Menu Close

Trần Thiện Đạo: khi nghĩa tử không là nghĩa tận… – Kỳ 1

Về dịch phẩm “Những ruồi” của Phùng Thăng

Nhìn lại văn học Miền Nam, nhất là phần dịch thuật ta phải nhắc tới hai tên tuổi Phùng Khánh và Phùng Thăng với những dịch phẩm Câu Chuyện Dòng Sông, Sói Đồng Hoang, Những Ruồi… Riêng Những Ruồi bị học giả Trần Thiện Đạo trong nhóm trí thức Pháp ở Paris đánh tơi tả tổng cộng là ba lần: lần đầu năm 1967, lần thứ hai năm 2001 và gần nhất năm 2008. Kể cả sau khi Phùng Thăng và con gái nhỏ đã chết thảm khốc khi vượt biên bằng đường bộ qua Miên năm 1975. Trong lần cuối (?) vào năm 2008, Trần Thiện Đạo đã mượn tay nhà cầm quyền trong nước để đánh. Việc làm của Trần Thiện Đạo khiến nhà văn Trần Hoài Thư bất bình viết bài phản bác. Sau đây chúng tôi xin trích đăng bài viết của Trần Hoài Thư như một tài liệu thư tịch.

NGUYỄN & BẠN HỮU

 

Trần Thiện Đạo: khi nghĩa tử không là nghĩa tận…

Tháng 8 năm 1967, bản dịch vở kịch “Những Ruồi” của J.P. Sartre do Phùng Thăng dịch được Thanh Hiên xuất bản. Ðọc trên bìa ghi những tác phẩm sẽ xuất bản, chúng ta thấy Thanh Hiên là một nhà xuất bản chuyên trọng về lĩnh vực văn học và tư tưởng triết học. Các tác giả mà Thanh Hiên quảng cáo sắp in là Camus, J.P. Sartre, Nietzsche, Anderson, Tổ Quy Ngưỡng, Hermann Hesse, Sigmund Freud, Martin Heidegger, Chơn Hạnh, Phạm Công Thiện, Bửu Ðích, Tuệ Sỹ, Nguyễn Nguyên Phương. Riêng về tác phẩm Phùng Thăng sắp in ngoài bản dịch Thế Giới Thiền của Nancy Wilson Ross, Buồn Nôn của J. P. Sartre, Con sói miền hoang nguyên (sau này đổi thành Sói đồng hoang – dịch chung với Chơn Hạnh) của Hermann Hesse, “Thư cho Tiểu Phượng”, một tuyển tập bốn tác giả: Linh Thoại, Phùng Thăng, Nhất Kiếm, Thiên Tứ (Tiểu Phượng là tên con gái đầu lòng của Phùng Thăng) ta thấy bà còn có thêm 2 tác phẩm triết luận là Theo Dấu Tình Yêu và Chỉnh Lý Tư Tưởng Tây Phương… Ðiều này chứng tỏ ngoài khả năng dịch giả, bà còn là nhà tư tưởng triết học dù lúc ấy bà mới ngoài 20.

bia-nhung-ruoi-new

Sự xuất hiện của những cây bút đầy trí tuệ như Tuệ Sỹ, Phạm Công Thiện, Chơn Hạnh, Phùng Thăng, Bửu Ý, Nguyễn Nguyên Phương… khi tuổi trung bình của họ 23, 24 tuổi trên trang bìa của Thanh Hiên đã khiến người đọc có cái nhìn lạc quan về nền văn học nghệ thuật miền Nam đặc biệt trong bộ môn dịch thuật và tư tưởng triết học vào cuối thập niên năm 60.

Thanh Hiên và tác phẩm đầu tiên cảnh báo về một hiểm họa: Những Ruồi

Năm 1967, cường độ cuộc chiến khốc liệt hơn bao giờ.

