Menu Close

Quy chế (bún) bò

Hồi tuần trước, Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa cầu chứng thương hiệu và logo “Bún Bò Huế”, đưa ra thông báo rằng những tiệm quán nào muốn bán bún bò Huế phải xin giấy phép sử dụng “thương hiệu” bán bún bò. Bà con làng trên xóm dưới xôn xao, người bán thì lo sợ không biết tương lai còn được phép bán không, người dân thì lo các gánh bún bò rong quen thuộc vẫn thường ăn mà bị dẹp thì chỉ có nước … chửi (đổng). Ga Làng tui nghĩ các quan ta làm gì ắt phải có lý do gì đó nên mới quyết định thu gom, kiểm soát bún bò về một mối như vậy, bèn leo lên xe đò, thẳng xứ Thần Kinh mà kiếm các quan hỏi cho rành rẽ nguồn cơn. Mời quý độc giả theo dõi cuộc trò chuyện của chúng tôi với bà Nguyễn Hoàng Thị  Uy, Tổng Thư Ký Hiệp Hội Du Lịch Thừa  Thiên – Huế, cơ quan đã soạn thảo quy chế bún bò này.

Ga Làng (GL): Thưa bà, người dân thắc mắc rằng bún bò đã có từ lâu nay bỗng dưng bị tỉnh ta gom về mình, cầu chứng thương hiệu, vẽ mẫu logo và buộc người dân phải xin giấy phép mới được bán bún bò là sao?

Nguyễn Hoàng Thị Uy (NHTU): – Sau khi nghe có ông Tây nào đó ở nước ngoài làm phim về bún bò Huế thì Ủy ban tỉnh và Hiệp hội du lịch chúng tôi mới nhận thấy tiềm năng và triển vọng cất cánh của bún bò nước ta có thể sánh cùng năm châu bốn bể, nhất là nước ta đã gia nhập vê-đúp-tê-ô và tê-phê-phê (chú GL: WTO và TPP). Muốn được như vậy thì chúng ta phải có kế hoạch lâu dài để quản lý và phát triển bún bò thành một thương hiệu lớn nhằm quảng bá và cạnh tranh với thế giới, đó là lý do chúng tôi đưa ra quy chế bún bò.

quy-che-bun-bo
Bảo Huân

GL:Vâng, đó là ký giả ẩm thực Anthony Bourdain. người ăn bún chả Hà Nội với Tổng thống Obama hôm trước. Nhưng trong đoạn phim ăn bún bò Huế này, ông chỉ khen ngon chứ không nói gì về tính… cạnh tranh thế giới?

NHTU: – Tất nhiên là vậy nhưng phần chúng ta phải có tầm nhìn chiến lược về lâu dài. Bún bò Huế là món quốc hồn quốc túy, có từ thời Vua Hùng dựng nước, mang biết bao nhiêu là tinh túy của văn hóa, lịch sử và cả giá trị kinh tế quốc gia nên chúng ta cần nghiêm túc bảo tồn và phát huy. Từ trước nay người dân chỉ buôn bán, ăn bún bò mà chưa nhận ra giá trị của nó nên có nhiều người tùy nghi chế biến lộn xộn, mất giá trị của bún bò.

GL: Hưừm! Ðiều bà nói khá mới vì trước nay tôi chỉ nghe sự tích bánh dày bánh chưng từ thời Vua Hùng chứ chưa nghe về bún bò, nhưng có lẽ chúng ta sẽ quay lại vào dịp khác. Còn với người dân, bún bò quá gần gũi, quen thuộc không thể thiếu với người dân chúng ta, nên đó đã là một giá trị lớn của nó. Dù mỗi người có cách nấu thế nào thì một tô bún bò cũng vẫn luôn là một tô bún bò thưa bà? 

NHTU: – Ðó là lý do chúng tôi muốn quản lý bún bò. Muốn có một tô bún bò Huế đúng cách thì bún phải như thế nào, thịt phải ra sao, nước hầm trong hay đục, độ cay ở mức nào, giữ lửa bao nhiêu độ. Khi quy chế được áp dụng, chúng tôi đưa ra công thức chung, các yếu tố khoa học kỹ thuật đi kèm cùng các điều khác mà người nấu và buôn bán bún bò phải tuân thủ.

GL: Khó vậy thưa bà? Bún bò Huế là một phần ẩm thực xưa nay của người dân, nay buộc cầu chứng thương hiệu, liệu có điều gì chưa hợp lý ở đây không?

NHTU: – Bún bò Huế phải thuộc về chính quyền Huế, trước nay chúng tôi vẫn thông cảm, dễ dãi cho dân chúng, nay thì khác. Nếu họ không xin nhượng quyền thương hiệu hay giấy phép thì họ có thể chỉ gọi là bún bò chứ không được thêm chữ “Huế”. Hoặc cứ đặt tên bún heo Huế, bún trâu Huế, bún chả Huế, bún bò gần Huế… gì đó chứ không được đặt tên Bún Bò Huế. Ðó là vi phạm bản quyền thương hiệu và sẽ bị phạt.

GL: Nếu vậy có hơi khó khăn rồi thưa bà, vì cứ theo đà này thì nơi nào cũng ra quy chế như vậy. Xuống Mỹ Tho để xin giấy phép bán hủ tiếu Mỹ Tho cũng còn gần, nhưng qua Tàu để xin giấy phép bán cơm chiên Dương Châu thì phải xuất ngoại xa xôi. Nhưng giả sử có người dân có đứa con tên Huế và mở tiệm bún bò, đặt theo tên con là Bún Bò Huế, kiểu đặt theo tên như Bún Bò Mụ Rớt, Bún Bò Gia Hội… vậy có phạm luật không thưa bà?

NHTU: – À, à, chúng tôi sẽ xem xét theo từng trường hợp khác nhau hoặc cũng có thể họ phải đổi tên con để tránh vi phạm bản quyền.

GL:Ở nước ngoài cũng có nhiều nhiều tiệm ăn người Việt bán bún bò Huế, luật này có áp dụng với họ không thưa bà?

NHTU: – Trước mắt quy chế này sẽ áp dụng trong nước và sau khi cầu chứng thương hiệu bún bò  ra quốc tế thì bất cứ ai, ở đâu muốn bán bún bò cũng phải xin phép chúng tôi. Chúng tôi sẽ có văn phòng luật sư đại diện ở nước ngoài để kiện những ai vi phạm tác quyền thương hiệu.

GL: Bà nghĩ liệu tỉnh ta sẽ có khả năng thực hiện được quy chế bún bò này không?

NHTU: – Có hơi khó khăn lúc ban đầu vì người dân chưa hiểu hết mức quan trọng của nó, tuy nhiên chúng tôi sẽ áp dụng, sai đâu sửa đó cho đến khi quốc hội chúng ta ban hành Luật Bún Bò và đưa nghị định áp dụng trong và ngoài nước.

GL: – Dạ, cảm ơn bà đã cho biết thêm.

GL thực hiện

(Lời tác giả: Sau cuộc phỏng vấn, Ga tui đã đưa bài báo cho chú Ba Xe Ôm đọc thử, chú đề nghị sửa tựa thành “Quy Chế Bò” cho ngắn gọn. Tuy nhiên vì sợ có nhiều hiểu lầm và phiền toái, Ga tui quyết định giữ nguyên chữ “bún” trong ngoặc, theo như tựa  “Quy Chế (Bún) Bò” bên trên. Nay kính!)