Menu Close

Bộ Trưởng Giáo Dục John B. King, Jr.

Ở độ tuổi 40, Tiến Sĩ John B. King, Jr. nằm trong số những Bộ Trưởng Hoa Kỳ trẻ nhất cho đến nay, sau khi được Tổng Thống Obama chỉ định và Thượng Viện biểu quyết để chính thức trở thành Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ từ Tháng Ba năm nay. Mồ côi mẹ năm lên 8 và mất cha khi tròn 12 tuổi, sự mất mát quá lớn để cho bất cứ một trẻ em nào có thể trưởng thành một cách bình thường như các trẻ em khác. Nhưng TS King đã vượt lên được số phận để đạt đến chức vụ hôm nay. Có dăm điểm tương đồng với Tổng Thống Obama về gia cảnh và tinh thần dấn thân phục vụ ngay từ trẻ, con đường để một cậu bé mồ côi da màu trở thành một nhà giáo dục rồi Bộ Trưởng xem ra đầy thách đố. Nhân mùa tựu trường vừa bắt đầu, chuyên mục xin giới thiệu đến các bạn đôi nét về vị tân Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục trẻ tuổi và tài năng của Hoa Kỳ.

john-b-king-jr3

Sự nghiệp giáo dục của TS King được thừa hưởng sâu đậm từ cha mẹ ông, khi cả hai người đều là những người hoạt động trong lãnh vực giáo dục. Ông sinh năm 1975 tại New York, mẹ là một cô giáo và cha là một hiệu trưởng da đen đầu tiên tại Brooklyn, New York. Cha mẹ ông gặp nhau khi bà theo học cao học, về sau là một tiến sĩ giáo dục và cha ông từng là giáo sư của bà. Giá như câu chuyện chỉ kết thúc ở đó và cuộc sống của TS King vẫn êm ả trong một gia đình mô phạm, rồi trưởng thành, tiếp tục nối nghiệp cha mẹ trên con đường giáo dục thì có lẽ nó cũng là khuôn mẫu và sự định đoạt thông thường. Nhưng năm lên lớp bốn, mẹ ông bị đột tử sau một cơn đau tim và bốn năm sau, cha ông cũng qua đời sau những năm bạo bịnh. Cuộc đời của TS King đã có thể chuyển sang những hướng đi khác hơn so với những gì ông đã vươn đến hôm nay.

john-b-king-jr2
John B. King Jr. thăm một nhà giữ trẻ – nguồn northcentralnews.ne

Khó có thể tưởng tượng về sự suy sụp tinh thần và sự khủng hoảng đời sống của một đứa bé chỉ 12 tuổi lại mồ côi cả cha và mẹ như thế nào. Ông bắt đầu đời sống mới khi sống qua lại với những người thân trong gia đình. Nhưng quan trọng hơn, theo như các cuộc trả lời phỏng vấn, ông ghi ơn rất nhiều những thầy cô giáo và trường học, những người đã giúp ông lấy lại thăng bằng trong việc học và đời sống, đem lại cho ông niềm hy vọng vào tương lai của mình. Ông kể rằng các thầy cô đã cứu lấy đời sống ông, cho ông tất cả những gì ông đang có và làm hiện nay. Từ chính sự cưu mang đó cùng dòng máu giáo dục của gia đình, ông quyết định đi theo con đường giáo dục. Lên bậc trung học, ông bắt đầu tham gia các hoạt động công ích xã hội và thiện nguyện. Nhờ những trải nghiệm sống thực và nhiệt tâm này, khi đưa vào luận văn đại học của mình, ông được ÐH Harvard chấp nhận cho theo học khoa Chính Trị Học. Năm 1995, ông nhận được học bổng Truman, một trong những học bổng danh giá nhất nước Mỹ do Quốc Hội sáng lập nhằm giúp đỡ những người có tiềm năng trở thành giới chức lãnh đạo quốc gia trong tương lai. Trên thực tế, hàng trăm các viên chức cao cấp của chính phủ như bộ trưởng, ngoại trưởng, thống đốc… đã từng xuất thân nhờ học bổng này. Tốt nghiệp Cử Nhân, ông xin thực tập tại Bộ Giáo Dục, rồi dạy học và tiếp tục theo chương trình Cao Học Sư Phạm tại ÐH Columbia. Dạy học và hoạt động trong lãnh vực giáo dục thêm ba năm, ông quay lại đại học để theo học 2 bằng tiến sĩ cùng lúc, tốt nghiệp đồng thời tiến sĩ Luật tại ÐH Yale và tiến sĩ Giáo Dục tại ÐH Columbia, đều là những đại học danh tiếng trong hệ thống Ivy League.

