Tháng 6 vừa qua, một số bản tin trên báo chí cho biết có một nhóm tin tặc đã đột nhập được vào hệ thống điện toán của Ủy ban Tranh cử đảng Dân chủ và đánh cắp nhiều tài liệu nội bộ liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống năm nay.
Bước qua Tháng 7, ngay trước Ðại hội Toàn quốc đảng Dân chủ diễn ra tại Philadelphia, tổ chức WikiLeaks đã đưa lên trang mạng của họ một số điện thư trao đổi giữa các giới chức của đảng Dân chủ cho thấy họ đã thiên vị với ứng cử viên Hilary Clinton và điều này đã làm những cử tri ủng hộ Bernie Sanders nổi giận, đồng thời WikiLeaks còn đưa lên mạng một số thông tin làm nhiều nhà tài trợ tranh cử của đảng Dân chủ cũng như một số giới chức của đảng bối rối không ít, và hậu quả của vụ tin tặc này đã đưa đến việc từ chức của chủ tịch đảng Dân chủ là nữ Dân biểu Debbie Wasserman Schultz.
Tuần qua, một bản tin của tờ New York Times nói rằng cuộc tấn công tin tặc nhắm vào các chính trị gia của đảng Dân chủ lớn hơn lúc đầu dự tưởng và nhóm tin tặc đã đột nhập được vào hộp thư điện tử của hơn 100 giới chức và tổ chức của đảng Dân chủ. Ngoài hộp thư cá nhân của các viên chức nằm trong ủy ban tranh cử của bà Hillary Clinton cũng như hệ thống điện toán của Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ thì những tổ chức khác như Ủy ban Tranh cử Quốc hội đảng Dân chủ và Hiệp hội Thống đốc đảng Dân chủ có thể cũng đã bị ảnh hưởng bởi những cuộc tấn công tin tặc này.

Phía đảng Dân chủ cho biết họ đang chờ đợi có thể một loạt những tài liệu nội bộ có khả năng gây thiệt hại và bối rối cho một số giới chức cao cấp của đảng Dân chủ sẽ được tung ra trước ngày bầu cử tổng thống vào đầu Tháng 11 này, trùng hợp với lời tuyên bố của tổ chức WikiLeaks trong thời gian vừa qua.
Nhiều cơ quan tình báo Hoa Kỳ nói rằng họ “tin chắc” cuộc tấn công tin tặc này là việc làm của các cơ quan tình báo của chính phủ Nga. Lời tuyên bố này đã làm tăng thêm sự nghi ngờ của nhiều người cho rằng có những âm mưu quốc tế đang cố tình lũng đoạn vào cuộc tranh cử tổng thống hiện trong tình trạng đã hết sức hỗn loạn.
Sử dụng tin tặc để tấn công vào hệ thống máy điện toán của đối phương, và thậm chí của đồng minh nữa, là một trong những công việc của ngành tình báo trong thời đại điện tử. Nhưng sử dụng tin tặc để thu lượm tin tức tình báo và sử dụng tin tặc để cố tình gây ảnh hưởng lên kết quả bầu cử là hai việc làm hoàn toàn khác nhau.
Nếu chứng thực được những điều mà các giới chức an ninh tình báo tin tưởng rằng chính điện Kremlin phải chịu trách nhiệm về vụ đột nhập vào hệ thống máy điện toán của đảng Dân chủ và cho rò rỉ những tài liệu này ra ngoài thì đây là lần đầu tiên một chính phủ ngoại quốc đã cố tình can thiệp vào cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ ở cấp độ lớn như thế.
Câu hỏi là nếu cơ quan điều tra Hoa Kỳ trưng ra được bằng chứng cho thấy quả thật chính phủ Nga có liên quan đến vụ tấn công tin tặc này thì phía Hoa Kỳ sẽ phải trả đũa ra sao?
Tháng Giêng 2015, để trả đũa vụ tấn công tin tặc của chính phủ Bắc Hàn vào công ty Sony Pictures, chính phủ Obama đã đưa ra một số lệnh trừng phạt kinh tế mới lên quốc gia này, bao gồm việc cấm 10 giới chức cao cấp và ba cơ quan của chính phủ Bắc Hàn không được phép sử dụng hệ thống tài chánh của Hoa Kỳ như ngân hàng và hệ thống chuyển tiền trong các vụ trao đổi buôn bán với những quốc gia khác.

