Menu Close

Aleppo trẻ thơ và cuộc nội chiến Syria

nguồn heraldmalaysia.com
nguồn heraldmalaysia.com

Một đoạn video được tổ chức Aleppo Media Center gửi đi hôm Thứ Tư tuần qua cho thấy hình ảnh đổ nát ngay sau một cuộc đánh bom có thể là từ phía quân đội của chính phủ Syria hoặc có thể là từ Nga nhắm vào một khu xóm do quân nổi dậy chiếm giữ tại thành phố Aleppo, nằm ở khu vực miền bắc của Syria, nơi cuộc chiến đang diễn ra ác liệt giữa các lực lượng của phe chính phủ và đối lập. Đoạn video và hình ảnh của đứa bé trai trong đó chỉ ít giờ sau đã được chia sẻ trên nhiều trang mạng khắp nơi tạo thành cơn bàng hoàng xúc động trên toàn thế giới.

Lúc đó trời đã tối nhưng quang cảnh đổ nát vẫn hiện rõ cùng những tiếng la hét thất thanh và điên cuồng của những người đang làm công việc cứu trợ nơi hiện trường. Ðứa bé trai, sau này được giới truyền thông nhận diện qua lời kể của các nhân viên y tế là em Omran Daqneesh năm tuổi, vừa được lôi ra từ đống đổ nát và được chuyền từ tay người này qua tay người kia. Toàn thân em phủ đầy một lớp bụi màu xám. Nửa khuôn mặt bên trái dính đầy máu.

Cậu bé Omran Daqneesh, 5 tuổi, được cứu thoát khỏi đống đổ nát ở Aleppo, Syria. nguồn www.abc.net.au
Cậu bé Omran Daqneesh, 5 tuổi, được cứu thoát khỏi đống đổ nát ở Aleppo, Syria. nguồn www.abc.net.au

Người đàn ông đứng ở cuối hàng, trên người khoác chiếc áo màu vàng, ôm chặt lấy em rồi bước ra khỏi đống đổ nát, đưa em vào một chiếc xe cứu thương đang chờ gần đó. Em đưa mắt nhìn ra phía ngoài trong khi được đặt ngồi lên chiếc ghế màu cam, bên cạnh những hộc tủ màu cam và một hộp dụng cụ cấp cứu cũng màu cam.

Sau khi người đàn ông bế em vào xe và rời khỏi thì một người đàn ông khác đưa chiếc máy quay phim chiếu thẳng vào hình hài nhỏ bé đó. Em mặc chiếc quần cụt  và chiếc áo thun có hình vẽ trên phía ngực. Hai tay em đặt trên đùi một cách điềm tĩnh. Con mắt phải của em mở lớn, nhưng con mắt phía trái híp lại. Em nhìn ra phía cửa của xe cấp cứu, hướng về những tiếng nói đang vọng lại. Rồi em chớp mắt nhìn sang phía khác. Em không nói một tiếng nào và trên khuôn mặt vẫn chưa hết nỗi bàng hoàng.

Cuộc không kích đã giết chết ít nhất 25 người trong đó có 6 trẻ em -  nguồn www.rtl.be
Cuộc không kích đã giết chết ít nhất 25 người trong đó có 6 trẻ em – nguồn www.rtl.be

Hình ảnh đó lập tức làm người ta nhớ lại hình ảnh của một bé trai người Syria khác là em Alan Kurdi khi được tìm thấy đang nằm chết bất động trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ gần một năm trước đây. Alan mặc chiếc áo thun đỏ và quần cụt màu xanh, mặt úp xuống bờ cát. Thế giới sau đó được biết em chết cùng với người anh trai khác và bà mẹ sau khi chiếc xuồng bị lật trong đêm trước đó khi đang đưa họ trên đường vượt biển tới Hy Lạp. Hình ảnh của Alan được lan truyền khắp trên mạng vào đúng thời điểm khi từng đoàn người di dân và tị nạn tràn vào Âu châu, đánh động lương tâm của thế giới và làm nổi bật lên nguyện vọng của hàng trăm ngàn người dân khốn khổ dám thách đố sinh mạng cùng tử thần, chạy trốn khỏi một nơi tồi tệ để tìm đến một nơi tốt đẹp hơn.

Hình ảnh của Alan và Omran có cùng điểm tương đồng: là những đứa bé trai với một cuộc sống đầy bất trắc. Hình ảnh của hai em lập tức trở thành khuôn mặt biểu tượng của bi kịch đời sống của chính các em và là câu trả lời cho những thế lực quốc tế, là những người có đầy đủ quyền năng để chấm dứt cơn cuồng dại đang diễn ra: Alan, một xác chết tị nạn bất động, và Omran, một trong nhiều ngàn trẻ thơ Syria đang bị kẹt giữa hai lằn đạn của một cuộc chiến chưa đến hồi kết thúc.

04

Cả hai hình ảnh đều chất chứa sức mạnh vô bờ. Nhưng đoạn video ở đây trực tiếp hơn. Người coi có cảm tưởng như bị đưa vào trong chiếc xe cứu thương cùng với Omran, vừa coi vừa như cố thử tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra trên thân thể bé nhỏ của em. Từng mỗi một biểu lộ nho nhỏ, từng mỗi một cử động nhất thời.

