Gần đây tôi đọc trong một diễn đàn nhiếp ảnh trên mạng, có một người hỏi về sự lựa chọn cho một máy ảnh back-up. Nếu bạn chụp hình thường xuyên, trước sau gì bạn cũng sẽ gặp một sự trở ngại nào đó với máy ảnh. Lần cuối cùng chuyện này xảy ra với tôi, chiếc máy D200 bị khựng làm việc mà không hề có một dấu hiệu nào báo trước – thì ra cửa chập (shutter) đã “chết” sau 200,000 lần bật lên xuống. Lúc đó tôi không có một máy dự bị nào hết, cho nên sau khi lái xe hai tiếng tới địa điểm chụp cảnh và bấm được vài cú shot, tôi đã phải “bó tay” lái xe hai tiếng về nhà. Nếu bạn chụp ảnh ở một địa điểm hẻo lánh, như tôi thường đi, hoặc nếu bạn lọt vào những tình huống mà bạn không thể nào không chụp, bạn cần có máy ảnh back-up.
(Ðể tóm lại, câu hỏi của bạn ấy có vài thắc mắc nếu nên dùng máy ảnh mình đã có để làm máy back-up, hoặc mua một máy “thứ nhì” giống y máy “nghề” của anh ta, hoặc “binh” một đường nào khác.)

Tôi đáp rằng…
Theo tôi hiểu, câu hỏi chính của bạn ở đây là: “Vai trò của máy ảnh back-up trong hoạt động nhiếp ảnh của bạn là gì?”
Cụm từ “backup camera” có thể có những ý nghĩa khác nhau với nhiều người.
Ðối với một người, nó có thể nghĩa là “máy ảnh thứ nhì,” và dự tính là mang theo cả hai máy gắn sẵn với ống kính, và dùng cả hai để chụp. Thí dụ, bạn có thể gắn một ống kính tele trên một máy và một ống kính wide angle trên máy kia để bạn khỏi cần phải thay ống kính qua lại. Trong trường hợp này, chúng ta có hai cách hành xử khác nhau.
– Chụp với hai máy ảnh giống hệt nhau, để bạn không cần phải học cách chỉnh và những nút khác nhau trên máy ảnh, và hơn nữa tiêu cự trên hai máy ảnh sẽ đồng đều nhau (full frame vs. crop sensor). Phẩm chất ảnh từ hai máy sẽ như nhau. Bạn có thể gọi đây là cách “chung thân”.

– Chụp với một máy cropped sensor và một máy full frame. (Như trường hợp “giấc mơ” khi dùng một máy D810 và một máy D500.) Một thân máy thì “quá ngon lành” cho nhiều áp dụng – trong khi máy kia cho bạn lấy khoảng cách xa hơn và có lẽ cung cấp cho bạn độ bắn nhanh hơn. Coi như đây là cách “tương trợ”.
Trong trường hợp khác, “back-up” có thể chỉ có nghĩa là “back-up” – một máy ảnh mà bạn hy vọng sẽ không bao giờ phải dùng tới, nhưng phải mang theo sẵn vì bạn không thể nào chấp nhận khi máy chính bị hư. Nếu bạn chụp một sự kiện mà bạn tuyệt đối không thể nào không lấy ảnh (như đám cưới, hoặc những sự kiện chỉ diễn ra một lần trong đời), hoặc nếu bạn đi xa tới những nơi không có tiệm sửa máy ảnh bị hư, máy ảnh back-up có thể không cần phải tạo nên những hình ảnh có phẩm chất đẹp tương đương. Sau đây là một vài lựa chọn:
– Bạn có thể muốn mua một thân máy cropped sensor “tốt” nhưng “rẻ tiền” như hàng D3200 hay D3300 (và nay vừa mới ra D3400). Những máy ảnh này thật sự có thể cho ra phẩm chất ảnh rất tốt trong nhiều hoàn cảnh nếu bạn có đủ “nội công”, và cũng rất có thể bạn sẽ trở về với ảnh đẹp nếu máy ảnh chính của bạn bị hỏng. Những máy này cũng có giá trị đáng kể đối với một số nhiếp ảnh gia để chụp những đề tài ít “khủng” hơn hoặc để chụp trong những lúc đòi hỏi bạn dùng đồ nghề “nhỏ” và “nhẹ” (như lúc chúng tôi vượt con sông chảy cuồn cuộn có đầy cá sấu ở Châu Phi).

– Giữ một máy ảnh “đời trước” khi nào bạn quyết định mua máy mới tốt hơn. Lúc đó, giá trị của máy cũ có lẽ khá thấp, và không đáng để bạn bán đi. Nó đáng đóng vai trò một máy ảnh back-up hơn.
– Mua một máy ảnh bỏ túi – có lẽ cùng hạng với Canon G và những máy của Sony, Panasonic v.v… Trong trường hợp bị “kẹt”, những máy này đôi khi có thể tạo ảnh khá tốt, nhất là khi tình trạng ánh sáng không quá ngặt nghèo. Trong vai trò “chữa cháy”, những máy này có thể xuất sắc trong nhiệm vụ backup.
Dựa vào những thông tin trên, bạn có thể tự quyết định bạn muốn dùng máy ảnh nào trong nhiệm vụ back-up, tùy theo mức độ “serious” của bạn trong nghề nhiếp ảnh. Nhưng theo riêng tôi – có còn hơn không, có còn hơn không!
AN