Kỳ 3 – Bạch Tuyết
Tuấn khanh: Sau một thời gian sống và làm việc ở Mỹ, chắc chị rồi cũng dần dần gặp lại ít nhiều các đồng nghiệp trong Việt Nam qua Mỹ chơi hoặc biểu diễn, cảm giác của chị thế nào?
Kim Tuyến: Bận rộn với gia đình và các sinh hoạt văn nghệ ở Mỹ, nhưng tôi vẫn thường liên lạc với chị Như Mai và Kim Hoàng vì có mối thân tình từ lúc chị mời tôi đóng vai chánh trong các vở kịch và tuồng cải lương trên TV, đài phát thanh và đóng phim “Vực Nước Mắt”. Lúc chị Như Mai điều hành Chùa Nghệ Sĩ, tôi có trợ giúp cho chi phí xây một bức tường quanh nghĩa trang nghệ sĩ. Năm 1993, tình cờ tôi được biết qua chị Như Mai là Lê Duy Hạnh, chủ tịch Hội Sân Khấu trong Việt Nam, đang có kế hoạch giao lưu văn hóa. Bắt đầu họ sẽ gởi một hai ca nghệ sĩ ít hoặc không bị chống đối đến Mỹ hát trước để tránh bị biểu tình phản đối, sau đó họ sẽ tiếp tục gởi tiếp nhiều ca nghệ sĩ khác ra hải ngoại. Chị Út Bạch Lan đến Mỹ trước tiên. Cô chủ nhà hàng Anh Thy và cô Sáu Châu gọi báo cho tôi biết và muốn tôi cùng gặp chị Út Bạch Lan. Tôi đến nhà hàng Anh Thy, nhìn thấy anh Duy Khánh và Lâm Tường Dũ, hai anh đưa cho tôi xem tờ quảng cáo quay roneo có hàng chữ: Tái ngộ sầu nữ Út Bạch Lan… với sự bảo trợ của Duy Khánh, Kim Tuyến, Lâm Tường Dũ. Họ tự động ghi tên tôi vào thành phần ban tổ chức mà không hề hỏi xem tôi có đồng ý không. Tôi nói: “Tôi chỉ muốn đến thăm chị Út Bạch Lan như một đồng nghiệp đàn em chào mừng chị, nhưng tôi không muốn có tên trong danh sách bảo trợ hay ban tổ chức, dù rằng tôi thương mến chị Út Bạch Lan”. Sau đó tôi được biết nhà hàng Seafood World từ chối cho thuê để tổ chức văn nghệ vì ngại sẽ có cuộc biểu tình chống đối, nên tất cả kéo về tổ chức tại quán Anh Thy, một nhà hàng nhỏ hơn.

Từ năm 1993 khi được biết cộng sản phát động kế hoạch giao lưu văn hóa, tôi có suy nghĩ nếu tiếp tục hoạt động văn nghệ thì vô tình tôi tiếp tay cho cộng sản thực hiện ý đồ ru ngủ và đánh phá cộng đồng người Việt tỵ nạn. Tôi đã bất hợp tác từ Việt Nam và đã vượt qua quá nhiều nghiệt ngã, cuối cùng thoát khỏi cộng sản VN, thì tại nơi đất Mỹ này tôi vẫn có cơ hội sống bằng trí óc và đôi tay của mình. Tôi quyết định ngưng hát. Từ năm 1993 tôi chỉ hát một lần để ủy lạo các gia đình H.O. theo lời mời của anh Nguyễn Mậu Quý, chủ tịch Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị. Trong thời điểm đó, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã book tour bên Âu Châu và mời tôi tiếp tục trình diễn nhạc kịch Ả Ðào Say, nhưng tôi từ chối. Em Chí Tâm cũng muốn tôi kết hợp trình diễn với anh Thành Ðược, và rất nhiều nơi mời tôi đi hát, nhưng tôi vẫn không nhận lời mời. Ðiều tôi suy nghĩ có thể không đúng với những người khác, nhưng tôi không thể, hay đúng hơn không muốn giãi bày. Năm 2002, anh Nhật Trường mời tôi hát giúp cho 2 đêm Văn Nghệ Giã Từ Sân Khấu, tôi nhận lời vì tôi cùng quan điểm với anh khi nghe anh nói anh chống lại kế hoạch giao lưu văn hóa và không muốn đứng chung sân khấu với các nghệ sĩ do cộng sản đưa sang.
