Menu Close

Lưu hương ký

Nói đến Hồ Xuân Hương phần lớn độc giả thường nghĩ đến những bài thơ châm biếm, giễu cợt. Có lẽ đó cũng là vì khuynh hướng chung của con người, thường thích những hình ảnh ngộ nghĩnh hoặc tinh nghịch. Thế nhưng, nếu ai từng đọc Lưu Hương Ký của vị nữ sĩ tài hoa này sẽ hết lòng cảm phục và ngưỡng mộ bà, vì những suy nghĩ thâm trầm, sâu sắc của bà về cuộc sống. Tương truyền thi tập này bị thất lạc, do Trần Thanh Mại tìm thấy năm 1964, trong tủ sách gia đình của Cụ Cử Nhân Nguyễn Văn Tú. Tập thơ gồm có 24 bài viết bằng Chữ Hán; 28 bài viết bằng Chữ Nôm. Tuy nhiên, toàn bộ tiêu đề của các bài thơ đều bằng Chữ Hán. Nội dung của “Lưu Hương Ký” liên quan đến khá nhiều người đàn ông có giao tình gần gũi của Hồ Xuân Hương như: Nguyễn Hầu, Trần Hầu, Tốn Phong Thị, Mai Sơn Phủ, Thạch Ðình, Cự Ðình, Thanh Liên, Chí Hiên.

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đã san định, phiên âm và phụ chú “Lưu Hương Ký” thành tác phẩm thuộc thể loại sưu khảo, dày 437 trang, do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ ấn hành năm 2011. “Lưu Hương Ký” giới thiệu chính xác hình ảnh Bà Chúa Thơ Nôm, một phụ nữ tài sắc vẹn toàn, pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm, như hình ảnh Thúy Kiều mà Nguyễn Du mô tả. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương được mệnh danh là hồng nhan tri kỷ của Tố Như Tiên Sinh, vì thế ở chừng mực nào đó, biết đâu hình ảnh “mưa Sở mây Tần” trong mười lăm năm đoạn trường của nàng Kiều, lại chẳng phảng phất cuộc đời hồng nhan đa truân của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

luu-huong-ky

Là người tài sắc và cũng là chủ nhân của một tửu quán, những người quân tử khăn điều vắt vai của nữ sĩ Hồ Xuân Hường, toàn là các vị nho sĩ phong lưu bậc nhất thiên hạ thời đó, như Nguyễn Du, Mai Sơn Phủ, Tốn Phong, Trần Quang Tĩnh, Trần Phúc Hiền, Trần Ngọc Quán. Hồ Xuân Hương giao thiệp rộng rãi với nhiều đấng nam nhi. Nếu ái tình trong Thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, được thể hiện bằng những ẩn dụ mà ai cũng hiểu; thì trong Hán Văn, chuyện phòng the được bà phóng bút mô tả hết sức nồng nàn, cháy bỏng.

Chẳng hạn như bài thơ “Vô Ðề”:

“Dạ bán ai giang hướng bán không

Thanh dã tương đồng

Khí dã tương đồng

Tương tư vô tận ngũ canh cùn

Tâm tại Vu Phong

Hồn tại Vu Phong

Ân ái thử tao phùng”

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích diễn giải:

“Ðêm lắng tiếng buồn vang mé sông

Thanh dã tương đồng

Khí dã tương đồng

Than khí năm canh rộn rã lòng

Tâm ở Vu Phong

Hồn ở Vu Phong

Ân ái cuộc tao phùng”

Với giòng chú thích: Vu Phong tức là Vu Sơn, nơi Sở Tương Vương mơ thấy ân ái với Vu Sơn Thần Nữ, có phép làm mưa trên trời. Nên “vu phong” chỉ chuyện làm tình.

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích [1937-2016] là học giả có nhiều đóng góp đáng kể trong lãnh vực giáo dục, văn hóa, xã hội của người Việt ở hải ngoại. Ông cũng là Giám Ðốc đầu tiên của Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do – RFA, khi chương trình  phát  làn sóng đầu tiên về Việt Nam. Ông đã xuất bản khoảng 40 tác phẩm thuộc nhiều thể loại, và góp mặt trong gần 50 tập thơ và sách giáo khoa. Một số tác phẩm tiêu biểu của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích: “A Thousand Years of Vietnamese Poetry -Một Nghìn Năm Thi Ca Việt Nam”; “War &Exile: A Vietnamese Anthology – Chiến Tranh Và Lưu Ðày: Tuyển Tập Văn Học Hiện Ðại Của Việt Nam”; “Cung Oán Ngâm Khúc – Complaints of an Odalisque.”  Tác Phẩm “Ngục Ca-Prison Songs,” “Hoa Ðịa Ngục-The Flowers of Hell,” “Hạt Máu Thơ-Blood Seeds Become Poetry” của ông Nguyễn Chí Thiện, cũng do Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích chuyển dịch sang Anh Ngữ.

Ðọc “Lưu Hương Ký” để một lần nữa, ngưỡng mộ thi tài xuất chúng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Và cũng để cảm nhận rõ rệt câu thơ của Nguyễn Du: Lạ gì bỉ sắc tư phong. Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen, qua cuộc đời truân chuyên đau khổ vì tình yêu của Bà Chúa Thơ Nôm.

HNP – 7:31am Thứ Bảy ngày 06 tháng 08 năm 2016