Cứ mỗi 4 túi thực phẩm chúng ta mua thì có một không dùng tới. Nhân số đó lên cho cả nước thì kết quả là 40% số thực phẩm sản xuất tại Hoa Kỳ kết thúc cuộc đời trong thùng rác.
Không thể chỉ đổ tội cho những thực đơn mà bạn chưa nấu. Phí phạm xảy ra ngay từ chuỗi sản xuất – từ các nông trại cho đến những nơi chế biến, từ các tiệm bán thực phẩm tới các nhà hàng ăn uống. Nhưng nơi đáng kể nhất là trong các gia đình.
Bạn có lẽ phải trả giá nhiều cho những phí phạm như thế. Một gia đình 4 người trung bình mất đi $1,500 một năm cho những thực phẩm bỏ đi. Nhưng thiệt hại gây ra còn có tính cách toàn cầu: biết bao nhiêu nước, năng lượng và lao động đã bỏ ra để trồng tỉa, đóng gói và chuyên chở thực phẩm mà chúng ta bỏ phí không ăn. Hơn nữa, thực phẩm hư hoại đó khi chồng chất trong các bãi rác sẽ phân hủy, sinh ra khí nhà kiếng methane.
Vấn đề này trở thành nghiêm trọng tới nỗi năm ngoái Bộ Nông nghiệp và Cơ quan Bảo vệ Môi trường đã tuyên bố mục tiêu giảm thiểu chất thải đầu tiên của Hoa Kỳ là giảm phí phạm thực phẩm xuống còn 50% vào năm 2030. Hai dân biểu Quốc hội mới đưa ra dự luật Food Date Labeling Act, và nếu được ban hành sẽ lập ra một hệ thống ghi ngày trên bao bì đồng nhất cả nước và loại bỏ cách ghi lộn xộn khiến dân chúng bỏ đi nhiều thực phẩm còn rất tốt.
Kỹ nghệ tư nhân và các cơ quan bất vụ lợi cũng vào cuộc. Các tiệm thực phẩm vì theo những hướng dẫn “thẩm mỹ” mà bỏ đi biết bao nhiêu sản phẩm tuy trông “xấu xí” mặt ngoài nhưng hoàn toàn bổ dưỡng. Nay các tay đầu bếp tài ba, các doanh nghiệp thực phẩm và một số tiệm đang cố gắng dùng chúng vào các món ăn.
Và đừng đánh giá thấp những gì bạn có thể làm ở nhà để giảm phí phạm thực phẩm. Xin nói rõ: Không ai bảo bạn ăn chuối đã ngả màu nâu hoặc cheese đã mốc. Nhưng những thực phẩm lành mạnh và ngon bạn bỏ tiền ra mua nên được đặt lên bàn ăn khi còn ngon và bổ. Với mục đích đó, tạp chí Consumer Reports đã nhờ các chuyên viên đưa ra các khuyến cáo để giúp tiết kiệm thì giờ, tiền bạc, bớt phí phạm và cũng để cứu giúp hành tinh của chúng ta nữa.
Bớt dần các phí phạm về thực phẩm
Cuộc chiến chống phí phạm thực phẩm phải bắt đầu tại gia đình. Sau đây là những gợi ý từ Dana Gunders, người phụ nữ đã giúp khởi động phong trào chống phí phạm.
– Biết mình – Theo dõi những gì bạn vứt bỏ và lý do, rồi điều chỉnh cách mua sắm, thói quen nấu nướng cho phù hợp.
– Lập danh sách khi đi chợ – Phải biết chắc món hàng mua sẽ nấu ngày nào, vì lúc ở chợ ta thường “nổi hứng” muốn mua đủ thứ.
– Tận dụng – Khi lặt rau, chỉ nên bỏ đi những phần không dùng được. Phần rau non có thể ăn sống, phần già để nấu canh hoặc hầm.
– Dự tính bữa ăn đồ dư – Mỗi tuần ít nhất cũng có một bữa dùng lại thức ăn dư trong tủ lạnh. Nên đặt ngang tầm mắt cho dễ thấy.
– Pha trộn – Ðừng ngại thử món mới với những gì còn lại, như trộn hộp salsa đã mở với nước cốt gà thành một thứ sauce…
– Làm bạn với freezer – Một số thực phẩm có thể chứa trong freezer nếu dùng không kịp, như sữa, bánh mì, cheese, ngay cả rau và trứng (cần đập ra và khuấy nhẹ).
– Dự tính cho buổi party – Ða số khách không ăn hết các món, vì thế chỉ nên nấu nướng đồ ăn đủ cho ba phần tư khách mời. Ðể sẵn hộp chứa để bạn bè có thể mang đồ ăn dư về nhà.
– Chia sẻ rau trái – Nhiều gia đình trồng rau quả ở nhà thường không dùng hết, nên chia cho các gia đình khác hoặc các cơ sở từ thiện.
HV – theo Consumer Reports