Con Người Phi Châu
Mặc dù Tháng Bảy dương lịch là mùa đông ở Phi Châu, buổi sáng tuy phải mặc áo ấm ra đường, nhưng đến trưa là bắt đầu nóng, trên xe bus của du khách luôn luôn mở máy lạnh. Những con đường ra ngoài thành phố, hai bên cát bụi đỏ au, thỉnh thoảng có người đàn bà địu con sau lưng, đội thúng trên đầu đứng bên đường chờ xe, có những thanh niên đi nhóm hai ba người, ăn mặc cũng tươm tất, đi như đi từ trong rừng ra, có một vài em bé đi đến trường hay đi học về, có em mặc đồng phục hẳn hoi (Ðược biết những đồng phục này được chuyển từ gia đình nọ, tới gia đình kia.) Màu sắc xanh đỏ trên y phục của họ tương phản với mặt đất, với hoang vu của núi rừng. Họ đi bộ xa giỏi lắm, đôi chân họ thanh mảnh và vững chắc. Nếu để ý sẽ thấy phần đông đàn ông gầy hơn đàn bà.

Khu Langa Township ở Cape Town
Bạn không thể tự mình đến đây được, vì sẽ không an toàn. Du khách phải trả tiền riêng cho chuyến thăm viếng này, nhờ người địa phương hướng dẫn cho được an toàn.
Xe bus tới Trung Tâm Cộng Ðồng. Nơi đây chúng tôi được hướng dẫn xem công việc thủ công như: đồ gốm, vẽ tranh, đẽo gỗ, đan, tết, những đồ dùng và những con thú bán cho du khách. Ðược xem và đánh trống cùng thổ dân. Mua một vài món vừa lưu niệm vừa giúp quỹ cho Trung Tâm.
Ðược đi tới khu những ngôi nhà ổ chuột (Township), nơi con người vẫn ở trong những cái nhà, nếu gọi là nhà, thật ra là những cái Container cũ, bằng tôn hay gỗ, những cái hộp được quây bằng những tấm thiếc đã gỉ sét, có diện tích bằng khoảng hai mét vuông. Những cái thùng này kê sát nhau, chen chúc bên cạnh những con đường đất đỏ, những rãnh nước và những vòi nước rỉ rả chảy. Những quầy hàng xếp lèo tèo vài mớ rau héo, trái cây rụng cuống và những mảng thịt tái ngắt để lẫn vào nhau. Bụi cát thản nhiên thổi trên mặt người và mặt hàng. Ở khu này có người giơ tay ra xin tiền nhưng bị người hướng dẫn nạt, và gạt đi.

Chúng tôi dừng lại nơi có những người đàn bà da đen vẽ mặt đang ngồi đốt những chiếc đầu cừu, móc chút thịt còn sót lại; có người đàn ông cầm chai rượu vừa đi chân thấp chân cao vừa ngã vào đống lửa, lồm cồm tự đứng dậy, rồi lại lăn quay xuống. Chẳng ai để ý nhìn, ngay cả những đứa trẻ đang ngồi gần đó cạnh mẹ. Chỉ có du khách chú ý thôi. Ruồi ở đâu về mở hội trên những chiếc đầu cừu không còn một hột máu. Rùng mình!
Chúng tôi được đưa tới một trong những khu chung cư của nhà nước. Một căn nhà cho một hay hai gia đình, tùy theo mỗi gia đình có mấy người. Theo người hướng dẫn, chui qua những dây phơi quần áo dài từ đầu bãi rác to tới con đường ra ngoài khu chung cư, chúng tôi vào một căn nhà (được chọn cho du khách thăm). Ðồ đạc, bếp núc sơ sài gần như không có gì, người đàn bà nét mặt thản nhiên (như đã quen khách như thế), không nói, không cười, đang đứng cạnh cái bếp giữa nhà. Một người đàn ông bước ra từ phía trong, rồi đi hẳn, khuất sau cánh cửa chính. Một đứa bé bên trong cái buồng ngủ duy nhất, ngước đôi mắt như hai viên ngọc đen, nó ra khỏi buồng, nhìn chiếc đĩa giấy để trên mặt cái bàn gỗ tạp giữa nhà ngoài, trên đĩa có ghi chữ Donation. Một con ruồi bay vào từ bên ngoài, đậu trên đó, thằng bé xua xua tay, đuổi con ruồi. Có một vài du khách đặt trên chiếc đĩa đó những tờ giấy bạc mỏng cho nhẹ bớt đi những điều mình vừa thấy, kéo hồn mình trĩu nặng.
Cuối cùng, khi chúng tôi chụp hình, cũng xin được một nụ cười ngập ngừng của người đàn bà.