Dạy học, lập trường học, biên soạn giáo trình và soạn luật về giáo dục rồi trở thành một giám đốc điều hành của tổ chức giáo dục phi lợi nhuận Uncommon Schools quản trị một số trường công lập tại các tiểu bang New York, New Jersey và Massachusetts, TS King hoạt động liên tục trong lãnh vực giáo dục từ sau khi tốt nghiệp. Năm 2009, TS King được bầu làm Thứ Trưởng  rồi trở thành Bộ Trưởng Giáo Dục của tiểu bang New York vào năm 2011, trở thành một trong những nhà lãnh đạo giáo dục trẻ nhất nước Mỹ lúc bấy giờ, cũng như người gốc Châu Phi đầu tiên nắm giữ công việc điều hành hệ thống giáo dục tại New York với khoảng hơn ba triệu sinh viên học sinh. Bên cạnh các thay đổi và đóng góp vào hệ thống giáo dục tại New York, TS King chú trọng về các chương trình  tiền giáo dục cho trẻ em từ vỡ lòng cùng giai đoạn chuyển tiếp của các học sinh lên bậc đại học, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa bậc học phổ thông lên đại học. Với các nỗ lực và hoạt động của mình, năm 2011, Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục tiền nhiệm là Arne Duncan đã mời TS King tham gia Bộ Giáo Dục trong vai trò cố vấn và liên lạc giữa Bộ Giáo Dục cùng TT Obama và các cơ quan liên bang khác. Trở thành Thứ Trưởng hồi năm trước, TS King là một trong những nhà giáo dục tài năng và nhiều kinh nghiệm, từ việc dạy học, làm hiệu trưởng, soạn thảo học trình và chính sách, điều hành các tổ chức và hệ thống giáo dục, nên khi Bộ Trưởng Duncan thông báo từ chức, TS King là người mà Tổng Thống Obama đã nghĩ đến và chọn làm người kế nhiệm. TT Obama gọi TS King là một nhà giáo dục tài năng xuất chúng, có đủ khả năng và tư cách để lãnh đạo hệ thống giáo dục Hoa Kỳ.

john-b-king-jr1
John B. King Jr. đọc sách cho một nhóm trẻ em – nguồn 2.ed.gov

TS King là người chủ trương một chương trình giáo dục toàn diện cho học sinh, bởi theo ông, có quá nhiều phụ huynh chỉ chú trọng  đến các việc học và các môn học chính yếu như toán, đọc, khoa học vì các chương trình thi cử. Ðeo đuổi cùng chính sách giáo dục với TT Obama và bộ trưởng tiền nhiệm, ông cho rằng có nhiều Nha Học Chánh và trường học cùng thầy cô, phụ huynh bị áp lực về các kết quả thi cử, nên đã không còn đủ thời gian và sức lực cho một chương trình giáo dục toàn diện cho học sinh. Trong khi các cuộc thi là cần thiết để đánh giá khả năng và có những biện pháp thích hợp nhằm theo dõi và giúp đỡ học sinh có đủ một nền tảng cần thiết cho các bậc học cao hơn hay khi vào đại học, nhưng việc thi cử quá nhiều, trùng lắp và bị đặt nặng sẽ trở nên phản tác dụng. Ý ông muốn nhấn mạnh đến các chương trình về lịch sử, ngôn ngữ, xã hội, âm nhạc, nghệ thuật… mà một học sinh cũng cần được trang bị trong hành trang vào đời của mình. Chúng giúp cho các em nối kết giữa việc học và đời sống với một ý thức khai phá, sáng tạo và đam mê hơn, cũng như giúp các em trở thành những người có những tâm thức và trí tuệ tinh tế, bén nhạy hơn.

Vì thay thế cho Bộ Trưởng Duncan từ chức, TS King sẽ giữ chức Bộ Trưởng tạm quyền cho đến khi nội các của tổng thống mới được thành lập vào năm tới, sau khi có kết quả bầu cử  chung cuộc vào cuối năm nay. Việc ông có tiếp tục giữ chức Bộ Trưởng là câu chuyện của tương lai, vì với khả năng và tâm huyết của một nhà giáo dục tài năng còn khá trẻ, ông sẽ còn đóng góp nhiều vào nền giáo dục Hoa Kỳ dù ở bất cứ cương vị nào. Ở đây, câu chuyện về John B. King, Jr. không chỉ là câu chuyện về một gương thành công từ nghị lực vươn lên của một cậu bé mồ côi da màu trên đất nước rộng mở cơ hội này, mà nó còn là niềm cảm hứng và sự nhắc nhở đến mỗi thầy cô giáo, các trường học rằng, sự quan tâm và giúp đỡ trong thiên chức của mình có thể làm thay đổi một số phận một con người. Như những người thầy của TS King đã làm với ông. Và thay đổi những thế hệ tiếp nối, từ những học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường hôm nay.

john-b-king-jr
Bộ Trưởng Giáo Dục Arne Duncan từ chức và Tổng Thống Obama bổ nhiệm John King Jr. làm Bộ Trưởng tạm quyền – nguồn www.slate.com

DYT