Sự im lặng của em cũng là sự nghẹn ngào không nói nên lời của người coi đoạn video đó. Sự bàng hoàng sửng sốt trên khuôn mặt em đủ để làm người coi phải rơi lệ. Và người coi bỗng nhận thức một điều là đáng lẽ ra em phải khóc lớn tiếng. Ðáng lẽ ra em phải được bao bọc bởi những người em quen biết. Ðáng lẽ ra em phải được ở một nơi nào khác chứ không phải trong lòng chiếc xe cứu thương đơn độc một mình. Nhưng không, em chỉ là một đứa bé trai của chiến tranh vừa được cứu thoát chết bởi những người cứu trợ đầy can đảm.

Ðoạn video được gửi đi chỉ ít ngày sau khi hơn một chục bác sĩ còn đang tình nguyện ở lại trong khu vực quân nổi dậy chiếm giữ tại Aleppo đã viết một lá thư cho Tổng thống Obama khẩn khoản xin được cứu trợ cho những người dân còn đang bị kẹt lại. Lá thư có đoạn viết: “Chúng tôi không cần nước mắt hay lòng thương cảm hay thậm chí những lời cầu nguyện. Cái mà chúng tôi cần là hành động của Ngài.”

Aleppo là một thành phố cổ nằm ở khu vực phía bắc của Syria, có mặt trên bản đồ thế giới từ nhiều ngàn năm trước, nằm trên một đoạn của con đường tơ lụa nổi tiếng đi xuyên qua vùng Trung Á và Lưỡng Hà; do đó trong nhiều thế kỷ, từng là thành phố sầm uất về thương mại. Khi kênh đào Suez được khánh thành năm 1869, công việc thương mại được chuyển qua đường biển và Aleppo bắt đầu suy thoái từ đó.

Trước cuộc nội chiến Syria, Aleppo là thành phố đông dân nhất nước với dân số hơn hai triệu người. Nhưng nay là nơi hứng chịu những cuộc dội bom không thương tiếc và con số thiệt hại càng ngày càng tăng. Ðằng sau của mỗi con số thống kê là nỗi thống khổ của người dân gần như không thể tưởng tượng nổi.

Cha và con trai - nguồn sfgate.com
Cha và con trai – nguồn sfgate.com

Cuộc nội chiến Syria đến nay đã kéo dài năm năm phô bày ra tất cả sự tàn nhẫn của chiến tranh. Nó làm cho khoảng nửa triệu người thiệt mạng và 11 triệu người mất nhà mất cửa, và một nửa trong số đó phải bỏ quê hương để làm thân phận người tị nạn. Lúc khởi đầu chỉ là cuộc biểu tình vào đúng thời điểm khi sự kiện Mùa xuân Ả Rập xảy ra để chống đối chính quyền đương thời của Syria, và nay biến thành một cuộc xung đột tàn bạo không chút thương xót giữa các thế lực trong khu vực và trên thế giới.

Chiến tranh bắt đầu xảy ra tại Aleppo từ bốn năm trước và nay là những cuộc dội bom không ngưng nghỉ, làm cho tình cảnh của người còn sống trong thành phố được ví như đang sống trong một vạc dầu sôi lửa. Với nhiều đoạn video được đưa lên mạng mỗi ngày cho thấy sự bạo động và tàn phá của chiến tranh, và thế giới được chứng kiến những gì đang xảy ra ở một thành phố cổ với nhiều di tích văn hoá đang bị hủy diệt và hàng chục ngàn người đã bị thiệt mạng. Thế giới đã được chứng kiến một Aleppo nguy nga cổ kính đang bị tàn lụi, nhưng nhiều người lo sợ rồi đây Aleppo cũng lại bị bỏ quên như đã từng bị bỏ quên trong mấy năm qua.

Tình cảnh của bé Omran Daqneesh cũng là tình cảnh của khoảng 75,000 trẻ thơ tại Aleppo đang cố tồn tại trong cuộc chiến tranh giữa chế độ Bashar al Assad và nhóm nổi dậy đang muốn hạ bệ ông ta.

02

Ðường Castello là con đường cuối cùng còn lại dẫn vào khu vực phía đông của thành phố nơi được kiểm soát bởi nhóm nổi dậy đã bị chiếm đóng từ Tháng 6 bởi lực lượng thân chính phủ với sự hậu thuẫn của không quân Nga, làm cho cuộc sống của khoảng 300,000 người dân còn đang sống ở đây thêm phần bi đát. Những cuộc viện trợ nhân đạo đã không thể tới và số người dân còn kẹt lại thì không thể thoát ra được. Lực lượng quân đối kháng phá vỡ được vòng vây vào đầu Tháng 8 nhưng kể từ đó những cuộc giao tranh chỉ thêm phần ác liệt. Tổ chức Liên Hiệp Quốc và những nhóm viện trợ cảnh báo rằng nếu không có một thỏa thuận ngưng bắn giữa các phe thì một thảm họa nhân đạo sẽ xảy ra.

Nếu một thảm họa như thế xảy ra, không ai gặp hiểm nguy hơn những trẻ thơ ở Aleppo, mấy năm qua đã không dám đến trường hay thậm chí không dám đến bệnh viện nếu như bị ốm vì cả hai nơi này bị cho là những nơi không an toàn, và các em thường trực lo sợ bị tấn công. Cuộc sống của các em hiện nay là làm sao để tồn tại chứ không chỉ để được sống.

Mideast Syria

VH