủ Carl Osburn với 11 huy chương (TVH 1912-1920-1924) và tay chạy đua nước rút Carl Lewis với 10 huy chương (TVH 1984-1988-1992-1996).

LỢI THẾ CHO CÁC KÌNH NGƯ
Bơi lội xưa nay vốn là sở trường của Hoa Kỳ mà lại là 1 trong 2 trò chơi chánh tại TVH Mùa Hè, với rất nhiều cơ hội giành huy chương. Trong khi các trò chơi đồng đội như đá banh, banh rổ, banh chuyền… chỉ được tính 1 huy chương duy nhất, thì tại TVH Rio 2016 lần này, chỉ riêng bơi lội đã có 102 bộ huy chương cho cả nam lẫn nữ, cá nhân lẫn đồng đội. Các kình ngư dễ kiếm nhiều huy chương vì có thể ghi danh tranh tài các thể loại bơi khác nhau (bơi bướm Butterfly, bơi sải Freestyle, bơi ngửa Backstroke, bơi ếch Breaststroke, bơi hỗn hợp Medley), ở các khoảng cách khác nhau, và cả bơi tiếp sức Relay. Bất kỳ tay bơi nào từng góp mặt trong một đội thi bơi tiếp sức––thậm chí dù chỉ bơi các vòng ngoài không phải chung kết––cũng được trao huy chương chung cuộc. Thêm vào đó có những người dự nhiều kỳ Olympic thì số huy chương theo đó mà tăng lên. Trường hợp 27 huy chương TVH của cá nhân kình ngư Michael Phelps thu thập qua 4 kỳ Olympic 2004-2008-2012-2016.

LỰC SĨ GIÀ NHẤT
Nữ lực sĩ Oksana Chusovitina lần thứ 7 tranh tài Olympic ở tuổi 41 là người lớn tuổi trong làng thể dục nghệ thuật Gymnastic tại Rio 2016, vì hầu hết đối thủ còn ở tuổi “teen” hoặc đôi mươi, và số lẻ ở tuổi “băm”. Cô đại diện cố quốc Uzbekistan dù sanh sống ở Ðức đã nhiều năm. Nhưng Oksana Chusovitina chưa phải là lực sĩ… già nhất tại kỳ TVH lần này. Một người khác cũng 41 tuổi là tay đua Meb Keflezighi của Team USA Marathon. Tay đua nữ người Anh Jo Pavey năm nay 42 tuổi chuyên trị đường dài 5,000m và marathon. Và lực sĩ cao tuổi nhất là Mary Hanna 61 tuổi là nài ngựa người Úc.

LỰC SĨ TRẺ NHẤT
Người nhỏ nhất là nữ kình ngư Gaurika Singh 13 tuổi người Nepal tranh tài môn bơi ngửa 100m. Có 2 lực sĩ tuổi 16 đều của Hoa Kỳ là Kanak Jha (trò banh bàn ping-pong) và Sydney McLaughlin trong môn điền kinh. Một lực sĩ trẻ Hoa Kỳ chưa đến tuổi đôi mươi đang gặt hái thành công vang dội là nữ kình ngư Katie Ledecky năm nay 19 tuổi nhưng đã giật 4 vàng 1 bạc, chưa kể 1 huy chương vàng TVH London 2012.

LỰC SĨ THẤP NHẤT VÀ CAO NHẤT
Huy chương vàng toàn năng trong môn thể dục nghệ thuật, nữ lực sĩ Simone Biles của Hoa Kỳ là người có chiều cao khiêm tốn nhất: 4’8” hay 142 cm. Dù nhỏ con nhưng Simone Biles lại là người… khổng lồ trong làng Gymnastic nữ thế giới vì chiếm hữu con số kỷ lục 10 huy chương vàng tại các giải vô địch thế giới World Championship trong các năm 2013-2014-2015. Còn 2 tay ném banh rổ của Team USA là DeMarcus Cousins và DeAndre Jordan thuộc vào hàng cao nhất tới 6’11” (2m10).

SO SÁNH BẠN VÀ LỰC SĨ OLYMPIC
Nếu bạn muốn thử so sánh mình cao thấp to nhỏ như thế nào so sánh với giới lực sĩ, có thể dùng trang web sau đây của đài BBC: www.bbc.com/sport/olympics/36984887. Sau khi nhận thông tin của bạn, máy tính sẽ so sánh với hơn 10,000 lực sĩ hiện đang tranh tài tại TVH Rio 2016 để xem ai có vóc dáng… giống bạn nhất. Good luck!
TTD