Trường Học Ở Swaziland
Ở Swaziland chúng tôi cũng được đi thăm lớp học Mẫu Giáo Ezulwini cho trẻ mồ côi. Với tôi đây là nơi đáng nhớ nhất.
Xe bus của du khách vừa tới, các em từ một tuổi, còn cầm bình sữa đến các em lên 5, lên 6, được các cô giáo dắt ra tận nơi. Như đã quen với du khách mang dụng cụ học trò, quần áo, trái cây và kẹo tới, các em hân hoan, tươi cười, dạn dĩ chạy ào ra nắm tay du khách. Những bàn tay bé bỏng, đen như gỗ mun, đặt vào những bàn tay to lớn, xa lạ, khác màu da, không ngượng ngập. Những đôi mắt như ngọc đen sáng bóng, ngước nhìn khách tràn đầy hạnh phúc. Khách phương xa, kẻ trào lệ, kẻ khóc trong lòng.

Các em hát bằng thổ ngữ, bằng tiếng Anh, vừa hát vừa nhìn vào những túi kẹo trên tay khách. Hát xong các em được phát kẹo. Sau đó là màn du khách ôm ấp, chụp hình với các em, rồi trao sách tô màu, chì màu, tập, vở học trò, quần áo và nói chuyện với mấy cô giáo.
Các em đẹp như những viên sỏi đen bóng, hai con mắt tròn đen, nụ cười rạng rỡ. Tôi nhìn các em tự hỏi, rồi tuổi thơ này cuối cùng sẽ ra sao? Tôi đã nhìn thấy các em lớn tuổi hơn, các thanh niên mười tám, đôi mươi đang làm tất cả những công việc ngoài kia để kiếm được hai Mỹ kim cho một ngày.
Tôi đã thấy ở những khu chợ trời, những thanh niên trẻ lắm, bày những con thú bằng gỗ, bằng đá trên mặt đất bán cho du khách. Người mua ít hơn người bán. Những chàng thanh niên luôn luôn có đôi mắt rất buồn. Ðôi mắt chứa cả một bầu trời đen như màu da đen của họ.

Máu và Kim Cương Phi Châu
Chúng tôi cũng được đi xem một tiệm bán Kim Cương ở Nam Phi, nhưng hầu như cả nhóm hơn hai mươi người cũng chỉ đi lướt qua từ cánh cửa vào tới cánh cửa đi ra. Những người du lịch ở tuổi ngoài sáu mươi hay có trẻ hơn cũng trên năm mươi, không ai nghĩ đến việc cần mua nữ trang nữa, nhất là khi du lịch. Người hướng dẫn thương mại cũng cho chúng tôi xem những tấm hình Mỏ Kim Cương, nhưng không ai đả động đến những phu đào mỏ. Họ có thể là một em bé Phi Châu ở tuổi lên 9, lên 10. Cũng không ai nói cho chúng ta biết rằng, món nữ trang chúng ta đang đeo trên cổ lấp lánh ánh sáng huyền ảo đó có nhuộm máu trẻ thơ. Ðó là những viên kim cương máu (Blood diamonds). Con đường chuyển Kim Cương từ quốc gia này tới quốc gia khác, phần đông không ai biết xuất xứ từ hầm mỏ nào.(*)
Không phải chỉ có người Phi Châu mới là những nô lệ đào mỏ. Có những nô lệ của các nơi trên thế giới cũng được đưa tới đây làm phu đào mỏ này. Họ được những chủ nhân ông thu thập từ các nơi đến, và ở đây họ tự tạo ra một ngôn ngữ riêng để những phu mỏ hiểu nhau. (*)