Năm 2002, chị Bạch Tuyết qua Mỹ và gọi điện thoại cho tôi, chị nói muốn đến nhà thăm tôi. Tôi vui mừng vì chúng tôi đã từng đi hát chung ở đoàn Thống Nhứt lúc tôi còn là “đào con”. Chị Bạch Tuyết may mắn giờ chót được thay thế vai của chị Diệu Hiền trong vở “Ðẹp Duyên Chùa Tháp” tức “Tiếng Hát Muồng Tênh” của soạn giả Mộc Linh. Hai ông bầu Út Trà Ôn và Hoàng Giang sắp xếp cho Bạch Tuyết thế vai vì Diệu Hiền bỗng nhiên biến mất, trong khi Bạch Tuyết chưa có vai trò nào trong vở tuồng này, còn tôi được đóng vai người em gái nhỏ. Thời gian sau tôi rất thích chị đóng chung với anh Hùng Cường ở đoàn Dạ Lý Hương, vì hai người diễn rất sống động, rất thật trong các vở tuồng xã hội cùng với Ngọc Giàu, Văn Chung, Dũng Thanh Lâm, Thanh Tú.
Phương Uyên lái xe chở chị Bạch Tuyết đến nhà chúng tôi. Sau khi chụp vài tấm ảnh kỷ niệm, tôi mời chị và Uyên đi ăn tối tại restaurant COCO. Chị bảo là chị ăn chay và chỉ ăn được món nào có tôm. Tôi tưởng chị là người Công Giáo. Tôi hỏi thăm về tin chồng chị là ông Ðức bị bắt và bị Việt Cộng tịch thu tài sản, và chắc chị khổ với Việt Cộng vì ngày xưa chị có bức hình đội nón sắt có hàng chữ “Bỏ Bom Hà Nội” và chị đưa ngón tay cái lên. Chị nói “Em ơi… ờ thì…nhưng chị không coi trọng tiền bạc, vật chất. Chị tu rồi em ơi, thỉnh thoảng chị được thầy Thích Thanh Từ là thầy của chị, vì bận quá, phật tử đông quá, đã giao cho chị đi thuyết pháp . Vấn đề anh Ðức ở tù thì khi hoạn nạn mình phải chấp nhận, khi nào trời quang mây tạnh thì hai đứa che dù đi chung”. Tôi hỏi thăm về sinh hoạt và cuộc sống của chị tại VN thì chị cho biết chị có nhiều bạn trẻ thương yêu, các bạn này có hãng nước uống và cho chị vào một phần hùn nhỏ để sống nên chị không phải bận tâm. Chia tay ra về tôi thấy vui cho chị vì nghĩ rằng chị đã tu đến mức đã đạt được chữ “ngộ” rồi, vì nhà cửa bị tịch thu, chồng bị bắt bỏ tù mà không oán hận. Tôi thầm nghĩ, nếu là tôi thì tôi sẽ thù ghét CS lắm.
Bạch Tuyết điện thoại cho tôi: “Chị có thằng con trai học Bang Giao Quốc Tế ở bên Anh quốc. Hôm đám cưới cháu chị không qua được, chỉ có cô em kết nghĩa là mẹ nuôi của nó đứng ra tổ chức. Chị muốn nó ra mắt cô chú đồng nghiệp cho phải lễ. Chị mời em và ông xã đến rồi tụi mình đập bồn đập trống cho vui”. Tôi nhận lời ngay. Ðến nhà hàng Palace Seafood nơi tổ chức tôi nhận thấy đây là một đám cưới vì cô dâu chú rễ mặc khăn đóng áo dài theo trang phục đám cưới. Có nhiều ca nghệ sĩ đến tham dự và chúng tôi cùng ca hát đóng góp thật sôi nổi với MC Trần Quốc Bảo. Cô dâu Mỹ trông khá xinh xắn dễ thương. Trước khi tiệc tàn, chị đến siết tay tôi và hẹn đến chơi nhà tôi vài hôm trước khi về lại Việt Nam.

