Menu Close

Tự vị tiếng Việt miền Nam – Cái nhìn của Vương tiên sinh về chế độ mới

Nhà văn Vương Hồng Sển & Tự Vị Tiếng Việt Miền Nam

Vương Hồng Sển quê ở Sóc Trăng. Thời học sinh, ông học tại trường Collège Chasseloup Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn). Sau khi đậu bằng Brevet Elémentaire, ông làm công chức ngạch thư ký và phục vụ nhiều nơi từ năm 1923 đến năm 1943, trong đó có dinh Thống đốc Nam Kỳ (1939-1943). Từ năm 1948, ông làm Quyền quản thủ Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn cho đến khi về hưu vào năm 1964.

Vương Hồng Sển - tranh Tạ Tỵ
Vương Hồng Sển – tranh Tạ Tỵ

Ông là người rất ham mê đọc sách và thích ghi chép tất cả những điều tai nghe, mắt thấy. Phần lớn những tác phẩm của ông rút tỉa từ những tài liệu dưới dạng hồi ký mà ông còn giữ gìn được. Những nhà phê bình nhận xét về văn của ông Vương Hồng Sển như sau:”Giọng tuy nói cà rỡn nửa đùa nửa thật, nửa giấm chua, nửa tiêu ớt thỉnh thoảng có đôi chỗ chọc cười, cho bớt buồn ngủ. Văn ấy các học giả có tánh lập nghiêm và chưa quen tai, lấy làm khó chịu, nhưng thét rồi cũng phải nhìn nhận, biết nói pha lửng như dọn cơm trong cảnh nghèo, lấy trái ớt tép hành để dễ nuốt cơm và chọc cười cho dễ nhớ, thêm nhớ được lâu.

Hay như nhà văn Sơn Nam đã nhận xét về ông “Những gì ông viết ra nhưng trăng trối, có khi chỉ là chuyện lụn vụn “tào lao”, “loạn xà ngầu”, nhưng với những người đến sau, nó mang một giá trị to lớn, nó chất chứa những niềm say mê và quyến rũ”.

Ông là nhà sưu tập đồ cổ có tiếng ở Miền Nam.

Vương Hồng Sển mất ngày 9 tháng 12 năm 1996 tại Sài Gòn, thọ 94 tuổi.

Nhân đọc Tự vị tiếng Việt miền Nam của cụ Vương Hồng Sển (nxb Văn hóa, 1993), nhà văn Hoàng Dũng có mấy dòng nhận xét sau đây về cái nhìn của Vương tiên sinh đối với chế độ mới.

NGUYỄN & BẠN HỮU

 

Tự vị tiếng Việt miền Nam – Cái nhìn của Vương tiên sinh về chế độ mới

Hoàng Dũng

Là một người suốt đời mê sách, đã từng viết Thú chơi sách (1960), dễ hiểu là cụ Vương tỏ ý đau đớn một cách kín đáo trước những chiến dịch đốt sách nhân danh “bài trừ văn hóa đồi trụy”: “Ngày nay từ năm 1975, có nạn hốt và thủ tiêu sách.” (tr. 499). Và là một người sưu tầm cổ ngoạn số một miền Nam, cụ Vương tránh sao khỏi xót xa khi nghĩ đến số phận của 1,300 món trang sức bằng vàng có nạm châu báu, gọi chung là le trésor d’Oc Eo, lưu trữ ở Viện Bảo tàng Sài Gòn, do Louis Malleret thu thập: “[…] từ sau ngày 30-4-1975, các bảo vật ấy, ước 2 kilo, còn mất không biết được.” (tr. 523)

Về lịch sử, cụ Vương quyết liệt bảo vệ một cái nhìn khách quan về các nhân vật bị các ông quan sử học của chế độ mới lên án. Cụ ca ngợi Nguyễn Tri Phương quả cảm chống giặc, mà cũng kính trọng Phan Thanh Giản yêu nước, sáng suốt. Cho nên, cụ không chịu được những ai vì thiên kiến chính trị mà cố kết tội cụ Phan: “Có một hôm nọ, xúm nhau tìm tội lỗi của quan Phan, từ sáng đến xế mà chưa ngã ngũ, tôi bực quá buộc lòng than khá lớn: “Chớ chi ông sanh ở Hà Nội thì không có chuyện”. Cả nhóm đứng dậy và giải tán, tôi đến nay còn ăn năn già không biết giữ lời.” (tr. 488)

