Menu Close

Jayden

Thông thường trên đất Mỹ này, thiên hạ vẫn thường đánh giá thấp loại đàn ông, như người viết bài này, là được xếp hạng sau đàn bà và sau cả chó nữa! Quan niệm ấy vẫn thường thấy người đàn ông Việt Nam bi quan hay than thở, nhắc nhở.

Sở dĩ người xếp hạng như vậy, là con chó Việt Nam quá khổ như câu thành ngữ ở cửa miệng người đời là: “khổ như chó!” Sau đó ông Nguyễn Vỹ lại ví von thêm: “Nhà văn An- Nam khổ như chó!” Con chó ở Việt Nam, không phải Trời sinh ra để cho người ta thương yêu chiều chuộng, tuy hữu dụng trong một vài việc như giữ nhà, dọn phân trẻ con hay làm bữa rựa mận, nhưng vẫn bị phân biệt đối xử, coi chúng như… chó!

Những danh từ nào xấu xa nhất, người đời dành cho chó, mắng chúng là “loài cẩu trệ,” “ngu như chó,” “ăn bẩn như chó” mà hỗn cũng “như chó.” Rồi nào là “cẩu hợp,” “chó nhẩy bàn độc…”

Sang đến Mỹ chó được nâng niu, ẵm bồng, thường ngày cũng được đem đi cắt móng, gội đầu, tắm rửa. Chó được đi xe hơi hay lên máy bay với chủ, đau ốm được đem đi bác sĩ, hay vào bệnh viện chó. Khi chủ nhân phải đi du lịch xa nhà không đem chó theo thì được vào ngủ Hotel Chó. Chết thì chôn ở nghĩa địa, có bia mộ đề tên. Vì vậy, có ông không nhà, khốn khổ cả cuộc đời, mới mong kiếp sau làm con chó… ở Mỹ!

jayden
Jayden, những ngày thơ ấu – Hình: Lê Đông Phương

Nhưng sự thật, con chó ở trên xứ sở này, sướng hay khổ?

Cứ lấy cuộc đời con chó nhà tôi ra mà… luận bàn. Nói theo kiểu tập làm văn của một em bé lớp Ba tiểu học: “Nhà em có nuôi một con chó.” Con chó này thuộc giống Rottweiler, gốc Ðức, gia tộc cha ông lưu lạc đến đất Mỹ này cũng đã lâu. Giống chó này cũng được cảnh sát Mỹ dùng trong các đơn vị của họ, vì nó có khả năng bảo vệ, truy tìm và săn đuổi. Tiếc thay nó lại lưu lạc vào gia đình của chúng tôi, sống một cuộc đời khá vô vị.

Hồi mới sinh ra một tuần, đem về còn bé tí, chúng tôi khai sinh là Jayden, đặt theo tên của con trai Mỹ và Do Thái.

Jayden thuộc giống chó lớn, nhưng khi được mấy tháng, cũng xinh xắn, nó còn nằm ngủ với đứa cháu ngoại trai của tôi trên giường. Chẳng mấy chốc mà cao to, không còn ngủ trên sofa hay nằm trên giường với mấy trẻ nữa, mà cũng khó khăn để ôm ấp trong tay như những con chó nhỏ khác.

Ở Mỹ này, chó không thể thả chạy rong ngoài đường, đàn đúm giao du với đồng loại, mà chỉ sống quanh quẩn trong vườn. Tối tối, Jayden chỉ có thể nằm ngủ trong chuồng chó. Mùa Ðông, Jayden được thương tình cho vào ngủ trong garage để tránh rét. Ðể khỏi lộn xộn, ồn ào, rạo rực, mơ tưởng đến những nàng chó cái, Jayden được đưa đến bác sĩ thú y giải phẫu để trở thành một gã đàn ông thấy đàn bà cũng như thấy một gốc cây.

Mỗi tối một lần, Jaden được ông chủ tốt bụng, là ông con rể của tôi, sau giờ cơm tối, đem đi dạo công viên một lần. Thức ăn thì mỗi ngày được dâng tận miệng, nhưng nhàm chán chỉ có độc một loại hiệu… mua từ Pet Store, ăn từ năm này qua tháng khác không hề thay đổi. Họa hoằn, mỗi năm đến ngày July 4th, hay nhà có party sinh nhật, mới được “cải thiện” thêm miếng sườn nướng.

Ðời chó như thế thì đâu có gì đáng vui.