Một buổi chiều, trên đường đến rước chị, chúng tôi ghé mua tờ Việt Báo. Tôi giở tờ báo ra xem thì giật mình khi thấy hình chị Bạch Tuyết đang quỳ lạy khán giả trên sân khấu tại San Jose với hàng tít to: “Bạch Tuyết đã quỳ lạy khán giả vì bị biểu tình phản đối”. Chúng tôi rước chị ở khu mobile home trên đường Bolsa. Trong khi ông xã tôi đổ thêm xăng tại góc đường Brookhurst và Hazard thì chị cầm tờ Việt Báo lên đọc rồi chị nói lớn: “Cũng thằng Mỹ nữa”. Tôi nói : “Chuyện gì vậy chị?”. Chị tiếp: “Thằng Mỹ không có tư cách gì để lật đổ chế độ Taliban”. Tôi hỏi: “Sao vậy chị ?”. Chị nói “Em ở Mỹ lâu mà em không biết gì sao Tuyến, thằng Mỹ làm giàu nhờ bán vũ khí, nó muốn quậy lên để bán vũ khí”. Trời ơi, sao luận điệu và giọng nói này của Bạch Tuyết giống y như phát ngôn viên Việt Cộng Phan Thúy Thanh mà mỗi sáng lái xe đi làm tôi hay nghe tin tức từ đài VOA và BBC.
Về đến nhà, chị cầm tay tôi xem, thoạt đầu, tôi nghĩ chị biết coi bói. Chị hỏi: “Tuyến, em có bao nhiêu căn nhà?”. Tôi đáp: “Một căn nhà mà còn trả chưa xong đây chị”. Chị lại hỏi: “Em có bao nhiêu tiền trong nhà băng?”. Tôi ngạc nhiên với 2 câu hỏi này. Chị bảo tôi về Việt Nam chơi và ở với chị. Tôi nói: “Em ghét Việt Cộng. Vượt biên suýt chết rồi chị”. Chị nói: “Thôi mà em, đừng nghĩ vậy, chế độ bây giờ tốt đẹp hơn chế độ trước nhiều lắm”. Ông xã tôi bất bình nói: “Chị nói chế độ bây giờ tốt đẹp tại sao sau khi chấm dứt chiến tranh họ lại bắt sĩ quan, công chức và những nhà trí thức VNCH giam cầm đày ải bỏ đói cho đến chết trong các trại tù cải tạo?”. Chị lại nói: “Anh không biết chứ Tuyết vô thư viện bên Anh đọc sách, có nhiều nước tan chiến tranh rồi họ đem bắn bỏ hết, rồi ai làm gì họ”. Tôi bực mình nói: “Tốt đẹp gì chị, chế độ gì không có tự do tôn giáo, như Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị nhốt vào tù, Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ bị quản chế”. Bạch Tuyết nói: “Ai biểu sống trong chế độ của người ta mà chống đối thì là chuyện đương nhiên”. Tôi thất vọng ở tầm kiến thức nhỏ hẹp lệch lạc và lối lý luận sặc mùi cộng sản của ‘tiến sĩ’ Bạch Tuyết. Chị còn hết lời ca tụng tâng bốc Nguyễn Minh Triết nói anh ta giỏi đủ mọi thứ, trong khi ở thời điểm đó Nguyễn Minh Triết còn hoạt động ở Sài Gòn và tôi chưa biết anh ta là ai.
Khi cuộc bàn luận quá căng thẳng tôi đổi đề tài để nói về văn nghệ. Tôi nói “Má em hay xem cải lương, thỉnh thoảng em cũng xem và thấy Tài Linh diễn xúc động, chắc Tài Linh hiền lắm hả chị?”. Bạch Tuyết nói : “Những người nổi tiếng không ai hiền hết em”. Rồi chị kể về anh Hùng Cường, chị bảo là Hùng Cường yêu chị lắm và muốn cưới chị nhưng chị từ chối (?). Chị không biết rằng trong thời gian sống ở Mỹ anh Hùng Cường rất thân với chúng tôi và hay kể về những cuộc tình của anh, dĩ nhiên trong đó có Bạch Tuyết, anh Hùng Cường đã có mối quan hệ sâu đậm từ Bạch Tuyết ra sao, và chị đã năn nỉ anh thế nào. Tôi nghĩ nếu Hùng Cường còn sống tôi sẽ gọi anh đến để nghe Bạch Tuyết nói dóc. Ðêm khuya quá, chẳng lẽ tôi đẩy Bạch Tuyết ra khỏi nhà, còn đưa về thì tôi mệt rồi sau một ngày dài làm việc. Chị hỏi tôi có muốn gởi tiền giúp Chùa Nghệ Sĩ không, tôi nói đã giúp rồi, và lần này chỉ gởi ít tiền tặng Má Bảy Phùng Há.
