Menu Close

Trở ngại và sự kiên nhẫn

Người đàn ông với nước da ngăm đen đến văn phòng tôi với nét mặt đầy đăm chiêu, lo lắng.  Anh biết tôi qua sự giới thiệu của cô em gái mà trước đây từng đến tham khảo tôi về vấn đề di chúc.  Cách đây một năm anh đặt chân đến nước Mỹ trong niềm hân hoan khôn xiết, vừa được đoàn tụ với gia đình, vừa được bắt đầu một cuộc sống mới. Cầm trong tay tấm giấy I-551 (giấy thẻ xanh tạm thời), anh đinh ninh rằng sớm muộn gì anh cũng sẽ được nhận thẻ xanh chính thức trong vòng 6 tháng theo như hướng dẫn trên giấy thẻ xanh tạm thời.

Anh nhanh chóng hội nhập vào cuộc sống mới. Chạy ngược chạy xuôi xin hết việc này đến việc kia và cuối cùng thì anh đã tìm được công việc thích hợp với kinh nghiệm và nghề nghiệp của mình. Nhưng rồi 6 tháng trôi qua mà anh không hề nhận được thư từ gì của Sở di trú.  Trong khi đó văn phòng nhân sự của công ty anh làm bắt đầu gọi anh lên và yêu cầu anh bổ sung giấy tờ chứng minh anh có thể làm việc hợp pháp ở nước Mỹ. Tiếng Anh thì giới hạn mà liên lạc đến Sở di trú cũng khó khăn, anh đành nhờ văn phòng tôi trợ giúp. Nhưng theo đúng hướng dẫn của Sở di trú thì anh chỉ có thể bắt đầu liên lạc Sở di trú sau 11 tháng từ ngày anh định cư.  Tức là đúng 1 tháng trước ngày thẻ xanh tạm thời của anh hết hạn, trong khi công ty của anh tiếp tục hối thúc anh. Và gia đình anh cũng rất lo lắng.

Văn phòng chúng tôi đại diện cho anh gửi thư lên Sở di trú vùng (regional  office) đặt dấu hỏi về trường hợp của anh. Ba tháng sau vẫn không thấy Sở di trú trả lời. Tôi liên lạc Sở di trú qua phôn thì họ bảo rằng họ không có bất cứ giấy tờ nào về việc tôi là luật sư đại diện cho người khách hàng này và lý do đó họ từ chối nói chuyện với tôi ngoại trừ có người khách hàng bên cạnh cho phép.

Ngày thường tôi biết khách hàng tôi phải đi làm nên việc bắt anh phải túc trực trên phôn nhiều giờ sẽ trở ngại cho việc làm của anh. Tôi lại liên lạc Sở di trú qua phôn một lần nữa.  Sau gần 3 tiếng chờ trên phôn, tôi đã có thể trực tiếp nói chuyện với một viên chức khác của Sở di trú.  Lần này cô nhiệt tình giúp tôi nhưng cô thú nhận rằng những tin tức cô có trong máy tính cũng rất giới hạn, và cô khuyên tôi gửi thư một lần nữa ở văn phòng di trú địa phương (local office) thay vì văn phòng của vùng, đồng thời cô sẽ giúp tôi điền một giấy khiếu nại lên cấp trên của cô.

Sáng ngày Thứ Bảy, điện thoại làm việc của tôi reo vang. Nhìn vào số gọi là số bắt đầu với 1-800 tôi ngán ngẩm bắt phôn vì tôi cho rằng có thể đó là những người quảng cáo hay mua bán hàng qua phôn. Vẫn còn ngái ngủ nhưng tôi trả lời một cách sốt sắng:

Hello, Law Office” (Xin chào, Văn Phòng Luật đây).

This is Agent Diaz of Homeland Security (Ðây là Ðặc Vụ Diaz của Cơ Quan An Ninh Tổ Quốc).  May I please speak with attorney Kamphaus?  (Xin cho tôi nói chuyện với luật sư Kamphaus)

Tôi chuyển từ ngạc nhiên đến lo lắng.  Thường khi liên lạc với Sở di trú, người trả lời xưng danh là “Officer” (nhân viên) chứ không phải là Agent (Ðặc Vụ).  Tôi suy đoán, nếu Ðặc Vụ mà liên lạc tôi vào ngày cuối tuần thì chắc là ai đó khách hàng của tôi đang ở vùng biên giới vi phạm luật hay đang bị trục xuất. Nhưng tôi nhanh chóng trả lời ngay rằng tôi là người luật sư họ hỏi.  Sau đó người Ðặc Vụ nói đến tên của người khách hàng của tôi và cho tôi biết rằng ông trả lời thắc mắc của tôi theo giấy khiếu nại mà ông nhận được. Một lần nữa ông lại hỏi tôi giấy đại diện luật sư. Tôi giải thích cho ông rằng tôi đã gửi đến 2 nơi theo lời hướng dẫn của Sở di trú, và tôi có thể gửi đến cho ông ngay nếu ông cần. Nhưng sau đó ông giải thích rằng khi hồ sơ bảo lãnh được thành lập tôi không phải là người đại diện cho khách hàng này từ đầu, nên khi khách hàng đã sang Mỹ và hồ sơ bị trục trặc cho dù tôi có gửi giấy đại diện lên Sở di trú bây giờ họ không thể nhìn thấy giấy tờ của tôi gửi trong hệ thống computer của họ. Và đó là trở ngại của hệ thống computer hiện giờ. Sau đó ông yêu cầu tôi cố gắng liên lạc với khách hàng tôi qua phôn cùng một lúc và ông sẵn sàng chờ đợi  1 tiếng trên phôn. May mắn thay, vì là ngày cuối tuần khách hàng tôi đã bắt phôn. Sau khi kiểm tra danh tính và được sự cho phép của người khách hàng của tôi, người Ðặc vụ cho chúng tôi biết khi người khách hàng vừa đặt chân xuống phi trường, ngay tại custom (hải quan) người nhân viên hải quan đã ghi chú vào hồ sơ người khách hàng tôi một cái gì đó hơi bất thường nên hồ sơ của anh đã bị lưu giữ và đình trệ. Nhưng người Ðặc vụ từ chối nói ra chi tiết những ghi chú đó gồm những gì. Tôi khẳng định khách hàng tôi là người lương thiện cho xã hội và không hề có hồ sơ tội phạm gì. Người Ðặc vụ nhiệt tình giúp đỡ và hứa sẽ tìm ra cách giải quyết hồ sơ. Ðúng hai tuần sau tôi nhận được email từ Sở di trú công nhận sự đình trệ và cho biết họ sẽ gửi thẻ xanh cho khách hàng tôi trong vòng 3 tháng.

Sau việc này chúng ta đều thấy ở đâu cũng có quan liêu trong hệ thống chính quyền, nhưng ở Sở Di Trú này cũng có những nhân viên tận tụy với khách. Ðòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn khiếu nại mà không cần phải hối lộ cho bất kỳ ai.

AT