Tu-Vi

Ở một chỗ khác, cụ phê phán việc hạ bệ tượng đồng Trương Vĩnh Ký: “[…] hình đồng của nhà tiền bối này, nguyên do tiền bá tánh Nam Kỳ góp trong cuộc lạc quyên để nhắc đời công lao người học rộng này, nay còn đâu? Và người đi sau có quyền gì hủy hoại lòng bái phục chơn thành của nhóm người đi trước? Nếu nay ta bày gương này, thì đừng trách đám đàn em sau này không đồng ý kiến với chúng ta.” (tr. 587) Nói thêm: Nguyễn Văn Trung (Trương Vĩnh Ký – Nhà văn hóa, nxb Hội Nhà văn, 1993, tr. 44) cho biết cháu Trương Vĩnh Ký là ông Trương Vĩnh Thạnh có được mời đến để thông báo lý do hạ bệ tượng Trương Vĩnh Ký: “Nhân dân không muốn duy trì những tàn tích cũ!”. Việc dựng tượng Trương Vĩnh Ký không phải là sáng kiến của chính quyền thực dân Pháp, mà là của những người yêu nước thuộc tổ chức Minh Tân do Trần Chánh Chiếu đứng đầu. Ðó là một cuộc lạc quyên, nói đúng hơn là một cuộc vận động chính trị, rộng rãi trong mọi giới, từ nông thôn đến thành thị (xem Nguyễn Văn Trung, sách đã dẫn, tr. 41-44).

Về ngôn ngữ, cụ phản đối chủ trương thống nhất quá đà, đến mức muốn mọi người phải nói một “giọng của người đắc thắng chi nhất thời”: “Luận về mặt văn chương, muốn xưng là lịch duyệt thì phải làu thông tiếng nói ba miền Bắc, Trung, Nam, tiếng ngoại quốc cũng cần tường lãm, tiếng xưa tiếng nay tiếng nói tiếng lái (nói lái) cũng cho rành mới đáng gọi là người Việt, chớ không phải bo bo biết có một của người đắc thắng chi nhất thời, mà gọi là “nói tiếng thống nhất” được. Nói có một giọng, dùng có một chữ duy nhất, tỷ dụ nói “thư” bỏ chữ thơ, nói “nhất”, không cho dùng chữ “nhứt”, vân vân, theo tôi, ấy là làm nghèo cho tiếng nói chớ không còn thống nhất nữa.” (tr. 479-480)

Nhưng cụ Vương không giới hạn cái nhìn phê phán của mình trong những vấn đề văn hóa. Về kinh tế, cụ bất bình về chính sách thủ tiêu “tư sản mại bản”: “Con cháu Lý Tài [tên một người Hoa – chỉ người Hoa nói chung] vẫn tiếp tục làm nghề trung gian ở giữa, phát tài to là nghề mại bản, quen gọi là “Mái chín” (compradore) cho đến ngày nay gán cho bản hiệu mới “tư sản mại bản” mà chịu trần ai khổ lụy, tán gia bại sản, gia vong, thân phải lưu vong, nhưng họ là người giàu nghị lực, miễn cho thân còn sống sẽ lo tạo lập cơ nghiệp mới trên đất mới khác.” (tr. 459)

Về chính trị, dường như cụ chê “trại cải tạo” là một chủ trương dối trá. Phân biệt phòng và trại, cụ dẫn Việt Nam máu lửa của Nghiêm Kế Tổ rằng “trong đẳng, sau khi bị treo giò, mất tín dụng người cán bộ nào được ở lại nằm lì nằm co một chỗ tại phòng tiếp tân của trung ương cơ quan mình thì gọi là “phòng’, anh nào vô phúc hơn, phải xách ba lô vào cải hối thất thì gọi là “trại”. Cả hai đều với mục đích trau dồi tư tưởng, lọc bỏ lỗi lầm cũ, nhưng ở “phòng” thì còn danh còn nghĩa, chứ đến “trại” thì đã là tù” (tr. 529. Nói thêm: Tự vị tiếng Việt miền Nam ghi nguồn là Việt Nam máu lửa trang 174, nhưng thực ra là các trang 172-173). Cần lưu ý Nghiêm Kế Tổ là một nhân vật lẫy lừng của Việt Nam Quốc dân đảng, còn Việt Nam máu lửa (nxb Mai Lĩnh, 1954) là cuốn sách chống cộng. Và có phải ngẫu nhiên không khi cụ Vương muốn minh định nghĩa của chữ trại, là “trại tù”, trong khi nhà nước luôn luôn nói đó chỉ là “trại cải tạo”?

Rộng hơn, cụ thẳng thắn nói rõ sau năm 1975, miền Nam mất hết tự do: “Ðược làm dân Việt, […] từ 1975 mất hết luôn cả tự do […].” (tr. 344)

Ðây là một cuốn sách tra cứu, sắp xếp theo kiểu từ điển, cho nên ý kiến của tác giả chỉ ngắn gọn, rải rác và không hệ thống. Tuy nhiên, nếu chịu khó đọc kỹ, cũng có thể thấy phần nào quan điểm của cụ Vương. Việc cho in cuốn sách này có lẽ là do người canh cửa của nhà xuất bản Văn hóa sơ suất, không ngờ tác giả lại cài những lời lẽ “không hợp thời” vào một cuốn sách có vẻ không có gì là chính trị, hơn là do họ có tư tưởng cởi mở.

HD