Trước đây theo lời kêu gọi của Má Bảy và 2 chị Như Mai Kim Hoàng, Chùa Nghệ Sĩ không có rào nên thỉnh thoảng phát giác ra mồ mả bị đào bới vì họ muốn kiếm vàng bạc, đồng thời số nghệ sĩ già không nhà cửa phải sống lang thang, nên yêu cầu chúng tôi giúp đỡ tiền xây rào và mua tôn lợp phía sau chùa cho các cô bác có chỗ tạm trú. Chúng tôi đã gởi tiền giúp. Sau đó chị Như Mai cho biết ông Võ Văn Kiệt chấp thuận cấp cho 1 miếng đất ở quận 8 để xây Nhà Dưỡng Lão Nghệ Sĩ. Tiền chúng tôi đã gởi, chị Như Mai lo xây rào và trùng tu trong Chùa vẫn còn dư. Tôi yêu cầu chị Như Mai bỏ số tiền đó vào bank để lấy lời lo thuốc thang cho những nghệ sĩ già đau yếu, còn Nhà Dưỡng Lão hãy để cho chính quyền cộng sản lo.
Tôi không bao giờ quên ơn Má Bảy Phùng Há, người mời tôi đóng nhiều vở tuồng trên TV, đã chỉ dạy thêm cho chúng tôi từ anh Thanh Sang đến anh Thành Ðược. Má Bảy cũng từng nói: “Mấy ổng muốn mời Má làm chức này chức kia, nhưng Má nói Má không thích làm chính trị, Má chỉ thích làm Văn Nghệ mà thôi”. Tôi lấy 100 dollars bỏ vào bao thơ trao cho chị Bạch Tuyết nhờ chị đem về trao cho Má Bảy. Vài tuần sau tôi gọi điện thoại thăm Má Bảy và hỏi xem Má Bảy có nhận được tiền không. Lúc đó có mặt ông bầu Xuân, tôi nghe tiếng Má Bảy nói lớn: “Ông Xuân ơi, Kim Tuyến nói có gởi Bạch Tuyết đem về cho tôi 100 mà sao không thấy?”. Ông Xuân nói: “Bạch Tuyết bảo sung vào quỹ của Chùa”. Tôi không hiểu tại sao chị Bạch Tuyết lại làm khác lời dặn của tôi, để cuối cùng Má Bảy không nhận được gì cả !
Một lần nọ anh Hùng Cường dẫn anh Sáu Thanh đến nhà thăm chúng tôi. Anh Sáu Thanh là một đại thương gia trước năm 1975, chính anh là người cung cấp toàn bộ tiền bạc và phương tiện để thành lập đoàn cải lương Hùng Cường – Bạch Tuyết . Sáu Thanh giao đoàn cải lương cho Hùng Cường và chị Bạch Tuyết vì anh rất bận với các công ty lớn của anh. Ðoàn cải lương này là một đại ban, được khán giả nhiệt tình ủng hộ, lần trình diễn nào cũng bán hết vé, thế mà Bạch Tuyết khai lỗ. Trước mặt chúng tôi, anh Sáu Thanh nói với Hùng Cường: “Anh lập đoàn hát này cho chú mầy mà chú mầy ham chơi quá, để cho con Tuyết lộng hành, nó đưa người nhà của nó vào, nó kiểm soát mọi chi thu, cứ khai lỗ, để cuối cùng phải giải tán đoàn hát”.
Ngày 27/10/2002 Bạch Tuyết tổ chức ra mắt CD Kinh Pháp Cú chuyển thể cải lương tại Chùa Việt Nam trên đường Magnolia của Thượng Tọa Thích Pháp Châu. Ông Thượng Tọa này từng có tai tiếng vì đã lăng nhăng tình ái với một nữ Phật tử trẻ. Cuộc điện đàm hẹn hò dâm dục ở hotel của ông sư này với cô gái đã bị thu băng toàn bộ. Vì vậy cho nên truyền thông và báo chí hải ngoại kêu gọi biểu tình chống Việt Cộng Bạch Tuyết và Thượng Tọa Pháp Châu. Hôm đó có rất nhiều người đến biểu tình, trong đó có tôi, trước cửa chùa. Người biểu tình cho phát thanh cuốn tape dâm dục của Thượng Tọa Pháp Châu và hô đả đảo Bạch Tuyết. Tôi nghĩ nếu anh Hùng Cường còn sống chắc anh cũng sẽ đến biểu tình chống Bạch Tuyết, vì anh là người rất căm thù cộng sản. Dù rằng khi còn sống anh đã từng kể chính anh là người giới thiệu anh Ðức ( một “Việt Kiều Yêu Nước” tại Pháp) cho Bạch Tuyết sau vụ Bạch Tuyết bị vợ của ÐT Hoàng Ðức Ninh làm nhục.
