
Mùa Vu Lan báo hiếu vào Tháng 7 âm lịch, tại các chùa thường có tụng kinh cầu siêu cho “Cửu Huyền Thất Tổ”. Các từ điển cũ cũng như mới không giải thích ý nghĩa của 4 chữ này, nhưng có một số tác giả đã quảng diễn ý nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Xin sưu tầm và lược kê một số giải thích như sau:
Trong Tam Tự Kinh (sách học vỡ lòng trong chữ Hán xưa) do Vương Ứng Lân thời Nam Tống sáng tác, có ghi “cửu tộc” (chín họ) như sau:
Cao tằng tổ – Sơ cố nội
Phụ nhi thân – Cha đến mình
Thân nhi tử – Mình đến con
Tử nhi tôn – Con đến cháu
Tự tử tôn – Từ con cháu
Chí tằng huyền – Đến chắt chít
Nãi cửu tộc – Là 9 họ
Từ điển Khai Trí Tiến Đức (xuất bản năm 1931) có mục Cửu tộc: chín họ: 1. Kỵ (cao tổ) – 2. Cụ (tằng tổ) – 3. Ông (tổ) – 4. Cha (phụ) – 5. Mình (bản thân) – 6. Con (tử) 7. Cháu (tôn) 8. Chắt (tằng tôn) – 9. Chút (huyền tôn). Giải thích này phù hợp với Cửu Tộc thời nhà Hán Bên Trung Hoa, lấy bản thân làm gốc, lên trên 4 đời, xuống dưới 4 đời:
- Cao (cao tổ) : Ông Sơ.
- tằng (tằng tổ): Ông Cố.
- tổ (tổ phụ): Ông Nội.
- phụ (phụ thân): Cha.
- thân: Bản thân (do cha mình sinh ra).
- tử : Con trai (do bản thân mình sinh ra).
- tôn : Cháu nội (cháu nội của mình).
- tằng (tằng tôn): Cháu cố.
- huyền (huyền tôn): Chít (Cháu sơ).
Một số sách ở Trung Hoa giảng nghĩa cụm từ Cửu Huyền và Thất Tổ theo hướng khác:
Thất tổ: (chỉ bảy đời tổ tiên bên trên)
- phụ (phụ thân): cha
- tổ (tổ phụ): ông nội.
- tằng (tằng tổ): ông cố.
- cao (cao tổ): ông sơ.
- thái (thái tổ): cha của ông sơ
- huyền (huyền tổ): ông nội của ông sơ
- hiển (hiển tổ): ông cố của ông sơ…
Cửu huyền: (chỉ chín đời con cháu bên dưới)
- tử: con.
- tôn: cháu nội.
- tằng (tằng tôn): cháu cố.
- huyền (huyền tôn): cháu sơ.
- lai (lai tôn): con của cháu sơ.
- côn (côn tôn): cháu nội của cháu sơ.
- nhưng (nhưng tôn): cháu cố của cháu sơ.
- vân (vân tôn): cháu sơ của cháu sơ.
- nhĩ (nhĩ tôn): con do cháu sơ của cháu sơ sinh ra.
Nếu giải thích theo cách này thì khi thờ “Cửu Huyền Thất Tổ” có nghĩa là thờ cả tổ tiên ông bà cho đến con cháu đời sau? Đó là một nghịch lý, nhưng một vài tác giả cho rằng ở thế gian này có sự luân hồi chuyển kiếp trong dòng họ. Có thể có những vị tổ của các đời lâu xa trước, nay đầu thai trở lại trong dòng họ, làm con cháu mình để thực thi nhân quả; và chính mình đây cũng có thể là một vị tổ đầu kiếp trở lại.
Theo một cách giải thích khác thì 4 chữ này xuất hiện trong tác phẩm Sự Lý Dung Thông viết bằng thể thơ song thất lục bát của Thiền sư Hương Hải (1728-1715) được Tiến sĩ Lê Mạnh Thát biên khảo và dịch, in trong Toàn Tập Minh Châu Hương Hải (Nhà Xuất bản TP. HCM, 2000), với hai câu thơ:
Thích độ nhân miễn tam đồ khổ
Thoát cửu huyền thất tổ siêu thăng.
(Giáo lý đức Phật Thích Ca hóa độ chúng sinh để thoát khỏi ba đường khổ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và có khả năng cứu thoát Cửu huyền và Thất tổ được siêu thăng).
Bốn chữ “cửu huyền thất tổ” được chú thích ngắn gọn như sau:
“Cửu huyền: Chín đời: Cao, tằng, tổ, cha, mình, con, cháu, chắt, chít. Thất tổ: Bảy đời: Cao, tằng, tổ, cao cao, tằng tằng, tổ tổ, cao tổ.”
Một giải thích khác về “Cửu huyền” không mấy thuyết phục:
“Huyền” có nghĩa theo nhà Phật là “đen”, có từ vô lượng kiếp chúng sanh luân hồi sống chết, khi thân xác này rã rời, phân ly trả về cho tứ đại, những chất tinh tủy xương máu và thịt tan rã, hủy hoại đều biến thành màu đen nên gọi là “Huyền”. Bởi chín thế hệ này vẫn xoay, sống chết như vậy nên gọi là “Cửu Huyền”.