Neilson Mandela
Phi Châu nghèo và bị những người da trắng đến cai trị quá lâu, nên họ đã có những anh hùng đứng lên tranh đấu. Ðó là Bishop Tutu và Neilson Mandela. Hai người anh hùng này đã cùng được trao giải Nobel Hòa Bình.
Chúng tôi được đi thăm hai ngôi nhà của Neilson Mandela. Một ngôi ở khu da đen trước khi ông làm cách mạng và bị tù. Một ngôi nhà ở khu giàu có [da trắng] sau khi ông làm Tổng Thống. Trước cửa ngôi nhà sau này, dân chúng làm những mảnh vườn nhỏ, trồng những cây cọ thấp. Nơi đó ai muốn viết những lời trò truyện, lời cám ơn cho ông thì viết lên một viên đá cuội đặt xuống chung quanh cây cọ.
Nam Phi còn biết bao nhiêu điều chưa nói hết trên những trang giấy hạn hẹp này. Tôi ra về trên chuyến bay dài, chập chùng mây, chập chùng biển.
Cái thân nhỏ bé bềnh bồng nhớ đến những căn nhà ở gần bãi biển giá năm, mười triệu, nhớ những khu phố của người giàu, phần lớn thuộc về người da trắng. Nhớ đến khu ổ chuột của người da đen, những cái thùng, cái hộp quây bằng thép gỉ được gọi là nhà, những đôi mắt đen nhánh ngây thơ của các em bé, đôi mắt buồn bã của những thanh niên ngoài chợ trời.
Nhớ đến những điều được nghe, được đọc, được nhìn về một Nam Phi Châu:
Những bệnh viện cho dân nghèo ở Nam Phi luôn luôn quá đông bệnh nhân so với khả năng có thể phục vụ. Cả nước có tới 5 triệu người đang sống với HIV/AIDS.

Nghĩa là mười người thì có hơn một người nhiễm bệnh (more than one in ten). Ðã có 3 triệu người chết do truyền bệnh sang nhau, phần đông là người lớn nên bỏ con lại thành trẻ mồ côi và tuổi thọ của dân Phi Châu là dưới 50.
Tình trạng sức khỏe của dân Nam Phi rất kém so với các dân tộc da màu, da trắng. Do đó tỷ lệ tử vong rất cao. Tỷ lệ tử vong càng cao theo tỷ lệ thất nghiệp và lạm dụng ma túy và nhiễm HIV/AIDS. Có 14% Nam Phi da đen bị bệnh so với 2% da màu hoặc chỉ có 0.3 % da trắng và Ấn Ðộ.
Nam Phi là một trong số các nước trên thế giới, nơi có các bà mẹ và trẻ em tử vong tăng từ năm 1990 bởi HIV/AIDS, (trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 1/3.)
Trong suốt mười hai ngày chúng tôi ở Nam Phi Châu, người hầu hạ phục dịch hoàn toàn là người da đen. Chưa hề nhìn thấy một người da đen nào được ngồi vào bàn ăn có người da trắng đứng hầu. (không biết tôi có thể hy vọng được nhìn thấy cảnh ấy trong một thành phố khác ở Nam Phi ).
Ở đâu thì cũng vậy thôi, nơi nào cũng bất công, cũng phân biệt giữa giàu và nghèo. Nhưng một dân tộc trải qua bao nhiêu thế kỷ vẫn chưa ra khỏi cánh rừng, và dưới một góc nhìn nào đó, vẫn là nô lệ, vẫn phải phục dịch người từ xa tới phần đất của tổ tiên mình.
Có ai đó nói: người Phi Châu với đầu óc đơn sơ chậm chạp họ không tự khai thác được gì ở thiên nhiên ngoài sinh sống với thú rừng. Có lẽ vì thế Thượng Ðế đã cho họ những thác nước hùng vĩ, những cánh rừng âm u đầy thú; mỏ kim cương, mỏ vàng như những tặng phẩm, để quyến rũ những con người thông minh hơn, tàn ác hơn đến cai trị họ, và sau hết để quyến rũ du khách mang công việc đến cho họ. Những công việc làm bằng tay chân mà thôi.
Tôi nhắm mắt lại nhớ đến những khuôn mặt ngây thơ của các em bé trong trường Mẫu Giáo Mồ Côi. Tờ báo The Times phát hành ở Botswana- Phi Châu, ra ngày 11 tháng 7 úp trên mặt tôi.

Newborn baby left alone to fight for his life in cold hospital sluice room.
Ðó là một em bé da đen. Khi mẹ sanh em (với 26 tuần 5 ngày) không có bác sĩ trong buồng sanh, em cân nặng dưới 1 kilo, Y tá cho mẹ ôm em 15 phút, rồi mang em đi, nói là em không sống được. Họ quấn sơ sài trong một tấm chăn, để trong một phòng lạnh lẽo, căn phòng chỉ dùng để rửa thau, chậu của bệnh viện, không có ai săn sóc. Em chết sau khi ra đời được 2 tuần. Ba em nói:
“Ðứa con trai bé bỏng của tôi là đứa bé phấn đấu, nó muốn sống nhưng người ta đã giết nó.”
Ðược hỏi tại sao em bị bỏ không săn sóc, bệnh viện trả lời không được săn sóc vì em quá nhẹ kí, trước sau rồi cũng chết.
Ôi Phi Châu! Ðến thương về nhớ.
TMT – 7/22/2016