Trong một dịp thăm nhà thơ Nguyễn Chí Thiện và đi ăn tối với anh, chúng tôi có kể cho anh nghe về Bạch Tuyết và Kim Cương. Trong một lần nói chuyện trên Radio, anh Thiện đã có đề cập đến Việt Cộng Kim Cương và Bạch Tuyết. Tôi quý mến anh Nguyễn Chí Thiện vì tư cách và sự dũng cảm của anh. Chỉ vì can đảm dám nói lên sự thật của lịch sử và sự thật tàn ác của chế độ cộng sản mà anh bị gần 30 năm tù ở miền Bắc. Trong tù anh vẫn đứng thẳng, hiên ngang làm thơ vạch trần sự dã man của chế độ và dám chửi thẳng Hồ Chí Minh.
Những gì tôi kể về Bạch Tuyết là hoàn toàn sự thật, không thêm bớt, không trái với lương tâm. Một số đông trong đó có tôi vẫn còn nhiều hoài nghi về Bạch Tuyết:
– Bạch Tuyết không học Trung Học, không học Ðại Học thì làm sao có bằng Tiến Sĩ ?
– Bạch Tuyết không rành tiếng Anh làm sao vào thư viện của Anh đọc sách và tài liệu.
– Bạch Tuyết không nói và viết lưu loát tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Ðức thì làm Luận Án Tiến Sĩ bằng tiếng gì? Không lẽ làm luận án ở ngoại quốc mà dùng tiếng Việt ?
– Bạch Tuyết có biết rằng mọi người đều biết trên thế giới có nhiều bằng Tiến Sĩ Danh Dự được cấp do sự giới thiệu hay quen biết. Có các trường Ðại Học dỏm, không được chấp nhận, chỉ cần nộp cho họ vài ngàn dollars là có bằng Tiến Sĩ giấy.
– Bạch Tuyết thù ghét Mỹ, vậy tại sao thích đi sang Mỹ, cho con học ở Mỹ, đi làm ở Mỹ, lấy vợ Mỹ. Phải chăng Bạch Tuyết muốn tìm một “bãi đáp an toàn” sau này ở Mỹ ?

Tuấn khanh: Những câu chuyện của hôm qua bao giờ cũng thật xúc động, dù chỉ là kỷ niệm. Nhưng có khi nào chị nhìn thấy sân khấu ở quê nhà, sự rộn rịp hoặc giàu có của giới đồng nghiệp mà chạnh lòng? Hoặc chị có lúc nào nghĩ rằng nếu chị nhượng bộ, ở lại, thì cũng đã có một cuộc sống sinh hoạt sôi nổi, nhiều thu nhập như các nghệ sĩ khác?
Kim Tuyến: Sau 37 năm sống trên đất Mỹ và 41 năm miền Bắc cai trị miền Nam, tôi vẫn thường theo dõi các tin tức từ quê nhà và rất buồn khi thấy cộng sản đã tạo ra một giai cấp mới, giai cấp cán bộ, con ông cháu cha, tư bản đỏ, giai cấp này lộng hành, áp bức bóc lột người dân khốn cùng. Luân lý, đạo đức suy đồi, cuộc sống bất an, luật pháp bất minh, môi trường nhiễm độc, tham nhũng tràn đầy… Trong khi đó chính quyền lại “ác với dân, hèn với giặc” trước hiểm họa mất nước vào tay giặc Tàu.
Tôi không dùng danh từ “chính quyền” cho CSVN, vì không ai bầu cái Ðảng cướp này cả. Chúng cưỡng chiếm miền Nam, áp đặt chế độ độc tài đảng trị, thì không thể dùng danh từ Chính quyền. CSVN thắng VNCH do tuyên truyền dối trá, quỷ quyệt, gian manh do HCM đem chủ thuyết ngoại lai quái đản từ Liên Sô, Trung Cộng đặt lên đầu dân VN. CSVN xem văn nghệ sĩ là bộ môn tuyên truyền hữu hiệu nhất, họ dùng nghệ sĩ để ru ngủ đồng bào quên đi tội ác mà chúng gây ra. Kim Cương là một điển hình cùng một số văn nghệ sĩ được họ sử dụng.
Tôi thấy mình đã quyết định đúng khi vượt biên rời khỏi chế độ cộng sản VN để cho gia đình và con cháu tôi có một cuộc sống an lành và tốt đẹp hơn. Tôi đã quyết định đúng khi chọn nước Mỹ, một nước tôn trọng tự do dân chủ và nhân quyền, một nước thật sự của dân, do dân và vì dân.
Tuấn khanh: Dạ, xin cám ơn chị.
TK (ghi) – 28/7/2016