Nguyên tắc khi luật pháp cầm tù một người là muốn cô lập người đó, không cho họ được sống trong cộng đồng, xa lìa gia đình thân thích, không được liên lạc với ai. Nỗi khổ cao nhất của con người là bị cô lập với thế giới loài người, vì vậy mới có nhà tù biệt giam, mới có hoang đảo để đày tội phạm ra đó. Thằng Jayden nhà tôi sống một đời sống cô độc, biệt lập từ khi xa mẹ nó. Từ ngày được về sống với gia đình tôi, Jayden quanh quẩn trong khu vườn nhỏ không hề được tiếp xúc ai, dù là để có bạn bè, vui thì sủa lên vài tiếng, buồn thì tru lên đôi câu, đừng nói gì chuyện tình ái lăng nhăng như bất kỳ một chàng trai trẻ thanh xuân nào trên cõi đời này. Khi chợt nghe tiếng một đồng loại bên hàng xóm sủa ran, thì chàng ta cũng lên tiếng phụ hoạ, như hai can phạm biệt giam trong nhà tù, thông tin với nhau bằng cách gõ lên tường, mà không được trông thấy mặt nhau.

Cuộc đời như vậy thì có khác gì một người tù cấm cố, chung thân hay là một nhà tu khổ hạnh.

Những ngày còn trai trẻ, bởi dòng tộc Rottweiler là một dòng tộc năng động, Jayden còn thích chạy nhảy đùa giỡn với một khúc xương, một trái bóng hay một con búp bê nhồi bông đã cũ nát. Mỗi lần ra vườn, Jayden còn ngậm trái bóng lại bên chân tôi, muốn tôi quẳng ra xa, để nó chạy theo bắt lấy, nó rất thích nếu mỗi ngày được chạy năm ba vòng trong vườn để tiêu hao bớt năng lượng.

Bây giờ đã nhiều năm tháng qua, càng về già, Jayden càng chậm chạp, đôi khi tỏ ra buồn bã, không thích chạy nhảy nô đùa như ngày xưa nữa. Nó thích nằm thừ mệt mỏi bên thềm nhà, lặng lẽ…

Jayden chỉ biết diễn tả ý tưởng qua tiếng sủa. Buổi sáng thức giấc, nhưng cả nhà chưa dậy, nó sủa lên vài tiếng để biết nó đang sốt ruột muốn ra vườn làm công việc buổi sáng. Buổi tối, khi chưa được vào nhà, Jayden thường đứng gầm gừ bên cửa. Có lúc, nhìn vào nhà, thấy đèn sáng, đông người, Jayden cào cửa muốn vào hưởng một chút ấm cúng, nhưng phải chi nó là một con chó nhỏ, đằng này, Jayden quá to xác để sinh hoạt chung với mọi người.

Thói xấu và có lẽ cũng là một niềm vui nhỏ của cánh đàn ông là thích đàn đúm, rong chơi với bạn bè, hay bay bướm, trăng hoa, nhưng đối với Jayden, cả hai thứ chàng chẳng màng nghĩ đến. Thứ nhất chàng bị cô lập trong khu vườn riêng biệt, ở Mỹ này ai mà thả chó chạy rong ngoài đường, thành ra chàng chẳng có bạn, có bè; thứ hai chàng đã trở thành “hoạn quan” ngày từ khi mới lớn vào đời.

Ăn uống cũng là điều vui thú, nhưng từ nhỏ đến lớn, chàng chỉ ăn độc một thức ăn pha chế của chó, khô khan như thỏi lương khô của Trung Cộng, chẳng thấy xương mà cũng chẳng thấy thịt, buồn tẻ, nhàm chán, uống nước phong-ten, thỉnh thoảng mới có miếng snack khô bò của chủ thưởng cho.

Vậy mà người ta cho rằng chó ở Mỹ này được xếp hơn cả đàn ông!

Nhiều tối, sau khi đưa Jayden vào ngủ trong nhà để xe, tôi thấy thương hại nó, nán ở lại một vài phút để ngồi cạnh nó. Con chó nhìn tôi với đôi mắt lờ đờ, buồn nản. Nếu trong hình hài này đây, cũng có một linh hồn biết suy nghĩ, buồn vui, mà không diễn tả được, thì quả là một kiếp đời khốn khổ, một kiếp đời muộn phiền.

Vậy thì các bạn đừng bao giờ theo sách vở và chấp nhận một luận điệu nhàm chán là con chó ở Mỹ được xếp cao hơn cả đàn ông.

Ðời sống đâu chỉ cần có ăn, bài tiết và ngủ.

Hy vọng rồi đây, Jayden sẽ đổi qua một kiếp khác, hạnh phúc sung sướng hơn.

HP