Bấy giờ, quân đội đồng minh đã có mặt. Những trận đánh có tính cách quy mô và trận địa chiến. Sự thiệt hại về nhân mạng gia tăng theo tầm sát hại của những vũ khí tối tân hiện đại. Lính Bắc chết không thể mang xác về quê. Lính Nam tử trận cũng khó lấy xác ngay vì mặt trận vẫn còn tiếp diễn hàng tuần. Bọ giòi thì nhung nhúc, những bầy kên kên thì bay trên đầu, lẫn với lũ quạ kêu kháo nhau vang động cả rừng. Nhất là vào mùa hè, mùi thúi xác người bốc lan khắp cả khu vực đến lợm mửa.

Loài ruồi sản sinh rất nhanh. Cứ nhìn vào những đống giòi bọ lúc nhúc mới thấy sức sản sinh khủng khiếp của chúng. Có loại ruồi hai mắt đỏ máu, mình mẩy xanh kim loại, có khi màu vàng kim, có khi màu đen… Trên một thi thể có khi không thấy da thịt mà chỉ thấy cả một lớp ruồi nhặng bu đặc cứng… Thêm vào đó, chúng là loài vật có khả năng bay rất nhanh và xa. Có thể ngày hôm trước chúng rúc rỉa xác chết, thì ngày hôm sau chúng có mặt trên mâm cỗ, mâm thịt cá ê hề. Ai biết?

“- Anh hiểu chứ? Những con vật nhỏ ấy chết đi hằng triệu mỗi ngày. Nếu người ta thả lỏng qua thành phố tất cả những ruồi đã chết từ dạo hè năm ngoái, thì sẽ có đến ba trăm sáu mươi lăm con ruồi chết cho một người sống, đến xoay tròn chung quanh chúng ta. Gớm! Không khí sẽ ngọt những ruồi, người ta sẽ ăn ruồi, thở ruồi, chúng sẽ chảy xuống bằng những đợt lầy nhầy trong khí đạo và trong ruột chúng ta… Có lẽ vì thế mà tôi nghe trong phòng nầy thoang thoảng những mùi vị rất đặc biệt.” (Những Ruồi – trang 84)

Cảnh tượng những đàn ruồi của thành Argos trong thần thoại Hy Lạp xa xưa và cảnh tượng những đàn ruồi sản sinh từ cuộc chiến tranh khốc liệt tại miền Nam vẫn là một, chẳng khác.

Chỉ khác chăng là những đàn ruồi của thành Argos đã bị dẹp bởi Oreste. Còn ở miền Nam thì ngược lại, chiến tranh mỗi lúc một leo thang, ruồi càng lúc càng được mùa, càng béo bở.

Oreste vẫn ngủ yên, không thức dậy như Phùng Thăng mong mỏi:

Roquentin và Oreste là những nhân vật đang ngủ yên chờ giờ thức dậy nơi mỗi người trong chúng ta. (Phùng Thăng, giới thiệu bản dịch “Những Ruồi”, trang 4)

Phùng Thăng qua nét vẽ Đinh Cường
Phùng Thăng qua nét vẽ Đinh Cường

Khi “Những Ruồi” bị tập kích

Chỉ khoảng một tháng sau khi Những Ruồi được phát hành thì bị Trần Thiện Ðạo (TTÐ) dùng nguyệt san Văn để “phang” nặng nề qua bài viết Tìm hiểu vở kịch Les Mouches của Jean-Paul Sartre (nhân đọc bản dịch của Phùng Thăng). Bài đăng hai kỳ trên nguyệt san Văn tháng 11, tháng 12, dày tất cả khoảng 50 trang, khổ chữ nhỏ. Bài được người viết ghi là hoàn tất vào cuối tháng 9/1967.

