Menu Close

Viết từ cảm nhận “Quo Vadis”

Quo Vadis,” tác phẩm văn học cổ điển Ba Lan của Henryk Sienkievich, đoạt Giải Nobel  Năm 1905. Dịch giả: Nguyễn Hữu Dũng. Nhà sách Văn Học xuất bản. Tập II, chương LXX của bản dịch kể chuyện ông Pior [= Thánh Phêrô] đi trên đường Appia, về phía đồng bằng Kampania. Ông rời bỏ những tín đồ đã quá đỗi mệt mỏi ở nơi đó. Ông đi trốn sự săn đuổi bắt giết của bạo chúa Nero, và lại gặp Chúa Jesus đi vào thành. Ông thảng thốt kêu:“Quo vadis, Domine ?… Lạy Ðức Chúa, Ngài đi đâu…?” Chúa Jesus trả lời: “Khi người rời bỏ dân ta, ta phải đến Rôma để cho người ta lại đóng đinh ta lên cây thập tự lần thứ hai.” [*]

Sứ đồ Pior khóc lóc, nằm lăn ra đất. Ông vùng đứng lên, đi về phía bảy ngọn đồi của thành phố. Lời của chú tiểu đồng đi theo sứ đồ Pior, hệt như một tiếng vang:“Quo vadis, Domine…? Thưa Thầy, Thầy đi đâu?” Sứ đồ Pior khẽ đáp: “Về Rôma.” [*] Tại đây, ông bị đóng đinh ngược trên cây thập tự.

quo-vadis

Phải chăng những anh chị em có tên trong trang Blog mới của Thanh Niên Công Giáo, cũng giống như sứ đồ Pior nhìn thấy Chúa Jesus, họ đã hỏi: “Quo vadis, Domine?… Lạy Ðức Chúa, Ngài đi đâu?…” Và Chúa đã trả lời như ngày xưa: Ngài đi chịu đóng đinh trên thập tự một lần nữa! Vì nghe Chúa nói như vậy, họ vui lòng đón nhận bị giam cầm, bị bách hại, bị ngược đãi. Những giòng nước mắt thi nhau chảy ngược vào lòng anh, vào lòng chị, vào lòng tôi. Chúng ta đau đớn và chua xót. Ðau đớn vì cảm thương cảnh tù tội của anh chị em mình. Chua xót vì tại sao cho đến bây giờ, khi thế giới ca ngợi hòa bình, tự do, công chính, thì ngay tại quê hương, những người anh chị em của chúng ta nói lên tiếng nói của đức tin, của tự do-hoà bình-công lý lại phải ngồi tù? Tôi chợt hiểu ,vì sao bạn tôi – người vẫn ở với quê hương – lại nói: “Ngày xưa, có thời gian tớ ngồi nắn nót, kẻ khuông nhạc trên trang vở học trò, chép lại những ca khúc ưa thích, viết lại những bài thơ để dành. Nhưng bây giờ ít khi nào tớ có thời gian để thả hồn trôi bềnh bồng trong những vùng hạnh phúc ấy nữa. Nói như thế có vẻ chưa chính xác; đúng ra bây giờ tớ khó có thể phá được bức tường thành tâm lý, để làm những chuyện văn thi nhạc ấy. Trước mắt và trong tâm trí tớ, chuyện xã hội Việt Nam dư đầy ám ảnh. Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối, là lời tớ tự nhắc nhở bản thân mỗi ngày.”

Ðường mây rộng phượng hoàng bay, sao ta đứng lại buồn day dứt lòng! Bạn cũng như tôi, không thể nào vui, khi chúng ta biết những người anh chị em của mình đang bị khốn khó trong cảnh tù tội, chỉ vì họ muốn bảo vệ đức tin, chỉ vì họ muốn thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối.

Tôi đã đọc tuyển tập “Năm Chiếc Bánh Và Hai Con Cá,” là sứ điệp viết từ nhà tù của Ðức Cố Hồng Y Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận. Cuộc đời của vị mục tử thánh thiện, tài ba, lỗi lạc này là bộ phim sống thực, gây cảm hứng cho giới trẻ, đang dấn thân trong cuộc lữ hành vì niềm tin-cậy-mến ở chốn này. Tôi tin rằng bạn của tôi cũng như các bạn trẻ khác, dù là Ki Tô Hữu hay không, tất cả đều cảm nhận lòng yêu thương của Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận dành cho thanh thiếu niên. Tôi và chúng ta cũng biết: Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã trở thành chứng nhân của niềm tin yêu hy vọng vào ánh sáng chân lý. “Sống Phúc Âm-Sống Giây Phút Hiện Tại.” Ðức Hồng Y Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận đã nói như vậy. Ước mong tình yêu và đức tin của Ngài gửi gắm trong sứ điệp lao tù “Năm Chiếc Bánh Và Hai Con Cá” sẽ lau sạch nước mắt cho anh chị em của chúng ta.

Từ cảm nhận “Quo Vadis,” tự nhiên tôi muốn viết lên một điều gì đó. Ai cũng mong một ngày của mình được đầy đủ. Chí ít cũng có cơm ăn ba bữa, ngày làm việc tám tiếng, tối ngủ tám tiếng. Tám tiếng còn lại để thơ thẩn không đề như tôi.

Những điều khó khăn, như phải đánh vần những chữ trúc trắc trặc trẹo rồi cũng sẽ qua. Bất cứ một sự nan giải nào, hay bất cứ một hiểm họa nào cũng đều có thể giải quyết, cũng đều có thể đương đầu, cũng đều có thể đối phó. Ðừng tự mình hù dọa chính mình. Dĩ nhiên cũng đừng làm kinh động bất cứ ai. Hãy cứ yêu đời đi.

Sớm mai trời se lạnh. Tôi có hơi não lòng. Bây giờ phương đông dần sáng. Buồn ơi chào mi.

HV

[*] Trích trong bản dịch “Quo Vadis”của dịch giả Nguyễn Hữu Dũng