Hoặc Hoa Kỳ có thể truy tố những giới chức làm việc cho cơ quan tình báo quốc ngoại của Nga, nếu chính phủ Hoa Kỳ nắm được bằng chứng rằng họ có liên quan đến vụ tấn công. Việc làm này tương tự như trường hợp vào Tháng 5, 2014, khi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ truy tố 5 sĩ quan thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vì đã đánh cắp những bí mật thương mại và thông tin nội bộ nhạy cảm từ một số công ty của Mỹ.
Việc trả đũa này mặc dù chỉ là hình thức chứ trên thực tế không chắc là 5 sĩ quan Trung Quốc trên sẽ bị bắt và bị đưa ra hầu toà, nhưng vụ truy tố cho phép Hoa Kỳ sử dụng các đòn ngoại giao và tài chánh để tạo áp lực buộc Bắc Kinh phải ngưng lại những trò bẩn này.
Hoặc một cách trả đũa khác nữa là Hoa Kỳ có thể dùng lửa để trị lửa bằng cách sử dụng tin tặc tấn công vào hệ thống điện toán của chính phủ Nga và cho rò rỉ những tài liệu đánh cắp này, bởi vì dù sao chính phủ Nga dưới quyền của Putin có thể nói là hoạt động thiếu minh bạch và do đó những tài liệu quốc gia bí mật và nhạy cảm có khả năng sẽ gây thiệt hại nhiều hơn.
Tuy nhiên, trước khi có thể đưa ra những cuộc trả đũa trên thì Hoa Kỳ cần phải chứng minh rằng chính phủ Nga thật sự có liên quan đến vụ tấn công tin tặc – và đây là công việc không dễ.

Tuy nhiên, điều mà nhiều chuyên gia về tin học lo sợ là nếu Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ có thể bị tin tặc tấn công, thì liệu hệ thống máy điện toán sử dụng trong ngày bầu cử có thể là bước kế tiếp?
Một số cơ quan tình báo Hoa Kỳ cho rằng vụ tấn công tin tặc là âm mưu của chính phủ Nga nhằm gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử ở Mỹ, và nay thì Bộ Nội an và các nhà làm luật đang được cảnh báo là có nhiều khả năng một chính phủ ngoại quốc hoặc một số tổ chức độc lập đang tìm cách tấn công vào hệ thống bầu cử.
Có ba hệ thống điện toán có nhiều khả năng bị tấn công nhất: hệ thống điều hành bầu cử mà các giới chức thành phố và quận hạt sử dụng để tổ chức (và đôi khi để kiểm phiếu) bầu cử, hồ sơ ghi danh bầu cử trên mạng, và các máy bỏ phiếu điện tử. Tuy nhiên, nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu tin tặc tấn công xảy ra là những tiểu bang và quận hạt sử dụng hệ thống bỏ phiếu điện tử mà không cần đến phiếu bầu bằng giấy để lưu lại.
Trong những tiểu bang đó có Texas và những tiểu bang ngang ngửa (swing states) như Pennsylvania và Virginia.
Bộ Nội an hiện thời chỉ định 16 khu vực được cho là hạ tầng cơ sở quan yếu đối với an ninh quốc gia, trong đó bao gồm quốc phòng, tài chánh và ngành công nghiệp hoá chất. Ðể đổi lại, những khu vực này phối hợp với Bộ Nội an và thực hiện phương sách bảo vệ và ngăn chặn các vụ tấn công vào hệ thống máy điện toán của họ.
Nhưng hệ thống bầu cử lại là một vấn đề khác vì chính phủ liên bang có rất ít quyền hạn đối với hệ thống này. Kể từ khi quốc gia Hoa Kỳ được thành lập, luật bầu cử vẫn để cho chính phủ tại các thành phố, quận hạt và tiểu bang tự điều hành. Trên toàn quốc Hoa Kỳ hiện có khoảng 9,000 khu vực pháp lý chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc bầu cử, và họ sử dụng nhiều máy bỏ phiếu và thể thức bầu cử khác nhau.
Mặc dù Ủy ban Hỗ trợ Bầu cử của chính phủ liên bang đưa ra một số tiêu chuẩn căn bản cho các máy bỏ phiếu, nhưng việc áp dụng những tiêu chuẩn này là hoàn toàn tự nguyện. Hiện có tới 20 tiểu bang không có luật lệ để hệ thống hoá những tiêu chuẩn này.
Năm 2007, Ủy ban Thương mại Liên bang đã chứng minh cho quốc hội thấy một số máy bỏ phiếu có khả năng bị tin tặc tấn công dễ dàng. Những loại máy này hiện nay vẫn được sử dụng ở nhiều nơi khắp Hoa Kỳ và thuộc loại cũ kỹ, chạy trên hệ thống điều hành Windows XP mà kể từ năm 2014 vẫn chưa được nâng cấp.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là nhờ ở sự tạp nhạp của nhiều hệ thống máy bỏ phiếu khác nhau đó mà một cuộc tấn công tin tặc dù được phối hợp chặt chẽ nhắm vào cơ sở hạ tầng bầu cử để thực hiện thành công là cực kỳ khó khăn. Ðể tấn công các máy bỏ phiếu trong ngày bầu cử, bằng cách này hay cách khác, người ta bắt buộc phải đột nhập vào từng hệ thống đơn lẻ tại các phòng phiếu, và để làm được việc này thì cần có một đội ngũ nhiều trăm nếu không muốn nói nhiều ngàn các tay tin tặc.
Nói thì nói thế nhưng sự lo ngại của các giới chức an ninh về một vụ tấn công như trên không phải là không có cơ sở.
VH