Ðặc biệt, kỳ 2 ông dành trọn bài để “phang” Những Ruồi: Nào là “một cái kho chất chứa chật ních và đầy đủ hết mọi lỗi lầm trong phép dịch văn”, “bản dịch vừa phản vừa diệt”, “khinh thường độc giả và miệt thị giới phê bình tới độ ấy”, “dịch chữ không dịch tinh thần câu văn”, “cắt bỏ không dịch”, “cái giọng đặc Tây”, ngớ ngẩn”, “chối tai”, “một thứ giấy khống chỉ…”, “cẩu thả”, “sai bét”, “ngờ vực cái vốn liếng Pháp Ngữ”, “không giữ tánh cách Việt Nam”, “vô nghĩa”, “thiếu nghĩa”, “tối nghĩa”, “lòng thòng”, “dịch ẩu”, “dịch càn”, “sai cả mẹo luật tiếng Việt Nam”, “lối dịch đầu-gà-đít-vịt”, “chưa lãnh hội thấu đáo mẹo luật Pháp” v.v… Ông xả tiểu liên trung liên AK, M16, B40. Ông tấn công đủ mặt, từ trang đầu đến trang cuối… Vây chặt, càng vây càng pháo…

Có điều ngạc nhiên là chẳng thấy một nhà trí thức, nhà văn, nhà thơ hay phê bình nào thời ấy động lòng trắc ẩn lên tiếng bênh vực Phùng Thăng!

Rồi sau năm 1975, cứ ngỡ rằng chuyện cũ đã qua, hai cuốn Văn phát hành vào cuối năm 1967 nằm dưới huyệt mồ, Những Ruồi cũng nằm rã xác cùng tro bụi trong huyệt mồ vĩ đại phần thư của Tần Thủy Hoàng tái sinh.  Cứ ngỡ rằng cái chết thảm khốc của chủ của nó cùng với con gái, búa hay cuốc báng vào sọ, như chứng từ của những người dân Miên về tội ác khủng khiếp của bọn quỷ Pol Pot trong tòa án tội phạm chiến tranh đã xem như đi vào cõi lãng quên… Cứ ngỡ rằng Phùng Thăng đã chọn được thiên đàng trong địa ngục. Cứ ngỡ rằng bé Tiểu Phượng cũng đã chọn được một vòng tay của mẹ ôm chặt không rời trước khi bé hét mẹ ơi… Cứ ngỡ Phùng Thăng đã tha thứ kẻ phỉ nhổ mình vì Phùng Thăng là mẹ, một mẹ Phùng Thăng như Bùi Giáng đã hết lòng tôn kính, thay vì cầm cuống hoa huệ hoa sen để bay lên trời, để tiêu diêu miền cực lạc, lại ôm chặt lấy con sợ con phải bơ vơ làm ma trẻ lạc loài, để đứng trên bờ biển Ðông mà chịu tội thế cho cả miền Nam lao vào cơn đại hồng thủy. Cứ ngỡ những gì quá sức thảm khốc mà Phùng Thăng đã trả cho một kiếp làm người VN cũng đã đánh động một chút lương tri của những kẻ từng phê phán bà hầu hương hồn bà được thảnh thơi siêu thoát, nếu chúng ta tin có một cõi gì khác bên kia thế giới…

Vậy mà ông TTÐ chẳng chịu buông tha.  Năm 2001, ông là kẻ đào huyệt, khai quật để bới đào cuốn Những Ruồi mà năm 1967 ông đã phang tơi tả thậm tệ trên tạp chí Văn. Ông sửa chữa lại chút đỉnh rồi bỏ vào tác phẩm “Từ Chủ Nghĩa Hiện Sinh Tới Thuyết Cấu Trúc” dưới tựa: “Ðọc bản dịch Những Ruồi của Phùng Thăng” và giao cho nhà xuất bản Văn Học ở Hà Nội xuất bản và phát hành. Bảy năm sau ông lại giao cho nhà xuất bản Trí Thức tái bản lần nữa. Sách của ông được bày trong tủ sách gia đình, được dùng làm tài liệu tham khảo cho các vị làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ về chủ thuyết hiện sinh. (**)

Và đây là lý do chính để tôi viết bài này. Tôi không thể để ông TTÐ tiếp tục đánh thêm Phùng Thăng khi bà đã chết. Dù tôi nghĩ rằng rồi cũng có ngày ông TTÐ sẽ có dịp gặp Phùng Thăng và sẽ trả lời với Phùng Thăng ở bên kia thế giới!

(còn tiếp)

THT